Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ và giảm bớt lo ngại về việc lãi suất của Mỹ tăng mạnh.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 44 US cent, hay 0,5%, lên 84,75 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 47 US cent, hay 0,6%, lên 78,16 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 2/2023 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, bổ sung thêm bằng chứng về sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi loại bỏ những hạn chế chống Covid-19.
Nhật khẩu dầu thô Nga vào Trung Quốc qua đường biển trong tháng 2 đạt mức cao kỷ lục do các nhà máy lọc dầu tận dụng giá rẻ.
Một yếu tố nữa cũng hỗ trợ giá là bình luận của Chủ tịch Fed Atlanta, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lúc này nên duy trì xu hướng tăng lãi suất ổn định, thêm 0,25 điểm phần trăm/lần, nhằm tránh suy thoái kinh tế. Nhận xét này làm giảm những lo ngại đã dấy lên trước đó khi số liệu thất nghiệp của Mỹ đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng tăng lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư ngày càng tin rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất sau khi giá tiêu dùng tăng nhanh hơn dự kiến tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức, đã khiến dầu không thể tăng cao. Lạm phát ở khu vực đồng euro trong tháng 2 tăng lên 8,5%, cao hơn dự kiến, theo ước tính lần đầu tiên từ cơ quan thống kê EU. Biên bản của ECB hôm thứ Năm cho thấy ngân hàng trung ương có thể tiếp tục tăng lãi suất 3 trong hai tuần nữa.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô tăng 10 tuần liên tiếp cũng gây áp lực lên thị trường. Đồng thời, giá dầu cũng bị áp lực bởi USD mạnh lên sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cho thấy thị trường việc làm mạnh mẽ. Với các dữ liệu khác cho thấy chi phí lao động ngày càng tăng, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới vào tuần trước lại giảm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do số liệu việc làm hàng tuần của Mỹ cho thấy thị trường lao động tốt lên có thể khiến Fed duy trì chu kỳ tăng lãi suất, làm cho đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc mạnh lên.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.835,03 USD/ounce, sau khi tăng trong 3 phiên trước; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.840,5 USD/ounce.
Số liệu trước đó cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ giảm so với tuần trước.
Chỉ số đô la tăng 0,6%, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng tiền tệ khác. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động gần mức cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm 2022, gây áp lực lên vàng thỏi vốn không mang lại lãi suất.
Dữ liệu giá tiêu dùng vào tuần tới có thể cung cấp cho các nhà đầu tư thêm manh mối về lộ trình của lãi suất của trước cuộc họp ngày 21-22 tháng 3 của Fed, với dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 20,83 USD/ounce, bạch kim tăng 0,7% lên 961,43 USD, trong khi palladium tăng 0,1% lên 1.442,05 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do USD mạnh lên và khả năng Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,8% xuống 8.936 USD/tấn, sau khi tăng 1,6% trong phiên liền trước.
Giá đồng đã giảm 6% kể từ khi đạt mức cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD/tấn hồi tháng 1 bởi USD mạnh và sự phục hồi nhu cầu khá chậm tại Trung Quốc sau khi họ dỡ bỏ kiểm soát Covid-19.
Trung Quốc đang ngày- càng kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng năm 2023, nhắm tới mức 6%, dựa trên sự phục hồi sau đại dịch.
Kết thúc phiên này, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống 2.399,5 USD/tấn, kẽm giảm 2,5% xuống 3.039 USD, chì giảm 0,8% xuống 2.124 USD, niken giảm 2% xuống 24.400 USD và thiếc giảm 2,8% xuống 24.630 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp do tâm lý thị trường cải thiện sau khi các thành phố sản xuất thép chủ chốt của Trung Quốc xóa bỏ những hạn chế sản xuất và do số liệu sản xuất của nước này tốt hơn dự kiến.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,56% lên 912,5 CNY (132,19 USD)/tấn, cao nhất kể từ 23/2. Hợp đồng này đã tăng gần 2,5% trong phiên liền trước. Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4 giảm 0,03% xuống 126,05 USD/tấn. Tại Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,64%, thép cuộn cán nóng tăng 0,77%. Thép không gỉ tiếp tục xu hướng giảm, giảm 0,71%.
