Năng lượng: Giá dầu tăng khoảng 3% lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng do tồn trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm kết hợp với tồn trữ xăng giảm nhiều hơn dự kiến và khả năng nguồn cung bị gián đoạn sau khi xung đột Nga – Ukraine gia tăng căng thẳng.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 2,11 USD, tương đương 2,6%, đạt mức 84,03 USD/thùng (mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6 tháng 11), trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,16 USD, tương đương 2,8%, đạt mức 79,72 USD.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng của nước này đã bất ngờ rút 1,5 triệu thùng dầu thô ra khỏi kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 3, cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters (là 1,3 triệu thùng).
Trong khi đó, giá xăng Mỹ kỳ hạn tương lai tăng mạnh nhất trong nhóm năng lượng, tăng khoảng 2,9% lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2023 sau khi EIA cho biết các công ty năng lượng đã rút 5,7 triệu thùng xăng từ kho dự trữ vào tuần trước, cũng cao hơn nhiều so với dự kiến, trong khi các nhà phân tích dự đoán chỉ rút 1,9 triệu thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết: “Giá xăng tăng đẩy giá dầu tăng theo. Ngày càng có nhiều lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung do hoạt động bảo trì theo mùa và các đợt ngừng hoạt động khác”.
Trong khi đó, các quan chức Liên bang Nga cho biết các cơ sở lọc dầu của nước này đã phải hứng chịu làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái trong ngày thứ hai liên tiếp, trong đó có một vụ gây hoả hoạn ở vùng Ryazan vào hôm 13/3.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil cho biết: “Năng lực lọc dầu của Nga bị tổn hại bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, điều này có thể dẫn đến việc Nga xuất khẩu ít nhiên liệu diesel hơn và có khả năng Nga bắt đầu nhập khẩu xăng và điều đó tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến giá cả trên toàn thế giới”.
Dầu và các thị trường tài chính nhìn chung tăng giá cũng bởi tâm lý của nhà đầu tư tin rằng những dữ liệu lạm phát mới nhất cũng không làm thay đổi lộ trình cắt giảm lãi suất của Mỹ vào giữa năm nay. Lãi suất giảm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu là 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024, cao hơn nhiều dự báo khác.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự kiến tăng trưởng nhu cầu sẽ thấp hơn mức đó.
Kim loại quý: Giá vàng hồi phục do USD yếu đi khi các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 bất chấp lạm phát ở Mỹ vẫn cao, trong khi căng thẳng địa chính trị leo thang cũng duy trì nhu cầu vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay cuối phiên tăng 0,8% lên 2.174,96 USD mỗi ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 0,7% lên 2.180,8 USD.
Giá bạch kim giao ngay tăng 1,5% lên 938,02 USD mỗi ounce, palladium tăng 1,6% lên 1.057,88 USD/ounce và bạc tăng 3% lên 25,00 USD/ounce.
Chỉ số Dollar index giảm 0,2%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở các nước ngoài Mỹ.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: “Đánh giá của những nhà đầu tư vàng hiện nay là đôi bên cùng có lợi, nếu Fed cắt giảm lãi suất, vàng tăng vọt, nếu họ không cắt giảm lãi suất, sẽ có những lo ngại về lạm phát có thể đẩy vàng lên cao hơn”, và nói thêm rằng xu hướng tăng giá vàng trong phiên này cho thấy lực mua đang ở mức thấp.
Vàng thỏi hôm thứ Ba đã giảm khỏi khỏi mức cao kỷ lục vào tuần trước, ghi nhận mức giảm trong một ngày tồi tệ nhất kể từ 13 tháng 2, sau khi một báo cáo cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 2 - chứng tỏ lạm phát vẫn ổn định ở mức cao.
Lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến áp lực lớn hơn lên Fed trong việc giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên các tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng. Kim loại quý cũng được sử dụng như một hàng rào chống lạm phát.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, hiện ước tính có khoảng 65% khả năng xảy ra so với 72% trước khi có dữ liệu CPI, theo Công cụ FedWatch của CME Group.
Will Rhind, Giám đốc điều hành của GraniteShares cho biết: “Chiến tranh Nga-Ukraine và xung đột (Israel-Hamas) đã được tính vào giá cả và đã tồn tại được một thời gian”.
Ông nói, vàng sẽ được hỗ trợ thêm bởi “sự leo thang hoặc sự phát triển mới những vấn đề này, một điều gì đó quan trọng để tập trung vào khía cạnh rủi ro địa chính trị”.
Thị trường hiện đang tập trung chú ý vào doanh số bán lẻ của Mỹ, chỉ số giá sản xuất và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần, tất cả đều công bố vào thứ Năm.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng mạnh lên mức cao nhất 11 tháng sau khi các nhà máy luyện kim của Trung Quốc, nơi xử lý một nửa số đồng khai thác trên thế giới, đồng ý cùng nhau cắt giảm sản lượng.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) phiên vừa qua có thời điểm chạm 8.950 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2023. Kết thúc phiên, giá tăng 3,2% lên 8.931 USD.
Sự gia tăng bắt đầu trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), nơi giá đồng đạt mức cao nhất trong hai năm, là 70.460 nhân dân tệ (9.796 USD)/tấn.
Các nhà máy luyện đồng lớn nhất của Trung Quốc trong cuộc họp tại Bắc Kinh hôm thứ Tư đã đồng ý trên nguyên tắc về việc cắt giảm sản lượng, nhưng không nêu rõ khối lượng và thời gian.
Một thương nhân cho biết: “Đó là một phản ứng tức thời. Sự quan tâm đến giá trên sàn SHFE tăng vọt ngay sau thông báo cắt giảm sản xuất của Trung Quốc”. “Ai sẽ thừa nhận họ là những người đầu tiên thua lỗ?”
Dữ liệu từ giám sát vệ tinh của các nhà máy chế biến kim loại cho thấy, nhiều nhà máy luyện đồng toàn cầu không hoạt động trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do Trung Quốc không hoạt động.
Tuy nhiên, giá đồng tăng có thể làm giảm thêm nhu cầu ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc, như có thể thấy trong số liệu về hàng tồn kho.
