Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất gần hai tuần trong không khí giao dịch đầy bất ổn vào thứ Tư (21/9) sau quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để dập tắt lạm phát, động thái có thể làm giảm hoạt động kinh tế cũng như nhu cầu dầu.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 79 cent, tương đương 0,9%, xuống 89,83 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8/9, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,00 USD, tương đương 1,2% xuống 82,94 USD, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 7 tháng 9. Trước đó trong phiên giao dịch, giá dầu có lúc tăng hơn 2 USD/thùng.
Ngày 21/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%, đồng thời phát tín hiệu cho thấy thấy lãi suất chính sách của họ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023. Đây là nỗ lực ngăn chặn lạm phát đang cao nhất trong 4 thập kỷ. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức độ mà Chủ tịch Fed Jerome Powell gọi là “cao bất thường”. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed kể từ tháng 1/2008.
Sau động thái này, các tài sản rủi ro như chứng khoán và dầu mỏ giảm giá mạnh, trong khi USD tăng vọt. chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất mới trong vòng 20 năm, là 111,63.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu xăng của Mỹ trong 4 tuần qua đã giảm xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết: "Dữ liệu nổi bật là nhu cầu xăng tiếp tục yếu. Đó thực sự là điều đang ám ảnh thị trường này".
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô tăng 1,1 triệu thùng vào tuần trước, bằng một nửa so với dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm vào tháng 3 sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết: "Phần lớn sự giảm giá của ngày hôm nay xuất hiện liên quan đến sức mạnh của đồng đô la Mỹ và chúng tôi vẫn xem xu hướng của đồng đô la Mỹ trong ngắn hạn là một thành phần quan trọng trong việc đánh giá xu hướng giá dầu trong ngắn hạn".
Đồng USD lúc đóng cửa đạt mức cao nhất hơn 20 năm so với rổ các tiền tệ khác, khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trở lại do lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ giảm khỏi mức cao, mặc dù Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc phiên 21/9 tăng 0,7% lên 1.673,86 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 1.675,7 USD. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay tăng hơn 1%.
"Thị trường vàng nhanh chóng nhận ra rằng việc tăng lãi suất và quan trọng hơn, lộ trình tăng lãi suất dự kiến đã được tính toán rõ ràng vào giá thị trường ... Thị trường sau đó đã chứng kiến sự phục hồi đáng kể (của giá vàng) từ những mức thấp đó", David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 3,61% sau thông báo lãi suất của Fed, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, nhưng sau đó giảm xuống khoàng 3,5%.
Giá đang dao động gần mức thấp nhất trong hơn hai năm, lúc đầu phiên giảm sau tuyên bố nhưng nhanh chóng đảo ngược để tăng hơn 1% về cuối phiên.
Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao thuộc Heraeus Precious, cho biết: “Trong khi diễn biến giá có thể chỉ ra rằng vàng có thể đã thiết lập mức đáy ngắn hạn ở mốc 1.655 USD, nhưng đà tăng sẽ vẫn là một thách thức với thông điệp rõ ràng từ Fed rằng việc tăng lãi suất rõ ràng là không được thực hiện”.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên vừa qua tăng 1,4% lên 19,57 USD/ounce; bạch kim giảm 1,6% xuống 907,79 USD và palladium giảm 1,1% xuống 2.143,82 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021 khi các thị trường chuẩn bị cho những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nữa của Mỹ và lo ngại điều đó sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất tăng đẩy USD tăng theo, lên mức cao nhất trong 20 năm, gây áp lực lên giá kim loại – tính bằng USD, làm cho kim loại trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các tiền tệ khác.
Kết thúc phiên giao dịch 21/9 rên Sàn giao dịch Kim loại London (LME), giá nhôm giao sau 3 tháng giảm 1,7% xuống 2.208,50 USD/tấn trong phiên vừa qua và giảm khoảng 21% trong năm nay.
Nhà phân tích Warren Patterson của ING cho biết nhu cầu về kim loại đang chậm lại cùng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng nguồn cung cũng bị hạn chế. "Về cơ bản, đối với hầu hết các kim loại, triển vọng giá vẫn hỗ trợ. Có nhiều rủi ro về nguồn cung và hàng tồn kho ở mức thấp."
Chi phí năng lượng cao đã buộc các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu phải cắt giảm công suất sản xuất hàng năm 1,1 triệu tấn và một số nhà máy luyện của Trung Quốc phải đối mặt với việc phân bổ năng lượng.
Nhưng bất chấp điều này, sản lượng nhôm toàn cầu trong tháng 8 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,888 triệu tấn, dữ liệu của Viện Nhôm Quốc tế (IAI) cho thấy. Nhờ các lò luyện mới, sản lượng của Trung Quốc đã ở mức cao kỷ lục.
Sau một thời gian dài giảm, tồn trữ nhôm đã tăng lên trong những tuần gần đây tại các kho có đăng ký với sàn LME. Tồn trữ cũng đã tăng lên tại các kho hàng của Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải và tại các cảng lớn của Nhật Bản.
Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng trên sàn LME giảm 1% xuống 7.681,50 USD/tấn, kẽm giảm 0,8% xuống 3.102,50 USD, chì giảm 1,6% xuống 1,850 USD và thiếc giảm 0,2% xuống 21,150 USD. Riêng giá nickel tăng 0,1% lên 25.000 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm do các nhà giao dịch thận trọng trước khi Fed công bố quyết định lãi suất.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường Trung Quốc – nước sản xuất thép hàng đầu thế giới –giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần, do thị trường thận trọng trước khi Fed công bố điều chỉnh lãi suất
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 703,50 nhân dân tệ (99,79 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8 tháng 9, là ở 686,50 nhân dân tệ.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 10 giảm 0,7% xuống 95,45 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây và thép cuộn cán nóng giảm 0,7%, thép không gỉ tăng 1,4%.
Thị trường tài chính đang trong tình trạng lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương ngày càng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ ó thể đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái và làm giảm nhu cầu hàng hóa.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 của các nước đang phát triển ở Châu Á, với lý do rủi ro gia tăng do chi phí đi vay tăng trên toàn thế giới, chiến tranh ở Ukraine và Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19.
ADB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,3%, một lần nữa điều chỉnh giảm, sau khi đã hạ từ 5% xuống 4% hồi tháng 4.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tăng cao, lên mức cao nhất trong hơn hai tháng do lo ngại về sự leo thang trong cuộc chiến Ukraine nguy cơ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ở khu vực quan trọng của Biển Đen, nhưng đà tăng được hạn chế bởi lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu gây áp lực lên thị trường hàng hóa nói chung.
Giá lúa mì Mỹ giao tháng 12 tăng 10 cent lên 9,03-3/4 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt 9,19-1/2 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/7.
Giá ngô và đậu tương giảm do đồng USD thiết lập mức cao nhất trong 20 năm sau khi Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, như dự kiến, và báo hiệu nhiều mức tăng lớn hơn trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát. Đồng đô la mạnh lên thường có xu hướng làm cho ngũ cốc của Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
Giá ngô kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên giảm 6-1/2 cent xuống 6,85-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 17-1/2 cent xuống 14,61-1/4 USD/bushel.
Giá đường giảm trong phiên vừa qua, sau khi tăng 3% ở phiên liền trước, khi các nhà giao dịch chờ đợi tin tức về xuất khẩu của Ấn Độ trong bối cảnh nguồn cung gần hạn bị thắt chặt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,03 cent, tương đương 0,2%, lên 18,22 cent/lb, mở rộng đà phục hồi của thị trường từ mức thấp nhất trong 7 tuần là 17,50 cent được thiết lập vào thứ Hai. Giá đường trắng giao tháng 12 giảm 6,10 USD, tương đương 1,2%, ở mức 521,60 USD/tấn.
Ấn Độ sẽ công bố hạn ngạch xuất khẩu đường "rất sớm" cho mùa vụ mới bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, Bộ trưởng Lương thực Sudhanshu Pandey cho biết. Reuters đưa tin tuần trước rằng Ấn Độ được cho phép xuất khẩu 5 triệu tấn đường trong đợt đầu tiên của năm marketing mới. Các quan chức chính phủ Ấn Độ cũng đã yêu cầu các nhà máy sản xuất nhiều ethanol hơn và ít đường hơn, theo truyền thông địa phương.
Giá cà phê robusta giao tháng 11 giảm 10 USD, tương đương 0,4%, xuống 2.226 USD/tấn, sau khi tăng 1,6% vào thứ Ba.
Xuất khẩu cà phê của Uganda vào tháng 8 giảm mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bị ảnh hưởng bởi hạn hán làm tàn lụi cây trồng ở nhiều khu vực trồng của nước này và giảm năng suất, cơ quan quản lý ngành cà phê cho biết. Uganda, quốc gia chủ yếu trồng robusta, là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Phi.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 giảm 3,85 cent, tương đương 1,7%, ở mức 2,213 USD/lb, sau khi tăng 1,8% vào thứ Ba trong bối cảnh sản lượng ở Brazil thấp hơn dự kiến trong năm nay.
Dự báo sẽ có mưa lớn trong tuần này trên các diện tích cà phê Brazil, có thể sẽ thúc đẩy thời kỳ ra hoa và có lợi cho năng suất vụ sau.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá chwgns khoán. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế do hợp đồng kỳ hạn tại Thượng Hải tăng do nhu cầu dự kiến sẽ hồi phục trong bối cảnh các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 của Sở giao dịch Osaka giảm 1,2 yên, tương đương 0,5%, xuống 226,3 yên (1,57 USD)/kg. Trái lại, hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 1 trên sàn Thượng Hải tăng 145 nhân dân tệ lên 13.230 nhân dân tệ (1.877 USD)/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Singapore kết thúc phiên ở 133,8 US cent/kg.
Mức trung bình của cổ phiếu Nikkei của Nhật Bản lúc đóng cửa giảm 1,36%, chạm mức thấp nhất trong hơn hai tháng, theo xu hướng giảm trên Phố Wall và trong bối cảnh chứng khoán các nước châu Á khác cũng giảm.
Sản lượng cao su của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới - Thái Lan - có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo mưa lớn tiếp tục và cảnh báo lũ lụt trên cả nước.