NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/06, các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm giá.
Giá đậu tương giảm 0.85% về mức 1549.25 cents/giạ. Tồn kho đậu tương tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn 11 tuần do tốc độ nhập khẩu từ Brazil được đẩy mạnh đã là yếu tố tạo áp lực lên giá trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, tình trạng khô hạn kéo dài ở Brazil trong vài tháng qua đã dẫn tới việc mực nước sông giảm xuống và gây cản trở cho các hoạt động xuất khẩu tại nước này. Thông tin này đã giúp hạn chế đà giảm của đậu tương.

Tong hop dien bien thi truong

Dầu đậu tương tiếp tục là mặt hàng biến động mạnh nhất thị trường nông sản với mức giảm mạnh tăng 2.17%, xuống mức 68.85 cent/pound bất chấp Brazil vừa thông báo tỉ lệ pha trộn nguyên liệu sinh học bắt buộc tăng trở lại mức 13%. Giá khô đậu tương cũng giảm xuống mức 391.6 USD/tấn, thấp hơn 0.61% so với phiên trước đó do mức tồn kho ở Trung Quốc tăng lên.
Ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tiếp tục giảm mạnh 1.93%, xuống mức 662.00 cent/giạ. Sản lượng ethanol tăng nhẹ trong báo cáo của EIA và thông tin hãng tư vấn Datagro cắt giảm sản lượng ngô vụ 2 của Brazil đã là những yếu tố khiến giá tăng lên vào đầu phiên. Tuy nhiên, lực bán kĩ thuật ở vùng 680 chiếm ưu thế và đà tăng mạnh của đồng Dollar đã ép giá quay đầu giảm xuống khi kết phiên.
Lúa mì kết phiên cũng giảm 1.64%, về mức 676.25 cent/giạ. Mức giảm này được lí giải bởi điều kiện thời tiết đang rất thuận lợi cho lúa mì vụ mới tại Nga bên cạnh áp lực giảm chung từ các mặt hàng nông sản khác. Số liệu về khối lượng lúa mì xuất khẩu trong tháng 4 của Australia đạt mức cao nhất trong 10 năm qua đã phần nào hạn chế đà giảm của giá.
CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm mạnh 2.2% xuống mức 157.60 cent/pound chủ yếu do áp lực chốt lời từ giới đầu cơ khi các hoạt động vận tải được nối lại một phần ở Colombia. Thời tiết được dự báo sẽ có mưa trở lại ở khu vực miền nam Brazil trong vài ngày tới, cũng góp phần giảm bớt lo ngại về thời tiết hạn hán trong suốt thời gian vừa qua.

Mức giảm mạnh của giá Arabica cùng với nguồn cung gia tăng tại đảo Java của Indonesia trong thời gian tới cũng đẩy giá Robusta giảm xuống khỏi vùng hỗ trợ quan trọng 1600.
Đối với giá đường, thời tiết thuận lợi ở miền nam cùng với đồng Dollar mạnh lên là các yếu tố gây áp lực chính trong phiên hôm qua. Đà tăng của giá dầu thô chững lại cũng khiến giá đường mất đi lực hỗ trợ quan trọng.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu thô giảm không đáng kể trong ngày hôm qua sau khi Báo cáo Tồn kho hàng tuần của EIA. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0.03% trong khi giá dầu Brent giảm khoảng 0.06%.

Báo cáo của EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 5.1 triệu thùng trong tuần vừa rồi khi côn suất lọc dầu tăng lên mức kỷ lục 88.7%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng lần đầu tiên trong 3 tuần và tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm lần đầu trong 2 tháng gợi ý nhu cầu không tăng quá cao như dự đoán đã làm hạn chế đà tăng của dầu thô. Bên cạnh đó, Dollar Index tăng trở lại cũng gây sức ép lên giá dầu, khi USD tăng trở lại làm gia tăng chi phí cho các khách hàng nắm giữ ngoại tệ khác, giảm sức hấp dẫn của dầu. Trong khi đó, Nga đang muốn gia tăng thêm sản lượng để giữ thị phần toàn cầu. Theo đó, nước này có kế hoạch khai thác các giếng dầu chưa khai thác sau khi thỏa thuận với nhóm OPEC+ hết hạn. Công ty dầu mỏ lớn thứ 2 của Nga kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 500,000 thùng trong tháng 8.
KIM LOẠI
Các mặt hàng kim loại quý đồng loạt giảm mạnh. Bạc giảm 2.58% còn 27.477 USD/ounce, Bạch kim cũng đóng cửa với mức giảm 2.53% còn 1162.5 USD/ounce. Diễn biến của cả hai mặt hàng kim loại quý khá tương đồng trong phiên hôm qua khi đồng loạt giảm rất mạnh ngay sau khi số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được Bộ Lao động Mỹ công bố. Số đơn tháng này là 385,000 đơn, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 5,000 đơn. Các số liệu kinh tế tích cực làm cho giá trị đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, làm giảm giá trị nắm giữ của các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên 90.51, mức cao nhất kể từ ngày 14/5.

Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá Đồng tiếp tục giảm mạnh 2.8% về 4.463 USD/pound, mức thấp nhất trong 6 tuần trở lại đây, do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc và sự tăng giá của đồng USD. Giá Đồng giảm cũng kéo theo cổ phiếu của một loạt các mỏ khai thác Đồng giảm mạnh. Trái lại, Quặng sắt là một trong số các mặt hàng hiếm hoi của thị trường hàng hoá có thể nối tiếp đà tăng trong phiên bán tháo hôm qua. Giá Quặng sắt tăng 1.37% lên mức 201 USD/tấn. Nhu cầu thép trên thị trường chưa có dấu hiệu giảm và việc Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào Australia - nguồn cung cấp Quặng sắt lớn nhất, có thể là nguyên nhân khiến cho chính sách hạn chế giá tăng của Chính phủ nước này chưa phát huy tác dụng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)