Năng lượng: Giá dầu tăng hơn 4%
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng trong phiên cuối tuần sau khi các thị trường theo dõi những dấu hiệu về bất kỳ xung đột trực tiếp nào giữa Israel và Iran - có thể khiến cho nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa.
Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 0,52 USD hay 0,57% lên 91,17 USD/thùng, dầu WTI tăng 0,32 US cent hay 0,37% lên 86,91 USD/thùng. Hôm thứ Năm, cả 2 hợp đồng đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 10.
Tính chung cả tuần, dầu Brent và dầu WTI đều tăng hơn 4% do Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, tuyên bố sẽ trả thù Israel vì vụ tấn công vào đại sứ quán gây thương vong.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, cho biết: “Nếu Iran tấn công trực tiếp vào Israel, điều đó chưa từng xảy ra trước đây”. “Đó chỉ là một rủi ro địa chính trị khác như một hiệu ứng domino”.
Israel chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào khu đại sứ quán Iran ở Syria hôm thứ Hai.
Một quan chức NATO hôm thứ Năm cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đang diễn ra vào các nhà máy lọc dầu ở Nga có thể đã làm gián đoạn hơn 15% công suất của Nga, ảnh hưởng đến sản lượng nhiên liệu của nước này.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, trong tuần qua đã quyết định giữ chính sách nguồn cung dầu của họ không thay đổi và ép một số nước trong nhóm tăng cường tuân thủ việc cắt giảm sản lượng.
Các nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ANZ viết trong một ghi chú: “Việc thắt chặt hơn nữa việc tuân thủ hạn ngạch sẽ khiến sản lượng tiếp tục giảm trong quý 2”.
“Triển vọng về một thị trường thắt chặt hơn sẽ khiến lượng hàng tồn kho giảm trong quý hai.”
Trong khi đó, tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng trong tháng 3 vượt trội so với dự đoán. Theo đó, số việc làm mới tăng 303.000, cho thấy nhu cầu dầu có thể tăng mạnh nhưng có khả năng trì hoãn việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất -–dự kiến vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong quý 1.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần qua cắt giảm số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ 3 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 10. Số giàn khoan dầu và khí, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, giảm 1 giàn xuống 620 giàn trong tuần này, thấp nhất kể từ đầu tháng 2.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần lên mức kỷ lục mới do nhiều yếu tố, bao gồm việc đặt cược Fed sắp cắt giảm lãi suất, hoạt động mua đầu cơ và các ngân hàng trung ương mua vào - đã khiến vàng tăng kỷ lục bất chấp tăng trưởng việc làm của Mỹ mạnh trong tháng 3.
Phiên thứ Sáu, giá vàng giao ngay tăng 1,5% lên 2.324,15 USD/ounce, sau khi đạt kỷ lục tại 2.330,06 USD/ounce. Giá vàng đã tăng hơn 4% trong tuần này và ghi nhận tuần tăng thứ 3 tăng liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 1,6% lên 2.345,4 USD.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 27,37 USD mỗi ounce; bạch kim tăng 0,4% lên 928,80 USD. Tính chung cả tuần, cả 2 kim loại này đều tăng. Riêng palladium giảm 2,2% xuống còn 999,00 USD và tính chung cả tuần giảm.
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, cho biết có quá nhiều dòng vốn chảy vào và mọi người đang theo đuổi mức cao của thị trường, điều này đang hỗ trợ giá vàng cùng với lực mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và hoạt động mua đầu cơ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 3/4 một lần nữa nói rằng ngân hàng trung ương không vội cắt giảm chi phí đi vay sau khi giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 – 5,5% hiện tại vào tháng trước.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: “Tại một thời điểm nào đó vào cuối năm nay khi những lo ngại về lạm phát vẫn còn, đó vẫn là môi trường tích cực cơ bản cho thị trường vàng”.
Các nhà đầu tư hiện dự đoán 59% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Hạ lãi suất làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.
Bart Melek, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại TD Securities, cho biết: “Một số người cũng có thể đã đảm bảo một số vị thế bán và sau đó các kỹ thuật viên đã đưa (vàng) vượt qua mức kháng cự 2.300 USD”.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt tăng trong tuần
Giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm trong phiên cuối tuần, lùi khỏi mức cao nhất 14 tháng đã đạt được trong phiên trước do USD tăng sau khi tăng trưởng việc làm trong tháng 3 vượt kỳ vọng có thể làm trì hoãn việc Fed cắt giảm lãi suất.
Kết thúc phiên này, đồng giao sau 3 tháng giảm 0,4% xuống 9.318,5 USD/tấn. Giá đồng trong phiên liền trước đã đạt 9.397,5 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Giá nhôm phiên này tăng 0,2% lên 2.448,5 USD, chì giảm1,4% xuống 2.108 USD và niken tăng 0,2% lên 17.745 USD. Giá thiếc đã tăng thêm 0,4% lên 28.735 USD sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2023 là 29.045 USD. Giá kẽm giảm 0,5% xuống còn 2.631,5 USD.