Tồn kho đồng tại các kho được sàn SHFE giám sát đã tăng mạnh lên 239.245 tấn tính đến ngày 8 tháng 3, từ mức 30.905 tấn hồi đầu năm.
Đối với những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này tăng 0,3% lên 2.271,5 USD/tấn, niken giảm 1,2% xuống 18.330 USD, kẽm tăng 0,6% lên 2.577 USD, chì tăng 1,2% lên 2.170,5 USD trong khi thiếc tăng 2,2% lên 28.130 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai giảm do lo ngại nhu cầu yếu đi ở nước tiêu dùng sắt thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc - trong bối cảnh các nhà sản xuất thép gia tăng bảo trì thiết bị gia tăng và khu vực phía bắc của nước này áp dụng các biện pháp hạn chế sản xuất vì vấn đề môi trường.
Quặng sắt kỳ hạn giao dịch nhiều nhất (hợp đồng tháng 5) trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 2,53% xuống 807,5 nhân dân tệ (112,29 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2023.
Giá thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải cũng giảm, với thép cây giảm 1,02%, thép cuộn cán nóng giảm 0,42%, thép thanh giảm 0,18% và thép không gỉ giảm 0,22%.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 4,42% xuống 103,45 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2023, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến làm lu mờ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích cho biết, việc gây áp lực lên giá của nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép đang làm gia tăng mối lo ngại về khả năng nhu cầu tiếp tục giảm trong những tuần tới.
Công ty tư vấn Shanghai Metals Market cho biết việc bảo trì lò cao tại các nhà máy đã gia tăng, cho thấy sản lượng kim loại nóng tiếp tục giảm.
Dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho thấy, sản lượng thép thô hàng ngày của các nhà máy thành viên trong 10 ngày đầu tháng 3 đã giảm 3,38% so với giai đoạn liền trước xuống còn khoảng 2,06 triệu tấn.
Trong khi đó, thành phố Đường Sơn ở tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, trung tâm sản xuất thép lớn của nước này, đã tuyên bố thực hiện phản ứng khẩn cấp cấp hai từ thứ Tư trong bối cảnh dự báo ô nhiễm không khí nặng. Các nhà máy thép địa phương thường được yêu cầu hạn chế sản xuất trong các hành động khẩn cấp.
Ngoài ra, việc thiếu thông tin chi tiết xung quanh các biện pháp hỗ trợ bổ sung của Chính phủ Trung Quốc nhằm vực dậy thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục là lực cản đối với thị trường sắt thép. Các nhà phân tích tại ANZ cho biết: “Việc giảm doanh số bán nhà và các vấn đề tài chính có vẻ mang tính cấu trúc, báo hiệu có rất ít cơ hội để cải thiện trong mùa xây dựng này”.
Nông sản: Giá ngô Mỹ giảm do hoạt động bán kỹ thuật để kiếm lời sau khi giá tăng ở phiên trước. Giá lúa mì cũng giảm do tác động từ thị trường ngô cộng thêm nguồn cung lúa mì trên toàn cầu dồi dào. Riêng giá đậu tương tăng sau khi báo cáo cho thấy khu vực nông nghiệp chính của Argentina có thể sẽ có mưa nhiều mưa, cộng thêm lượng mưa đáng kể gần đây, có thể khiến các cánh đồng quá ẩm ướt để thu hoạch ở một số khu vực.
Kết thúc phiên, trên sàn Chicago, giá ngô giảm 1/2 cent xuống 4,41-1/4 USD/bushel, lúa mì giảm 3-1/4 cent xuống 5,44-1/4 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất trong một tuần vào thứ Ba; đậu tương tăng 3/4 cent lên 11,96-3/4 USD/bushel.
Theo một cuộc khảo sát do công ty môi giới hàng hóa Allendale công bố hôm thứ Tư, nông dân Mỹ có kế hoạch giảm diện tích trồng ngô khoảng 1,2% trong năm nay và mở rộng diện tích trồng đậu tương khoảng 2,7%.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 47 USD, tương đương 1,4%, xuống 3.260 USD/tấn; cà phê arabica giao tháng 5 giảm 1,7% xuống 1,8265 USD/lb.
Nguồn cung ở nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam - vẫn cực kỳ khan hiếm, có tin đồn rằng nông dân chỉ còn lại chưa đến 1/4 vụ mùa 2023/24 và còn 6 tháng nữa mới đến vụ mùa mới.
Dự trữ cà phê Arabica trên sàn giao dịch ICE đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10, với 458.107 bao, và hơn 170.000 bao đang chờ phân loại.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,04 cent, tương đương 0,2%, lên 21,93 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 0,2% xuống 614,60 USD/tấn.
Các đại lý cho biết sản lượng ở châu Á cao hơn dự kiến đang gây áp lực lên thị trường.
“Thái Lan đã tích lũy được 8,5 triệu tấn đường được sản xuất, điều đáng ngạc nhiên là một bộ phận thị trường tưởng tượng sản lượng thu hoạch sẽ nhỏ hơn 8 triệu tấn”, nhà môi giới StoneX cho biết.
Trong khi đó, một cơ quan công nghiệp hàng đầu của Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - đã nâng ước tính sản lượng đường niên vụ 2023/24 lên 34 triệu tấn từ 33,05 triệu tấn.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm vào đầu phiên nhưng tăng trở lại vào cuối phiên và kết thúc tăng, kéo dài chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp trong bối cảnh giá dầu tăng cao và thời tiết bất lợi tại nước sản xuất hàng đầu thế giới - Thái Lan.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn Osaka Exchange (OSE) đóng cửa tăng 1,4 yên, tương đương 0,43%, lên 328,4 yên (2,23 USD)/kg, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017. Hợp đồng này đã tăng 7 phiên liên tiếp, đợt tăng dài nhất kể từ ngày 26/1.Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 85 nhân dân tệ, kết thúc ở mức 14.200 nhân dân tệ (1.974,64 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 4 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore tăng 0,12% lên 162,1 US cent/kg.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp - được sản xuất từ dầu thô.
Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo nắng nóng ở nhiều khu vực từ ngày 13-19/3.
Một giám đốc điều hành cấp cao cho biết hôm thứ Ba rằng việc Tesla mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á là một ưu tiên, nhấn mạnh thị trường đang phát triển nhanh chóng nơi nhà sản xuất xe điện của Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ BYD của Trung Quốc.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

