Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 3% sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xoa dịu những lo ngại của thị trường về việc tăng lãi suất, và nhu cầu phục hồi ở thị trường Trung Quốc.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 2,7 USD/thùng hay 3,3% lên 83,69 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 3,03 USD hay 4,1% lên 77,14 USD/thùng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 7/2 cho biết số liệu việc làm khả quan được công bố vào tuần trước chỉ đơn giản khẳng định rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất.
Mặc dù từ chối cho biết các số liệu mạnh có ảnh hưởng đến việc Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tuần trước hay không, ông Powell nói rằng số lượng việc làm tháng 1/2023 cho thấy tại sao việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian.
Chỉ số đồng USD trong phiên này giảm giúp đẩy giá dầu đi lên. Việc tăng lãi suất thường khiến đồng USD mạnh lên, điều có thể khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua dầu bằng các tiền tệ khác.
Dự báo nhu cầu mạnh hơn ở Trung Quốc cũng nâng đỡ giá dầu thô phiên vừa qua. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cũng lần đầu tiên trong 6 tháng tăng giá loại dầu thô chủ lực đối với các khách hàng châu Á giữa bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc. 
Ông Phil Flynn, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group, đánh giá động thái của Saudi Arabia dường như gửi đi thông điệp rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại là có thật. Và nếu Saudi Arabia không ngại tăng giá dầu thì điều đó có nghĩa là nhu cầu khá tốt.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động tại trung tâm trung chuyển có khả năng xuất khẩu 1 triệu thùng dầu mỗi ngày ở Ceyhan đã phải tạm dừng hoạt động sau khi một trận động đất lớn xảy ra trong khu vực. Trung tâm BTC chuyên xuất khẩu dầu thô Azeri sang thị trường quốc tế sẽ đóng cửa cho đến ngày 8/2.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ dự báo sẽ tăng trong năm 2023, trong khi nhu cầu sẽ ổn định.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong khi USD giảm nhẹ và do các nhà đầu tư phân tích những bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng chính sách tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.870,49 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,3% lên 1.884,8 USD/ounce.
Ông Powell hôm thứ Ba báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy quá trình đưa lạm phát trở lại gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương sẽ mất "khá nhiều thời gian", lưu ý rằng cần phải tăng thêm lãi suất. Sau bài phát biểu của Powell, USD giảm khỏi mức cao nhất một tháng, khiến giá vàng có lúc tăng khoảng 0,8% lúc đầu phiên.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cao cấp củaại RJO Futures, cho biết: “lãi suất có thể tăng cao hơn một chút nhưng cuối cùng tôi nghĩ rằng Fed sắp sửa điều chỉnh nhiều hơn nữa”.
Chủ tịch Fed Minneapolis, Neel Kashkari hôm thứ Ba cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có lẽ sẽ phải tăng lãi suất lên ít nhất 5,4% để chế ngự lạm phát cao.
Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất cao, làm tăng chi phí nắm giữ vàng. Các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank dự báo giá vàng ở mức 1.850 USD vào giữa năm và 1.950 USD vào cuối năm 2023.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 22,16 USD/ounce, bạch kim giảm 0,1% xuống 971,05 USD, trong khi palladium tăng 3,1% lên 1.647,87 USD
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng từ mức thấp nhất 4 tuần do USD ngừng tăng và chứng khoán toàn cầu ổn định sau khi bị bán tháo.
Số liệu việc làm của Mỹ tháng 1 mahj mẽ đã làm dấy lên lo ngại lãi suất sẽ tăng cao hơn dự kiến, đẩy USD tăng lên và khiến thị trường thận trọng. Cả giá kim loại và thị trường chứng khoán đều chuyển động theo xu hướng tăng trưởng kinh tế và giá thường di chuyển song song với nhau. USD mạnh lên khiến giá đồng trở nên đắt hơn đối với những người mua bằng các ngoại tệ khác.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,7% lên 8.932,5 USD/tấn, tăng từ mức thấp 8.808 USD trong phiên liền trước. Giá kim loại này đã đạt được mức cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD trong ngày 18/1 do USD giảm và các nhà đầu cơ đặt cược rằng Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất sẽ tăng vọt trở lại sau khi suy giảm kinh tế trong năm ngoái.
Nhưng nhu cầu của Trung Quốc vẫn yếu sau kỳ nghỉ Tết, với tồn kho tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên 226.509 tấn từ khoảng 55.000 tấn trong tháng 12/2022.
