Năng lượng: Giá dầu tăng khoảng 1% do dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến, dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm mạnh và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nói rằng ông vẫn kỳ vọng giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất giảm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó làm tăng nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 0,92 USD, hay 1,1%, lên 82,96 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,98 USD, hay 1,3%, lên 79,13 USD/thùng. Đây là phiên đầu tiên giá dầu Brent trong 5 phiên gần đây.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã bổ sung dự trữ 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/3, ít hơn dự kiến là tăng 2,1 5 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm nhiều hơn dự kiến.
Các công ty năng lượng trong tuần trước cũng đã rút 4,1 triệu thùng ra khỏi kho dự trữ sản phẩm chưng cất, gồm dầu diesel và dầu sưởi, và rút 4,5 triệu thùng xăng ra khỏi dự trữ. Trong khi đó giới phân tích dự báo dự trữ chưng cất giảm 0,7 triệu thùng và xăng giảm 1,6 triệu thùng.
“Việc giảm giá xăng và sản phẩm chưng cất đang thu hút sự chú ý của thị trường. Đây là lời cảnh tỉnh rằng thị trường đang rất eo hẹp”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group cho biết.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất tham chiếu vào cuối năm nay, mặc dù các nhà hoạch định chính sách vẫn cần "chắc chắn hơn" rằng lạm phát đang tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, điều làm phức tạp thêm quyết định của Fed là các báo cáo đưa ra những tín hiệu trái chiều.
Đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng so với rổ tiền tệ khác sau bình luận của ông Powell. Đồng đô la yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu vì làm cho nhiên liệu rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Ở những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 là khoảng 5%, mặc dù việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn làm dấy lên lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ chậm chạp.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas rơi vào bế tắc khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc và một tàu thủy bị bốc cháy sau một cuộc tấn công ở Biển Đỏ.
Sự gián đoạn trong hoạt động di chuyển của tàu chở dầu do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ của lực lượng dân quân Houthi, cùng với việc OPEC+ mới đây gia hạn cắt giảm nguồn cung, đã gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung, đặc biệt là ở các thị trường châu Á.
Sự thắt chặt đó thể hiện rõ khi Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, công bố tăng giá bán dầu thô tháng 4 cho châu Á, thị trường lớn nhất của nước này.
Kim loại quý: Giá vàng tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới chủ yếu do thị trường đặt cược vào việc Mỹ sắp nới lỏng tiền tệ, trong khi palladium tăng trở lại trên mốc 1.000 USD lần đầu tiên kể từ ngày 12/1.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.145,09 USD/ounce, sau khi lên mức kỷ lục 2.152,09 USD/ounce trong phiên này; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 0,8% lên 2.158,2 UASD/ounce. Giá bạc phiên này cũng tăng 1,9% lên 24,15 USD/ounce.
Vàng tăng thêm do USD giảm sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell ám chỉ việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Vàng có thể tăng cao hơn do tâm lý lạc quan vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, vàng thỏi có thể mất một chút thời gian để tiếp nhận tác động từ những nhận định của ông Powell cũng như chờ đợi báo cáo việc làm Mỹ sẽ công bố vào thứ Sáu”.
Thị trường vàng chịu ảnh hưởng khi lãi suất của Mỹ cao làm tăng lợi nhuận từ các tài sản cạnh tranh như trái phiếu và đẩy USD tăng, khiến vàng đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài.
Michael Hsueh, nhà phân tích chiến lược về tiền tệ và hàng hóa của Deutsche Bank, cho biết: “Chắc chắn có dữ liệu vĩ mô đã thúc đẩy chúng tôi đi theo hướng này và theo sau những kỳ vọng về chính sách từ Fed… nhưng phản ứng trên thị trường vàng đã gấp nhiều lần so với tác động dự kiến”.
Các nhà giao dịch dự đoán có 70% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6. FEDWATCH
Ryan McKay, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại TD Securities, viết: “CTA hiện đang mua vào tất cả các loại vàng, với các quỹ nắm giữ khoảng 80% vị thế mua tối đa của họ từ trước đến nay”.
Trong khi đó, bạch kim tăng khoảng 3% lên 906,7 USD/ounce và palladium tăng gần 10% lên 1.035,83 USD/ounce.
Bart Melek, người phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết palladium dường như đã thu hút một đợt "mua lớn" khác từ các quỹ, trong đó một số trong số đó mang tính kỹ thuật rất cao.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng do USD yếu đi và dự trữ giảm lấn át những lo ngại về việc thiếu vắng những chính sách kích thích lớn từ phía Trung Quốc. Chỉ số USD giảm cũng tác động tích cực lên giá đồng và các kim loại khác.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên tăng 0,9% lên 8.565,5 USD/tấn.
Dự trữ đồng của sàn LME tiếp tục giảm và xuống mức thấp mới trong 6 tháng.
