Năng lượng: Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường sẽ thắt chặt hơn vào năm 2024 và nâng mức dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giao tháng 5 kết thúc phiên thứ Năm tăng 1,39 USD, tương đương 1,7%, đạt 85,42 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 6 tháng 11.
Dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ kỳ hạn giao tháng 4 đã tăng 1,54 USD, tương đương 1,9%, kết thúc ở mức 81,26 USD, cũng cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Cả hai loại dầu đều tăng gần 3% vào thứ Tư.
IEA đã nâng dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 lần thứ tư kể từ tháng 11 khi các cuộc tấn công của Houthi làm gián đoạn hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ nhưng cảnh báo rằng "sự suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là một trong những trở ngại đối với tiêu thụ dầu".
Cơ quan giám sát năng lượng dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng 110.000 thùng/ngày so với dự đoán tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm ngoái.
IEA cũng cắt giảm dự báo nguồn cung năm 2024 và hiện dự kiến nguồn cung dầu sẽ tăng 800.000 thùng/ngày lên 102,9 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho biết “Nhu cầu vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung ngày càng thắt chặt, đặc biệt là về mặt nhiên liệu. Lợi nhuận lọc dầu cũng rất mạnh và là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu dầu thô”.
Chênh lệch crack 3-2-1, đại diện cho lợi nhuận lọc dầu, vào thứ Tư đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9, khuyến khích các nhà máy gia tăng chế biến dầu thô.
Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu của Nga tiếp tục diễn ra sang ngày thứ hai vào thứ Tư, nhắm vào 4 nhà máy lọc dầu lớn.
Bộ năng lượng Nga cho biết xuất khẩu nhiên liệu đường biển của Nga trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước do nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động vì các cuộc tấn công và hỏa hoạn của máy bay không người lái Ukraine. Kissler cho biết thiệt hại đối với các nhà máy lọc dầu có thể khiến sản lượng xăng của Nga giảm hơn 10%.
Trong khi đó tại Mỹ, tồn kho dầu thô và xăng đã giảm trong tuần trước, với giá tại các trạm bơm dự kiến tăng mạnh trong những tuần tới do các nhà máy lọc dầu lớn ngừng hoạt động đã cắt giảm nguồn cung trước mùa lái xe mùa hè.
Giá sản xuất của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 2, một phần do giá xăng tăng hơn dự báo với mức tăng 0,3%.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện thấy 63,5% khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, giảm từ mức 67% trước khi có dữ liệu. Lãi suất thấp làm giảm chi phí vay tiêu dùng, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm thứ Năm dự báo tăng trưởng ngắn hạn trong sản xuất dầu và chất lỏng toàn cầu sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi Mỹ, Guyana, Canada và Brazil, bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC +.
Kim loại quý: Giá vàng giảm sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tháng 2 tăng cao hơn dự kiến, làm giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất và thúc đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc và đồng USD tăng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,6% xuống 2.161,39 USD/ounce, rời xa mức cao kỷ lục 2.194,99 USD đạt được vào ngày 8 tháng 3.
Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 giảm 0,6% xuống 2.167,5 USD.
Đồng USD tăng 0,6% so với các đồng tiền đối tác chủ chốt, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần.
Chris Gaffney, chủ tịch mảng thị trường thế giới tại EverBank, cho biết: “Tôi dự đoán thị trường vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực, với tất cả dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh mẽ, thị trường lao động vẫn mạnh”. “Nó thực sự khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc Fed sẽ quyết định bắt đầu cắt giảm (lãi suất) nhanh đến mức nào?”
Giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2 trong bối cảnh giá hàng hóa như xăng và thực phẩm tăng cao, điều này có thể làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng trở lại.
Lạm phát cao gây thêm áp lực lên Fed trong việc giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên các tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, với khả năng xảy ra là khoảng 60%, so với 72% trước khi công bố dữ liệu CPI vào đầu tuần này, theo FedWatch Tool của CME Group.
Gaffney nói thêm: “Vàng là một công cụ phòng ngừa rủi ro, một công cụ phòng ngừa lạm phát với lạm phát cao và nhiều bất ổn. Tôi nghĩ điều đó mang lại cơ sở tốt cho việc định giá kim loại quý”.
Giá bạch kim giao ngay trong phiên này giảm 0,8% xuống 930,95 USD/ounce, trong khi palladium tăng 0,8% lên 1.067,79 USD. Giá bạc giảm 0,8% xuống còn 24,83 USD, sau khi đạt mức cao nhất hơn ba tháng trước đó trong phiên.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tại London giảm khỏi mức đỉnh cao 11 tháng do thị trường nghi ngờ về kế hoạch cắt giảm sản lượng của các nhà luyện kim Trung Quốc trong khi nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này vẫn mờ nhạt.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn đã giảm 0,3% xuống 8.902 USD/tấn vào cuối phiên thứ Năm, sau khi tăng vọt lên 8.976,50 USD, mức cao nhất kể từ ngày 19 tháng 4 năm ngoái.
Giá đồng tương lai trên sàn Comex của Mỹ giảm 0,3% xuống 4,05 USD/lb.
Đồng cũng bị áp lực sau khi chỉ số USD tăng mạnh do dữ liệu cho thấy giá sản xuất của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 2.
Đồng đô la vững khiến hàng hóa định giá bằng đồng tiền Mỹ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng đồng tiền khác.
Giá đồng tăng vọt hôm thứ Tư sau khi các nhà luyện đồng lớn nhất của Trung Quốc đồng ý cắt giảm sản lượng tại một số nhà máy thua lỗ trong khi điều chỉnh kế hoạch bảo trì và hoãn các dự án mới.
