Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bởi ngày càng có khả năng Mỹ tăng lãi suất, nhưng việc cắt giảm nguồn cung dầu thô từ các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Saudi Arabia Nga đã hạn chế mức giảm giá.
Dầu thô Brent kết thúc phiên giảm 78 cent, tương đương 1%, xuống 77,69 USD/thùng, sau khi trước đó trong phiên có lúc chạm mức cao nhất hơn hai tháng.
Dầu thô Trung cấp Tây Texas của Mỹ giảm 87 cent, tương đương 1,2%, xuống 72,99 USD.
“Các nhà giao dịch rất lo lắng về lãi suất tăng bởi điều đó có thể giết chết nhu cầu một cách nhanh chóng”, Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết, đồng thời thêm rằng một số nhà đầu tư cũng đang tham gia chốt lời sau đợt tăng giá vào tuần trước.
Cả hai loại dầu đều tăng hơn 4,5% vào tuần trước sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng mới, nâng tổng mức giảm của nhóm OPEC + lên khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày (bpd), tương đương khoảng 5% nhu cầu dầu toàn cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang San Francisco, Mary Daly, hôm thứ Hai nhắc lại rằng có thể sẽ cần thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để giảm mức lạm phát vẫn còn quá cao, trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester cũng phát đi tín hiệu tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Bộ Lao động Mỹ vào thứ Sáu tuần trước đã báo cáo mức tăng việc làm trong tháng 6 thấp nhất trong 2 năm rưỡi (so với tháng 5) cùng với mức tăng lương mạnh mẽ. Dữ liệu củng cố khả năng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.
Trong khi đó, giá tại cổng nhà máy của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chậm lại.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.
Các thị trường cũng đang tập trung vào việc Mỹ công bố dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng, một báo cáo lạm phát quan trọng và một loạt báo cáo kinh tế từ Trung Quốc vào cuối tuần này để xác định nhu cầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng gần như không thay đổi khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ - có thể ảnh hưởng đến lập trường chính sách của Cục Dự trữ Liên bang, trong khi giá palladium lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2018 giảm xuống dưới mức 1.200 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên vững ở mức 1.925,30 USD/ounce lúc, vàng kỳ hạn tháng 8 giảm nhẹ 0,1% xuống 1.931 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp của Kitco cho biết: "Vàng đã nhận được sự hỗ trợ mạnh ở mức 1.900 USD. Nếu lạm phát vẫn cao, điều đó có thể đẩy vàng xuống dưới mức đó và giá có thể nhanh chóng giảm xuống mức 1.848 USD".
Trọng tâm chú ý của thị trường tuần này sẽ là dữ liệu CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) của Mỹ, công bố vào thứ Tư, sau khi biên bản họp của Fed tuần trước cho thấy đại đa số các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn không sinh lãi suất.
Giá vàng thỏi đã giảm hơn 7% kể từ khi đạt mức gần kỷ lục vào đầu tháng 5 khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
Ông Wyckoff cho biết: "Vị thế kỹ thuật vẫn là xu hướng giảm đối với thị trường vàng. Tôi nghĩ rằng sẽ cần một yếu tố địa chính trị để đẩy giá tăng đáng kể".
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động vào thứ Sáu cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 6 đã tạo thêm ít việc làm nhất trong 2,5 năm, nhưng mức tăng lương mạnh liên tục cho thấy điều kiện thị trường lao động vẫn còn thắt chặt.
Trong khi đó, palladium giảm 0,2% xuống 1.241,41 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên là 1.190,65 USD. Palladium đã mất giá gần 31% từ đầu năm đến nay do sự gia tăng nhanh chóng của xe điện, có nguy cơ cản trở nhu cầu đối với kim loại xúc tác tự động trong động cơ, giữa bối cảnh nền kinh tế suy yếu.
Các nhà phân tích của Heraeus viết: “Nếu lãi suất tiếp tục tăng, như dự đoán của thị trường tương lai, người tiêu dùng Mỹ sẽ gặp khó khăn và doanh số bán hàng sẽ chậm lại, kéo theo nhu cầu palladium giảm trong 12 tháng tới”.
Giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 23,14 đô la, trong khi bạch kim tăng 2% lên 926,55 đô la.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng trên sàn London cũng vững vào cuối phiên, phục hồi sau khi giảm lúc đầu phiên do đồng USD yếu đi và dữ liệu kinh tế ảm đạm từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, Trung Quốc.
Đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên không đổi ở mức 8.371,5 USD/tấn.
Đồng USD suy yếu khi các nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp kết thúc chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng tiền của Mỹ yếu hơn làm cho các kim loại được định giá bằng đô la trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm với tốc độ nhanh nhất hơn 7 năm trong khi giá tiêu dùng bấp bênh trên bờ vực giảm phát, khiến các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng nhiều biện pháp kích thích hơn để vực dậy nhu cầu đang trì trệ.
Nhà phân tích Ewa Manthey của ING cho biết: “Dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc cho thấy nước này vẫn đang vật lộn để phục hồi sau giai đoạn phong tỏa do COVID-19.” "Sự phục hồi của Trung Quốc đang mất đà, với xuất khẩu giảm và sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản của nước này làm ảnh hưởng đến nhu cầu kim loại cơ bản."
