Năng lượng: Giá dầu tháng 2 tăng mạnh, khí đốt giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Giá dầu mỏ thế giới kết thúc tháng 2 tăng mạnh so với một tháng trước đó, trong khi khí đốt tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp.
Phiên cuối cùng của tháng 2, giá dầu giảm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang thực sự suy yếu, trong bối cảnh sản lượng dầu của OPEC tăng.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 4/2024 giảm 6 US cent xuống 83,62 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 28 US cent xuống 78,26 USD/thùng. So với một tháng trước, giá dầu WTI tăng 9% trong khi dầu Brernt tăng 7%.
Chỉ số chi tiêu cá nhân (PCE) của Mỹ– thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết, lạm phát tháng 1/2024 phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế, có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục cân nhắc việc cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2024.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, cho biết: “Dữ liệu kinh tế chưa rõ ràng khiến cho thị trường tiếp tục tranh luận về việc Fed có cắt giảm lãi suất sớm hay không, điều này hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ”. “Đồng thời, sẽ có những đợt cắt giảm đó vì nền kinh tế đang chậm lại và điều đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ”.
Các báo cáo về giá tiêu dùng và giá sản xuất hồi đầu tháng 2 cho thấy lạm phát dai dẳng và cách tiếp cận thận trọng từ các nhà hoạch định chính sách của Fed, khiến các nhà đầu tư đẩy lùi kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ tháng 3 sang tháng 6.
Dữ liệu từ một số nền kinh tế lớn nhất khu vực cho thấy lạm phát khu vực đồng Euro tiếp tục giảm trong tháng này, củng cố thêm khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu nới lỏng lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất cao đã giúp nhiều nền kinh tế lớn của phương Tây kiềm chế lạm phát, nhưng có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, giá dầu chịu áp lực giảm bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ - nước sản xuất hàng đầu thế giới – tăng tuần thứ 5 liên tiếp, tăng 4,2 triệu thùng, cao hơn so với dự báo tăng 2,7 triệu thùng. Thị trường cũng đang bàn luận về việc nhóm sản xuất OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện. Các nhà phân tích của ANZ cho biết “với triển vọng nhu cầu vẫn không chắc chắn, chúng tôi nghĩ OPEC sẽ gia hạn thỏa thuận nguồn cung hiện tại đến cuối quý 2”.
Cuộc khảo sát của Reuters cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bơm 26,42 triệu thùng/ngày trong tháng này, tăng 90.000 thùng/ngày so với tháng 1. Sản lượng của Libya tăng 150.000 thùng/ngày so với tháng trước.
Trong khi đó, giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường toàn cầu - đã dao động trên mốc 80 USD trong ba tuần qua, với việc xung đột ở Trung Đông chỉ có tác động nhất định đến dòng chảy dầu thô.
Tuy nhiên, cuộc xung đột cho thấy ít dấu hiệu giảm nhiệt khi cả Israel và Hamas đều hạ thấp triển vọng đạt được một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến của họ ở Gaza. Các nhà hòa giải Qatar cho biết những vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn chưa được giải quyết.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 40 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo mức giá trung bình đối với hợp đồng kỳ hạn 1 tháng năm nay sẽ là 81,13 USD/thùng.
Khí đốt cũng giảm trong phiên cuối tháng, với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn New York giảm 2,5 US cent tương đương 1,4% xuống 1,86 USD/mmBTU. Tính chung trong tháng 2, giá khí tự nhiên giảm hơn 10% - tháng giảm thứ 4 liên tiếp và có chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 3/2020, do nguồn cung dồi dào.
Kim loại quý: Giá vàng tháng 2 gần như không thay đổi
Giá vàng trong phiên cuối tháng tăng lên mức cao nhất 1 tháng, do đồng USD giảm khi số liệu lạm phát của Mỹ phù hợp với dự đoán, trong bối cảnh thị trường chuyển tập trung chú ý sang bình luận từ các quan chức của Fed để tìm kiếm tín hiệu cắt giảm lãi suất.
