Thị trường ngô tiếp tục suy yếu nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay. Kể từ đầu tuần đến nay, giá ngô mặc dù trải qua 4 phiên giảm liên tiếp nhưng diễn biến giằng co vẫn bao trùm, với các mức giảm không đáng kể sau mỗi phiên. Do triển vọng nguồn cung ở Brazil và Mỹ đang thiếu rõ ràng nên thị trường vẫn đang chờ đợi thêm các thông tin mới.
Kết thúc cuộc khảo sát mùa vụ lần thứ ba, công ty tư vấn Datagro dự báo sản lượng ngô vụ 2 tại Brazil có thể lên tới 102.61 triệu tấn, tăng 7.5% so với niên vụ trước. Theo Datagro, tổng diện tích canh tác hai vụ ngô trong năm nay của Brazil đạt 23.58 triệu héc-ta, tăng 2.5% so với niên vụ trước. Tổng sản lượng dự kiến đạt 129.4 triệu tấn, tăng 7,2% so với vụ thu hoạch kỷ lục năm ngoái. Hiện tại, hầu như ngô vụ 2 đã hoàn thành giai đoạn gieo trồng với tốc độ khá tốt. Dự báo thời tiết cho thấy trong tuần tới, mô hình mưa lớn sẽ xuất hiện tại miền nam Brazil và sẽ là tín hiệu tốt cho ngô tại bang Parana. Sản lượng dự báo đạt mức kỉ lục vùng với thỏa thuận thương mại đã ký với tủng Quốc vào cuối năm ngoái có thể sẽ giúp Brazil vượt Mỹ và trở thành quốc gia xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới. Nếu như mùa vụ ở Brazil diễn ra thuận lợi thì đây sẽ là yếu tố “bearish” mạnh đối với giá ngô trong dài hạn.
Phiên giao dịch hôm nay sẽ là phiên cuối tuần trước khi thị trường đóng cửa nghỉ lễ ngày Thứ Sáu tốt lành. Tuần sau, báo cóa Cung – cầu tháng 4 sẽ được phát hành vào tối thứ 3 nên khả năng thị trường ngô sẽ trải qua biến động mạnh mẽ hơn trong vài phiên tới. Trong các báo cáo của EIA hàng tuần gần đây, sản lượng ethanol hàng tuần vẫn duy trì ở trên 1 triệu thùng/ngày trong khi tồn kho có xu hướng sụt giảm. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu thụ ethanol tại Mỹ đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các đơn hàng lớn xuất hiện liên tục cũng là dấu hiệu cho thấy xuất khẩu có thể gia tăng trong thời gian tới. Triển vọng cung cầu tại Mỹ đang là yếu tố hỗ trợ hạn chế đà giảm của giá ngô.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau dữ liệu ICO, giá cà phê khả năng cao duy trì đà tăng
Kết thúc phiên giao dịch 05/04, hai mặt hàng cà phê đồng loạt bật tăng mạnh trước lo ngại về thiêu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Arabica tăng mạnh hơn 3% khi tồn kho đạt chuẩn trên ICE về mức thấp nhất trong 4 tháng cũng như xuất khẩu giảm mạnh tại các nước cung ứng hàng đầu. Cùng với đó, giá Robusta tiếp tục phiên tăng thứ 3 liên tiếp với hơn 2% trong phiên hôm qua.
Sau nhiều ngày thị trường chịu tác động từ triển vọng nguồn cung tích cực của Brazil, dự báo mới đây về cung cầu cà phê toàn cầu của Tổ chức cà phê thế giới (ICO) đã làm cục diện này thay đổi xoay chiều. Theo đó, ước tính mới của ICO đã tăng cả sản lượng và tiêu thụ cà phê thế giới lên 1.7% so với niên vụ 2021/22, tuy vậy cán cân cung – cầu toàn cầu tiếp tục thâm hụt mạnh hơn với 7,266 bao so với mức thâm hụt 7,120 bao của niên vụ trước. Cùng với đó, sản lượng Robusta dù hồi phục so với niên vụ trước những vẫn ở mức thấp so với các năm cùng chu kỳ 2 năm được mùa một lần tại Brazil. Nguyên nhân do sản lượng tại quốc gia cung ứng lớn nhất thế giới chưa phục hồi hoàn toàn sau 2 năm sụt giảm mạnh do thời tiết.