Tại Congo, nhà sản xuất đồng lớn thứ ba thế giới, Tập đoàn CMOC của Trung Quốc xác nhận rằng xuất khẩu đồng và coban từ mỏ TFM đã được nối lại sau một cuộc tranh chấp.
Tuy nhiên, có một số yếu tố hỗ trợ giá. Dự trữ đồng trong các kho đã đăng ký của sàn LME chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4, là 59.425 tấn sau khi 3.550 tấn được chuyển đi.
Về các kim loại khác, giá nhôm tăng 0,1% lên 2.148,5 USD/tấn; kẽm giảm 0,1% xuống 2.359 USD, chì tăng 0,3% lên 2.059 USD, thiếc mất 1,4% xuống 27.950 USD và niken tăng 1% lên 20.828,5 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm hơn 3% khi các thương nhân chờ đợi tin tức mới về gói kích thích của Trung Quốc trong bối cảnh sản xuất trì trệ trong khi dữ liệu nhu cầu yếu của nước này khiến tâm lý của giới kinh doanh bị giảm sút.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 3,5% xuống 795,5 nhân dân tệ (109,94 USD)/tấn, ngày giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 8 giảm 3,1% xuống 104,3 USD/tấn. Trước đó, giá đã giảm xuống mức thấp là 104,1 USD.
"Giá quặng sắt vẫn chịu áp lực trong bối cảnh sản lượng thép bị hạn chế", ANZ Research cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai.
"Đường Sơn đã ra lệnh cho các nhà máy thép hạn chế sản lượng trong cả tháng 7 để chống lại chất lượng không khí ngày càng xấu đi. Nhiệt độ cực cao ở miền bắc đất nước cũng có thể dẫn đến hoạt động xây dựng chậm lại."
Nhiệt độ ở một số khu vực trên khắp Trung Quốc được dự báo sẽ đạt trên 40 độ C, Westpac cho biết trong một lưu ý riêng. Chất lượng không khí xấu đi sẽ buộc các cơ sở sản xuất thép phải hạn chế sản xuất.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển các-bon thấp trong ngành thép, Liu Bingjiang, quan chức Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, cho biết tại một hội nghị ngành hôm thứ Bảy.
Giá các loại thép trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải cũng trượt dốc trong phiên này. Hợp đồng thép cây được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải giảm 2%, thép cuộn cán nóng giảm 1,7%, dây thép cuộn giảm 4,7% và thép không gỉ giảm 0,3%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương kỳ hạn tương lai của Mỹ tăng khoảng 2% từ mức thấp nhất trong một tuần chạm tới vào thứ Sáu tuần trước khi các thương nhân chờ đợi các báo cáo vụ mùa hàng tháng do Bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến công bố vào giữa tuần.
Xu hướng tăng trên thị trường dầu thực vật toàn cầu đã nâng giá dầu đậu tương và dầu đậu tương kỳ hạn tương lai. Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia đang tăng nhờ sự hỗ trợ từ dữ liệu dự trữ và xuất khẩu.
Giá ngô kỳ hạn theo xu hướng ổn định của đậu tương trong khi giá lúa mì kỳ hạn kết thúc giảm sau một phiên biến động.
Trên sàn giao dịch Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 27-3/4 cent lên 13,45-1/2 USD/bushel, trong khi dầu đậu tương giao tháng 12 kết thúc tăng 2,48 cent mỗi lb, tương đương 4,25%, ở mức 60,81 cent/lb. Giá ngô trên sàn CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 5 US cent lên 4,99-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 3-1/4 US cent xuống 6,46-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm do tốc độ sản xuất tăng mạnh ở khu vực Trung-Nam của Brazil. Đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,09 cent, tương đương 0,4%, xuống 23,44 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 8, đáo hạn vào thứ Sáu, giảm 1,10 USD, tương đương 0,2%, xuống 665,00 USD/tấn.
Tập đoàn công nghiệp mía đường Unica của Brazil dự kiến trong tuần này sẽ công bố dữ liệu sản xuất đường và ethanol trong nửa cuối tháng Sáu.
Giá tương đối cao đã khiến các nhà máy ở Brazil ưu tiên sử dụng mía để sản xuất đường hơn là ethanol nhiên liệu sinh học.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,05 cent, tương đương 0,7%, xuống 1,5985 USD/lb.
Các đại lý cho biết các quỹ đã mở rộng vị thế bán cà phê arabica do vụ thu hoạch tại nhà sản xuất hàng đầu thế giới, Brazil, tiếp tục đạt tiến triển tốt.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 45 USD, tương đương 1,7%, ở mức 2.576 USD/tấn.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản đã kết thúc 2 phiên tăng liên tiếp do đồng yên mạnh lên và dữ liệu lạm phát đáng thất vọng từ Trung Quốc làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 0,9 yên, tương đương 0,4%, xuống 205,1 yên (1,44 USD)/kg; hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 145 NDT xuống còn 12.340 NDT (1.705,01 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức không đổi so với phiên liền trước, là 131,4 US cent/kg.
Đồng yên mạnh hơn khiến tài sản bằng đồng tiền này trở nên khó mua hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang đổ vào Thái Lan, cam kết đầu tư 1,44 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất tại trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á vốn do các công ty Nhật Bản thống trị từ lâu.
Tồn kho cao su tại các kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát đã tăng 1,4 % so với một tuần trước đó, sàn giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước cho biết.