Tuy nhiên, cuộc họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc trong tuần này đã không mang lại hy vọng cho thị trường về một gói kích thích lớn nhằm vực dậy lĩnh vực bất động sản và khiến đồng, vốn được sử dụng trong xây dựng, chịu áp lực trong dài hạn.
Nhà phân tích hàng hóa Ewa Manthey của ING cho biết: “Mức độ khởi công xây dựng nhà ở thấp sẽ tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu kim loại công nghiệp, do thời gian khởi công xây dựng và việc sử dụng kim loại có độ trễ”.
Bà nói thêm: “Cho đến khi thị trường nhìn thấy những dấu hiệu phục hồi bền vững và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, chúng ta sẽ khó có thể thấy được đà tăng giá dài hạn của kim loại”.
Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể đã chậm lại trong hai tháng đầu năm nay, cho thấy các nhà sản xuất vẫn khó khăn trong việc thu hút khách mua ở nước ngoài.
Trong khi đó, giá niken trên sàn LME phiên vừa qua cũng giảm do triển vọng nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Indonesia - được cải thiện, kết thúc phiên giảm 0,5% xuống 17.640 USD/tấn.
Giá kẽm tăng 1,6% lên 2.493,5 USD sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 2, là 2.495 USD. Tập đoàn Young Poong của Hàn Quốc đã cắt giảm 1/5 sản lượng tại nhà máy luyện kẽm Seokpo. Bank of America cho biết nguồn cung từ mỏ vẫn là hạn chế chính đối với kẽm, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ giá. Họ dự đoán giá kẽm sẽ đạt mức trung bình 2.375 USD vào năm 2024.
Giá nhôm trên sàn LME tăng 0,3% lên 2.233 USD, thiếc tăng 1,4% lên 27.165 USD trong khi chì tăng 1,0% lên 2.066 USD.
Đối với nhóm kim loại đen, giá quặng sắt Đại Liên giảm bởi thị trường thép tiếp tục yếu và thiếu các gói kích thích lớn từ Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 0,23% xuống 881,5 CNY (122,44 USD)/tấn. Tuy nhiên, quặng sắt kỳ hạn tháng 4 trên sàn giao dịch Singapore tăng 0,75% lên 115,3 USD/tấn.
Tại Thượng Hải giá thép giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu. Thép thanh giảm 0,7%, thép cuộn cán nóng giảm 0,77%, dây thép cuộn giảm 1,25% và thép không gỉ giảm 0,8%.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures cho biết: “Các thương nhân đã chuyển sự tập trung trở lại thực tế sau cuộc họp quan trọng và giá quặng sắt có thể chịu thêm áp lực từ thị trường thép yếu”.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong ngày 5/3 đã đưa ra các mục tiêu kinh tế quan trọng năm 2024 tại cuộc họp quốc hội thường niên - Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC). Các số liệu chính phần lớn phù hợp với dự đoán của thị trường, làm thất vọng những người đang tìm kiếm sự kích thích lớn hơn - có lợi cho việc tiêu thụ kim loại. “Tuyên bố xung quanh chính sách tài sản không phải là mới”, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú. "Chúng tôi ước tính chi tiêu tài chính trong ngân sách liên quan đến cơ sở hạ tầng có thể chậm lại ở mức +3,8% hàng năm trong năm 2024 từ mức +5,1% hàng năm trong năm 2023, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chi tiêu chậm đối với các dự án liên quan đến tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”.
Nông sản: Giá ngô Mỹ kết thúc phiên tăng nhẹ sau một phiên biến động, được hỗ trợ bởi hoạt đọng săn giá hời trước khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo hàng tháng.
Giá ngô trên sàn Chicago kỳ hạn tháng 5 tăng 2-1/2 US cent lên 4,28-3/4 USD/bushel. Trong phiên, giá liên tục biến động. Giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020, cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu toàn, nhất là từ các nhà cung cấp ở Biển Đen, đặc biệt là Nga. Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 20 US cent xuống 5,31 USD/bushel sau khi giảm xuống 5,29-1/2 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Giá đậu tương cũng giảm nhưng vẫn trên mức thấp nhất 3 năm thiết lập ở tuần trước, do các nhà đầu tư đợi tin tức mới.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3/4 US cent xuống 11,48-1/4 USD/bushel.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,58 US cent hay 2,8% lên 21,45 US cent/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng tại 20,53 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 2,8% lên 611,00 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng sản lượng tại nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới - Thái Lan - đang cải thiện là một trong các yếu tố gây áp lực cho giá. Công ty tư vấn Datagro dự đoán sản lượng đường Trung-Nam của Brazil sẽ giảm gần 5% trong niên vụ mới. Diện tích trồng mía đường tại các bang Maharashtra và Karnataka phía tây Ấn Độ dự kiến giảm trong niên vụ 2024/25 bắt đầu từ ngày 1/10.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 129 USD, hay 4,1%, lên 3.309 USD/tấn, sau khi đạt 3.328 USD, giá cao nhất kể từ khi hình thức hợp đồng hiện tại bắt đầu giao dịch vào tháng 1/2008; cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1,6% lên 1,863 USD/lb.