Cũng theo báo cáo này, lũy kế xuất khẩu cà phê toàn cầu từ đầu năm đến nay đang trong tình trạng sụt giảm với 11% so với cùng kỳ niên vụ trước khi chỉ đạt 19.5 triệu bao Arabica so với mức 33.1 triệu bao trước đó. Không chỉ vậy, tồn kho cà phê cũng đang trong xu hướng đi xuống với khối lượng đạt chuẩn trên ICE lui về mức thấp nhất từ giữa tháng 12/2022, còn lưu trữ tại thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu là Châu Âu cán mốc thấp nhất trong 4 năm.
Tình trạng nguồn cung thiếu hụt ở hiện tại tạo điều kiện thuận lợi để làm giá cho nông dân những cũng là sức ép đối với các nhà nhập khẩu. Đây có thể vẫn là điều kiện hỗ trợ giá giao dịch trên thị trường trong thời gian ngắn.
Giá dầu có thể tiếp tục đi ngang khi lo ngại tăng trưởng bù đắp sự sụt giảm nguồn cung
Lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ đang hạn chế đà tăng của giá dầu trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt. Các dữ liệu về lao động trong tuần này tại Mỹ đang tương đối tiêu cực, nhất là khi thông tin này đến sau thời điểm rủi ro trên thị trường tài chính gia tăng, sẽ càng đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư.
Thay đổi việc làm phi nông nghiệp theo báo cáo của ADP giảm mạnh 55.000 xuống mức 145.000 trong tháng 3, thấp hơn kỳ vọng ở mức 200,000, có thể sẽ là chỉ báo cho sớm cho dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào cuối tuần này. Thị trường lao động hạ nhiệt sẽ là bằng chứng cho những tác động từ việc thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và làm gia tăng sự đặt cược vào nguy thoái kinh tế. Điều đó sẽ gây áp lực đối với giá dầu.
Tuy nhiên, với việc OPEC+ hướng tới cắt giảm sản lượng, trong khi nhu cầu tại châu Á vẫn đang trên đà tương đối tích cực, sẽ khiến giá dầu giằng co ở vùng giá 80 – 81 USD/thùng phiên hôm nay. Nhập khẩu dầu thô của châu Á duy trì ở mức tương đối mạnh trong tháng 3, với tổng lượng dầu thô nhập khẩu theo ước tính từ Reuters là 116.73 triệu tấn, tương đương 27.60 triệu thùng/ngày.
Con số này tăng gần 4% so với 112.32 triệu tấn của tháng 2, nhưng giảm 6.1% tính theo ngày so với 29.4 triệu thùng/ngày của tháng 2 và cũng thấp hơn 29,13 triệu thùng/ngày của tháng 1.
Những tác động trái chiều nhiều khả năng khiến cho giá dầu duy trì xu hướng đi ngang trong phiên hôm nay.
Giá đồng hôm nay có thể trở lại vùng lình xình 4.02 – 4.12 USD/pound của tuần trước
Lo ngại nguồn cung thu hẹp tại Chile tiếp thục thúc đẩy sức mua trên thị trường đồng trong phiên giao dịch sáng 06/04. Ngân hàng Trung ương Chile mới đây cũng đã nâng dự báo giá đồng cho năm 2023, kỳ vọng giá trung bình là 3.85 USD/pound vào năm 2023, so với dự báo trước đó là 3.55 USD.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi vào quý I năm 2023 và giá nhà mới dần ổn định cũng là dấu hiệu tích cực thúc đẩy lực mua đồng. Theo dữ liệu từ Central Index Institute, giá nhà mới trong quý I năm nay tăng 0.02% so với quý trước, số thành phố ghi nhận giá nhà giảm tiếp tục ít đi trong tháng Ba. Trong quý đầu tiên của năm nay, chính quyền địa phương đã nỗ lực mở rộng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho bất động sản phục hồi, bao gồm tối ưu hóa chính sách cho vay quỹ tiết kiệm, nối lỏng hạn chế mua bán, tăng trợ cấp mua nhà và giảm lãi suất thế chấp.
Tuy nhiên, thị trường đồng có thể tiếp tục phải chịu áp lực trước sức ép vĩ mô tiêu cực khi loạt dữ liệu kinh tế yếu kém của Mỹ làm tăng thêm lo ngại về suy thoái kinh tế. Hôm qua dữ liệu Thay đổi việc làm phi nông nghiệp của ADP giảm mạnh 116,000 có thể báo trước cho việc dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu cũng ở vùng tiêu cực.
Hơn nữa, tối nay dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu được Mỹ công bố cũng được dự báo tăng lên. Do đó, dấu hiệu thị trường lao động hạ nhiệt có thể tiếp tục làm gia tăng thêm lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế và làm cản trở đà tăng của giá đồng trong phiên.