Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giảm tốc độ tăng lãi suất. Tính chung cả tuần, giá giảm hơn 9% do lo ngại nhu cầu tại các nước tiêu thụ lớn.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 17 US cent, tương đương 0,24%, lên 72,5USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4 US cent, tương đương 0,06%, xuống 68,56 USD/thùng, sau khi có lúc chạm 63,64 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Giá dầu giảm trong tuần này sau những lo ngại về nền kinh tế Mỹ và dấu hiệu tăng trưởng sản xuất yếu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Giá càng giảm sâu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất vào thứ Tư – điều sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tín hiệu của Fed rằng họ có thể tạm dừng tăng lãi suất để các quan chức có thời gian đánh giá hậu quả từ những biến cố gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và giải quyết vấn đề tăng trần nợ của Mỹ đã giúp hỗ trợ thị trường.
ECB đã tăng 3 mức lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, mức tăng nhỏ nhất kể từ khi ngân hàng trung ương này bắt đầu nâng lãi suất vào mùa hè năm ngoái và để ngỏ khả năng sẽ có nhiều hướng động thái trong tương lai khi cơ quan này nỗ lực chống lạm phát dai dẳng ở khu vực đồng euro.
Cùng với việc nhà đầu tư khó đoán trước thông điệp của ngân hàng trung ương, các chỉ số chứng khoán của Phố Wall đã chịu áp lực vào thứ Năm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi là OPEC+, đã bắt đầu cắt giảm sản lượng tự nguyện vào đầu tháng Năm.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm thứ Năm cho biết Nga đang tuân thủ cam kết tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày từ tháng 2 đến cuối năm.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy là sự kết hợp giữa những cơn gió ngược về kinh tế và sự hoài nghi rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ thực sự xảy ra”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục do lo ngại về lĩnh vực ngân hàng Mỹ đã thúc đẩy tăng nhu cầu vàng thỏi - là tài sản trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.045,79 USD/ounce, sau khi tăng lên 2.072,19 USD/ounce lúc đầu phiên giao dịch và đạt mức cao kỷ lục 2.072,49 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 6/2023 tăng 0,9% lên 2.055,7 USD/ounce.
Trên thị trường vật chất, giá cao đã làm giảm nhu cầu vàng tại các trung tâm bán lẻ hàng đầu châu Á.
Đối với những kim loại quý khấc, giá bạc tăng 1,4% lên 25,94 USD/ounce, bạch kim giảm 0,9% xuống 1.040,58 USD, trong khi palladium tăng 2,5% lên 1.458,34 USD.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa thuộc TD Securities, cho biết giá cả tăng vọt chỉ sau một đêm liên quan đến căng thẳng ngân hàng.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures, cho biết: “Nhu cầu mua tài sản an toàn đã đẩy giá lên hơn 2.000 USD”. Kinh tế bất ổn và lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu vàng thỏi - không mang lại lãi suất.
Lãi suất của Fed hiện nằm trong khoảng 5% -5,25%, với các thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại của High Ridge Futures, cho biết: “Lạm phát sẽ tiếp tục dai dẳng trong một thời gian và không nhất thiết sẽ cho phép họ (Fed) sớm giảm lãi suất”.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng sau khi ngân hàng trung ương Mỹ phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất, song mức tăng bị hạn chế do đồng USD tăng và các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% lên 8.501 USD/tấn, rời khỏi chuỗi giảm 2 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, tính đến nay giá đồng giảm 10% kể từ mức cao nhất 7 tháng chạm tới vào tháng 1/2023, giá đồng chịu áp lực giảm bởi nhu cầu tại Trung Quốc chậm lại và lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Nhà tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: “Hàng hóa đã nhận được một số sự hỗ trợ từ những bình luận đó của Fed, nhưng tất cả dường như khá im lặng”. "Vẫn còn rất nhiều lo lắng: suy thoái sẽ đến khi nào, nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài bao lâu, và câu chuyện về Trung Quốc dường như đang gây thất vọng và mờ dần theo thời gian."
Hoạt động tại nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 4/2023 do các đơn hàng và nhu cầu nội địa giảm, kéo lĩnh vực sản xuất suy yếu – nơi sử dụng một lượng lớn kim loại. Các nhà phân tích thuộc Citi giảm dự báo giá đồng xuống 8.000 USD/tấn từ mức 8.500 USD/tấn dự báo trước đó.
Giá niken chìm trong sắc đỏ sau khi tăng mạnh trước đó, được hỗ trợ bởi lượng hàng tồn kho eo hẹp. Kết thúc phiên, giá nickel giảm 2,8% xuống còn 24.040 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất trong ngày là 25.220 USD.
Dự trữ niken tại các kho của sàn Thượng Hải giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.426 tấn vào thứ Sáu, trong khi mức dự trữ của sàn LME giảm xuống 39.630 tấn, thấp nhất trong 15 năm rưỡi.
