Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ do lo ngại lạm phát và chi phí năng lượng cao có thể kéo nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, song việc Trung Quốc tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ thị trường dầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 1 cent, tương đương 0,01% xuống 91,62 USD/thùng, sau khi giảm 6,4% trong tuần trước; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 15 cent, tương đương 0,2%, xuống 85,46 USD, sau khi giảm 7,6% vào tuần trước.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao về giao dịch của BOK Financial cho biết: “Lạm phát của Mỹ vẫn là một chủ đề hàng đầu, và với việc Fed dự kiến tăng lãi suất kéo dài ít nhất là đến năm tới, đã xuất hiện những lo ngại rằng nhu cầu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đảo nợ các khoản vay chính sách trung hạn đáo hạn vào thứ Hai (17/10) trong khi giữ nguyên lãi suất cơ bản tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì.
Một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc gia cho biết Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng trong nước và tăng cường kiểm soát rủi ro đối với các mặt hàng quan trọng bao gồm than, dầu, khí đốt và điện. Trung Quốc cũng cho biết sẽ tăng cường khả năng dự trữ cho các mặt hàng quan trọng hơn nữa.
Dữ liệu thương mại và GDP quý III của Trung Quốc, cùng với dữ liệu hoạt động của tháng 9, sẽ được công bố vào thứ Ba, với mức tăng trưởng hàng quý có thể phục hồi so với quý trước nhưng tăng trưởng hàng năm đe dọa sẽ là mức tồi tệ nhất của Trung Quốc trong gần nửa thế kỷ.
Trong khi đó, đồng đô la Mỹ mạnh và khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất hơn nữa đang giúp kiềm chế giá tăng.
Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard hôm thứ Sáu cho biết lạm phát đã trở nên "nguy hiểm" và khó kiểm soát, làm gia tăng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 3/4 điểm phần trăm.
Lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức thấp và tăng trưởng ở các nước Liên minh châu Âu dự kiến sẽ suy yếu xuống còn 0,5%, quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế Gita Gopinath cho biết hôm thứ Hai.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam của công ty môi giới đầu tư OANDA cho biết thị trường năng lượng đã trải qua một vài tuần hỗn loạn khi nhà đầu tư bị chi phối bởi một loại yếu tố, từ những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cho đến việc cắt giảm sản lượng quy mô siêu lớn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+). Có vẻ như các yếu tố này vẫn chưa hoàn toàn lắng xuống.
Chuyên gia này lưu ý, dầu Brent đã dao động trong khoảng từ mức thấp nhất là 82 USD/thùng đến mức cao nhất là 98 USD/thùng. Do vậy, nhiều khả năng loại hàng hóa này đang cố gắng vững chân tại mức nào đó trong khoảng trên.
Nguồn cung dầu có khả năng vẫn bị thắt chặt sau khi OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga, cam kết cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào ngày 5/10 trong khi cuộc khẩu chiến giữa lãnh đạo OPEC trên thực tế là Saudi Arabia và Mỹ có thể báo trước nhiều biến động.
Việc cắt giảm sản lượng của OPEC + đã thu hút vốn quay trở lại thị trường dầu mỏ, với việc tiếp tục mua mạnh dầu thô kỳ hạn và quyền chọn trong tuần thứ hai liên tiếp.
Giảm bớt sự căng thẳng về nguồn cung, sản lượng dầu ở Permian ở Texas và New Mexico, lưu vực chứa dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, sẽ tăng khoảng 50.000 thùng mỗi ngày lên mức kỷ lục 5,453 triệu thùng/ngàyvào tháng 11, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo năng suất của mình vào thứ Hai.
Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ giảm khoảng 7% xuống mức thấp nhất trong ba tháng vào thứ Hai do dự báo thời tiết ở Mỹ ôn hòa hơn và nhu cầu vào tuần tới thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 11 giảm 45,4 cent, tương đương 7,0% xuống 5,999 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 6 tháng 7. Đó là mức giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 22 tháng 9 - khi giá giảm khoảng 9%.
Bất chấp nhiều tuần giảm, giá khí đốt giao sau của Mỹ vẫn tăng khoảng 61% từ đầu năm đến nay do giá khí đốt toàn cầu tăng cao. Tại châu Âu, giá khí đốt đạt 38 USD/mmBtu, giảm 8% so với phiên trước và là mức thấp nhất kể từ 16/6 do nhập khẩu LNG tăng mạnh đã thúc đẩy lượng khí tồn trữ ở Tây Bắc Âu. Giá khí đốt ở Bắc Á hiện là 31 USD.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% sau khi sụt giảm ở phiên liền trước do USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, mặc dù vẫn có khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.656,25 US/ounce, trong phiên có lúc tăng hơn 1% và rời khỏi mức thấp nhất trong hơn 2 tuần chạm tới trong phiên trước; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,9% lên 1.664 USD.
Đồng USD giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác ngoài USD.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, cho biết việc đồng USD phiên này giảm 1,1% và lợi suất trái phiếu xuống thấp hơn đáng kể, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) Maulana Yusrana (Alan) cho cùng nhu cầu trú ẩn an toàn khi rủi ro địa chính trị gia tăng đã hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Haberkorn cũng thận trọng rằng vàng sẽ khá chật vật khi tìm cách duy trì đà tăng, dù còn rất nhiều yếu tố khó đoán định trên thế giới. Các nhà đầu tư muốn an toàn, nhưng thật khó để không tham gia vào thị trường trái phiếu khi với lãi suất đang tăng nhanh.
Giá vàng dự kiến sẽ đối mặt với nhiều sóng gió khi Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 11, nhằm kiềm chế lạm phát cao.