Hàm Đan và Đường Sơn, các trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc đã bỏ những hạn chế ô nhiễm trong ngày 1/3 sau khi chất lượng không khí cải thiện. Dự đoán nhu cầu sản phẩm thép tăng trong tháng 3 và tháng 4 cũng hỗ trợ nguyên liệu thô sản xuất thép. Giao dịch các sản phẩm thép xây dựng trên khắp Trung Quốc đạt tổng cộng 204.025 tấn vào ngày 1/3, ghi nhận tăng 33,06% so với tuần trước, theo số liệu của Mysteel.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tiếp tục tăng, kéo dài đà phục hồi từ mức thấp nhất một tháng đạt được trong tuần này nhờ một đợt mua kỹ thuật. Giá lúa mì kỳ hạn cũng ổn định do những lo ngại mới về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen. Riêng giá ngô giảm do xuất khẩu ngô Mỹ gần đây thấp.
Doanh số xuất khẩu ngô trong tuần kết thúc vào ngày 23/2 đã giảm xuống 598.100 tấn so với 848.725 tấn của tuần trước đó, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đó là gần mức thấp nhất trong khoảng dự báo của thị trường.
Kết thúc phiên, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2 US cent lên 7,12-3/4 USD/bushel, ngô kỳ hạn tháng 5 giảm 2 US cent xuống 6,33-3/4 USD/bushel, trong khi đậu tương kỳ hạn tháng 5 tăng 15 cent lên 15,09-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 lúc đóng cửa giảm 0,26 US cent hay 1,3% xuống 20,31 US cent/lb, thoái lui từ mức cao 20,65 US cent đã chạm tới trong phiên trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 3,1 USD hay 0,5% xuống 572,8 USD/tấn sau khi tăng lên mức cao 580.00 USD.
Thị trường đường tiếp tục tập trung theo dõi triển vọng sản lượng tại Ấn Độ, giá có khả năng tăng nếu triển vọng giảm hơn nữa sau khi thời tiết bất lợi tại bang sản xuất hàng đầu Maharashtra. Hơn hai chục nhà máy tại Maharashtra đã dừng ép mía vào cuối tháng 2, sớm hơn gần hai tháng so với năm trước.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 1,35 US cent hay 0,7% xuống 1,822 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 3 USD hay 0,1% lên 2.180 USD/tấn, với nguồn cung khan hiếm bởi xuất khẩu từ Việt Nam giảm trong hai tháng đầu năm 2023.
Các đại lý lưu ý nhu cầu cà phê arabica từ Honduras phục hồi, trong khi nguồn cung cà phê từ Colombia vẫn thấp. Tiêu thụ cà phê tại Brazil giảm 1% trong niên vụ 2021/22 do giá tăng, nhưng nhu cầu dự kiến phục hồi trong năm nay.
Giá cà phê Việt Nam biến động nhẹ trong tuần do nguồn cung khan hiếm, trong khi chênh lệch giá cà phê Indonesia tăng bởi dự đoán sản lượng giảm từ vụ thu hoạch nhỏ. Theo đó, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã bán cà phê nhân xô ở mức 46.700 – 48.800 đồng (1,97 – 2,06 USD)/kg, so với mức 45.000 – 49.500 đồng một tuần trước. Cà phê Indonesia được chào bán với giá cao hơn 50 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn ICE, tăng so với mức 40 USD các đây một tuần.
Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính giảm 13,1% trong hai tháng đầu năm 2023 so với một năm trước xuống 323.000 tấn, tương đương 5 triệu bao (60 kg/bao). Indonesia đã xuất khẩu 15.006,2 tấn cà phê robusta Sumatran từ tỉnh Lampung trong tháng 1, giảm 32,58% so với cùng tháng năm trước.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp theo xu hướng mạnh của thị trường Thượng Hải do các nhà đầu tư xem xét tăng trưởng hoạt động sản xuất của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến, trong khi đồng yên yếu đi cũng hỗ trợ giá các mặt hàng tính theo yen.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,5 JPY hay 1,5% lên 231,0 JPY (1,69 USD)/kg; hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn Thượng Hải tăng 125 CNY lên 12.630 CNY (1.830,70 USD)/tấn; hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 4 trên nền tảng SICOM của Singapore tăng 0,2% lên 141,3 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới:

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)