Giá nhôm trên sàn London giảm 1,1% xuống 2.295,5 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 6 tuần trong đầu phiên giao dịch; kẽm giảm 0,1% xuống 2.627 USD, chì giảm 1,3% xuống 2.104 USD và thiếc giảm 3,9% xuống 25.730 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á chạm mức thấp nhất 5 tháng, sau khi giảm hơn 10% trong tháng trước đó, do số liệu hoạt động nhà máy của Trung Quốc thấp hơn so với dự kiến và triển vọng nhu cầu hạ nguồn trong ngắn hạn ảm đạm gây áp lực thị trường.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của Trung Quốc trong tháng 4/2023 do Caixin/S&P công bố giảm xuống 49,5 so với 50 tháng trước đó, thấp hơn kỳ vọng 50,3 trong cuộc thăm dò của Reuters và đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 1/2023. Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia cho biết PMI sản xuất chính thức bất ngờ giảm xuống 49,2 từ 51,9 vào tháng 3; PMI trong ngành thép đã giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống 45 trong tháng 4, cho thấy sự chậm lại trong lĩnh vực này.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,31% xuống 698,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 9/12/2022 sau khi giảm 13% trong tháng 4/2023; quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn Singapore chạm mức thấp nhất 5 tháng (99,2 USD/tấn), sau khi giảm gần 18% trong tháng trước đó.
Giá quặng sắt kỳ hạn của Đại Liên và Singapore chạm mức thấp nhất trong 5 tháng vào thứ Năm, sau khi giảm hơn 10% trong tháng trước, với dữ liệu hoạt động của các nhà máy Trung Quốc yếu hơn dự kiến và triển vọng nhu cầu hạ nguồn trong ngắn hạn ảm đạm đè nặng lên tâm lý.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,85% xuống 3.615 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 2,01% và thép cuộn giảm 1,06%, trong khi thép không gỉ tăng 1,74%.
Các nhà phân tích thuộc National Australia Bank cho biết: “Hy vọng rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại và mùa xây dựng từ tháng 4 đến tháng 6 sẽ thúc đẩy tiêu thụ thép”.
Các nhà phân tích tại Sinosteel cho biết: “Nhu cầu hạ nguồn (đối với các sản phẩm thép) đã suy yếu vào cuối tháng 4 và lượng thép tồn kho có thể sẽ tăng trở lại vào mùa mưa (ở miền Nam Trung Quốc), điều này sẽ hạn chế nhu cầu (thép)”.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì trên sàn Chicago đạt mức cao nhất 1 tuần khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến tình hình vụ hành lang ngũ cốc khu vực Biển Đen, sau làn sóng căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine. Giá ngô hồi phục vào cuối phiên sau khi giảm lúc đầu phiên và kết thúc gần như không đổi sau khi tin tức về việc hủy bán hàng cho Trung Quốc gây áp lực lên giá. Giá đậu tương kỳ hạn cũng gần như không đổi ngay cả sau khi giảm trước đó trong phiên do tiến độ gieo trồng dự kiến của Mỹ.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 5-1/4 US cent lên 6,45 USD/bushel, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/4/2023 (6,5-3/4 USD/bushel). Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 1/2 US cent lên 5,89 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 1/4 US cent lên 14,17-3/4 USD/bushel.
Giá đường tăng được hỗ trợ bởi nguồn cung thắt chặt, mặc dù Citi dự kiến giá sẽ đạt đỉnh trong quý này khi vụ mùa 2023/24 được dự báo bội thu từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent tương đương 1,4% lên 25,52 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 11,5 năm trong tuần trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London giảm 10,2 USD tương đương 1,5% xuống 697,8 USD/tấn.
Công ty tư vấn Datagro cho biết sản lượng đường ở miền trung nam của Brazil tăng 13% lên 38,3 triệu tấn.
Citi dự báo giá đường trung bình trong năm nay sẽ ở mức 22,9 US cent/lb, do thị trường đường trong năm 2022/23 và có thể năm 2023/24 vẫn thiếu hụt.
Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE đóng cửa phiên thứ Năm giảm trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu và đặt cược rằng giá đã đạt đỉnh, mặc dù nguồn cung vẫn eo hẹp.
Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 2,55 US cent tương đương 1,4% xuống 1,8295 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/4/2023 (1,811 USD/lb). Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2023 giảm 12 USD tương đương 0,5% xuống 2.412 USD/tấn.
Nguồn cung cà phê arabica vẫn khan hiếm do vụ thu hoạch của nhà sản xuất hàng đầu thế giới – Brazil - chỉ mới bắt đầu và lượng dự trữ còn thấp. Ngược lại, nhu cầu đang chịu áp lực từ những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô.
Starbucks Corp hôm thứ Ba đã không thể nâng kế hoạch cho năm 2023, cho biết tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trung bình tại quốc gia tiêu dùng chính là Trung Quốc sẽ ở tốc độ vừa phải hơn.
Giá cà phê tại nhà sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam - tăng nhẹ trong tuần này do hàng dự trữ của nông dân không còn nhiều, mặc dù giá xuất khẩu không đổi sau khi đạt đỉnh ba tuần trước.
Rabobank nhận thấy robusta ổn định giảm so với mức hiện tại, dự báo giá sẽ giao dịch trong khoảng 2.275-2.475 USD/tấn trong tháng tới.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 120-130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London, không thay đổi so với 1 tuần trước đó. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 50.800-52.800 VND (2,17-2,25 USD)/kg, tăng so với 50.500-52.200 VND/kg 1 tuần trước đó.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 753.000 tấn, tương đương 12,5 triệu bao (60 kg).
Giao dịch cà phê tại Indonesia diễn ra chậm chạp sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr. Giá cà phê robusta Indonesia loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.