Dữ liệu PCE của Mỹ gây áp lực giảm giá đồng USD, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 2.046,29 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2024 trên tăng 0,6% lên 2.054,7 USD/ounce. Giá bạc trong phiên này tăng 1,1% lên 22,68 USD mỗi ounce, bạch kim tăng 0,2% lên 880 USD và palladium tăng 1,4% lên 941,25 USD. Tính chung cả tháng 2 giá kim loại quý gần như không thay đổi.
“Những nhà đầu tư vàng chỉ cần một cái cớ để mua và họ đã tìm thấy nó”, Tai Wong, nhà phân tích kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết, và thêm rằng vàng có thể phải đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật khoảng 2.065 USD.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết: “Các bài phát biểu đều đặn của Fed cho thấy rằng không có gì vội vàng trong việc hạ lãi suất và tin tức đó đã tác động đến thị trường”.
“Nếu có một sự thay đổi tiềm năng ám chỉ đến ý tưởng giảm lãi suất sớm hơn dù chỉ một chút, thì đó sẽ là điều tích cực đối với vàng.”
Kim loại công nghiệp: Giá kim hầu hết giảm trong tháng 2, ngoại trừ nickel
So sánh giá vào cuối tháng 2/2024 so với một tháng trước đó, giá hầu hết các kim loại công nghiệp đều giảm, ngoại trừ nickel tăng mạnh.
Phiên 29/2, giá nickel chạm mức cao nhất hơn 2 tháng do lo ngại về nguồn cung từ nước sản xuất hàng đầu thế giới – Indonesia.
Trên sàn giao dịch kim loại London (LME), giá nickel giao sau 3 tháng tăng 1,3% lên 17.830 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 17.935 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 9/11/2023. Tính chung cả tháng, giá nickel tăng 10% và có tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2023.
Dan Smith, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Amalgamated Metal Trading, cho biết: “Mọi người đang hỏi, liệu mức giá sàn hiện đã đủ cao chưa, chúng ta đã đạt đến mức sàn của niken chưa? Có vẻ như câu chuyện siêu giảm giá đang bị thách thức”.
Năm ngoái, niken là kim loại có thành tích tệ nhất trong số tất cả các kim loại cơ bản trên sàn LME, giảm 45% do nhu cầu yếu và sản lượng của Indonesia tăng ổn định.
Smith cho biết thêm, dữ liệu định vị LME gần đây nhất cho thấy giá đang được nâng lên nhờ sự kết hợp giữa các nhà đầu cơ giảm giá đóng vị thế và một số ít các nhà phát minh tăng giá mua cổ phiếu mới.
Tại nhà sản xuất hàng đầu Indonesia, sự chậm trễ trong việc phê duyệt hạn ngạch khai thác mới đã khiến các nhà máy luyện kim phải hoạt động chậm lại và hạn chế sản lượng.
Tuy nhiên, ông Smith tỏ ra thận trọng về khả năng giá sẽ tăng tiếp. “Nếu chúng ta hướng tới mức 18.000 USD, 19.000 USD hoặc thậm chí 20.000 USD, bạn sẽ thấy khá nhiều làn sóng người bán.”
Hỗ trợ thị trường là chỉ số đồng đô la yếu đi sau khi dữ liệu cho thấy mức tăng lạm phát hàng năm của Mỹ, được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, ở mức nhỏ nhất trong ba năm, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục cắt giảm lãi suất vào giữa năm. Đồng đô la yếu hơn làm cho hàng hóa định giá bằng đồng tiền Mỹ trở nên rẻ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Về các kim loại cơ bản khác, cũng trên sàn LME phiên 29/2, giá chì giảm 1,2% xuống 2.057,50 USD/tấn sau khi tồn kho chì ở sàn LME tăng 11.350 tấn lên mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2017. Giá đồng tăng 0,4% lên 8.483,50 USD/tấn, giá nhôm tăng 1,5% lên 2.223,50 USD và kẽm tăng 0,4% lên 2.424,50 USD. Thiếc giảm 0,3% xuống 26.475 USD.
Tính chung trong tháng 2, giá nhôm giảm 2%, kẽm giảm 6%.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên phiên cuối tháng dao động trong phạm vi hẹp do các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc, trong bối cảnh kỳ vọng các nhà máy thép tăng cường sản xuất, bất chấp mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản.