Tính chung cả tuần, tất cả các kim loại cơ bản đều tăng, trong đó đồng tăng 5%, kẽm tăng nhiều nhất trong kể từ tháng 1/2023 (tăng 8%). Dan Smith, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Amalgamated Metal Trading, cho biết: “Đồng đã tăng giá rất nhiều gần đây với tốc độ gia tăng nhanh chóng, vì vậy ngay cả khi nó tiếp tục tăng trong thời gian ngắn, rủi ro giảm giá đang bắt đầu hình thành”.
Trong tuần qua, số liệu hoạt động sản xuất tốt hơn dự kiến từ Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu và hy vọng Mỹ, Châu Âu cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy tăng giá các kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng.
Ông Smith cho biết: “Biểu đồ tính thời vụ của những năm trước cho thấy thông thường tuần thứ 9 trong năm là tuần mạnh nhất đối với đồng và sau đó nó có xu hướng giảm xuống gần với mùa hè. Hiện chúng ta đang ở tuần thứ 14”.
Các nhà máy đồng của Trung Quốc thường hoạt động chậm lại trong những tháng hè ở Bắc bán cầu.
Thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ Thanh minh trong 2 phiên cuối tuần.
Nông sản: Giá ngô, đậu tương, đường, cao su giảm trong tuần
Phiên cuối tuần, giá ngô Mỹ tăng lên mức cao nhất một tháng do thị trường bất ổn trước rủi ro thời tiết mùa xuân ở bán cầu bắc và căng thẳng gia tăng ở Biển Đen. Giá đậu tương và ngô giảm do các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng trồng trọt ở Mỹ sau những cơn mưa nhìn chung thuận lợi ở cho việc trồng trọt ở vùng Midwest của Mỹ vào cuối tháng này và cạnh tranh xuất khẩu gia tăng từ Nam Mỹ.
Thị trường lúa mì tăng trong phiên này do có tin đồn về sự chậm trễ đối với hàng xuất khẩu của Nga. Trong khi đó, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới vào các cảng ngũ cốc ở Biển Đen gây ra lo ngại về sự chậm trễ trong vận chuyển và lo ngại về tình trạng vụ mùa lúa mì của Pháp.
Tính chung cả tuần, giá ngô và đậu tương giảm, trong khi lúa mì tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên này, hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thương mại Chicago (CBOT) kết thúc phiên tăng 11 cent lên 5,67-1/4 USD/bushel, sau khi có lúc tăng lên 5,74-3/4, cao nhất kể từ ngày 1 tháng 3. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 5 tăng 5 xu lên 11,85 USD/bushel, trong khi ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1 US cent xuống 4,34-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa phiên thứ Sáu giảm 1,7% xuống 21,99 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 giảm 0,6% xuống 646,9 USD/tấn.
Mưa gần đây tại Trung Nam Brazil có thể trì hoãn thời điểm bắt đầu thu hoạch niên vụ 2024/25 nhưng cũng sẽ cải thiện triển vọng sản xuất mía ở khu vực này. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp hôm thứ Sáu cho biết nông dân Pháp sẽ được phép sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn trên ruộng củ cải đường của họ trong năm nay do nguy cơ cao bị tấn công từ một loại côn trùng mang mầm bệnh đã tàn phá mùa màng vào năm 2020.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên giảm 0,6% xuống 3.744 USD/tấn, giảm nhẹ sau khi lên 3.849 USD trong phiên liền trước – cao nhất kể từ khi dạng hợp đồng hiện tại này bắt đầu giao dịch trong năm 2008. Cà phê arabica giao tháng 5 tăng 2,8% lên 2,125 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Các đại lý cho biết nguồn cung cấp tại Việt Nam vẫn rất khan hiếm và có những lo ngại về khả năng hạn hán. Ngân hàng Commerzbank cho biết giá cà phê robusta tăng mạnh do lo ngại về tình trạng mất mùa bởi hạn hán ở Việt Nam, quốc gia sản xuất quan trọng nhất. Vụ thu hoạch sắp tới ở Brazil và Indonesia có thể phần nào giảm bớt những lo ngại này và khiến giá giảm.
Nông dân Brazil chuẩn bị bắt đầu thu hoạch vụ robusta lớn hơn trong năm nay khi giá trong nước ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, các đại lý cho biết có lo ngại rằng vụ robusta tại Indonesia có thể bị chậm cho tới cuối tháng 5 hay tháng 6.
Giá cao su Nhật Bản kết thúc chuỗi 3 phiên liên tiếp tăng, giảm vào lúc đóng cửa phiên thứ Sáu trong bối cảnh thị trường chứng khoán yếu, đồng JPY mạnh và giá cao su giao ngay giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,1 JPY hay 0,64% xuống 325,2 JPY (2,15 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 1,03%.
Trên sàn Singapore, cao su kỳ hạn tháng 5 giảm 0,37% xuống 162,1 US cent/kg.
Giá cao su trên sàn Osaka đang giảm theo xu hướng giá cao su nguyên liệu ở Thái Lan, khi mùa đông ở nước này sắp kết thúc, nhất là ở Đông Bắc Thái Lan.
Nhà sản xuất cao su tấm hun khói cao cấp xuất khẩu hàng đầu Thái Lan đã hạ giá chào bán 4 phiên liên tiếp và giảm 1,75% trong tuần.
Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ. Giao dịch sẽ tiếp tục vào ngày 8 tháng 4.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá 28/3