Trong khi đó, bất ổn tại Peru đang làm gián đoạn nguồn cung đồng, giúp hỗ trợ giá.
Trên thị trường kẽm, những lo ngại lượng dự trữ trên sàn LME đã đẩy giá tăng lên. Lượng kẽm tồn trữ tại các kho đăng ký của LME đã giảm hơn 90% trong hai năm qua xuống còn 15.600 tấn, mức thấp nhất trong hơn 30 năm.
Kết thúc phiên, giá kẽm tăng 2,8% lên 3.218 USD/tấn; nhôm tăng 0,1% lên 2.535 USD/tấn, niken tăng 0,7% lên 27.450 USD, chì tăng 0,7% lên 2.115 USD và thiếc tăng 1,5% lên 27.295 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do tồn kho tại các cảng ở Trung Quốc đang tăng lên gây sức ép lên giá vốn đã bị áp lực bởi triển vọng nhu cầu yếu.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc, giá quặng sắt giao tháng 5 lúc đóng cửa giảm 0,7% xuống 840.5 CNY (123,86 USD)/tấn. Trước đó giá đã giảm xuống 828,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 17/1. Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 giảm khoảng 2,4% xuống 120,3 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 18/1. Giá thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,5%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%, thép không gỉ giảm 0,4%.
Quặng sắt đã nhập khẩu chứa tại các cảng Trung Quốc ước tính ở mức 136,5 triệu tấn tính tới ngày 3/2, cao nhất kể từ tháng 12/2022, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc dự định tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trong nước năm nay nhưng có thể dừng trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, giới phân tích cho biết các chỉ số thị trường bất động sản mới nhất của Trung Quốc cho thấy phục hồi chậm bất chấp những hỗ trợ của chính phủ cho các nhà phát triển.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương và ngô Mỹ giảm do các nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước các báo cáo hàng tháng của chính phủ Mỹ về cung, cầu toàn cầu. Các nhà đầu tư tập trung vào quy mô vụ thu hoạch ngô và đậu tương tại Argentina do hạn hán trong quá trình gieo trồng và giai đoạn phát triển ban đầu.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 trên sàn giao dịch Chicago lúc đóng cửa giảm 6 US cent xuống 15,15-1/4 USD/bushel. Ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 5 US cent xuống 6,74 USD/bushel. Giá lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 1/2 US cent xuống 7,49-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì cứng đỏ vụ đông cùng kỳ hạn tăng 10-1/2 US cent tăng 8,86-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,9% lên 20,84 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3 tăng 8,8 USD hay1,6% lên 558,4 USD/tấn.
Các nhà đầu tư ngày càng nghi ngờ về những cảnh báo chính thức rằng nguồn cung từ Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sẽ gây thất vọng trong niên vụ này.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 lúc đóng cửa tăng 0,8% lên 1,7705 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 35 USD hay 1,7% lên 2.075 USD/tấn.
Thị trường cà phê tiếp tục nhận được hỗ trợ từ những lo ngại rằng sản lượng vụ năm nay của Brazil có thể ít hơn dự kiến trước đây và sự phục hồi trong dự trữ được ICE chứng nhận có thể đuối dần dưới 1 triệu bao.
Liên đoàn cà phê quốc gia Colombia cho biết nước trồng cà phê arabica sạch hàng đầu thế giới này đã sản xuất 868.000 bao cà phê arabica sạch trong tháng 1, tương đương sản lượng cùng tháng năm trước đó.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm do đồng JPY mạnh lên khiến các hàng hóa đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, trong khi thị trường Thượng Hải tăng đưa ra một số hỗ trợ.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,8 JPY hay 0,4% xuống 225,7 JPY ( 1,71 USD)/kg. Tại Thượng Hải cao su giao tháng 5 tăng 30 CNY lên 12.715 CNY (1.874 USD)/tấn. Trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 3 được giao dịch lần cuối ở mức 139,2 US cent/kg, giảm 0,1%.
Tiền lương thực tế của Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong 9 tháng nhờ khoản tiền thưởng lớn, nhưng vẫn chưa chắc chắn việc tăng lương có tiếp tục duy trì sự phục hồi kinh tế Nhật Bản không. Trong khi đó, nhu cầu cao su của Trung Quốc không được cải thiện như kỳ vọng khi thị trường trở lại sau kỳ nghỉ lễ và việc lo sợ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng lớn vẫn chưa dịu bớt.
Giá hàng hóa thế giới:

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)