Năng lượng: Giá dầu giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Phiên kết thúc tháng 4, giá dầu tăng trên 2% sau khi các công ty năng lượng công bố lợi nhuận tích cực và số liệu của Mỹ cho thấy sản lượng dầu thô đang giảm trong khi nhu cầu nhiên liệu tăng.
Kết thúc phiên này, dầu Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 1,17 USD hay 1,5% lên 79,54 USD/thùng, trong khi hợp đồng Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 2,7% lên 80,33 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,02 USD hay 2,7% lên 76,78 USD/thùng.
Mặc dù tăng trong phiên này nhưng cả dầu Brent và WTI đều có tuần thứ 2 liên tiếp giảm giá, theo đó dầu Brent giảm 3%, sau khi đã giảm khoảng 5% trong tuần trước, trong khi WTI giảm khoảng 1% sau khi đã giảm khoảng 6% trong tuần trước.
Tính chung trong tháng 4, giá dầu Brent giảm tháng thứ 4 liên tiếp, mức giảm gần 1% do thất vọng về số liệu kinh tế của Mỹ và tình trạng không rõ ràng về lãi suất gây sức ép lên triển vọng nhu cầu. Tuy nhiên, dầu WTI tháng 4 tăng khoảng 1%, là tháng tăng đầu tiên trong vòng 6 tháng.
Giá dầu thô sụt giảm trong những tuần và tháng gần đây do lo lắng về tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, cho biết: “Giá giảm trong phần lớn thời gian của tuần qua do lo ngại về suy thoái kinh tế sắp xảy ra và những rắc rối của ngành ngân hàng chưa kết thúc”.
Các quan chức Mỹ đang điều phối các cuộc đàm phán khẩn cấp để giải cứu Ngân hàng The First Republic. Các nguồn tin cho biết Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang nằm trong số các cơ quan chính phủ đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp với các công ty tài chính về giải pháp cho ngân hàng The First Republic
Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm trong tháng 2 giảm xuống 12,5 triệu thùng/ngày, thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Nhu cầu nhiên liệu tăng lên gần 20 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 11/2022, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Dữ liệu của EIA trong tuần này cho thấy tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước do nhu cầu về nhiên liệu động cơ tăng trước mùa lái xe cao điểm vào mùa hè.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đạt 591 giàn, không đổi trong tuần này, nhưng giảm 1 giàn trong tháng 4, giảm tháng thứ 5 liên tiếp.
Nguồn cung 5 loại dầu thô Biển Bắc làm cơ sở cho tiêu chuẩn Brent đã xác định sẽ đạt mức trung bình khoảng 607.000 thùng/ngày trong tháng 6, so với 696.000 thùng/ngày trong tháng 5, tương đương giảm 13%.
Các công ty dầu khí Exxon Mobil Corp và Chevron Corp đã có nhu cầu mạnh mẽ và giữ vững quan điểm về việc cắt giảm chi phí được thực hiện trong thời gian đóng cửa do COVID-19.
Giá dầu thô đã giảm trong những tuần và tháng gần đây do lo ngại lãi suất tăng có thể làm giảm nhu cầu.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không thay đổi trong tháng 3, nhưng áp lực lạm phát tiềm ẩn mạnh mẽ có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa vào tuần tới để làm chậm lạm phát, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tháng thứ 2 liên tiếp
Vàng tăng trở lại do lợi suất trái phiếu giảm và những lo ngại mới về bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ, khiến vàng có tháng thứ hai tăng giá liên tiếp ngay cả khi lạm phát của Mỹ ổn định củng cố cho dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tuần tới.
Kết thúc phiên cuối tháng, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.989,91 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa không đổi tại 1.999,1 USD/ounce.
Giá bạc phiên này ổn định ở mức 24,95 USD/ounce, bạch kim không đổi ở mức 1.077,04 USD, trong khi palladium tăng 0,1% lên 1.496,47 USD — tất cả đều tăng tháng thứ 2 liên tiếp.
Tính chung cả tháng 4, giá vàng tăng khoảng 1,1%. Đồng USD tháng 4 giảm giá khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một đánh giá chi tiết và gay gắt về việc họ không xác định được các vấn đề và thúc đẩy các biện pháp khắc phục tại Ngân hàng Silicon Valley trước khi ngân hàng này sụp đổ, hứa hẹn sẽ giám sát chặt chẽ hơn và đưa ra các quy tắc chặt chẽ hơn.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc RJO, cho biết báo cáo của Fed lên đến đỉnh điểm vào cùng thời điểm với sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, khiến vàng chuyển sang tăng giá, "nhưng mọi thứ đều phụ thuộc vào những gì (Chủ tịch Fed Jerome) Powell sẽ nói vào tuần tới".
