Trên thị trường năng lượng, giá dầu kết thúc phiên giảm nhẹ sau những giờ giao dịch nhiều biến động do thị trường cân nhắc cảnh báo của Saudi Arabia rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trước khả năng một thỏa thuận hạt nhân có thể khiến dầu của Iran trở lại thị trường.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 giảm 24 US cent hay 0,25% xuống 96,48 USD/thùng, lúc đầu phiên có lúc giá giảm khoảng 4,5% trước đó, kết thúc chuỗi tăng 3 ngày.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9, đáo hạn trong ngày 22/8, giảm 54 US cent, hay 0,6%, xuống 90,23 USD/thùng. Hợp đồng WTI kỳ hạn tháng 10 giảm 4 US cent hay 0,03% xuống 90,41 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết OPEC+ có sự cam kết, tính linh hoạt và biện pháp để đối phó với các thách thức và đưa ra những hướng dẫn bao gồm cắt giảm sản lượng bất cứ lúc nào và dưới các hình thức khác nhau.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức đang thảo luận về nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm 2015. Theo thông báo ngày 21/8 của Nhà Trắng, thỏa thuận đó có thể cho phép dầu của Iran – vốn vẫn phải chịu lệnh trừng phạt - quay trở lại thị trường toàn cầu.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khi ông phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu hằng năm ở Jackson Hole, Wyoming, vào thứ Sáu (26/8).
Hồi đầu phiên, những lo ngại rằng việc Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu đã đẩy giá dầu đi xuống. Áp lực càng gia tăng do nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, một phần là do cuộc khủng hoảng năng lượng ở phía Tây Nam nước này.
USD mạnh lên cũng khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác tại thị trường dầu mỏ định giá bằng đồng bạc xanh này.
Giá khi tự nhiên cao bởi nguồn cung từ Nga giảm đang củng cố nhu cầu dầu mỏ, theo Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo.
Nguồn cung trên toàn cầu vẫn khá hạn hẹp, nhà điều hành một đường ống cung cấp khoảng 1% dầu toàn cầu đi qua Nga cho biết họ sẽ giảm sản lượng một lần nữa vì thiết bị bị hỏng.
Tháng 7/2022, OPEC+ đã sản xuất thấp hơn mục tiêu của họ 2,892 triệu thùng, do các lệnh trừng phạt với một số thành viên như Nga và đầu tư thấp đã cản trở khả năng nâng sản lượng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất một tháng giữa bối cảnh giá các kim loại quý đồng loạt giảm mạnh do đồng USD mạnh hơn. Thêm vào đó, những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng Chín tới cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Tiếp đà giảm từ tuần trước, vàng giao ngay trong phiên vừa qua giảm 0,6% xuống 1.736,74 USD/ounce sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/6 trong phiên này; vàng giao sau cũng giảm 0,8% xuống 1.748,4 USD/ounce.
Đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 5 tuần so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác. Vàng chịu sức ép đi xuống từ đồng USD mạnh và kỳ vọng thị trường rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ củng cố lập trường “diều hâu” của ngân hàng này trong bài phát biểu tại Hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming vào cuối tuần này.
Daniel Ghali, chiến lược gia thị trường hàng hóa của TD Securities cho rằng, giá vàng có thể giảm dưới mốc 1.700 USD/ounce sau hội nghị Jackson Hole. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Theo các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, Fed có khả năng nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng Chín tới, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh và lo ngại suy thoái ngày càng tăng.
Theo ngân hàng Commerzbank, trong ngắn hạn, giá vàng có thể tiếp tục chịu áp lực giảm khi Fed có thể sẽ vẫn nâng lãi suất cho đến cuối năm, nhưng khi một chu kỳ nâng lãi suất kết thúc, vàng có thể bắt đầu khởi sắc.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 18,96 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất trong bốn tuần ở phiên liền trước; bạch kim giảm 2,3% xuống 875,42 USD/ounce, trong khi palladium giảm 6,2% xuống 1.992,18 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về nhu cầu, mặc dù tồn trữ đồng giảm ngăn giá giảm mạnh.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chậm lại trong những tháng gần đây vì phong tỏa do Covid-19 đã làm suy yếu nhu cầu kim loại này. Những khó khăn kinh tế tại Mỹ và Châu Âu cũng làm giảm nhu cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,4% xuống 8.049 USD/tấn.
Việc giảm lãi suất tại Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tiêu cực vì cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc không hoạt động tốt. Cũng gây sức ép cho các kim loại công nghiệp là việc tăng lãi suất mạnh của Cục dự trữ liên bang Mỹ, khiến USD tăng giá, làm các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho khách hàng mua bằng đồng tiền khác.
Trong khi đó vấn đề năng lượng tại Châu Âu và Trung Quốc dự kiến làm giảm sản lượng kim loại và hỗ trợ giá nhôm và kẽm sử dụng nhiều năng lượng.
