Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng, vượt mức 80 USD/thùng, do cá nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang chậm lại.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 2,69 USD, tương đương 3,5%, lên 80,68 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,22 USD, tương đương 3%, lên 75,39 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 4/11/2022 khi các nhà đầu tư mua vào các tài sản rủi ro sau khi số liệu của Chính phủ Mỹ công bố cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.
Chỉ số đồng USD giảm sau số liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng cơ bản của Mỹ tháng 11 tăng ít hơn so với dự kiến, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ giảm tốc tăng lãi suất. Đồng USD suy yếu, khiến dầu trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác, điều này cũng thúc đẩy nhu cầu dầu.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi những lo ngại về gián đoạn nguồn cung, bao gồm cả việc đường ống dẫn dầu thô Keystone từ Canada đến Mỹ ngừng hoạt động sau một vụ rò rỉ lớn vào tuần trước.
Tuy nhiên, các thương nhân cho biết những lo ngại về nguồn cung dầu đã xuất hiện trong vài ngày nay, cho thấy đợt tăng giá hôm thứ Ba có thể giảm xuống do tâm lý 'rủi ro' gia tăng sau dữ liệu lạm phát.
Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết, trọng tâm chú ý của thị trường lúc này chuyển sang việc Fed phản ứng với báo cáo CPI thế nào. Việc Fed tạm dừng tăng lãi suất có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn.
Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao cảu RJO Futures, cho biết: “Đây chỉ là một đợt phục hồi dựa trên sự biến động tỷ giá đồng đô la. "Với sự sụt giảm liên tục trên thị trường, bất kỳ tin tức tích cực nào cũng sẽ nâng dầu lên, nhưng vẫn còn phải xem liệu những đợt phục hồi này có được duy trì hay không."
Đợt phục hồi hôm thứ Ba cũng có thể là do các nhà giao dịch đóng các vị thế bán khống - đặt cược đầu cơ rằng giá của một loại hàng hóa sẽ giảm - sau khi giá tham chiếu cả hai loại dầu đều giảm hơn 10% vào tuần trước.
Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Kpler cho biết: “Sau khi kết thúc đợt giảm giá sâu vào tuần trước, một số người quan tâm đến nhu cầu mua và săn lùng giá rẻ đang quay trở lại mua dầu thô”.
Gần đây thị trường bắt đầu chú ý tới triển vọng bi quan về nhu cầu dầu mỏ. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vừa cắt giảm dự báo về nhu cầu dầu trong quý I/2023 và cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu đang trở nên rõ ràng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là đã hoãn một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, làm tăng thêm lo ngại về sự phục hồi nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Đường ống dẫn dầu Keystone của TC Energy Corp (TRP.TO), vận chuyển 620.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Canada đến Mỹ, vẫn đóng cửa sau sự cố tràn dầu vào tuần trước. Điều này có thể làm giảm tổng lượng dự trữ dầu của Mỹ, đặc biệt là tại trung tâm Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng cho các hợp đồng kỳ hạn của Mỹ.
Dự trữ dầu thô của Mỹ dự báo giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước, theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% lên mức cao nhất hơn 5 tháng sau khi giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn so với dự kiến, làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.810,98 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/6/2022; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 1,9% lên 1.825,5 USD/ounce.
Giá bạc phiên này cũng tăng 1,9% lên 23,76 USD/ounce, bạch kim tăng 3,4% lên 1.035,63 USD và palladium tăng 2,4% lên 1.931,76 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn thuộc RJO Futures cho biết, giá vàng tăng đáng kể do triển vọng tăng lãi suất có thể chậm lại.
Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 11/2022 đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 7,3% mà các nhà kinh tế dự kiến và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ giảm mạnh do số liệu lạm phát thấp hơn dự kiến là yếu tố khiến giá vàng tăng. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong hai ngày 13-14/12, mà theo dự đoán Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất khi lạm phát tăng chậm lại.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất gần 6 tháng do đồng USD suy yếu sau khi lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng chậm lại, làm tăng khả năng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,4% lên 8.495 USD/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/6/2022 (8.629 USD/tấn).
Trong số các kim loại khác, giá nhôm tăng 1,9% lên 2.459 USD/tấn, kẽm tăng 1,3% lên 3.311 USD, chì tăng 0,9% lên 2.199,50 USD, thiếc tăng 2,2% lên 24.475 USD, nhưng niken giảm 3,5% xuống 28.500 USD.
Các công ty ở Trung Quốc đang căng thẳng để duy trì hoạt động bình thường khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng. Điều này gây áp lực cho thị trường kim loại, bởi Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore đều giảm, khiến các thương nhân giảm lạc quan về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2023, khi số ca nhiễm Covid-19 tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới gia tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,2% xuống 808,5 CNY (115,9 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Singapore giảm 0,9% xuống 108,45 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 0,3%, thép cuộn cán nóng giảm 0,4%, thép cuộn tăng 0,5%, thép không gỉ giảm 0,5%.
Các nhà phân tích cho biết giá thép giảm nhẹ do các thương nhân dự đoán các động thái chính sách tiếp theo để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể được công bố trong Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương dự kiến bắt đầu vào ngày 15 tháng 12.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương trên sàn Chicago tăng do hoạt động mua kiếm lời sau 2 phiên giá giảm liên tiếp, và cũng dio nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi, giá ngô và lúa mì giảm do hoạt động bán ra chốt lời sau khi đạt mức cao nhất 10 ngày trong đầu phiên giao dịch.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2023 tăng 19-1/4 US cent lên 14,8-3/4 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1/2 US cent xuống 6,53-1/2 USD/bushel và giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 4 US cent xuống 7,5-3/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo đã bán 140.000 tấn đậu tương đến các điểm đến không xác định trong năm marketing 2023/24.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng, được thúc đẩy bởi nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt và lo ngại về lạm phát trên các thị trường tài chính giảm bớt.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,38 US cent tương đương 2% lên 19,76 US cent/lb, sau khi giảm 1,1% trong phiên trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London tăng 6,3 USD tương đương 1,2% lên 540,3 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn ICE tăng 0,85 US cent tương đương 0,5% lên 1,679 USD/lb, sau khi tăng 5,6% trong phiên trước đó; giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London giảm 12 USD tương đương 0,6% xuống 1.872 USD/tấn.
Giá cao su châu Á giảm do số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc – nước mua cao su hàng đầu thế giới – tăng, làm giảm bớt kỳ vọng nhu cầu được thúc đẩy bởi việc nới lỏng các hạn chế viruscorona.
Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn Osaka giảm 0,7 JPY tương đương 0,3% xuống 229 JPY (1,67 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 75 CNY xuống 12.985 CNY (1.861 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Singapore tăng 0,1% lên 136,4 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới:

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)