Năng lượng: Giá dầu tuần qua tăng
Phiên cuối tuần, 10/6, giá dầu giảm sau dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tháng 5/2022 tăng mạnh hơn dự kiến và Trung Quốc áp đặt biện pháp phong tỏa mới ở một số khu vực để chống Covid-19.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 1,06 USD xuống 122,01 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 84 cent xuống 120,67 USD/thùng.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá cả 2 loại dầu đều tăng trong, trong đó dầu Brent tăng 1,9%, còn dầu WTI tăng 1,5%.
Thị trường dầu mỏ đang trong giai đoạn biến động mạnh. Phiên 10/6, lúc đầu phiên, giá giảm sâu theo xu hướng chứng khoán Phố Wall sau tin giá xăng cao kỷ lục và chi phí thực phẩm tăng vọt đã đẩy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tháng 5 tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt lãi suất một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh của Trung Quốc đã quay trở lại cảnh báo về dịch Covid-19, trong đó Thượng Hải đã áp đặt các biện pháp phong tỏa mới ở một số khu vực, và thành phố đã công bố một đợt xét nghiệm hàng loạt đối với hàng triệu cư dân. Điều này gây lo ngại nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ giảm xuống.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures, nhận định: “Mối lo ngại rằng đó có thể là dấu hiệu báo trước về thói quen tiêu dùng và mặc dù nhu cầu xăng hiện đang tăng mạnh, nhưng đó là dấu hiệu trong tương lai cho thấy nếu giá xăng không ổn định thì người tiêu dùng sẽ cắt giảm”.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2022 tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, do nhập khẩu ở tháng 5/2021 rất thấp.
Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định: “Điều này không cho thấy nhu cầu dầu tăng lên. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đã hành động cơ hội, mua dầu thô từ Nga với giá thấp hơn đáng kể so với mức giá thị trường toàn cầu để bổ sung nguồn dự trữ quốc gia”.
Liên quan đến nguồn cung, Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG) cho biết sản lượng dầu của Na Uy có thể bị giảm nếu công nhân đình công vào ngày 12/6, nếu cuộc đàm phán tiền lương hàng năm thất bại. Điều này gây lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở châu Âu và châu Phi.
Về nguồn cung của Mỹ, số lượng giàn khoan dầu của nước này, một dấu hiệu cho thấy nguồn cung trong tương lai, đã tăng 6 giàn lên 580 trong tuần qua, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á giảm trong tuần qua do Thượng Hải lại phong tỏa một số khu vực, cho thấy nhu cầu từ Trung Quốc sẽ giảm đi, trong khi lượng mua ở các nước châu Á khác trong mùa Hè tăng lên.
Tin tức về việc Freeport LNG, nhà điều hành của một trong những nhà máy sản xuất - xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất của Mỹ, ngừng hoạt động ít nhất ba tuần, không ảnh hưởng nhiều đến giá châu Á, vì hầu hết hàng hóa của Mỹ đều hướng đến châu Âu.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình giao tháng 7 tại Đông Bắc Á tuần qua ước tính 23,5 USD/mét triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), giảm 1,25 USD hay 5,1% so với tuần trước.
Kim loại quý: Giá vàng tăng hơn 1% trong tuần qua do nỗi lo về lãi suất
Giá vàng thế giới đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (10/6) đầy biến động với mức tăng hơn 1%, khi trọng tâm chú ý của giới đầu tư chuyển sang việc những rủi ro kinh tế vì lạm phát tăng cao ở Mỹ đã củng cố khả năng Fed tăng mạnh lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.873,58 USD/ounce, vàng giao sau tăng 1,2% lên 1.875,50 USD. Trong phiên, có thời điểm giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/5, là 1.824,63 USD do khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong mỗi kỳ họp từ nay cho đến tháng 9.
Tuy nhiên, do lo ngại về lạm phát cao nên hu cầu vàng để làm nơi trú ẩn an toàn tăng mạnh, đã giúp vàng nhanh chóng hồi phục sau khi giảm sâu.
Tai Wong, nhà kinh doanh kim loại độc lập ở New York, cho biết: “Vàng đã có một chuyến tàu lượn tuyệt vời, giảm xuống mức thấp nhất một tháng trước khi tăng mạnh sau báo cáo CPI của Mỹ, và tăng trở lại sau báo cáo tâm lý người tiêu dùng tồi tệ nhất trong lịch sử”.
Lãi suất cao thường làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn phục hồi bất chấp sức mạnh của đồng đô la Mỹ cũng như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.
Ông Wong cho biết số phận của vàng trong tuần này có thể phụ thuộc vào cuộc họp của Fed.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết, giá vàng đã "phục hồi đáng kể với kỳ vọng tăng (lãi suất) và thị trường vật chất dịu lại" do lo ngại rằng lạm phát có thể vượt quá tốc độ tăng lãi suất.
"Tuy nhiên, vàng có thể sẽ từ bỏ tất cả những mức tăng này và có xu hướng giảm xuống dưới 1.800 USD/oz, khi lãi suất chính sách tăng mạnh", các nhà phân tích của TD Securities cho biết.
Về những kim loại quý khác, giá bạc cũn giảm mạnh lúc đầu phiên cuối tuần, nhưng hồi phục nhanh sau đó để kết thúc phiên tăng 1,2% lên 21,92 USD/ounce; bạch kim tăng 0,3% lên 973,91 USD, nhưng palladium giảm 0,1% xuống 1.922,82 USD. Tính chung cả tuần, giá cả 3 kim loại quý này đều giảm.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm trong tuần qua
Trong phiên cuối tuần, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng, đồng cũng giảm do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc do phong tỏa ảnh hưởng đến nhu cầu kim loại và dự kiến Mỹ tăng mạnh lãi suất.
