NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Robusta giảm 0.45% còn 2218 USD/tấn. Thị trường tiếp tục chịu sức ép bán khi các quỹ đầu cơ tiến hành cắt giảm vị thế mua dài hạn vì Việt Nam đang hoàn thành giai đoạn thu hoạch, và gia tăng khối lượng xuất khẩu giúp giải toả bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn.
Giá đường trắng tiếp tục tăng 1.13% lên 508.3 USD/tấn. Tuy nguồn cung mía tăng, giá đường vẫn nhận được sự hỗ trợ từ đà tăng của thị trường dầu thô.
Hai mặt hàng cao su đồng loạt giảm với giá cao su RSS3 đóng cửa thấp hơn 1% còn 239 JPY/kg, giá cao su TSR20 giảm 1.4% còn 180 cents/kg.
KIM LOẠI
Giá bạc tăng 0.5% lên 23 USD/ounce, giá bạch kim đóng cửa cao hơn 0.6% lên 970.1 USD/ounce. Giá của cả hai mặt hàng kim loại quý tương đối giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhận được sự hỗ trợ nhờ những lo ngại lạm phát, nhưng đây chỉ là yếu tố tích cực trong ngắn hạn mà không góp phần cải thiện triển vọng của thị trường kim loại quý. So với cùng thời điểm của năm ngoái, giá bạc đang thấp hơn 9% còn giá bạch kim thấp hơn 11%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng biến động rất mạnh trong phiên hôm qua, khi đã có lúc giá giảm mạnh về 4.38 USD, tuy nhiên, sau đó phe mua đã chiếm ưu thế trở lại và đưa giá đóng cửa trong sắc xanh, với mức tăng nhẹ chỉ 0.3% lên 4.43 USD/pound. Trái lại, giá quặng sắt giảm gần 2% còn 123.8 USD/tấn
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 0.54% lên 83.75 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.55% lên 86.53 USD/thùng.
Bất chấp sản lượng dầu thô của Libya và Kazakhstan đã phục về gần mức bình thường trong tuần này, tuy nhiên các bất ổn chính trị tại đây khiến cho rủi ro nguồn cung dầu tại Trung Đông bị gián đoạn trong tương lai vẫn duy trì. Tiêu biểu nhất là cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tầu chở nhiên liệu tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất UAE chiều hôm qua.
Bất chấp các rủi ro về nguồn cung ngày càng tăng đã đẩy giá dầu lên mức đỉnh 3 tháng, việc bộ trưởng Saudi Arabia tuyên bố sẽ không tăng sản lượng dầu để bù đắp sự thiếu hụt của các thành viên khác cho thấy hy vọng các nước tiêu thụ có thể trông cậy vào OPEC+ để giữ cho nguồn cung dầu thế giới ổn định là rất thấp.