79,81

+0,09

+0,11%

Dầu Brent

USD/thùng

84,13

+0,10

+0,12%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

266,34

+0,19

+0,07%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,66

+0,00

+0,12%

Dầu đốt

US cent/gallon

269,68

+1,17

+0,44%

Vàng (Comex)

USD/ounce

2.179,20

-1,60

-0,07%

Vàng giao ngay

USD/ounce

2.175,01

+0,60

+0,03%

Bạc (Comex)

USD/ounce

25,31

+0,15

+0,59%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

943,24

+1,45

+0,15%

Đồng (Comex)

US cent/lb

406,25

+0,25

+0,06%

Đồng (LME)

USD/tấn

8.927,00

+270,00

+3,12%

Nhôm (LME)

USD/tấn

2.264,00

-1,00

-0,04%

Kẽm (LME)

USD/tấn

2.576,00

+15,00

+0,59%

Thiếc (LME)

USD/tấn

28.065,00

+545,00

+1,98%

Ngô (CBOT)

US cent/bushel

440,50

-0,75

-0,17%

Lúa mì (CBOT)

US cent/bushel

539,75

-4,50

-0,83%

Lúa mạch (CBOT)

US cent/bushel

372,00

-1,00

-0,27%

Gạo thô (CBOT)

USD/cwt

17,98

0,00

0,00%

Đậu tương (CBOT)

US cent/bushel

1.199,50

+2,75

+0,23%

Khô đậu tương (CBOT)

USD/tấn

336,70

+0,30

+0,09%

Dầu đậu tương (CBOT)

US cent/lb

48,82

+0,25

+0,51%

Hạt cải (ICE)

CAD/tấn

626,60

+1,60

+0,26%

Cacao (ICE)

USD/tấn

7.035,00

-14,00

-0,20%

Cà phê (ICE)

US cent/lb

182,65

-3,25

-1,75%

Đường thô (ICE)

US cent/lb

21,93

+0,04

+0,18%

Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)

US cent/lb

364,20

+9,45

+2,66%

Bông (ICE)

US cent/lb

94,91

+0,01

+0,01%

Lông cừu (ASX)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ (CME)

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su Singapore

US cent/kg

164,90

+1,00

+0,61%

Ethanol (CME)

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%