Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng gần 2% sau một phiên giao dịch đầy biến động, hồi phục từ mức thấp nhất nhiều tháng trong tuần qua, do những dữ liệu kinh tế tích cực phát đi từ Trung Quốc và Mỹ làm dấy lên kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục mạnh bất chấp vẫn còn đó lo ngại về suy thoái kinh tế.
Giá dầu Brent kết thúc phiên tăng 1,73 USD, tương đương 1,8%, lên 96,65 USD/thùng; dầu Trung cấp Tây Texas của Mỹ (WTI) tăng 1,75 USD, tương đương 1,97%, lên 90,76 USD/thùng.
Tuần trước, lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng đã đẩy giá dầu Brent giao sau một tháng giảm 13,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Hai. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất đối với giá dầu Brent kể từ tháng 4 năm 2020 và WTI mất 9,7%.
Giá cả 2 loại dầu đều hồi phục phần lớn mức giảm của phiên trước đó trong ngày thứ Sáu (5/8) khi tăng trưởng việc làm tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, bất ngờ tăng nhanh trong tháng Bảy.
Nền kinh tế Mỹ tháng 7/2022 đã tạo thêm 528.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 và là tháng tăng thứ 19 liên tiếp, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế là chỉ tăng thêm 250.000 việc.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC in New cho biết: “Một lần nữa những ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô lại ảnh hưởng đến thị trường này, đặc biệt liên quan đến số lượng việc làm công bố vào thứ Sáu”.
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc cũng gây bất ngờ cho các thị trường khi thông báo xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, nhập khẩu 8,79 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 7, tăng so với mức thấp nhất trong 4 năm vào tháng 6, nhưng vẫn thấp hơn 9,5% so với một năm trước đó, dữ liệu hải quan nước này cho thấy.
Ở châu Âu, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga vào khu vực vẫn tiếp tục chảy trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài ở Anh.
Về sản lượng của Mỹ, các công ty năng lượng tuần trước đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu nhiều nhất kể từ tháng 9 với mức giảm đầu tiên trong 10 tuần.
Các nhà phân tích thuộc Goldman Sachs cho biết họ tin rằng khả năng cao vẫn là giá dầu sẽ tăng hoặc duy trì ở mức cao, với thị trường thâm hụt lớn hơn dự kiến trong những tháng gần đây.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư chuyển trọng tâm chú ý sang dữ liệu lạm phát cua Mỹ để tìm kiếm manh mối về kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.787,39 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,8% lên 1.805,2%.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - giảm 0,2% khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Lợi tức trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng giảm.
Vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong bối cảnh căng thẳng chính trị và lo lắng suy thoái, nhưng lãi suất cao có xu hướng làm giảm sự hấp dẫn đối với vàng thỏi - vốn không phải trả lãi.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Thị trường dường như đã định giá trước cú sốc từ số lượng việc làm… tuy nhiên, vàng sẽ gặp khó khăn nếu Fed thắt chặt tiền tệ hơn nữa”.
"Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế và vàng là một lựa chọn với tình hình đang diễn ra ở Đài Loan và Ukraine", ông Moya nói.
Giá vàng đã giảm vào thứ Sáu sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ mạnh mẽ củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vài cuộc họp tới để làm chậm lạm phát.
Nhà phân tích Rupert Rowling của Kinesis Money cho biết, với mức tăng của vàng bị giới hạn bởi khả năng lãi suất tăng thêm nữa, ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật sẽ ở xung quanh ngưỡng 1.700 USD khi quyết định tiếp theo của Fed được công bố.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Tư có thể cung cấp manh mối về động thái tiếp theo của Fed.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 3,7% lên 20,60 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,5% lên 937,0 USD; palladium tăng 5,6% lên 2.245,68 USD.
Heraeus Precious Metals cho biết nhu cầu palladium trong sản xuất chất xúc tác tự động ở Trung Quốc có thể sẽ giảm nhẹ trong năm nay, chủ yếu là do các đợt phong tỏa ở Thượng Hải trong quý II và thị phần ngày càng tăng của các loại xe "năng lượng mới".
