Trái ngược với diễn biến phiên hôm qua, ngô mở cửa sáng nay đang là mặt hàng nông sản duy nhất tăng giá. Mặc dù nguồn cung sẵn có tại Brazil đang dần thắt chặt, đặc biệt là sau giai đoạn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến trong vài tháng vừa qua, nhưng nhu cầu đối với ngô Mỹ gần đây vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Nhìn chung, triển vọng cung cầu ngô đang trái chiều nhau và ở vùng giá sát với hỗ trợ tâm lí 600 này, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ giằng co do lo ngại về nguồn cung vẫn đang đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ cho giá.
Trong báo cáo Export Sales tối qua, bán hàng ngô trong tuần của Mỹ chỉ đạt gần 600,000 tấn, nằm trong khoảng dưới của dự đoán. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ không đạt được phần lớn kỳ vọng của thị trường. Nếu tính hình này tiếp tục kéo dài đến giai đoạn thu hoạch cao điểm vụ 2 của Brazil thì ngô CBOT sẽ nhận áp lực cạnh tranh lớn hơn nhiều so với giai đoạn hiện tại.
Ở chiều ngược lại, Sở giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết việc thiếu mưa trầm trọng ở Argentina đang tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của ngô trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Hiện sản lượng đang được dự báo ở mức 41 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu là 50 triệu tấn. Họ cho biết có thể sẽ phải cắt giảm dự báo ngô nếu các kiểu thời tiết không được cải thiện. Khoảng 6% ngô niên vụ 2022/23 của Argentina đang được đánh giá đạt chất lượng tốt và tuyệt vời, giảm 3% so với tuần trước và thấp hơn mức 21% trung bình năm ngoái. Đây cũng là mức đánh giá thấp nhất trong cả niên vụ. Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ sẽ ở mức trên trung bình trong 7 ngày tới với lượng mưa không đều và khan hiếm trên các vùng nông nghiệp chính của Argentina, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán. Bên cạnh đó, nhiệt độ thấp và sương giá cũng có thể xảy ra. Điều này dẫn tới việc chất lượng cây trồng thậm chí có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới và là căn cứ để USDA có khả năng sẽ cắt giảm dự báo sản lượng của Argentina một lần nữa trong báo cáo Cung – cầu tháng 3.
Giá dầu có thể dao động với biên độ hẹp khi chờ đợi thêm thông tin cơ bản bứt phá
Động lực tăng của giá dầu nhiều khả năng sẽ có xu hướng chậm lại khi giá tăng trong phiên hôm qua nhưng khối lượng giao dịch giảm. Các thông tin trên thị trường khá trung hoà, nên giá dầu có thể sẽ duy trì đà phục hồi nhưng biên độ dao động sẽ tương đối hẹp trong phiên hôm nay.
Yếu tố thúc đẩy chính cho giá dầu vẫn là tiềm năng phục hồi kinh tế và sức tiêu thụ tại Trung Quốc. Các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự đoán Chính phủ quốc gia này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn 5% khi công bố các mục tiêu kinh tế trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào cuối tuần này. Một số nhà phân tích kỳ vọng mục tiêu sẽ ở khoảng 5.5% trở lên, cho thấy góc nhìn tích cực.
Các công ty tư vấn theo dõi tàu chở dầu Vortexa và Kpler ước tính gần 43 triệu thùng dầu thô của Nga, bao gồm ít nhất 20 triệu thùng ESPO Blend và 11 triệu thùng Urals, sẽ đến Trung Quốc vào tháng 3. Con số này có thể sẽ đánh bại kỷ lục trước đó ở mức 42,48 triệu thùng vào tháng 6/2020.
Trong khi xu hướng phục hồi tại châu Á rõ rệt thì bài toán kiểm soát lạm phát đang đè nặng tới nền kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ. Thị trường dự đoán lãi suất đỉnh của EU có thể lên mức 4%, trong khi tại Mỹ, đã có xác suất cho mức đỉnh lãi suất lên tới 5.5 -5.75%. Đây vẫn sẽ là yếu tố cản trở đà phục hồi của giá dầu.
Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều khiến giá cà phê khả năng cao tiếp tục giằng co
Kết thúc phiên giao dịch 02/03, hai mặt hàng cà phê tiếp tục diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica giảm phiên thứ 5 liên tiếp do Dollar Index hồi phục, Robusta ghi nhận phiên tăng thứ 3 dù mức tăng khá khiêm tốn, chỉ 0.14%.
Những thông tin cơ bản trên thị trường vẫn đang tiếp diễn theo xu hướng trước đó. Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung chưa thực sự tan biến khi tồn kho Arabica trên Sở ICE New York vẫn đang nối tiếp đà giảm về 786,721 bao, thấp nhất trong hơn 2 tháng, kết hợp với số liệu xuất khẩu giảm mạnh tại Brazil. Cần chú ý thêm khi hiện tại đang là thời điểm gần đến vụ thu hoạch mới của Brazil nên lượng tồn kho hiện tại ở mức khá thấp, khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Bù đắp vào sự thiếu hụt nguồn cung khi các quốc gia Nam Mỹ như Brazil và Colombia hạn chế bán hàng là việc đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường của các quốc gia Trung Mỹ và điểm hình trong đó là Honduras. Xuất khẩu tăng mạnh 32% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu tăng đột biến của quốc gia này đang là 1 yếu tố gây áp lực lên giá và có thể kéo dài trong thời gian tới khi khung thời gian từ nay đến hết tháng 6 là chu kỳ đẩy mạnh xuất khẩu của quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất Trung Mỹ.
Giá đồng có thể có nhịp tăng nhẹ trước thềm cuộc họp Quốc hội quan trọng của Trung Quốc
Đồng USD suy yếu đã giúp đồng đón nhận lực mua tích cực trong phiên sáng cuối tuần ngày 03/03. Chỉ số Dollar Index sáng nay quay về mức 104.77 điểm, đồng USD yếu hơn giúp chi phí mua bớt đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài.
Về mặt vĩ mô, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao trong cuộc họp tháng 03 sắp tới đã giảm bớt sau khi Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cho biết ông ủng hộ việc Fed tăng lãi suất “chậm và ổn định” để hạn chế rủi ro cho nền kinh tế, ông rất kiên quyết ủng hộ mức tăng thêm 1/4 điểm. Điều này có thể khiến đồng USD suy yếu và củng cố lực mua đồng trong phiên do chi phí mua bớt đắt đỏ hơn.
Ngoài ra, tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của toàn khối EU tăng 8.5% trong tháng 2 so với cùng kì năm trước, mặc dù tăng chậm lại so với tháng trước ở mức 8.6% tuy nhiên vẫn tăng nhanh hơn so với kỳ vọng của thị trường ở mức 8.2%. Lạm phát cốt lõi cũng tăng lên mức 5.6% trong tháng 2, từ mức 5.3% trong tháng 1. Điều này thúc đẩy lập luận rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể giữ lập trường diều hâu của mình lâu hơn và thúc đẩy đồng Euro tăng. Từ đó kìm hãm đà tăng của đồng USD và hỗ trợ cho lực mua đồng trong phiên.
Tại Trung Quốc, lĩnh vực bất động sản tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc khi doanh số bán nhà mới ở Vũ Hán, một trung tâm kinh tế lớn ở miền Trung Trung Quốc, bán được 12,421 căn trong tháng 02, mức cao nhất trong vòng 17 năm trở lại đây. Tồn kho đồng tại các thị trường lớn của Trung Quốc sụt giảm trong tuần này, ghi nhận ở mức 309,000 tấn, giảm 16,300 tấn so với thứ Hai và giảm 16,300 tấn so với thứ Sáu tuần trước. Theo thống kê, tổng lượng hàng tồn kho đã tăng thêm 112,500 tấn so với mức trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và lần đầu tiên giảm kể từ cuối tháng 12/2022. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ đồng đang có dấu hiệu phục hồi và thúc đẩy triển vọng tiêu thụ sẽ tăng trong mùa cao điểm tháng 03, đặc biệt là Trung Quốc dự kiến sẽ có thêm nhiều chính sách kích thích kinh tế mới trong Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc hàng năm được khai mạc vào cuối tuần này.