Năng lượng: Giá dầu tăng trong tháng 6 nhưng giảm trong quý 2
Giá dầu tăng trong phiên cuối cùng của tháng 6 do được hỗ trợ bởi một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát hàng năm tăng trong tháng trước với tốc độ chậm nhất trong 2 năm.
Tính chung trong tháng 6, giá cả 2 loại dầu tăng nhẹ, nhưng giảm trong quý 2 và là quý giảm thứ 4 liên tiếp do các nhà đầu tư lo ngại hoạt động kinh tế toàn cầu chậm lại có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8/2023 đã hết hạn hôm 30/6/2023 tăng 56 US cent tương đương 0,8% lên 74,9 USD/thùng. Tính chung trong tháng 6, giá tăng nhẹ khoảng 3%. Trong quý 2, giá giảm khoảng 6%.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 78 US cent tương đương 1,1% lên 70,64 USD/thùng. Tính chung trong tháng 6 giá tăng khoảng 4%, trong quý 2 giảm 6,5% - quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Giá dầu chịu áp lực giảm từ việc tăng lãi suất tại các nền kinh tế lớn, cùng với hoạt động sản xuất và tiêu thụ của Trung Quốc hồi phục chậm hơn so với dự kiến.
Tuy nhiên, các dấu hiệu hoạt động kinh tế của Mỹ tăng mạnh và tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm đã hỗ trợ giá dầu.
Ngoài ra, thị trường cũng được hỗ trợ bởi sự điều chỉnh tăng nhu cầu dầu thô và các sản phẩm tinh chế tại Mỹ. Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nhu cầu dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ giảm nhẹ xuống 20,446 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2023 nhưng vẫn mạnh theo mùa.
Giá dầu cũng được hỗ trợ từ kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023 của Saudi Arabia bên cạnh thoả thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) để hạn chế nguồn cung đến năm 2024.
Các chuyên gia phân tích của HSBC cho biết, bất chấp những thông báo về 2 đợt cắt giảm sản lượng mới từ OPEC+ và Saudi Arabia, giá dầu thô phần lớn vẫn ở dưới mốc 80 USD/thùng do thị trường ít bị chi phối bởi những yếu tố cơ bản và bị tác động nhiều hơn bởi các mối quan ngại về kinh tế vĩ mô.
Một cuộc thăm dò của Reuters đối với 37 chuyên gia phân tích và kinh tế cho thấy giá dầu sẽ gặp khó khăn trong năm nay khi những trận gió ngược đối với kinh tế toàn cầu vẫn dai dẳng.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 9 tuần liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 7/2020.
Kim loại quý: Giá giảm trong tháng 6 nhưng giảm trong quý 2
Giá vàng tăng trong phiên cuối tháng nhưng giảm trong tháng 6 và quý 2, là quý giảm đầu tiên trong 3 quý, bởi kỳ vọng việc tăng lãi suất của Mỹ nhiều hơn.
Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.917,94 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 0,6% lên 1.929,4 USD/ounce.
Tính chung trong tháng 6, giá vàng và bạc giảm khoảng 3%. Trong quý 2, giá vàng giảm 2,5%, giảm từ mức cao đỉnh điểm 2.072 USD/ounce trong tháng 5/2023, do lo ngại sức khỏe lĩnh vực ngân hàng Mỹ xuống dưới 1.900 USD/ounce trong phiên trước đó.
Giá bạch kim tăng 0,6% lên 899,27 USD/ounce trong phiên 30/6, song có tháng giảm mạnh nhất trong 2 năm. Giá palladium giảm 0,1% xuống 1.227,79 USD/ounce và có quý giảm thứ 3 liên tiếp.
Trong quý 2/2023, chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đều tăng, khiến vàng kém hấp dẫn hơn khi các nhà đầu tư nắm giữ tiền tệ khác.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đình trệ trong tháng Năm, trong khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng với tốc độ 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với tốc độ 4,3% của tháng Tư.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank cho biết: “Trong ngắn hạn, khả năng Mỹ tăng lãi suất nhiều hơn kết hợp với việc tăng lãi suất thực tế của Mỹ lên hoặc gần mức cao nhất trong chu kỳ có thể tiếp tục đặt ra thách thức đối với vàng”.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng loạt tăng trong tháng 6, ngoại trừ nhôm và nickel
Giá đồng trên sàn London tăng trong phiên cuối tuần và tính chung cả tháng 6 cũng tăng, song trong quý 2 giảm 7,7% sau 2 quý tăng liên tiếp, do nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – giảm và lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London phiên 30/6 tăng 1,6% lên 8.306 USD/tấn. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng giảm 0,8%; tồn trữ đồng tại London giảm 2.450 tấn xuống 72.975 tấn.
Giá đồng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn Thượng Hải quý 2 giảm 2,4%. Tồn trữ đồng tại Thượng Hải tăng 13% lên 68.313 tấn.
Giá nhôm trên sàn London phiên 30/6 giảm 0,5% xuống 2.149,5 USD/tấn và có quý 2 giảm lần đầu tiên kể từ quý 3/2022.
Trong số các kim loại khác trên sàn LME, phiên 30/6, giá nhôm giảm 0,5% xuống còn 2.149,5 USD/tấn, tính chung cả quý giảm, là quý giảm đầu tiên kể từ quý 3/2023. Giá nickel giảm 0,5% xuống 20.525 USD. Đây là kim loại có hiệu suất kém nhất trên LME từ đầu năm đến nay, giảm 32%. Giá kẽm tăng 2,1% lên 2.390,5 USD, thiếc tăng 2,5% lên 26.745 USD và chì tăng 1,9% lên 2.089,5 USD.