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do nhập khẩu kim loại vào Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - mạnh lên và kỳ vọng lãi suất có thể đã đạt đỉnh sau khi tăng nhanh gần đây nhằm kiềm chế lạm phát.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,2% lên 7.969 USD/tấn. Kim loại được sử dụng làm thước đo sức khỏe kinh tế này đã tăng giá 14% kể từ ngày 15/7, khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 – là 6.955 USD.
Duncan Hobbs, giám đốc nghiên cứu thuộc Concord Resources, cho biết: “Sự phục hồi của giá kim loại và rộng hơn là các tài sản rủi ro khác xuất phát từ hy vọng rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh hoặc có thể đã qua đỉnh”.
"Theo phân tích thì điều đó có thể có nghĩa là các ngân hàng trung ương do Fed lãnh đạo đang ở hoặc thậm chí đã vượt qua đỉnh cao của sự ‘diều hâu’. Liệu những hy vọng đó có chính đáng hay không vẫn còn tranh cãi; báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ vẫn rất mạnh."
Tăng trưởng việc làm của Mỹ tăng đột biến trong tháng Bảy, nâng số việc làm lên trên mức trước đại dịch và ‘dội một gáo nước lạnh’ vào những lo ngại rằng nền kinh tế đang suy thoái.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đã tăng lên 463.693 tấn trong tháng 7, tăng 9,3% so với một năm trước đó do giá giảm mạnh kích thích hoạt động mua trong bối cảnh tồn kho trong nước giảm.
Dự trữ đồng trong các kho do Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát giảm 79% kể từ tháng 3 xuống 34.768 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 28/1.
Giá chì tăng lên mức cao nhất trong hai tháng là 2.136,50 USD/tấn do lo ngại về tình trạng nguồn cung sẵn có trên thị trường LME, nơi dự trữ ở mức 38.875 tấn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2007.
Giá nhôm tăng 1,2% lên 2.446 USD/tấn, kẽm giảm 1,5% xuống 3.436 USD, chì tăng 4% lên 2.154 USD, thiếc giảm 0,7% xuống 24.285 USD và nickel giảm 2,7% xuóng 21.625 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường châu Á tiếp tục tăng do biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc được cải thiện khuyến khích các nhà máy dần khởi động lại các lò cao bỏ không trước đây và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép.
Kỳ vọng rằng những hạn chế về sản lượng thép ở nước sản xuất hàng đầu thế giới - Trung Quốc - để đáp ứng mục tiêu khử cacbon sẽ được nới lỏng trong nửa cuối năm cũng hỗ trợ giá quặng sắt.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất vào - tháng 1 năm 2023 - trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc giao dịch ban ngày tăng 4,3% lên 737,50 nhân dân tệ (109,06 USD)/tấn. Trong phiên có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 8 là 745,50 nhân dân tệ.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 9 tăng tới 3,6% lên 113,05 USD/tấn, kéo dài đà phục hồi của ngày thứ Sáu sau đợt giảm 5 phiên trước đó.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 3,1% so với một năm trước đó và tăng 3% so với tháng 6 do biên lợi nhuận và giá thép phục hồi, bất chấp những lo ngại về nhu cầu thép yếu, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản ốm yếu của nước này.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Thật ngạc nhiên khi thấy nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng hàng tháng khi mà ngành thép của Trung Quốc liên tục phải đối mặt với nhiều áp lực”.
Nguồn dự trữ thép ở Trung Quốc thu hẹp, một phần do chính sách hạn chế sản lượng hàng năm để hạn chế phát thải, cũng đang thúc đẩy việc nối lại hoạt động của các lò cao.
Bất chấp chính sách như vậy, ông Dhar tin rằng "mức độ ngành thép của Trung Quốc cần giảm sản lượng ít hơn so với cùng thời điểm này năm 2021".
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2,8% SRBcv1, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 2,7%, thép không gỉ giảm 2,8%.
Giám đốc Điều hành Atilla Widnell của Navigate Commodities cho biết: “Mặc dù vẫn còn thấp so với sản lượng năm 2021, nhưng tiêu thụ thép xây dựng mỏng manh cũng đã có dấu hiệu cải thiện dần”.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ kỳ hạn tương lai giảm khi thời tiết ở vành đai nông nghiệp – Trung Tây nước Mỹ - được cải thiện, thúc đẩy triển vọng về vụ thu hoạch được mùa. Thị trường các loại cây trồng gần đây bị căng thẳng do nhiệt độ cao và thời tiết khô hạn. Giá lúa mì trên Sàn Giao dịch Thương mại Chicago vững chắc khi đồng USD giảm giá, mặc dù mức tăng bị hạn chế do triển vọng xuất khẩu từ các cảng Biển Đen của Ukraine được cải thiện và dự báo sản lượng của Nga tăng.