Alastair Munro, chiến lược gia cao cấp về kim loại cơ bản tại công ty môi giới Marex, cho biết: “Tin tức xung quanh việc Trung Quốc cắt giảm sản lượng luyện kim là màu xám, không có gì rõ ràng. Tôi không nghĩ họ sẽ cắt giảm, họ sẽ tiếp tục sản xuất kim loại”.
Dữ liệu hàng tuần cho thấy tồn kho tại các kho được Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giám sát đã tăng gần gấp ba trong tháng qua lên 239.245 tấn.
Giá đồng trên sàn SHFE tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm, với hợp đồng đồng tháng 5 được giao dịch nhiều nhất SCFcv1 tăng tới 3,5% lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2021 trước khi giảm mức tăng và đóng cửa giao dịch trong ngày với mức tăng 2,2%.
Trong số các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 0,5% xuống 2.253 USD/tấn, niken giảm 1,2% xuống 18.135 USD, kẽm giảm 0,9% xuống 2.552 USD và chì giảm 0,6% xuống 2.155,50 USD. Giá thiếc cao hơn 0,8% ở mức 28.300 USD, chạm mức 28.450 USD, mức cao nhất kể từ tháng 8.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm với những lo ngại kéo dài về nhu cầu tại nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc – hợp đồng giao dịch nhiều nhất - kết thúc giảm 2,62% xuống 798 nhân dân tệ (110,94 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2023. Giá quặng này giảm 17% kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán .
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,37% xuống 103,05 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 17 tháng 8. Giá đã giảm hơn 18% sau kỳ nghỉ Tết.
Giá thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải nhìn chung giảm. Thép cây giảm 2,96%, thép cuộn cán nóng giảm 2,55%, thép dây giảm 2,61% và thép không gỉ giảm 1,17%.
Các nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết: “Sản lượng kim loại nóng vẫn dao động ở mức thấp do tỷ suất lợi nhuận thép thấp và kỳ vọng giảm giá”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của First Futures cho biết trong một lưu ý rằng không dễ để thấy giá quặng giảm xuống dưới 100 USD/tấn trong thời gian ngắn do tồn kho tại nhà máy của các nhà máy của Trung Quốc ở mức thấp và các khu vực hạ nguồn vẫn có nhu cầu mua bổ sung hàng vào.
Tuy nhiên, tốc độ giảm giá đã chậm lại, một phần do động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái của nước này.
Nội các Trung Quốc hôm thứ Tư đã công bố chi tiết về kế hoạch thúc đẩy nâng cấp thiết bị quy mô lớn và bán hàng tiêu dùng.
Kevin Bai, nhà phân tích của công ty tư vấn CRU có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Điều này chắc chắn là tốt cho thị trường vì nó có thể bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu từ khu vực xây dựng, nhưng vẫn phụ thuộc vào việc thực hiện chính sách trên thực tế để thấy được tác động thực sự”.
Nông sản: Giá lúa mì kỳ hạn của Ủy ban Thương mại Chicago (CBOT) giảm xuốngmức thấp nhất kể từ năm 2020, kéo giá ngô giảm. Đậu tương cũng giảm giá do hoạt động bán khống và bán chốt lời.
Vòng xoáy giảm giá của lúa mì bị thúc đẩy bởi việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc hủy và hoãn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn lúa mì Australia và doanh số xuất khẩu của Mỹ yếu.
Kết thúc phiên, lúa mì giao tháng 5 giảm 12 US cent xuống 5,32-1/4 USD/bushel, gần sát mức thấp đã chạm tới hôm thứ Hai, là 5,23-1/2 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020 đối với hợp đồng giao dịch nhiều nhất. Giá ngô giao tháng 5 giảm 7-1/ 2 US cent xuống 4,33-3/4 USD/bushel. Đậu tương giao tháng 5 cũng giảm 1-1/2 US cent xuống 11,95-1/4 USD/bushel sau khi trước đó tăng vọt trên mốc 12 USD do mua kỹ thuật.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,16 cent, tương đương 0,7%, xuống 21,77 cent/lb. Đường trắng giao cùng kỳ hạn ít thay đổi ở mức 614,80 USD/tấn.
Rabobank cho biết thị trường đang thiếu hụt đáng kể do nguồn cung mía tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil giảm. Điều này sẽ hỗ trợ giá, nhưng nhu cầu được cảnh báo có vẻ hơi yếu do sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ đang cản trở nhập khẩu.
Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 17 USD, tương đương 0,5%, lên 3.277 USD/tấn. Cà phê Arabica giao tháng 5 tăng 0,7% lên 1,8385 USD/lb.
Giá cà phê Robusta tại các nước sản xuất hàng đầu thế giới - Việt Nam và Indonesia - tăng trong tuần này do nguồn cung vẫn khan hiếm, với mối lo ngại ngày càng tăng về vụ mùa tiếp theo do thiếu mưa trong mùa này.
Nguồn cung cà phê Arabica ở Brazil được cho là sẽ khan hiếm trong thời gian ngắn cho đến khi vụ mùa mới bắt đầu được tung ra thị trường.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng phiên thứ 8, chạm mức cao nhất 7 năm, theo xu hướng tăng của giá cao su hàng thực, trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung và giá dầu mỏ tăng.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn Osaka Exchange (OSE) tăng 4,6 yên, tương đương 1,4%, lên 333 yên (2,25 USD)/kg, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31 tháng 1 năm 2017. Hợp đồng này đã tăng lên 335,6 yên vào đầu phiên.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 200 nhân dân tệ, chốt phiên ở mức 14.380 nhân dân tệ (1.999,25 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su giao tháng 4 trên nền tảng SICOM của Singapore Exchange được giao dịch lần cuối ở mức 163,9 US cent/kg, tăng 0,74%.
Giá cao su tấm hun khói tiêu chuẩn của Thái Lan (RSS3) đạt mức cao nhất 7 năm trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt. Tấm cao su loại xuất khẩu RUB-RSS3C-BKK được báo giá ở mức 96,36 baht Thái (2,67 USD)/kg, hàng giao vào thứ Năm, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2017.
Cơ quan khí tượng Thái Lan tiếp tục cảnh báo nắng nóng kèm theo giông ở nhiều khu vực từ ngày 14-20/3.
Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu ngày càng gia tăng, giá cao su vật chất "dự kiến sẽ tiếp tục theo xu hướng tăng, có khả năng với đà tăng trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5", Jom Jacob, nhà phân tích trưởng và đồng sáng lập của Công ty phân tích What Next Rubber có trụ sở tại Ấn Độ cho biết.
Giá hàng hóa thế giới

