Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp do dự kiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất hơn nữa khiến USD tăng mạnh và gây lo ngại nhu cầu sụt giảm.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 1,84 USD, tương đương 2%, xuống 92,45 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,08 USD, tương đương 2,3%, xuống 87,27 USD/thùng.
Cả OPEC và Bộ Năng lượng Mỹ đều cắt giảm triển vọng nhu cầu dầu.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm thứ Tư đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm nay khoảng 460.000 thùng/ngày xuống 2,64 triệu thùng/ngày, do các biện pháp ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc và lạm phát tăng cao.
Tuần trước, cùng với các nhà sản xuất lớn bao gồm Nga, OPEC đã đẩy giá dầu tăng khi đồng ý cắt giảm nguồn cung khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng hạ kỳ vọng đối với cả hoạt động sản xuất và nhu cầu ở nước này lẫn trên toàn cầu. Hiện tại, mức tiêu thụ dầu của Mỹ dự kiến chỉ tăng 0,9% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là tăng 1,7%. Trên toàn thế giới, Bộ này cho biết mức tiêu thụ chỉ tăng 1,5% thay vì mức 2%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 và cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu gia tăng.
Thị trường năng lượng cũng đang chịu áp lực từ đồng USD, vốn đã tăng giá trên diện rộng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết tiếp tục tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát cao đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ, khiến đồng tiền của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, lạm phát ở cấp độ nhà sản xuất của Mỹ đã làm dấy lên lo lắng khi giá bán buôn tăng mạnh hơn dự đoán. Đồng USD mạnh hơn làm cho hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, qua đó có xu hướng đè nặng lên dầu và các tài sản rủi ro khác.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures Group ở Chicago (Mỹ) cho biết trong ngắn hạn, thị trường rất khó để kháng cự các quyết định của Fed. Tuy nhiên, khi bước vào mùa đông, thị trường sẽ không cần bận tâm đến lạm phát.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 9 gây áp lực lên đồng USD. Giới quan sát nhận định thị trường đang cố tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ chuyển hướng sang chính sách ôn hòa hơn.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.673,59 USD/ounce; trái lại vàng kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 0,5% xuống 1.677,5 USD/ounce.
Biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách đồng thuận rằng họ cần giữ vững lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, và duy trì điều đó trong một thời gian nhằm đáp ứng mục tiêu là giảm lạm phát. Dù vậy, một số quan chức tham gia cuộc thảo luận cho rằng điều quan trọng là Fed phải “điều chỉnh” tốc độ thắt chặt chính sách, nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đáng kể đến triển vọng nền kinh tế.
Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Heraeus Precious Metals ở New York (Mỹ) cho biết, thị trường đang cố tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ chuyển hướng sang chính sách ôn hòa hơn. Họ đang chú ý đến từ “điều chỉnh” được sử dụng trong biên bản, từ đó khiến đồng USD giảm và vàng bật lên trong phiên này. Tuy nhiên, giọng điệu của biên bản vẫn cho thấy Fed duy trì quan điểm chính sách “diều hâu”.
Hiện thị trường đang dành nhiều sự chú ý tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ - dự kiến được công bố vào thứ Năm (13/10). Nhiều khả năng, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở mức cao.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch), cho biết trong một ghi chú rằng giá vàng sẽ được hưởng lợi từ sự đảo chiều của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục tập trung vào các báo cáo lạm phát và số liệu cho thấy dấu hiệu nền kinh tế yếu đi với hy vọng Fed sẽ có sự thay đổi trong lập trường chính sách.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 19,03 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,2% lên 886,94 USD/ounce, palladium tăng 0,2% lên 2.144,68 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, gía nhôm tăng sau khi Mỹ xem xét cấm nhập khẩu nhôm của Nga. Nga chiếm khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu.
Theo đó, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 7,3% lên 2.400 USD/tấn, sau khi tăng 3,1% lên 2.306 USD/tấn.
Giá đồng trên sàn London giảm 0,6% xuống 7.549,5 USD/tấn, bất chấp thông tin cho rằng các mỏ khai thác tại nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới – Chile – đang xem xét các phương án vận chuyển, sau khi 1 tuyến đường sắt trọng điểm chuyên chở 1 khối lượng lớn sản phẩm đồng ngừng hoạt động.
Với các kim loại cơ bản khác, giá nickel tăng 1,7% lên 22.460 USD/tấn, kẽm tăng 0,3% lên 2.937,50 USD và chì tăng 1,2% lên 2.039 USD, nhưng thiếc giảm 1,2% xuống 20.015 USD
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần do Trung Quốc tăng cường các biện pháp hạn chế chống Covid-19 và chính sách zero-Covid dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực thị trường.
Kết thúc phiên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,1% xuống 714,5 CNY (99,74 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất (706 CNY/tấn) kể từ ngày 26/9/2022 lúc đầu phiên giao dịch; quặng sắt kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 94,15 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,7%, thép cuộn cán nóng giảm 1,3% và thép không gỉ giảm 0,2%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng lên mức cao nhất 2 tuần, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cắt giảm dự báo sản lượng vụ thu hoạch tại Mỹ và nâng dự báo nhập khẩu bởi nước mua hàng đầu – Trung Quốc – trong báo cáo hàng tháng. Đây là mặt hàng hiếm hoi tăng giá trong phiên giao dịch này.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 19-3/4 US cent lên 13,96 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 30/9/2022. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 duy trì vững ở mức 6,93 USD/bushel, trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 18-3/4 US cent xuống 8,82-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE giảm 0,06 US cent tương đương 0,3% xuống 18,68 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất gần 3 tháng (18,94 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn London giảm 3,4 USD tương đương 0,6% xuống 554,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giảm gần 4%, do xuất khẩu từ nước sản xuất hàng đầu – Brazil – tăng, giảm bớt lo ngại nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt. Tập đoàn công nghiệp Cecafe cho biết xuất khẩu cà phê arabica của Brazil trong tháng 9/2022 tăng 18% lên 2,93 triệu bao (60 kg/bao) so với cùng tháng năm ngoái.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 8,1 US cent tương đương 3,7% xuống 2,0975 USD/lb – thấp nhất hơn 2 tháng; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 19 USD tương đương 0,9% xuống 2.141 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản duy trì ổn định trong bối cảnh giá cao su tại Thượng Hải suy giảm, khi các đợt hạn chế Covid-19 mới nhất tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – khiến nhu cầu giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn Osaka không thay đổi ở mức 230 JPY (1,57 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 140 CNY xuống 12.830 CNY (1.790 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Singapore giảm 0,9% xuống 133,1 US cent/kg.
Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, bao gồm cả Thâm Quyến đã tăng cường xét nghiệm Covid-19 khi các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng, một số chính quyền địa phương đã đóng cửa các trường học, địa điểm vui chơi giải trí và các địa điểm du lịch.
Doanh số bán xe điện tại Trung Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 tháng qua, do nhu cầu tại nền kinh tế suy thoái giảm, bất chấp các biện pháp khuyến khích của chính phủ nhằm hồi phục thị trường ô tô.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)