Các động thái của thị trường ngũ cốc được các nhà giao dịch theo dõi sát sao trước dữ liệu cung cầu hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Trên Sàn giao dịch Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 2-3/4 cent xuống 6,07-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 8-3/4 cent xuống 14,00 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 9 tăng 4 US cent lên 7,79-3/4 USD/bushel.
Phần lớn diện tích ngô đang trong giai đoạn phát triển quan trọng – làm căng hạt, trong khi đậu tương cũng đang trong giai đoạn phát triển vỏ và mẩy hạt.
Giá đường trắng kỳ hạn trên sàn ICE giảm trở lại sau khi tăng mạnh gần đây mặc dù thị trường vẫn được củng cố bởi lo ngại rằng thời tiết khô nóng ở Liên minh châu Âu và Anh có thể ảnh hưởng đến sản lượng.
Theo đó, giá đường trắng giao tháng 10 kết thúc phiên giảm 5,80 USD, tương đương 1,1%, xuống 545,10 USD/tấn, sau khi tăng lên mức đỉnh 554,90 USD lúc đầu phiên - mức cao nhất trong gần ba tuần. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 lúc đóng cửa ở mức 17,96 cent/lb.
Các đại lý cho biết đợt phục hồi gần đây của thị trường, vốn đã chứng kiến giá tăng gần 10% trong hai tuần qua, cuối cùng đã bắt đầu gặp kháng cự và giá có thể được củng cố trong ngắn hạn.
Czarnikow cho biết Liên minh châu Âu và Anh dự kiến sản xuất khoảng 16,4 triệu tấn đường trong niên vụ 2022/23 sắp tới, giảm khoảng 1 triệu tấn so với năm trước.
Báo cáo cho biết: “Nếu trong vài tuần tới không có những trận mưa đáng kể thì có thể chúng tôi sẽ phải hạ thấp hơn nữa dự báo về sản lượng”.
Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 2,4 cent, tương đương 1,1%, lên 2,1185 USD/lb do thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi lượng dự trữ giảm. Giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 32 USD, tương đương 1,6% lên 2.074 USD/tấn.
Dự trữ arabica có chứng nhận của sàn ICE giảm hơn 30.000 bao vào thứ Hai (8/9) xuống 630.304 bao, thấp nhất trong hơn 20 năm.
Dự báo các vùng sản xuất cà phê ở Brazil sẽ có một đợt lạnh giá trong những ngày tới, nhưng khả năng xảy ra sương giá là rất thấp. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7 giảm 17,1% so với tháng 6 xuống 113.852 tấn.
Giá cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường châu Á đồng loạt tăng do đồng yen giảm so với USD thúc đẩy hoạt động mua vào.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 của sàn Osaka kết thúc phiên tăng 4,9 yên, tương đương 2,2%, lên 232,6 yên (1,72 USD)/kg, là phiên tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 9/6; hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 255 nhân dân tệ lên 12.255 nhân dân tệ (1.812 USD)/tấn; hợp đồng cao su giao tháng 9 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore tăng 1,2% lên 154,5 US cent/kg.
"Diễn biến trên thị trường hôm nay có thể bắt nguồn từ việc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) phong tỏa chống Covid-19, khi người mua đang tranh giành nguồn nguyên liệu do tác động tiềm tàng của việc giảm sản lượng", một thương nhân ở Singapore cho biết.
“Hải Nam là nơi đóng góp lớn nhất vào tổng sản lượng cao su của Trung Quốc, do đó việc phong tỏa khu vực này có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cao su”, ông cho biết.
Đồng đô la được báo giá quanh mức 135,37 yên, sau khi tăng 1,57% trong phiên trước, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 17 tháng 6, khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ. Đồng yên yếu đi làm cho tài sản tính bằng đồng yên có giá cả phải chăng hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Giá hàng hóa thế giới