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau số liệu cho thấy tốc độ lạm phát tổng thể sẽ chậm lại trong tháng 3, chi tiêu tiêu dùng ổn định. Nhưng số liệu cũng cho thấy rằng áp lực giá cơ bản vẫn mạnh khiến các nhà giao dịch đặt cược vào việc tăng lãi suất trong tuần tới. Lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng thỏi vốn không mang lại lợi nhuận.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập ở New York, cho biết: "Hiện tại, vàng dường như vẫn duy trì trong phạm vi hẹp gần đây, mặc dù mức đóng cửa hàng tuần dưới 1.965 USD có thể khiến giá giảm hơn nữa, trong khi những người đầu cơ giá lên tin rằng giá sẽ tăng trở lại trên 2.000 USD". Hiện thị trường vẫn băn khoăn liệu Fed có báo hiệu tạm dừng hay không.
Vàng đã đạt mức cao nhất trong một năm là 2.048,71 USD vào giữa tháng 4 khi cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm 4,4% trong tháng 4, sắt thép giảm mạnh
Giá đồng tăng nhẹ trong phiên cuối tháng do Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - cam kết thúc đẩy tăng trưởng, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi nhu cầu yếu và dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,1% lên 8.596,5 USD/tấn, trước đó đã tăng lên 8.648 USD. Giá đã xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng trong ngày 27/4.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 1,8% lên 2.360,50 USD/tấn, kẽm tăng 1,1% lên 2.650 USD, chì tăng 2,4% lên 2.150,50 USD, thiếc tăng 1,7% lên 26.320 USD và niken Ctăng 0,5% lên 24.210 USD.
Tính chung trong tháng 4, giá đồng giảm gần 4,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022, giảm gần 4,4% bởi tốc độ phục hồi nhu cầu kim loại chậm chạp tại Trung Quốc mặc dù đã hủy bỏ những hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19.
Lo sợ về suy thoái tại các quốc gia Phương Tây và tiếp tục căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng cũng gây sức ép lên thị trường này.
Amelia Xiao Fu, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại Bank of China International, cho biết: “Tốc độ phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc không mạnh như mọi người dự đoán và có thể sẽ mất một thời gian”.
"Sự phục hồi của nhu cầu kim loại vật chất ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản, vốn vẫn chưa phục hồi đáng kể. Ngoài ra, một số tỷ lệ hoạt động tại các nhà sản xuất đã khá thấp." Hoạt động nhà máy của Trung Quốc có thể đã mở rộng với tốc độ chậm hơn trong tháng 4, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.
Cũng hỗ trợ giá là dữ liệu cho thấy tồn kho đồng trong kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) theo dõi, với tồn kho giảm 6,1% xuống 137.095 tấn, giảm 42% so với mức đỉnh của tháng Hai.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á phiên cuối tháng giảm khi thị trường này lo ngại về nhu cầu đi xuống bởi sự sụt giảm sản lượng kéo dài tại một số nhà máy thép Trung Quốc đang làm ăn thua lỗ.
Một số nhà máy tại tây bắc, miền bắc và miền trung Trung Quốc thực hiện bảo dưỡng lò cao như một phần của hỗ lực hạn chế tổn thất, theo công ty tư vấn Mysteel.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tại Singapore kết thúc phiên này giảm 0,45% xuống 100,75 USD/tấn, thấp nhất kể từ 25/4 khi gần phá vỡ ngưỡng tâm lý 100 USD/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,97% xuống 714 CNY (103,12 USD)/tấn.
Một số nhà máy tại trung tâm sản xuất thép Đường Sơn đã khởi động đề xuất giảm giá thu mua than cốc thêm 100 CNY trong ngày 27/4, điều này đánh dấu đợt giảm giá than cốc lần thứ 5 trong tháng 4.
Thép thanh tại Thượng Hải phiên này giảm 1,82% xuống 3.660 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,59%, thép cuộn giảm 0,25%, trong khi thép không gỉ tăng 0,96%.
Tính chung trong tháng 4, giá quặng sắt giảm 12%, trong khi thép giảm 16%.
Công ty Huatai Futures cho biết: "Nhu cầu đã phần nào bị kìm hãm bởi việc bảo trì (lò cao) ở một số nhà máy; nhưng giá (quặng sắt) phục hồi ở một mức độ nào đó trong ngắn hạn là điều bình thường trong bối cảnh hàng tồn kho tương đối thấp (tại các nhà máy)", lưu ý, thêm rằng áp lực giảm sẽ tồn tại trong thời gian dài.
Công ty Mysteel cho biết trong một báo cáo rằng một số nhà máy ở trung tâm sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc Đường Sơn đã khởi động đề xuất giảm giá thu mua than cốc thêm 100 nhân dân tệ/tấn vào ngày 27 tháng 4, đồng thời cho biết thêm, điều này đánh dấu đợt giảm giá than cốc lần thứ năm trong tháng Tư.