Các nhà xuất khẩu ở Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc thu mua cà phê khi một số nông dân chờ giá tăng trong khi các chuyến hàng tới Châu Âu bị trì hoãn bởi các cuộc tấn công trên Biển Đỏ góp phần hạn chế nguồn cung. Dự trữ cà phê của sàn ICE chỉ đạt 23.350 tấn tính tới 5/3, giảm mạnh từ 74.000 tấn một năm trước.
Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh giá dầu cao và lo ngại về thời tiết tại Thái Lan, nước sản xuất hàng đầu, trong khi kế hoạch mở rộng sản xuất ở Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tâm lý trên thị trường.
Kết thúc phiên, hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka tăng 0,5 JPY, hay 0,17% lên 299,9 JPY (2 USD)/kg. Tại Thượng Hải cao su giao tháng 5 tăng 35 CNY lên 13.805 CNY (1.917,55 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 4 trên nền tảng SICOM của sàn Singapore tăng 0,31% lên 159,3 US cent/kg.
Cao su tự nhiên thường theo sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp, được sản xuất từ dầu thô.
Cơ quan khí tượng Thái Lan cảnh báo thời tiết rất nóng ở thượng nguồn Thái Lan từ ngày 6 – 8/3 và bão mùa hè tại khu vực này từ ngày 8 – 10/3, có khả năng gây thiệt hại cho mùa màng.
Hãng xe điện (EV) khổng lồ của Trung Quốc BYD và các nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc đang nhất loạt đưa các mẫu ô tô điện mới đến Australia, một thị trường mà họ không phải đối mặt với các rào cản thương mại và doanh số bán hàng đã tăng vọt. BYD cũng đã bắt đầu xây dựng một khu liên hợp sản xuất ở Brazil.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota hôm thứ Ba đã chính thức công bố khoản đầu tư 11 tỷ real (2,22 tỷ USD) vào Brazil.
Giá hàng hóa thế giới
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
79,33
|
+0,20
|
+0,25%
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
83,15
|
+0,19
|
+0,23%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
255,29
|
-0,10
|
-0,04%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
1,92
|
0,00
|
-0,26%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
266,35
|
+0,02
|
+0,01%
|
Vàng (Comex)
|
USD/ounce
|
2.152,90
|
-5,30
|
-0,25%
|
Vàng giao ngay
|
USD/ounce
|
2.146,99
|
-1,19
|
-0,06%
|
Bạc (Comex)
|
USD/ounce
|
24,27
|
-0,22
|
-0,91%
|
Bạch kim giao ngay
|
USD/ounce
|
908,03
|
-0,94
|
-0,10%
|
Đồng (Comex)
|
US cent/lb
|
388,25
|
+0,75
|
+0,19%
|
Đồng (LME)
|
USD/tấn
|
8.577,00
|
+85,50
|
+1,01%
|
Nhôm (LME)
|
USD/tấn
|
2.235,00
|
+6,50
|
+0,29%
|
Kẽm (LME)
|
USD/tấn
|
2.494,50
|
+39,50
|
+1,61%
|
Thiếc (LME)
|
USD/tấn
|
27.192,00
|
+368,00
|
+1,37%
|
Ngô (CBOT)
|
US cent/bushel
|
428,50
|
-0,25
|
-0,06%
|
Lúa mì (CBOT)
|
US cent/bushel
|
530,50
|
-0,50
|
-0,09%
|
Lúa mạch (CBOT)
|
US cent/bushel
|
357,50
|
+1,00
|
+0,28%
|
Gạo thô (CBOT)
|
USD/cwt
|
18,02
|
+0,10
|
+0,53%
|
Đậu tương (CBOT)
|
US cent/bushel
|
1.148,25
|
0,00
|
0,00%
|
Khô đậu tương (CBOT)
|
USD/tấn
|
330,60
|
+0,20
|
+0,06%
|
Dầu đậu tương (CBOT)
|
US cent/lb
|
45,29
|
-0,03
|
-0,07%
|
Hạt cải (ICE)
|
CAD/tấn
|
598,30
|
-0,60
|
-0,10%
|
Cacao (ICE)
|
USD/tấn
|
6.549,00
|
+99,00
|
+1,53%
|
Cà phê (ICE)
|
US cent/lb
|
186,30
|
+2,95
|
+1,61%
|
Đường thô (ICE)
|
US cent/lb
|
21,45
|
+0,58
|
+2,78%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)
|
US cent/lb
|
372,40
|
+6,60
|
+1,80%
|
Bông (ICE)
|
US cent/lb
|
95,28
|
+1,04
|
+1,10%
|
Lông cừu (ASX)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ (CME)
|
USD/1000 board feet
|
--
|
--
|
--
|
Cao su Singapore
|
US cent/kg
|
160,90
|
+1,00
|
+0,63%
|
Ethanol (CME)
|
USD/gallon
|
2,16
|
0,00
|
0,00%
|