Kết thúc phiên 10/6, giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) giảm 3% xuống 2.677 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá đồng trên sàn LME kết thúc phiên này cũng giảm 1,8% xuống 9.447 USD/tấn, sau khi giảm 1,2% trong phiên liền trước, trong khi giá trên sàn Comex (Mỹ) giảm 2,1% xuống 4,29 USD/lb.
Nhà phân tích Sudakshina Unnikrishnan thuộc Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Áp lực về giá là do sự không chắc chắn về triển vọng tăng trưởng, nhu cầu yếu hơn từ lĩnh vực ô tô cũng như sự phục hồi liên tục sản lượng nội địa Trung Quốc”.
Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát tại cửa nhà máy của Trung Quốc đã hạ nhiệt trong tháng 5, do nhu cầu thép, nhôm và các mặt hàng công nghiệp khác yếu đi do các biện pháp hạn chế khắt khe chống Covid-19.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nickel trên sàn LME phiên 10/6 giảm 2,6% xuống 27.285 USD, kẽm giảm 1,6% xuống 3.700 USD, chì giảm 2,1% xuống 2.150,50 USD và thiếc giảm 5% xuống 34.915 USD.
Tính chung cả tuần, giá kim loại cơ bản hầu hết giảm.
Giá quặng sắt giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng giảm do thị trường lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc sau khi áp đặt biện pháp phong tỏa mới ở một số khu vực, có nguy cơ làm giảm tăng trưởng kinh tế, kéo theo nhu cầu thép giảm.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 - được giao dịch nhiều nhất - trên Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên giao dịch ban ngày giảm 1,7% xuống 914,50 nhân dân tệ (136,83 USD)/tấn. Hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,9% xuống 139 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 2,6%.
Giá thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên cuối tuần ổn định, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,2% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Dữ liệu hôm thứ Năm cho thấy, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng 3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, sau khi sự gián đoạn đối với các chuyến hàng của các nhà cung cấp lớn giảm bớt.
Nông sản: Giá ngũ cốc tăng trong tuần, đường và cà phê giảm
Tong phiên giao dịch cuối tuần, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đi ngược chiều nhau, với giá ngô tăng nhẹ, còn đậu tương và lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá đậu tương trên sàn Chicago giảm do hoạt động bán chốt lời sau khi giá tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại do lo ngại về nguồn cung và nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ của Mỹ. Giá đậu tương phiên này giảm 23-1/2 cent xuống 17,45-1/2 USD/bushel. Trong phiên liền trước, hợp đồng này đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2012, là 17,84 USD/bushel, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất mọi thời đại, do có dấu hiệu cho thấy nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ đối với đậu tương Mỹ.
Thị trường thiếu chắc chắn về nguồn cung sau khi trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm khoảng 13% ước tính về lượng dự trữ trong nước cuối năm 2021/22 xuống còn 205 triệu bushel. Con số này thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích là 218 triệu. USDA đã nâng triển vọng xuất khẩu đậu tương của Mỹ năm 2021/22 thêm 30 triệu bushel lên 2,17 tỷ bushel.
Giá lúa mì phiên này cũng giảm, với lúa mì đỏ mềm vụ đông giảm 1/2 US cent xuống 10,70-3/4 USD. Riêng giá ngô kết thúc phiên tăng 1/4 US cent lên 7,73-1/4 USD/bushel.
Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, giá cả 3 loại ngũ cốc đều tăng.
Trái lại, giá đường và cà phê tuần qua giảm. Trong phiên cuối tuần, giá 2 loại nông sản này cũng đi xuống do đồng real Brazil suy yếu và tin tức rằng sản lượng đường ở khu vực Trung Nam quan trọng của Brazil mạnh hơn dự kiến trong nửa cuối tháng Năm.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm mạnh vào thứ Sáu, với đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,42 cent, tương đương 2,2%, xuống 18,87 cent/lb;đường trắng giao tháng 8 giảm 14,40 USD, tương đương 2,5% xuống 564,30 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đường cũng giảm.
Lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến cũng là một yếu tố giảm giá đối với hàng hóa, vì khả năng chính sách tiền tệ khắc nghiệt hơn có thể khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro cao.
USDA đã hạ dự báo về tỷ lệ sử dụng - dự trữ đường, một chỉ báo cơ bản về nguồn cung, xuống 7,6% cho niên vụ 2022/23 từ mức 10,1% trong dự báo tháng tháng 5.
Giá cà phê phiên 10/6 giảm do đồng real trượt giá so với USD. Theo đó, arabica giao tháng 9 giảm 6 cent, tương đương 2,6%, ở mức 2,288 USD/lb; robusta giao tháng 9 cũng giảm 13 USD, tương đương 0,6%, ở mức 2.095 USD/tấn.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết người trồng cà phê Brazil đã bán 33% sản lượng của niên vụ 2022/23 cho đến nay, so với 40% vào thời điểm này trong mùa trước và 29% trung bình 5 năm.
USDA cho biết sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến đạt 30,93 triệu bao trong năm 2022/23, giảm so với mức 31,58 triệu bao của niên vụ trước
Giá cao su châu Á giảm trong phiên cuối tuần do Trung Quốc đưa ra những hạn chế mới chống Covid-19 và thị trường chứng khoán Tokyo giảm điểm. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm 1,5% trong phiên này.
Cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 0,9 yên, tương đương 0,3%, xuống 264,0 yên (1,97 USD)/kg; tính chung cả tuần giá tăng 1,6%; cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 90 nhân dân tệ xuống 13.380 nhân dân tệ (2.003,35 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 167,5 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)