Giá ngô mở cửa phiên giao dịch sáng nay đã tiếp tục đà giảm và đang hướng xuống vùng hỗ trợ 645. Trong vài phiên gần đây, thị trường vẫn chỉ diễn biến khá giằng co do triển vọng cung cầu vẫn đang trái chiều nhau. Tuy nhiên, càng về cuối tuần và gần với phiên phát hành báo cáo Cung – cầu, giá có thể sẽ phản ánh nhiều hơn với các số liệu dự đoán, cụ thể là kỳ vọng về khả năng USDA sẽ cắt giảm dự báo sản lượng ngô của Nam Mỹ. Hiện tại, thị trường ngô không xuất hiện thêm thông tin nào đủ mạnh để khiến giá giảm sâu. Lực bán sáng nay đối với mặt hàng này chủ yếu đến từ diễn biến chung của nhóm nông sản. Chính vì thế nên trong phiên hôm nay, chúng tôi cho rằng, giá ngô có khả năng sẽ được hỗ trợ và hồi phục trở lại.
Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), trong tuần đầu tiên của tháng 01 trung bình mỗi ngày Brazil xuất khẩu 375,300 tấn ngô, cao hơn gần 3 lần so với mức 130,100 tấn/ngày được ghi nhận trong 01/2021. Đây là kết quả của việc Brazil đã có một vụ ngô bội thu trong năm vừa rồi, đồng thời ngô của Brazil cũng đón nhận nhu cầu tích cực trên thế giới trong bối cảnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu ngô của Ukraine tiếp tục bị cản trở do chiến tranh. Ngoài ra, việc Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu ngô Brazil cũng góp phần làm tăng xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này. Cạnh tranh từ nguồn cung ở Brazil sẽ gây sức ép lên giá ngô CBOT, tuy nhiên với bối cảnh tồn kho của Mỹ vẫn đang thắt chặt thì giá sẽ khó có thể giảm sâu dưới vùng 640. Bất chấp tình hình xuất khẩu kém khả quan trong vài tuần gần đây, tồn kho ngô của Mỹ tính đến hết ngày 1/12 được dự đoán vẫn sẽ thấp hơn so với cùng kì năm 2021. Không những thế, với kịch bản USDA cắt giảm mạnh tay dự báo sản lượng ngô niên vụ 22/23 của Argentina do hạn hán vẫn đang gây ra thiệt hại đối với cây trồng, tác động “bullish” đối với mặt hàng này càng mạnh hơn nữa.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá Robusta trong phiên hôm nay khả năng cao sẽ đi theo hướng giằng co
Các thông tin cơ bản đối với Robusta đang diễn biến khá phức tạp. Một mặt giá có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi việc tồn kho đạt chuẩn Robusta trên Sở ICE London đang ở mức thấp trong hơn 4 năm qua.
Mặt khác, số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 12 cũng như năm 2022 của Việt Nam có thể sẽ là yếu tố gây sức ép khiến giá khó lòng khởi sắc tiếp. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 12 của Việt Nam đạt 197,077 tấn, tăng 53.5% so với tháng trước và hơn 16% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, lũy kế năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được 1.78 triệu tấn cà phê, tăng 13.8% so với năm 2021, với tổng kim ngạch đạt trên 4 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra ban đầu.
Giá đồng nhiều khả năng giảm do áp lực từ yếu tố vĩ mô và triển vọng tiêu thụ suy yếu
Phiên giao dịch sáng ngày 10/01, giá đồng đảo chiều giảm sau khi tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng vào phiên hôm qua. Dự báo giá đồng sẽ tiếp tục gặp áp lực trong cả phiên hôm nay do lo ngại nền kinh tế suy yếu và mức tiêu thụ yếu. Đồng thời yếu tố kĩ thuật cũng tác động giá giảm do lực bán chốt lời ở ngưỡng 4 USD.
Triển vọng tiêu thụ phục hồi sau khi nước tiêu thụ đồng hàng đầu là Trung Quốc mở cửa trở lại, đồng thời, triển vọng lãi suất tăng chậm lại khiến đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá đồng tăng mạnh vượt ngưỡng 4 USD/pound trong phiên trước. Tuy nhiên hôm nay các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn cho thấy lập trường diều hâu. Theo Reuters, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bang Atlanta vẫn ủng hộ tăng lãi suất cao trong thời gian tới, ông phát biểu rằng để kiểm soát lạm phát thì Fed cần đảm bảo tăng lãi suất lên mức 5% - 5.25% sau đó giữ nguyên trong một thời gian dài. Điều này làm dấy lên lo ngại nền kinh tế suy yếu và khiến cho đồng USD tăng trở lại, gây áp lực tới chi phí nắm giữ đồng, thúc đẩy lực bán tăng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp này dự kiến cũng sẽ chậm lại do Trung Quốc sắp bước vào kỳ nghỉ kéo dài một tuần lễ để đón Tết Nguyên đán từ ngày 23/01 – 27/01 tới đây. Do vậy, trước triển vọng tiêu thụ đồng suy yếu trong ngắn hạn, giá nhiều khả năng sẽ giảm trong phiên hôm nay.
Giá dầu có thể nối dài đà tăng khi báo cáo của EIA ghi nhận triển vọng tiêu thụ tích cực
Giá dầu giảm trở lại trong sáng nay sau khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra một vài phát biểu mang tính “diều hâu” đối với thị trường. Cụ thể, Raphael Bostic, chủ tịch Fed Atlanta cho biết Fed sẽ tiếp tục giải quyết áp lực lạm phát và có thể đưa lãi suất lên mức 5% - 5,25%.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng sẽ cân nhắc tới việc giảm tốc độ tăng lãi suất còn 25 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối tháng này, nếu số liệu lạm phát được công bố trong tuần này tiếp tục hạ nhiệt. Trên cơ sở đó, đồng USD sẽ suy yếu và hỗ trợ cho giá dầu.
Sự hồi phục của Trung Quốc hiện cũng là một chất xúc tác đối với thị trường dầu. Theo Bloomberg, nhà nhập khẩu số một thế giới đang tiếp tục đẩy mạnh mua dầu của Nga. Nhập khẩu tăng sẽ hỗ trợ cho các hoạt động lọc dầu trong nước của Trung Quốc, và đây có thể là tín hiệu sớm cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sẽ khôi phục trong thời gian tới.
Trong tuần này thị trường dầu mỏ sẽ chứng kiến nhiều biến động khi các quỹ đầu tư cơ cấu lại danh mục trong các chỉ số hàng hóa lớn trên thế giới. Bloomberg dự báo, sẽ có sự khác biệt giữa dòng vốn vào thị trường dầu Brent và thị trường dầu WTI. Trong hôm nay, báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố, và các nội dung của báo cáo này có thể là một chất xúc tác lớn với thị trường dầu.
EIA nhiều khả năng cũng sẽ cải thiện quan điểm trong báo cáo theo hướng tích cực hơn, nhờ vào việc mở cửa của Trung Quốc. Những rủi ro về nguồn cung như OPEC và Nga vẫn còn, tuy nhiên kỳ vọng tích cực nhiều khả năng sẽ thúc đẩy giá dầu tăng.