Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 12 tuần do giới đầu tư gia tăng lo ngại nhu cầu năng lượng có thể bị tác động mạnh nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 2,08 USD, tương đương 2%, xuống 100,69 USD/thùng; trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 97 US cent, tương đương 1%, xuống 98,53 USD/thùng. Đây là mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 11/4 của cả hai loại dầu này, và giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp. Giá dầu diesel của Mỹ cũng giảm hơn 5%.
Phiên này chứng kiến hoạt động giao dịch đầy biến động, khi cả dầu Brent và WTI lúc đầu phiên đều tăng hơn 2 USD/thùng do những lo ngại về nguồn cung, nhưng sau đó lại giảm hơn 4 USD/thùng xuống các mức thấp nhất trong phiên.
Các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và UBS cho biết giá dầu giảm do những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế. UBS đã viện dẫn nhiều lý do, bao gồm "việc giao dịch thương mại dầu không ổn định khi hàng rào lạm phát, đồng đô la Mỹ mạnh lên, các quỹ đầu cơ phản ứng với đà giảm của giá dầu, bảo hiểm rủi ro cho nhà sản xuất và những lo ngại về hạn chế di chuyển mới ở Trung Quốc."
Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất, lãi suất mở trong hợp đồng tương lai WTI đã giảm vào tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2016 do các nhà đầu tư cắt giảm tài sản rủi ro.
Số vị trí công việc đang tuyển dụng tại Mỹ đã giảm ít hơn dự đoán trong tháng Năm, cho thấy thị trường lao động của nước này vẫn còn thắt chặt, từ đó có thể khiến Fed tiếp tục siết chặt chính sách để kiềm chế lạm phát.
Ông Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách các hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho, nhận định trên thị trường đang có những lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế. Cùng với đó, hợp đồng mở của dầu WTI đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm qua, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường dầu mỏ.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã “yếu đi đáng kể” từ tháng Tư, và bà không loại trừ khả năng xảy ra một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới trước những nguy cơ ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên. Ngoài ra, tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thị trường còn lo ngại rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu.
Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thị trường lo ngại rằng việc phong tỏa mới chống COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 5 đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức kỷ lục. Nga đã thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp hàng đầu, với các nhà máy lọc dầu lấy nguồn cung giảm giá khi các nước phương Tây trừng phạt Moscow.
Tên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 9 tháng do đồng USD tăng mạnh, trong khi biên bản cuộc họp trong tháng 6/2022 của Fed báo hiệu sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ. Đồng USD tăng 0,5% lên mức cao nhất 20 năm qua, khiến vàng vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.738,99 USD/ounce, sau khi giảm 2,6% trong phiên trước đó; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York giảm 1,6% xuống 1.736,5 USD/ounce.
Biên bản cuộc họp mới đây của Fed mở ra khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 50-75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng này. Các đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng. Trong tháng Sáu vừa qua là tháng có nhiều ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất nhất trong ít nhất 20 năm qua.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay kết thúc phiên tăng 0,1% lên 19,22 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,2% xuống 855,02 USD/ounce; và palladium giảm 0,8% xuống 1.918,68 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất gần 20 tháng do lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu kim loại và tác động đến thị trường.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 4,9% xuống 7.291,5 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 25/11/2020.
Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: “Sức mạnh của đồng đô la hôm qua là nguyên nhân gây ra những lo ngại về suy thoái kinh tế gần đây, kéo tấm thảm khỏi thị trường”.
"Sự suy yếu tiếp diễn qua đêm có vẻ như được thúc đẩy bởi Trung Quốc và các vấn đề COVID mà họ vẫn đang đối mặt. Và đây là thời điểm trong năm mà thị trường có thể dễ dàng mắc sai lầm khi thanh khoản đang cạn kiệt."
Trung Quốc đang chống lại sự bùng phát COVID-19 trên khắp đất nước với việc xét nghiệm hàng loạt và các hạn chế mới, bao gồm cả ở Thượng Hải.
Đồng đô la đứng cao gần mức đỉnh 20 năm so với đồng euro, khiến kim loại được định giá bằng đồng tiền của Mỹ trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm trên sàn London tăng 1,1% lên 2.417 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Giá kẽm phiên này tăng 0,6% lên 3,009 USD, phục hồi từ mức yếu nhất kể từ tháng 8 năm ngoái; giá nickel giảm 3,7% xuống 21.815 USD và thiếc giảm 4,4% xuống 24.850 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng nhưng tại Singapore giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 mới tại một số khu vực bao gồm Thượng Hải, dấy lên mối lo ngại về việc nước sản xuất thép lớn nhất thế giới tiếp tục đóng cửa.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 1,8% lên 747 CNY (111,42 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Singapore giảm 5,4% xuống 106,45 USD/tấn, trong phiên có lúc giảm 1,3% xuống 111 USD/tấn. Đối với mặt hàng thép, trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,1%, thép cuộn cán nóng tăng 0,7% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương trên sàn Chicago hồi phục sau khi chạm mức thấp nhất nhiều tháng, do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu thúc đẩy hoạt động thanh lý trên thị trường hàng hóa nhưng hoạt động mua vào khi giá thấp đã kéo giá hồi phục trở lại.
Kết thúc phiên này, giá ngô trên sàn Chicago tăng 6-1/2 US cent lên 5,85 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 5,66-1/2 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 30/11/2021; đậu tương tăng 6-3/4 US cent lên 13,22-3/4 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/12/2021; lúa mì giảm 2-1/2 US cent xuống 8,04-1/2 USD/bushel, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/12/2021.
Rich Feltes, trưởng bộ phận thông tin thị trường của nhà môi giới RJ O'Brien, cho biết: “Trong tương lai, thị trường sẽ theo dõi xem liệu các quỹ được quản lý, với hành động biểu đồ ảm đạm, có tiếp tục thanh lý hợp đòng dài hạn hay chọn tạm dừng thanh lý”.
Các thương nhân cũng đang theo dõi thời tiết vụ mùa của Mỹ. Bộ Nông nghiệp nước này trong một báo cáo thời tiết hàng ngày, cho biết mưa rào và giông bão từ Nebraska đến Ohio đã mang lại lợi ích lớn cho các cánh đồng ngô và đậu tương.
Giá đường thô phiên này nhẹ song vẫn gần mức thấp nhất 4 tháng, với đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,19 US cent tương đương 1,1% lên 17,99 US cent/lb, hồi phục từ mức thấp nhất 4 tháng (17,71 US cent/lb) trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 7,3 USD tương đương 1,3% lên 555,3 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn ICE giảm 1,85 US cent tương đương 0,8% xuống 2,192 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London giảm 6 USD tương đương 0,3% xuống 1.955 USD/tấn.
Giá cao su châu Á đồng loạt giảm, với giá tại Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tuần, do gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và khi dịch Covid-19 tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc - tiếp tục bùng phát, dấy lên mối lo ngại về nhu cầu chậm lại. Theo đó, hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Osaka giảm 7,7 JPY tương đương 3% xuống 249,6 JPY (1,8 USD)/kg, đầu phiên có lúc giá giảm xuống 247 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 30/5/2022. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 305 CNY xuống 12.655 CNY (1.888 USD)/tấn; kỳ hạn tháng 8 trên sàn Singapore giảm 1,5% xuống 160,1 US cent/lb.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)