Mở cửa phiên giao dịch ngày 07/02, giá ngô chỉ giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu. Thị trường vẫn biến động đi ngang trong vùng giá cao, tương đương với cùng kì năm ngoái. Kể từ cuối năm ngoái, giá ngô ổn định hơn nhưng đang tiến sát dần lên vùng kháng cự tâm lí 700. Báo cáo Cung cầu tháng 2 này theo đánh giá của chúng tôi có thể sẽ mang đến bức tranh rõ ràng hơn cho triển vọng thị trường ngô, đặc biệt là đối với mùa vụ ở Nam Mỹ.
Trong báo cáo tháng 1, số liệu của USDA đã gây bất ngờ với ước tính tồn kho ngô của Mỹ niên vụ 22/23 giảm xuống, thay vì tăng lên như dự đoán của thị trường. Hiện tại, thị trường đang dự đoán con số này sẽ tăng lên mức 1.26 tỉ giạ khi xuất khẩu của Mỹ thấp hơn so với cùng kì năm ngoái tới 43% do cạnh tranh từ Brazil. Chiến tranh ở Biển Đen đã làm thay đổi cán cân cung cầu thế giới về ngô. Xuất khẩu ngô của Brazil đang tăng mạnh, lập kỷ lục mỗi tháng, trong khi xuất khẩu ngô của Mỹ suy yếu. Mặc dù còn nhiều khả năng có thể xảy ra, nhưng điều này có nghĩa là Brazil sẽ thay thế Mỹ trở thành nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới lần đầu tiên trong lịch sử vào năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo này, các số liệu về cơ cấu cung cầu tại Mỹ nhiều khả năng sẽ không quá ảnh hưởng tới giá. Bên cạnh đó, vì Brazil đã cạn kiệt nguồn tồn kho ngô của vụ mùa trước nên xuất khẩu của Mỹ sẽ bắt đầu tăng từ nay đến tháng 7, khi ngô sanfrinha của Brazil bắt đầu được thu hoạch.
Yếu tố được thị trường quan tâm nhất trong giai đoạn này là ảnh hưởng và thiệt hại đối với ngô ở Argentina và đây có thể sẽ là động lực tiếp tục thúc đẩy giá tăng. Sản lượng dự kiến của nước này được dự báo sẽ bị cắt giảm từ mức 52 triệu tấn xuống mức 48.5 triệu tấn và là nguyên nhân chính khiến cho tồn kho ngô thế giới niên vụ 22/23 có thể sụt giảm 2 triệu tấn. Do nguồn cung thắt chặt nhưng giá vẫn chỉ giằng co đi ngang nên nếu như số liệu thực tế xác nhận thì sẽ là yếu tố “bullish” sau báo cáo.

Arabica vẫn còn động lượng tăng sau số liệu xuất khẩu thu hẹp tại Colombia trong tháng 01/2023
Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/02, hai mặt hàng cà phê đồng loạt khởi sắc sau đà giảm vào cuối tuần trước.
Arabica nhận hỗ trợ từ sự chững lại trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Brazil khi lũy kế xuất khẩu trong 3 ngày đầu 02/2023 giảm 41% so với cùng kỳ năm trước, cũng như sự mạnh lên của đồng Real Brrazil khiến tỷ giá suy yếu, từ đó hạn chế lực bán của nông dân.
Với Robusta, phần lớn thời gian trong phiên hôm qua mặt hàng này đi ngang trong biên độ hẹp, tuy nhiên vào cuối phiên nhờ hỗ trợ từ tồn kho Robusta trên Sở ICE London giảm xuống còn 59, 840 tấn đã giúp giá khởi sắc.
Sự hạn chế trong xuất khẩu cà phê của các quốc gia Nam Mỹ sẽ tiếp tục khiến giá Arabica có động lực khởi sắc. Theo đó, liên đoàn cà phê Colombia vừa công bố số liệu về nguồn cung cà phê trong 01/2023 của quốc gia này, trong đó, xuất khẩu sụt giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái khi cán mốc 835,000 bao trong khi sản lượng vẫn được duy trì so với 01/2022 ở mức 868,000 bao. Điều này được lý giải bới sản lượng tiếp tục sụt giảm trong 2022 so với 2021 khiến lượng tồn kho ở mức thấp nên số hàng có thể đẩy ra thị trường bị giảm đi, từ đó hỗ trợ giá.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu tại các quốc gia Nam Mỹ, đặc biệt là Colombia còn đưa đến rủi ro là tồn kho đạt Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE NewYork không còn động lượng tăng. Hiện nay, ICE còn 36,192 bao loại 60kg, mức khá thấp trong bối cảnh xuất khẩu không được đẩy mạnh tại Colombia, nguồn cung cấp chính cho cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE NewYork. Điều này có thể giúp giá tiếp tục sự khởi sắc.
Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận nhu cầu tiêu thụ chưa có sự hồi phục nhất định, thậm chí là tiếp tục suy yếu khi giá bán lẻ đang ở mức cao và nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn còn hiện hữu. Chính điều này cùng với triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại Brazil khi sản lượng có thể tăng từ 61.5 triệu bao lên 67.5 triệu bao trong niên vụ 2023/24, khiến giới phân tích dự đoán giá sẽ giảm trong năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục là yếu tố hạn chế đà tăng trong phiên hôm nay.