 

Giá hàng hóa thế giới:

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

68,88

+0,32

+0,47%

Dầu Brent

USD/thùng

72,85

+0,35

+0,48%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

60.730,00

-6.390,00

-9,52%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,07

-0,03

-1,38%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

233,30

+0,71

+0,31%

Dầu đốt

US cent/gallon

224,27

+0,40

+0,18%

Dầu khí

USD/tấn

646,50

-2,00

-0,31%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

75.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

2.061,20

+5,50

+0,27%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.821,00

+56,00

+0,64%

Bạc New York

USD/ounce

26,41

+0,18

+0,70%

Bạc TOCOM

JPY/g

111,50

+1,40

+1,27%

Bạch kim

USD/ounce

1.047,02

-0,95

-0,09%

Palađi

USD/ounce

1.465,40

+8,49

+0,58%

Đồng New York

US cent/lb

386,25

-0,05

-0,01%

Đồng LME

USD/tấn

8.493,50

+25,00

+0,30%

Nhôm LME

USD/tấn

2.287,00

-34,00

-1,46%

Kẽm LME

USD/tấn

2.622,50

-7,50

-0,29%

Thiếc LME

USD/tấn

25.600,00

-1.177,00

-4,40%

Ngô

US cent/bushel

589,50

+0,50

+0,08%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

645,50

+0,50

+0,08%

Lúa mạch

US cent/bushel

323,00

+4,00

+1,25%

Gạo thô

USD/cwt

15,42

-0,02

-0,13%

Đậu tương

US cent/bushel

1.418,75

+1,00

+0,07%

Khô đậu tương

USD/tấn

425,60

+1,00

+0,24%

Dầu đậu tương

US cent/lb

52,53

+0,05

+0,10%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

712,50

-2,60

-0,36%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.904,00

+34,00

+1,18%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

182,95

-2,55

-1,37%

Đường thô

US cent/lb

25,52

+0,35

+1,39%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

266,75

+1,90

+0,72%

Bông

US cent/lb

82,07

+0,31

+0,38%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

352,60

+8,60

+2,50%

Cao su TOCOM

JPY/kg

135,40

-0,50

-0,37%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)