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 6/2023 và sự yếu kém trong các lĩnh vực khác ngày càng trầm trọng, làm gia tăng áp lực buộc các nhà chức trách phải hành động nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm trong phiên 30/6 nhưng tính chung cả tháng 6 tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế hậu Covid.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên giảm 0,7% xuống 822,5 CNY (113,35 USD)/tấn, song tính chung cả tháng 6 tăng mạnh nhất 7 tháng, tăng khoảng 17%.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn Singapore giảm 1,3% xuống 109,7 USD/tấn; tính chung cả tháng, giá tăng 14% - tháng tăng mạnh nhất trong năm nay, song giảm khoảng 10% trong quý 2/2023. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng lên 116 USD/tấn, do nhu cầu được cải thiện. Tính chung trong tháng 6, giá thép giao ngay tăng 15%, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trên sàn Thượng Hải phiên 30/6, giá thép cây không thay đổi, thép cuộn cán nóng tăng 0,3%, thép cuộn tăng 0,9% và thép không gỉ tăng 0,5%.
Hoạt động nhà máy tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới – Trung Quốc – trong tháng 6/2023 giảm tháng thứ 3 liên tiếp, và sự yếu kém trong các lĩnh vực khác ngày càng trầm trọng, gây áp lực buộc Bắc Kinh phải hành động nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm.
Nông sản: Giá biến động
Phiên 30/6, giá đậu tương tại Mỹ tăng 6% sau báo cáo cho thấy diện tích trồng đậu tương tại Mỹ năm 2023 và tồn trữ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tính đến ngày 1/6/2023 thấp hơn so với dự kiến, trong khi đó giá ngô giảm do diện tích trồng trọt cao hơn so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2023 tăng 77-1/2 US cent lên 13,43-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 33-3/4 US cent xuống 4,94-3/4 USD/bushel và giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 16-1/2 US cent xuống 6,51 USD/bushel.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, tình trạng của vụ ngô và đậu tương tại Mỹ hiện ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù triển vọng thời tiết làm tăng sự lạc quan về nguồn cung, nhưng thị trường vẫn đặt dấu hỏi về nhu cầu đối với ngũ cốc của Mỹ, do cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu.
Dịch vụ giám sát cây trồng của Liên minh châu Âu (MAR) dự báo sản lượng lúa mỳ của Nga trong năm nay sẽ đạt 86,7 triệu tấn, nhấn mạnh kỳ vọng về một vụ mùa trên mức trung bình.
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Câu lạc bộ Kinh doanh Nông nghiệp Ukraine cho biết sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong năm 2023 của nước này có khả năng giảm xuống 42,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 53 triệu tấn năm của 2022 do diện tích gieo trồng bị thu hẹp.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE tăng mạnh vào thứ Sáu, nhưng vẫn giảm 5,3% trong tuần do hợp đồng tháng 7 hết hạn với lượng giao hàng khiêm tốn. Theo đó, phiên 30/6, đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 0,82 US cent tương đương 3,7% lên 22,89 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London tăng 12,8 USD tương đương 2,1% lên 633,4 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá đường trắng giảm 3,6%.
Các đại lý cho biết tâm trạng chung của nhà đầu tư vẫn cho rằng giá đường sẽ giảm. "Sức mạnh của vụ thu hoạch ở Brazil đã bắt đầu ảnh hưởng đến giá cả khi dữ liệu cho thấy sản lượng trung bình ở nước sản xuất hàng đầu thế giới này tăng mạnh", công ty nghiên cứu BMI cho biết trong một báo cáo.
Công ty tư vấn Datagro cho biết sản lượng mía ép niên vụ 2023/24 của Brazil dự kiến sẽ tăng lên 606,5 triệu tấn từ mức 598,50 triệu tấn ước tính trước đó, do các cánh đồng mía được ưu đãi bởi lượng mưa ổn định.
Giá cà phê kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn ICE giảm 2,6 US cent, tương đương 1,6%, xuống 1,59 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tháng (1,5775 USD/lb) trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá cà phê giảm 3,5%. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn London giảm 79 USD tương, đương 3,1%, xuống 2.491 USD/tấn; tính chung cả tuần, giá giảm 7%.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết vụ thu hoạch ở Brazil tính đến ngày 27 tháng 6 đã hoàn thành 45%, tăng từ 39% cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn mức trung bình 5 năm là 48%.
Phiên 30/6, giá cao su trên thị trường châu Á tăng trong bối cảnh đồng JPY suy yếu, tính chung trong tháng 6 giá cũng tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn Osaka tăng 0,7 JPY tương đương 0,3% lên 206 JPY (1,42 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá u không thay đổi, song tính chung cả tháng tăng 1%, trong quý 2 giảm 1,9%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 185 CNY lên 12.080 CNY (1.665,4 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn Singapore tăng 1,9% lên 132,9 US cent/kg.
Giá tiêu dùng cơ bản tại thủ đô của Nhật Bản đã tăng 3,2% trong tháng 6 so với một năm trước đó, trong khi sản lượng của nhà máy giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng 5, nhấn mạnh rủi ro đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Giá hàng hóa thế giới:

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)