Nông sản: Giá ngũ cốc giảm trong tháng 4, cà phê và đường tăng mạnh
Giá lúa mì và đậu tương phiên cuối tháng tăngdo các nhà đầu tư dự đoán nguồn cung toàn cầu lớn trong bối cảnh theo dõi sát sao thời tiết ở Mỹ.
Mưa tại vùng đồng bằng đang bị hạn hán ở Mỹ trong thời gian gần đây và dự báo thêm nhiều trận mưa trong thời gian tới làm giảm bớt lo ngại về lúa mì đỏ cứng vụ đông, mặc dù nghi ngờ về tình trạng mùa vụ vẫn còn.
Giá lúa mì Mỹ trên sàn CBOT kết thúc phiên này tăng 4-1/2 US cent lên 6,33-3/4 USD/bushel. Giá đã chạm 6,24-1/4 USD trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Giá ngô Mỹ tăng 3-1/2 US cent lên 5,85 USD/bushel, phục hồi từ mức thấp 5,72 USD trong tuần, thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Giá đậu tương tăng 15-1/2 US cent lên 14,19-1/4 USD/bushel.
Tính chung trong tháng 4, giá lúa mì giảm 12%, trong khi ngô và đậu tương giảm 2%.
Giá đường thô ổn định trong phiên cuối tháng sau khi giao dịch ở mức cao nhất 11,5 năm trong phiên trước đó.
Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 5 đáo hạn trong phiên này, kết thúc phiên ở mức 26,99 USD/lb. Hợp đồng này đã tăng 8,7% trong phiên cuối tuần, tính chung cả tháng 4 tăng gần 30%.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 8,5 USD hay 1,2% xuống 711,60 USD/tấn nhưng tăng 5,2% trong tuần qua.
Các đại lý cho biết thị trường sắp điều chỉnh xu hướng giá trong ngắn hạn do môi trường kinh tế vĩ mô nói chung tiêu cực với các hàng hóa, mặc dù trong dài hạn, nguồn cung tại Châu Á và Brazil có thể tiếp tục bị gián đoạn nếu hiện tượng thời tiết El Nino diễn ra.
Mặt hàng đường được thúc đẩy tăng giá gần đây bởi sản lượng thấp hơn dự kiến tại Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu, trong khi vụ thu hoạch sắp tới tại Brazil bị chậm do mưa.
Các nhà sản xuất và chuyên gia giảm 10% sản lượng dự kiến đối với vụ thu hoạch đường hiện nay ở Mexico sau khi hạn hán kéo dài hàng tháng và bón phân không đầy đủ.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên cuối tháng tăng 4 USD hay 0,2% lên 2.409 USD/tấn sau khi lên mức cao nhất trong gần 12 năm là 2.489 USD/tấn trong ngày 26/4. Tính chung cả tuần hợp đồng này tăng 1%; cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 2,25 US cent xuống 1,8595 USD/lb.
Đối với giá cà phê robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam, mức trừ lùi tăng lên trong tuần này mặc dù nông dân gần như không còn gì để bán, do các thương nhân cho biết giá hiện đang quá cao.
Vụ thu hoạch cà phê robusta ở Indonesia và Brazil cũng mới bắt đầu khởi sắc. Liên đoàn những người trồng cà phê của Colombia đã bầu ra một giám đốc mới khi nhóm này đang cố gắng vượt qua khó khăn để tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất và duy trì danh tiếng trên thị trường quốc tế.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên cuối tháng do đồng JPY yếu sau khi ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp, mặc dù những dấu hiệu trái chiều về sự phục hồi ở Trung Quốc và những lo ngại về suy thoái đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 1 JPY hay 0,5% lên 208,7 JPY (1,55 USD)/kg. Hợp đồng này có tuần đầu tiên giảm giá trong 3 tuần, giảm 0,7%, và là tháng sụt giảm thứ 3, giảm khoảng 0,6%.
Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 9 giảm 80 CNY xuống 11.770 CNY (1.701,56 USD)/tấn. Thị trường Thượng Hải sẽ đóng cửa từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 để nghỉ lễ. Giao dịch sẽ tiếp tục vào Thứ Năm, ngày 4 tháng Năm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 133,4 US cent/kg.
Farah Miller, giám đốc điều hành của Helixtap Technologies, một công ty dữ liệu độc lập tập trung vào cao su, đầu tuần này cho biết thị trường kỳ hạn tăng mạnh vào thứ Ba, nhưng sau đó điều chỉnh do các tín hiệu lẫn lộn từ Trung Quốc và lo ngại suy thoái kinh tế.
Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ chậm lại hơn dự kiến trong quý đầu tiên, ngay cả khi tốc độ tăng giá diễn ra nóng hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.
Giá hàng hóa thế giới:

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)