Giá đồng dự báo sẽ theo sát diễn biến của đồng USD sau phát biểu của chủ tịch Fed vào đêm nay
Phiên sáng ngày 06/02, đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá đồng phục hồi tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 tuần trong phiên hôm qua.
Hôm nay thị trường sẽ thận trọng theo dõi động thái của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt là chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ trả lời phỏng vấn vào hôm nay. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi nhận xét của ông để tìm manh mối về phản ứng của Fed đối với số liệu việc làm mạnh mẽ gần đây và Fed có thể sẽ thực hiện thêm bao nhiêu đợt tăng lãi suất nữa. Nếu Fed tiếp tục cho thấy động thái cứng rắn khi thực hiện thắt chặt tiền tệ mạnh tay, mức đỉnh lãi suất tiếp tục tăng cao sẽ tạo động lực tăng mạnh cho đồng USD, gây suy yếu lực mua đồng.
Ngoài ra, lo ngại nguồn cung thắt chặt khi gián đoạn xung quanh mỏ đồng Cobre Panama giữa chính phủ Panama và công ty khai thác First Quantum của Canada vẫn chưa có tiến triển tích cực, điều này sẽ giữ cho giá đồng không giảm mạnh trong phiên hôm nay. Công ty khai thác mỏ First Quantum Minerals mới cho biết họ đã bị đình chỉ hoạt động bốc hàng tại một cảng lớn ở Panama, điều này khiến hoạt động xuất khẩu từ mỏ đồng Cobre Panama của công ty bị gián đoạn. Reuters cũng cho biết mỏ Cobre Panama có nguy cơ sẽ phải đóng cửa nếu đồng không được vận chuyển vào giữa tháng 2, do khả năng lưu trữ đồng tại mỏ rất hạn chế. Mỏ Cobre Panama là mỏ đồng có thể sản xuất tới 300,000 tấn đồng một năm, tương đương khoảng 1.5% sản lượng đồng trên toàn thế giới.

Báo cáo tháng của EIA có thể tạo động lực hồi phục cho giá dầu trong phiên tối
Giá dầu nối dài đà tăng trong sáng nay khi các nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ ở Châu Á.
Sau nhiều tháng hạ giá, nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đã bất ngờ tăng giá bán dầu sang Châu Á vào tháng 3. Động thái tăng giá thường đi kèm với kỳ vọng tiêu thụ sẽ tăng trưởng mạnh.
Sự phục hồi của Trung Quốc đang là động lực lớn nhất, thúc đẩy thị trường dầu. Bên cạnh đó, những lo ngại vè nguồn cung gia tăng do trận dộng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm lọc dầu của Nga. Doanh thu ngân sách của Nga từ dầu khí giảm 46% trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, với riêng doanh thu từ dầu mỏ được ước tính đã giảm 30%, so với cùng kỳ năm ngoái.
Cán cân cung cầu của thị trường dầu thô vẫn luôn là số liệu được thị trường theo dõi sát sao, và thường được các tổ chức lớn cập nhật hàng tháng. Trong hôm nay, báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố.
Các ước tính về nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ của EIA sẽ có sức ảnh hưởng đáng kể tới giá dầu trong phiên tối nay. Thị trường rất quan tâm liệu Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trưởng ra sao trong thời gian tới, cũng như đánh giá của EIA về những rủi ro về nguồn cung.
Về mặt kỹ thuật, trên khung H4 giá dầu WTI đã có nến đóng cửa trên cạnh giữa của Bollinger Band, tương đương mức tâm lý 75 USD/thùng. Tuy nhiên, chỉ số RSI vẫn chưa vượt qua đỉnh cũ, và việc giá đang biến động ở nửa dưới của Bollinger Band trong một tuần gần đây khiến đà tăng của phiên sáng nay thiếu chắc chắn.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)