Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do số liệu kinh tế Trung Quốc gây thất vọng, làm dấy lên lo ngại kinh tế thế giới suy thoái sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 3,05 USD, tương đương 3,1%, xuống 95,1 USD/thùng, sau khi có lúc giảm 1,5%; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,68 USD, tương đương 2,9%, xuống 89,41 USD/thùng, sau khi có lúc giảm 2,4% trong phiên trước đó.
Giá dầu Brent chạm mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine, hôm 24/2/2022, trong khi giá dầu WTI thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2022.
Ngày 15/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm nay nhằm phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, khi số liệu cho thấy nền kinh tế trong tháng 7/2022 bất ngờ chậm lại, với hoạt động nhà máy và bán lẻ bị siết chặt bởi chính sách zero-Covid của Bắc Kinh và khủng hoảng tài sản. Trong thông báo, PBoC giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm áp dụng với các tổ chức tài chính, qua đó "bơm" thêm 400 tỷ NDT (59,33 tỷ USD) vào thị trường.
Số liệu của chính phủ cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm xuống 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Ngân hàng ING (Hà Lan) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 4,4% xuống 4%, đồng thời cảnh báo về khả năng tiếp tục hạ dự báo. Từ đầu tháng đến nay, giá dầu Brent đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ tăng trong phiên vừa qua, khiến giấ hàng hóa tính theo USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác.
Thị trường cũng tập trung vào các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Các nhà phân tích cho biết, nguồn cung dầu có thể tăng nếu Iran và Mỹ chấp nhận lời đề nghị từ Liên minh châu Âu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất 1 tuần, trong bối cảnh giá các kim loại quý nói chung giảm mạnh do đồng USD tăng. Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất hơn nữa cũng gây áp lực đối với giá vàng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.780,99 USD/ounce, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/8/2022; vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm gần 1% xuống 1.798,1 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng 0,8% khiến vàng và các hàng hóa khác được định giá bằng đồng bạc xanh đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures cho biết: “Vàng đã mắc kẹt quanh ngưỡng 1.800 USD và việc USD mạnh lên đẩy giá vàng và các hàng hóa khác giảm”.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed, dự kiến công bố vào thứ Tư, để biết những tín hiệu về khả năng tăng lãi suất trong những tháng tới.
Lãi suất tăng có xu hướng làm tăng lợi tức trái phiếu, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi vốn không sinh lợi.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết giá vàng và bạcgiảm cũng bởi lo ngại về nhu cầu sau khi dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc.
Sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, tăng 3,8% trong tháng 7 so với một năm trước đó, chậm lại so với mức tăng 3,9% trong tháng 6.
Vàng thỏi thu hút các dòng tiền trú ẩn an toàn trong thời kỳ lo lắng suy thoái, nhưng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm tăng nhu cầu vàng vật chất thấp.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 2,5% xuống 20,29 USD/ounce, bạch kim giảm 2,9% xuống 934,16 USD, trong khi palladium giảm 3,1% xuống 2.153,26 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc suy giảm bởi số liệu kinh tế yếu và đồng USD tăng, song ngân hàng trung ương của nước này đã hạ lãi suất để hạn chế đà suy giảm giá đồng.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 8.010 USD/tấn, trong phiên có lúc giá chạm 8.214 USD/tấn – thấp nhất 6 tuần.
Một nhà kinh doanh kim loại cho biết: "Dữ liệu của Trung Quốc đáng thất vọng, cho thấy tác động từ các biện pháp hạn chế chống Covid-19 lớn hơn dự kiến", một nhà kinh doanh kim loại cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng đồng USD tăng cũng kích thích các quỹ hàng hóa bán ra. "Nhưng có một sự tích cực - PBOC (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) cắt giảm lãi suất", nhà kinh doanh này cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng chậm lại trong tháng 7, với tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định, tổng tài chính xã hội và các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ mới chậm lại.
Trong tháng 7, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã cắt giảm mạnh đầu tư và số lượng các công trình xây dựng mới bị sụt giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ.
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm thứ Hai đã bất ngờ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay trong nỗ lực vực dậy nhu cầu tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. (
Giá nhôm cũng chịu áp lực từ sản lượng cao kỷ lục của Trung Quốc trong tháng 7 do các xưởng luyện tăng sản lượng sau khi các biện pháp hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.