Về các kim loại quý khác, giá nhôm phiên này tăng 0,2% lên 2.390 USD/tấn, kẽm tăng 0,4% lên 3.503 USD, chì giảm 1,3% xuống 2.015 USD, thiếc giảm 1,1% xuống 24.525 USD và nickel tăng 0,4% ở 22.355 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á tăng sau khi Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế của mình nhưng giá dự kiến tăng trong ngắn hạn do triển vọng nhu cầu vẫn u ám.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng khoảng 2,6% lên 698 CNY (102,21 USD)/tấn, trước khi đóng cửa chỉ tăng 1,5% do triển vọng nhu cầu vẫn yếu. Quặng sắt Đại Liên giảm trong các phiên giao dịch tuần trước, ghi nhận mức giảm một tuần mạnh nhất trong 5 tuần. Giá đã giảm khoảng 40% từ mức cao kỷ lục 1.196 CNY/tấn đạt được hồi tháng 5/2021.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 tăng 1,1% lên 101,9 USD/tấn.
Giá quặng sắt giao ngay, hàm lượng 62% Fe, ở mức 103 USD/tấn trong ngày 19/8, mức thấp nhất kể từ ngày 22/7, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, thép không gỉ tăng 0,6%.
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay và hạ mức tham chiếu thế chấp với biên độ lớn hơn, bổ sung vào các biện pháp nới lỏng trong tuần trước, khi nước này nỗ lực hồi sinh một nền kinh tế đang gặp khó khăn bởi khủng hoảng bất động sản và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Các nhà sản xuất thép Trung Quốc tăng cường tiêu thụ thép phế liệu cũng làm giảm nhu cầu quặng sắt, trong khi dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc đang tăng (ở mức cao nhất ba tháng) cũng gây áp lực lên giá.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng 2,2%, được hỗ trợ bởi hy vọng tốc độ xuất khẩu tăng, do nông dân tại Trung Quốc chật vật với thời tiết nóng và khô dự kiến sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Giá lúa mì kỳ hạn cũng tăng 2,2%.
Giá đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 31-1/4 US cent lên 14,35-25 USD/bushel
Giá ngô và lúa mì cũng tăng theo giá đậu tương, song đà tăng bị hạn chế bởi các thương nhân đợi báo cáo tình trạng mùa vụ hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 5-3/4 US cent lên 6,29 USD/bushel; lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12 tăng 17-1/4 US cent lên 7,88-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,15 US cent hay 0,8% xuống 17,94 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 60 US cent hay 0,1% xuống 549,5 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá tăng bởi việc bán khống từ các quỹ đã cạn kiệt. Ngày 19/8, chính phủ Brazil đã giảm ước tính vụ mía đường niên vụ 2022/23 xuống 514 triệu tấn – mức thấp nhất kể từ năm 2011 – vì thời tiết bất lợi và diện tích trồng trọt giảm mạnh. Dự báo này thấp hơn hầu hết các dự báo khác. Một thăm dò của Reuters trong tháng trước dự báo trung bình sản lượng là 550 tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 7,85 US cent hay 3,7% lên 2,212 USD/lb, do thị trường khôi phục đà tăng, các quỹ tiếp tục vị thế mua ròng. Hợp đồng này đã hồi phục 16% từ mức thấp tại 1,923 USD/lb trong ngày 15/7 lên mức đỉnh 2,234 USD trong ngày 12/8. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 17 USD hay 0,8% lên 2.243 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê của Uganda đã giảm 17,7% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái, bởi hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng.
Lượng cà phê tồn trữ của sàn ICE trong ngày 19/8 ở mức 610.680 bao, tăng ngày thứ 4 liên tiếp sau khi xuống mức thấp nhất 23 năm trong ngày 15/8 tại 571.580 bao.
Giá cao su Châu Á tăng khi thị trường giảm lo ngại về nhu cầu yếu sau khi Trung Quốc giảm lãi suất cho vay để hồi phục nền kinh tế, trong khi đồng JPY yếu hơn cũng thúc đẩy tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,2 JPY hay 1% lên 228,2 JPY (1,67 USD)/kg. Tại thị trường Thượng Hải cao su giao tháng 1 tăng 160 CNY lên 12.875 CNY (1.885 USD)/tấn. Cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Singapore tăng 0,5% lên 147,5 US cent/kg.
Giá cao su hồi phục do tâm lý nhà đầu tư chuyển sang tích cực sau khi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ, bởi lãi suất giảm sẽ giúp tăng khả năng hoàn thành các dự án xây dựng của các công ty bất động sản.
Trong thời gian qua, giá cao su giảm do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại bởi các đợt phong tỏa kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động công nghiệp và tiêu dùng.
Người phát ngôn của công ty Toyota Motor Corp cho biết công ty đang dần dần nối lại hoạt động tại nhà máy ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) từ thứ Hai bằng cách sử dụng máy phát điện trong nhà.