Giá vàng đã giảm 20% kể từ khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce vào tháng 3.
Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay phiên này tăng 2,5% lên 18,72 USD/ounce sau khi ghi nhận 8 phiên giảm liên tiếp; giá bạch kim cũng tăng 1,7% lên 913,77 USD/ounce; trong khi palladium tăng 0,6% lên 1.998,82 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm do hoạt động bán tháo sau khi có thông tin lượng nhôm giao cho các kho hàng được Sở giao dịch kim loại London (LME) chấp thuận gia tăng, trong khi giá đồng được hỗ trợ bởi USD yếu đi, bất chấp lo ngại về nhu cầu ở nước tiêu dùng hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 2,6% xuống 2.247 USD/tấn, trong khi đồng tăng 0,1% lên 7.548 USD/tấn.
Dự trữ nhôm tại các kho của sàn LME đã tăng 65.825 tấn lên 433.025 tấn vào thứ Sáu. Tồn trữ đồng ở các kho trên sàn LME giảm 2.700 tấn.
Đồng USD giảm sau khi tân Bộ trưởng Tài chính của Vương quốc Anh từ bỏ hầu hết các nội dung trong kế hoạch ngân sách nhỏ của Chính phủ. Theo đó, chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – giảm 0,82% xuống 112,11.
Về các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 2,9% xuống 2.856 USD/tấn, chì giảm 0,4% xuống 2.033 USD, thiếc giảm 1,1% xuống 19.700 USD và niken ít thay đổi ở mức 21.777 USD.
Giá sắt thép trên thị trường Trung Quốc giảm do Trung Quốc nhấn mạnh lập trường Zero Covid với những hiệu quả của chính sách này.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 kết thúc giao dịch ở mức giảm 2% xuống 686,50 nhân dân tệ/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8 tháng 9 là 680,50 nhân dân tệ. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch Singapore cũng giảm 2% xuống 91,90 USD/tấn. Giá quặng sắt giao ngay nhập khẩu vào Trung Quốc (hàm lượng 62% Fe) tuần trước giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng, là 95,50 USD/tấn vào tuần trước.
Trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng giảm lần lượt 1,7% và 1,5%, trong khi thép dây cuộn giảm 1,6%. Riêng thép không gỉ tăng 1,8%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì kỳ hạn của Mỹ kết thúc phiên tăng nhẹ trong bối cảnh các thương nhân theo dõi diễn biến ở tuyến đường vận chuyển trên Biển Đen. Hợp đồng giao dịch lúa mì đỏ mềm vụ đông giao tháng 12 trên sàn Chicago tăng 1-1/4 cent lên 8,61 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 8,77-3/4 USD.
Trái lại, giá ngô giảm do đang vụ thu hoạch, trong khi giá đậu tương vững nhờ dữ liệu cho thấy xuất khẩu tăng. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 cũng tăng 1-1/2 cent lên 13,85-1/4/bushel. Giá ngô giao tháng 12 giảm 6-1/4 cent xuống 6,83-1/2 USD/bushel.
Giá cà phê arabica kỳ hạn giao sau trên sàn ICE giảm xuống mức thấp nhất 1 năm. Hợp đồng arabica giao tháng 12 giảm 1,15 cent, tương đương 0,6%, xuống 1,9555 USD/lb, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất trong một năm là 1,9405 USD. Hợp đồng này đã mất 9,8% giá trị trong tuần trước. Giá cà phê robusta giao tháng 1/2023 giảm 6 USD, tương đương 0,3% xuống 2.045 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê nhân từ Brazil tiếp tục duy trì tốc độ tốt trong tháng 10, đạt trung bình 10.570 tấn/ngày so với 9.440 tấn/ngày cùng tháng năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,07 cent, tương đương 0,4%, xuống 18,77 cent/lb; đường trắng giao tháng 12 giảm 2,30 USD, tương đương 0,4% xuống 557,00 USD/tấn.
Tuy nhiên, các đại lý cho biết các yếu tố cơ bản trong ngắn hạn vẫn có lợi cho giá đường do vụ thu hoạch bị trì hoãn bởi mưa ở nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - và sự chậm trễ trong việc công bố chính sách xuất khẩu đường của Ấn Độ.
Ấn Độ dự kiến sẽ sản xuất khoảng 36,5 triệu tấn đường trong vụ bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, so với khoảng 35,8 triệu tấn của niên vụ trước.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản – tham khảo cho thị trường cao su châu Á – tăng do dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt sau cuộc đàm phán của các nhà sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu châu Á để thảo luận về hạn ngạch xuất khẩu nhằm ổn định giá cả.
Cao su kỳ hạn tháng 3/2023 trên Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,7 yên, tương đương 0,3%, lên 230,1 yên (1,55 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2023 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 25 nhân dân tệ lên 12.840 nhân dân tệ (1.783 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore giảm 0,7% xuống 131,6 US cent/kg.
Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRCo), bao gồm các nhà sản xuất cao su hàng đầu châu Á, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, sẽ nhóm họp để thảo luận về giới hạn hạn ngạch xuất khẩu để ổn định giá cả.
Về thời tiết, miền Nam Thái Lan đang hứng chịu lượng mưa lớn hơn trong những ngày này, cùng với lũ lụt ở Phuket, trong khi thời tiết ở miền Bắc và Đông Bắc đang bắt đầu rõ ràng hơn. Sản lượng cao su của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - Thái Lan - có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo về mưa lớn và cảnh báo lũ lụt trên khắp đất nước trong mùa gió chướng.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)