Bảng giá gạo ngày 9/10

 



Việt Nam xuất khẩu 4,35 triệu tấn gạo trong 9 tháng đầu năm 2015

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Việt Nam đã xuất khẩu 4,35 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu gạo trung bình kể từ đầu năm 2015 đến nay vào khoảng 420,77 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 9/2015, Việt Nam xuất khẩu 532.267 tấn gạo, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3% so với tháng trước đó. Giá gạo trung bình trong tháng 9 đạt 406,46 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ ngoái. 

 

Thái Lan có thể giành lại danh hiệu nước xuất khẩu gạo hàng đầu năm 2015


Reuters trích phát biểu của một quan chức cấp cao tại Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho rằng, Thái Lan có thể sẽ giành lại danh hiệu là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2015. Trước đó, Thái Lan đã để mất danh hiệu này vào tay Ấn Độ trong 3 năm liên tiếp.

Thái Lan được cho là đã xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo kể từ đầu năm 2015 đến nay. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan dự báo, con số này sẽ tăng lên 9,7 triệu tấn - 10 triệu tấn đến cuối năm, vượt xa ước tính ban đầu của TREA là 9,5 triệu tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này tăng mạnh chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Tháng 12/2014, chính phủ Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết một biên bản ghi nhớ, theo đó Trung Quốc đồng ý mua khoảng 2 triệu tấn gạo của Thái Lan.

Kể từ đầu năm 2015 đến nay, Thái Lan đã xuất khoảng 700.000 tấn gạo đầu tiên của 1 triệu tấn gạo trắng 5% tấm (theo biên bản ghi nhớ) sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan.


USDA ước tính sản lượng tất cả các loại gạo niên vụ 2015 - 2016 của Mỹ giảm do năng suất giảm


Trong báo cáo Ước tính cung - cầu hàng hóa nông nghiệp thế giới tháng 10/2015, USDA ước tính sản lượng tất cả các loại gạo trong niên vụ 2015 - 2016 của Mỹ giảm 80.000 tấn so với ước tính hồi tháng 8, xuống 8,52 triệu tấn.

Theo ước tính, sản lượng gạo hạt dài giảm xuống 5,91 triệu tấn; sản lượng gạo hạt ngắn và hạt trung giảm xuống 2,61 triệu tấn.

Năng suất sản xuất gạo trung bình ước tính đạt 8,27 tấn/hecta, giảm từ ước tính hồi tháng 8 là 8,41 tấn/hecta.  


Chuyên gia kêu gọi chính phủ Pakistan nới hạn trả nợ đối với lĩnh vực lúa gạo

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Pakistan nên nới hạn trả nợ đối với lĩnh vực lúa gạo để hỗ trợ người trồng, xay lúa và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá giảm liên tục và tồn kho tăng.

Theo số liệu của Hiệp hội xay lúa gạo Pakistan, tính đến ngày 30/6/2015, tổng nợ ngân hàng của 3000 nông dân và hàng nghìn người dân trồng lúa đã tăng lên 958 triệu USD.

Trước đó, Thủ tướng Pakistan từng tuyên bố rằng, nợ của lĩnh vực lúa gạo sẽ được nới thêm đến tận tháng 6/2016 nhưng quyết định này vẫn chưa được thực hiện. Trong phiên họp của ngân hàng trung ương Pakistan với các ngân hàng trong nước ngày 4/9, các quan chức cũng đều đồng ý thông qua biện pháp nới hạn trả nợ cho lĩnh vực lúa gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xay lúa gạo cho biết, các ngân hàng vẫn chưa thông báo chính sách mới cho các chi nhánh nên họ vẫn đang bị ép hoàn nợ.

Theo các chuyên gia, nếu chính phủ không nới hạn trả nợ cho người nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo, vấn đề phân phối gạo của Pakistan sẽ càng trầm trọng. Một số người nông dân Pakistan cho biết, loại gạo vừa mới được thu hoạch đang bị bán ở mức giá thấp nhất trên thị trường. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu của Pakistan cũng đang lo ngại về khả năng bị mất thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ.

Pakistan đã xuất khẩu khoảng 396.199 tấn gạo trong 2 tháng đầu năm tài chính 215 - 2016 (tháng 7/2015 - tháng 6/2016), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cục Thống kê Pakistan. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo trong cùng kỳ của nước này lại giảm về mặt giá trị, đạt 213 triệu USD và giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Dung

Theo Oryza