Giá 5/4

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

 

85,72

-1,19

-1,37%

Dầu Brent

USD/thùng

87,00

89,86

-1,31

-1,44%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

272,06

275,49

-3,37

-1,21%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,76

1,76

-0,03

-1,46%

Dầu đốt

US cent/gallon

261,56

272,80

-4,50

-1,62%

Vàng (Comex)

USD/ounce

2.238,40

2.364,40

+19,00

+0,81%

Vàng giao ngay

USD/ounce

2.229,87

2.346,46

+16,71

+0,72%

Bạc (Comex)

USD/ounce

24,92

28,08

+0,58

+2,10%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

911,29

935,06

+4,50

+0,48%

Đồng (Comex)

US cent/lb

400,70

425,60

+2,00

+0,47%

Đồng (LME)

USD/tấn

8.867,00

9.329,50

-29,50

-0,32%

Nhôm (LME)

USD/tấn

2.337,00

2.450,50

+6,00

+0,25%

Kẽm (LME)

USD/tấn

2.439,00

2.638,50

-7,00

-0,26%

Thiếc (LME)

USD/tấn

27.451,00

28.795,00

+152,00

+0,53%

Ngô (CBOT)

US cent/bushel

442,00

433,75

-0,50

-0,12%

Lúa mì (CBOT)

US cent/bushel

560,25

566,50

-0,75

-0,13%

Lúa mạch (CBOT)

US cent/bushel

357,00

333,50

+2,25

+0,68%

Gạo thô (CBOT)

USD/cwt

16,36

16,22

+0,06

+0,37%

Đậu tương (CBOT)

US cent/bushel

1.191,50

1.188,75

+3,75

+0,32%

Khô đậu tương (CBOT)

USD/tấn

337,70

334,70

+1,60

+0,48%

Dầu đậu tương (CBOT)

US cent/lb

47,95

48,74

-0,15

-0,31%

Hạt cải (ICE)

CAD/tấn

626,40

640,90

-2,20

-0,34%

Cacao (ICE)

USD/tấn

9.766,00

9.312,00

+284,00

+3,15%

Cà phê (ICE)

US cent/lb

188,85

211,00

+5,20

+2,53%

Đường thô (ICE)

US cent/lb

22,52

21,99

-0,37

-1,65%

Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)

US cent/lb

363,25

360,30

-10,00

-2,70%

Bông (ICE)

US cent/lb

91,38

87,95

+1,70

+1,97%

Lông cừu (ASX)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ (CME)

USD/1000 board feet

--

--

--

--

Cao su Singapore

US cent/kg

164,30

168,90

+3,80

+2,30%

Ethanol (CME)

USD/gallon

2,16

2,16

0,00

0,00%