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

81,13

-0,13

-0,16%

Dầu Brent

USD/thùng

85,26

-0,16

-0,19%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

269,46

-0,87

-0,32%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,76

+0,02

+0,98%

Dầu đốt

US cent/gallon

270,47

-0,41

-0,15%

Vàng (Comex)

USD/ounce

2.166,20

-1,30

-0,06%

Vàng giao ngay

USD/ounce

2.162,47

+0,28

+0,01%

Bạc (Comex)

USD/ounce

25,12

+0,06

+0,24%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

926,81

-0,59

-0,06%

Đồng (Comex)

US cent/lb

406,00

+1,45

+0,36%

Đồng (LME)

USD/tấn

8.887,50

-39,50

-0,44%

Nhôm (LME)

USD/tấn

2.251,50

-12,50

-0,55%

Kẽm (LME)

USD/tấn

2.548,00

-28,00

-1,09%

Thiếc (LME)

USD/tấn

28.258,00

+193,00

+0,69%

Ngô (CBOT)

US cent/bushel

434,50

+0,75

+0,17%

Lúa mì (CBOT)

US cent/bushel

532,25

0,00

0,00%

Lúa mạch (CBOT)

US cent/bushel

368,25

-3,25

-0,87%

Gạo thô (CBOT)

USD/cwt

17,88

+0,02

+0,08%

Đậu tương (CBOT)

US cent/bushel

1.194,00

-1,25

-0,10%

Khô đậu tương (CBOT)

USD/tấn

337,60

+0,20

+0,06%

Dầu đậu tương (CBOT)

US cent/lb

48,31

-0,08

-0,17%

Hạt cải (ICE)

CAD/tấn

622,50

-0,70

-0,11%

Cacao (ICE)

USD/tấn

7.405,00

+370,00

+5,26%

Cà phê (ICE)

US cent/lb

183,85

+1,20

+0,66%

Đường thô (ICE)

US cent/lb

21,77

-0,16

-0,73%

Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)

US cent/lb

360,55

-3,65

-1,00%

Bông (ICE)

US cent/lb

93,64

+0,16

+0,17%

Lông cừu (ASX)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ (CME)

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su Singapore

US cent/kg

167,90

+1,40

+0,84%

Ethanol (CME)

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)