Kết thúc phiên, giá nhôm giảm 1,2% xuống 2,405 USD/tấn, kẽm giảm 0,2% xuống 3,582 USD, chì giảm 0,5% xuống 2,173 USD, thiếc giảm 2% xuống 24,680 USD và nickel giảm 4,4% xuống 22,030 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế đáng thất vọng và thời tiết quá nóng tại Trung Quốc, trong khi Ngân hàng trung ương nước này bất ngờ cắt giảm lãi suất giúp ngăn giá giảm mạnh.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,9% xuống 707,5 CNY (104,64 USD/tấn); quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Singapore giảm 3,1% xuống 1-7 USD/tấn.
Nền kinh tế Trung Quốc –nước sản xuất thép hàng đầu thế giới - bất ngờ chậm lại trong tháng 7/2022, với sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ không như dự báo, cho thấy sự phục hồi không ổn định khi Bắc Kinh không có dấu hiệu nới lỏng chính sách zero –Covid.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây không thay đổi, thép cuộn cán nóng giảm 0,9% và thép không gỉ giảm 0,7%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm do dự báo thời tiết ở các khu vực trồng trọt ở Trung Tây nước Mỹ tốt lên và số liệu bất ngờ từ Trung Quốc cho thấy nhu cầu của nước này đối với mặt hàng nông sản của Mỹ giảm.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 42 US cent xuống 14,12-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc xuống 13,86 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 4/8/2022. Giá ngô giảm 14 US cent xuống 6,28-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì giảm 4-3/4 US cent xuống 8,17-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô trên sàn ICE giảm từ mức cao nhất 3,5 tuần trong đầu phiên giao dịch.
xuống 18,54 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 3,5 tuần (18,7 US cent/lb) lúc đầu phiên giao dịch; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 0,9 USD tương đương 0,2% lên 561 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, mặc dù có hàng loạt tin tức kinh tế vĩ mô không khả quan giá đường có vẻ vẫn ổn định và có thể tăng lên do các quỹ tiếp tục mua vào và các nhà phân tích tiếp tục cắt giảm dự báo về vụ củ cải đường của EU.
Philippines cho biết nước này vẫn mở cửa cho nhập khẩu đường bổ sung, mặc dù khối lượng có thể vào khoảng 150.000 tấn thay vì 300.000 tấn như đề xuất trước đó.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn ICE giảm 0,85 US cent tương đương 0,4% xuống 2,2155 USD/lb, trong phiên trước đó đạt 2,234 USD/lb – cao nhất 1 tháng; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 4 USD tương đương 0,2% lên 2.265 USD/tấn – cao nhất kể từ giữa tháng 2/2022 (2.270 USD/tấn).
Các nhà đầu cơ trên sàn ICE đã tăng vị thế mua cà phê arabica ròng thêm 2,517 hợp đồng lên 16,057 trong tuần tính đến ngày 9 tháng 8.
Giá cao su trên thị trường châu Á giảm. Theo đó, giá tại Nhật Bản giảm phiên thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức thấp nhất 8 tháng trong đầu phiên giao dịch theo xu hướng giá cao su tại Thượng Hải giảm, do lo ngại nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – suy yếu sau số liệu kinh tế đáng thất vọng của nước này.
Cụ thể, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Osaka giảm 1,1 JPY tương đương 0,5% xuống 227,6 JPY (1,71 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 190 CNY xuống 12.835 CNY (1.897 USD)/tấn.
"Các thị trường đang phản ứng tiêu cực với dữ liệu kinh tế yếu kém đến từ Trung Quốc, cũng như các vấn đề tiềm ẩn từ phía nguồn cung khi dự báo Thái Lan sẽ tiếp tục có mưa ", một thương nhân có trụ sở tại Singapore cho biết.
"Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng vào sự khởi sắc của thị trường trong tháng 9 khi tiêu thụ theo mùa ở Trung Quốc thường tăng."
Trong những tháng qua, có nhiều lo ngại về nhu cầu cao su ở Trung Quốc chậm lại do các đợt phong tỏa kéo dài, bao gồm cả ở Hải Nam, nơi đóng góp lớn nhất vào sản lượng cao su của quốc gia này, dẫn đến giảm hoạt động công nghiệp và tiêu thụ.
Về nguồn cung, sản lượng cao su từ nhà xuất khẩu hàng đầu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng do mưa lớn và cảnh báo lũ lụt do bão nhiệt đới Mulan hoành hành vào tuần trước, và được dự báo sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản phục hồi với tốc độ chậm hơn dự kiến.