Giá hàng hóa thế giới:

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

73,13

+0,14

+0,19%

Dầu Brent

USD/thùng

77,69

-0,78

-0,99%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

70.300,00

+610,00

+0,88%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,65

-0,02

-0,60%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

257,76

+0,80

+0,31%

Dầu đốt

US cent/gallon

255,72

+0,40

+0,16%

Dầu khí

USD/tấn

755,00

+11,00

+1,48%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.930,20

-0,80

-0,04%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.740,00

-58,00

-0,66%

Bạc New York

USD/ounce

23,33

-0,01

-0,06%

Bạc TOCOM

JPY/g

106,60

+0,60

+0,57%

Bạch kim

USD/ounce

932,28

+0,79

+0,08%

Palađi

USD/ounce

1.244,79

+3,56

+0,29%

Đồng New York

US cent/lb

378,95

+0,50

+0,13%

Đồng LME

USD/tấn

8.372,50

+2,00

+0,02%

Nhôm LME

USD/tấn

2.147,00

+1,50

+0,07%

Kẽm LME

USD/tấn

2.353,00

-9,00

-0,38%

Thiếc LME

USD/tấn

27.950,00

-392,00

-1,38%

Ngô

US cent/bushel

499,50

+5,00

+1,01%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

646,25

-3,25

-0,50%

Lúa mạch

US cent/bushel

442,00

+9,25

+2,14%

Gạo thô

USD/cwt

14,90

-0,10

-0,70%

Đậu tương

US cent/bushel

1.345,50

+27,75

+2,11%

Khô đậu tương

USD/tấn

388,90

+2,60

+0,67%

Dầu đậu tương

US cent/lb

60,81

+2,48

+4,25%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

781,40

+22,70

+2,99%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.335,00

+25,00

+0,76%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

159,85

-1,05

-0,65%

Đường thô

US cent/lb

23,44

-0,09

-0,38%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

272,40

+1,00

+0,37%

Bông

US cent/lb

79,25

-1,92

-2,37%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su TOCOM

JPY/kg

130,20

+0,10

+0,08%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)