Kết thúc phiên này, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn Đại Liên giảm 0,17% xuống 892 CNY (124 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn Singapore tăng 0,46% lên 116,55 USD/tấn. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,66%, thép cuộn cán nóng giảm 0,38%, thép cuộn tăng 0,3% và thép không gỉ không thay đổi.
Tính chung trong tháng 2, giá quặng sắt giảm 14%, thép thanh vằn giảm 3% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 18%.
Nông sản: Giá ngũ cốc giảm trong tháng 2, đường và cao su tăng mạnh, cà phê gần như không thay đổi
Giá đậu tương trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất 3 năm trong phiên cuối tháng, chịu áp lực giảm bởi thời tiết tại Nam Mỹ được cải thiện và doanh số xuất khẩu của Mỹ giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2024 giảm 4-1/2 US cent xuống 11,4-3/4 USD/bushel; trước đó trong phiên có lúc chạm 11,28-1/2 USD/bushel – thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 1 US cent lên 4,29-1/2 USD/bushel và giá lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/2 US cent lên 5,76-1/4 USD/bushel.
Tính chung trong tháng 2, giá ngô, lúa mì, đậu tương đều giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn ICE phiên 29/2 giảm 1,43 US cent, tương đương 6%, xuống 22,58 US cent/l; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn London giảm 3,1% xuống 615,1 USD/tấn.
Các đại lý cho biết một số thương nhân dường như đã thay đổi quan điểm về lượng đường họ sẵn sàng nhận, một lý do dẫn đến đợt bán tháo lớn trong phiên này.
Theo thông tin sơ bộ từ các thương nhân, lượng giao hàng trong tháng 3 đạt 25.751 lô, tương đương khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó Wilmar được coi là nhà giao hàng lớn nhất.
Thông tin cho thấy sản lượng của Ấn Độ có thể lớn hơn một chút so với dự kiến đã góp phần khiến giá giảm và khiến một số người kỳ vọng sẽ có thặng dư toàn cầu trong niên vụ 2023/24.
Tuy nhiên, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) hôm thứ Tư dự báo mức thâm hụt toàn cầu niên vụ 2023/24 không đáng kể.
Giá giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 51 USD tương đương 1,7% lên 3.095 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2024 tăng 1,4% lên 1,8435 USD/lb. Tính chung trong tháng 2, giá gần như không thay đổi.
Giá cà phê tại các nước cung cấp hạt cà phê robusta lớn của châu Á, bao gồm Việt Nam và Indonesia, tuần này tăng do nhu cầu vẫn còn cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức cộng 400-450 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn London và so với mức cộng 300-350 USD/tấn 1 tuần trước đó. Cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) của Indonesia chào bán ở mức cộng 800 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4/2024 trên sàn London, tăng so với mức cộng 720 USD/tấn 1 tuần trước đó.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nội địa và giá dầu đều giảm, đồng JPY tăng mạnh. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 2, giá cao su đi lên.
Cụ thể, trên sàn Osaka phiên 29/2, giá cao su kỳ hạn tháng 8/2024 giảm 4,1 JPY tương đương 1,36% xuống 297 JPY (1,98 USD)/kg – thấp nhất kể từ ngày 22/2/2024. Tính chung cả tháng, giá cao su tăng 4,21% - tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2024 trên sàn Thượng Hải tăng 10 CNY lên 13.960 CNY (1.940,69 USD)/tấn, trong bối cảnh lạc quan về gói kích thích sắp tới của Trung Quốc.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2024 trên sàn Singapore giảm 1,18% xuống 159,2 US cent/kg.
Sản lượng nhà máy tháng 1 của Nhật Bản giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 2020 do sự suy thoái sản xuất ô tô làm tăng thêm lo ngại về sự mong manh của nền kinh tế rơi vào suy thoái vào cuối năm ngoái.
Sản lượng sản xuất của Thái Lan tháng 1kéo dài tháng giảm thứ 16 trong bối cảnh doanh số bán xe cơ giới trong nước và xuất khẩu yếu. Thái Lan là trung tâm lắp ráp và xuất khẩu ô tô của Đông Nam Á.
Cập nhật giá hàng hóa