Năng lượng: Giá dầu có tuần tăng kỷ lục
Giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng vào thứ Sáu khi đồng USD mạnh lên và các nhà kinh doanh dầu chốt lãi từ đợt tăng mạnh vừa qua. Tính chung cả tuần, giá dầu thô tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tương lai chốt phiên ở mức 79,87 USD/thùng, giảm 1,49 USD, tương đương 1,8%, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,47 USD, hay 1,9%, xuống mức 75,42 USD/thùng.
John Kilduff, đối tác củaAgain Capital, cho biết: “Có vẻ như đây là một hoạt động chốt lời, với một số lo ngại về nhu cầu đang quay trở lại và là trung tâm khi đồng USD hồi phục”.
Chỉ số USD tăng trở lại vào cuối phiên, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất trong 15 tháng khi các nhà đầu tư chốt mua hoặc bán trước cuối tuần. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu dầu mỏ, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cao cấp của U.S. Bank Wealth Management, cho biết trong tuần tới, đà tăng có thể tiếp tục khi lạm phát giảm, kế hoạch bổ sung dự trữ chiến lược của Mỹ, việc cắt giảm và gián đoạn nguồn cung có thể hỗ trợ thị trường.
Ông Haworth cho biết: “Mặc dù dầu có khả năng bị mua quá mức một chút trong thời gian rất gần, chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, song xu hướng chung có vẻ là đang tăng”.
Tính chung cả tuần, giá dầu tăng gần 2% sau khi gián đoạn nguồn cung ở Libya và Nigeria làm gia tăng lo ngại rằng thị trường sẽ thắt chặt trong những tháng tới.
Một số mỏ dầu ở Libya đã bị đóng cửa hôm thứ Năm do cuộc biểu tình của một bộ lạc địa phương chống lại vụ bắt cóc một cựu bộ trưởng. Ở một nơi khác, hãng Shell đã đình chỉ việc vận chuyển dầu thô Forcados của Nigeria do khả năng rò rỉ tại một trung tâm trung chuyển.
John Evans, nhà phân tích của PVM cho biết, sự gián đoạn ở Libya đang tạm dừng ước tính 370.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong khi tổn thất do ngừng hoạt động ở Nigeria được ước tính ở mức 225.000 bpd.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết thêm, xuất khẩu dầu của Nga cũng giảm đáng kể và nếu xu hướng này tiếp tục vào tuần tới có thể sẽ đẩy giá lên cao hơn nữa do xuất khẩu dầu của Nga dự kiến sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Thị trường dầu đã thấy dấu hiệu cho thấy những nỗ lực hỗ trợ giá (tăng giá và cắt giảm thêm sản lượng) của Saudi Arabia đang phát huy tác dụng.
Dầu chua - loại dầu cần có quá trình lọc phức tạp hơn và thường vì chứa một lượng lớn tạp chất lưu huỳnh - thường có giá thấp hơn dầu thô ngọt – loại có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Nhưng giá dầu thô chua tuần này đã tăng trên toàn cầu.
Giá dầu thô Johan Sverdrup có độ chua trung bình của Na Uy cuối tuần trước đã cao hơn giá dầu Brent đến 3,5 USD/thùng, trong khi hồi tháng 12 năm ngoái, giá dầu này vẫn thấp hơn giá dầu Brent hơn 6 USD. Giá dầu thô chua Mars của Mỹ trong tuần trước đã có thời điểm cao hơn dầu thô kỳ hạn Mỹ ở mỏ Cushing 2 USD/thùng, mức chênh cao nhất trong ba năm qua. Giá dầu này cũng đang cao hơn giá dầu WTI, điều rất hiếm khi xảy ra trước đây.
Kim loại quý: Giá vàng có tuần tăng mạnh nhất 3 tháng, các kim loại quý khác cũng tăng
Giá vàng giảm trong phiên thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4, sau khi các dấu hiệu lạm phát của Mỹ chậm lại làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tạm dừng tăng lãi suất sau kỳ họp tháng Bảy.
Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,1% xuống 1.959,27 USD/ounce, nhưng tính chung cả tuần tăng khoảng 1,8%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 vững ở mức 1.964,40 USD.
Giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 24,95 USD/ounce, hướng tới tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng Ba; bạch kim tăng 0,1% lên 974,03 USD và palladium giảm 1,4% xuống 1.277,18 USD, nhưng cả hai đều tăng tuần thứ hai liên tiếp.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures, cho biết: "Với việc lạm phát giảm, dự đoán về các đợt tăng lãi suất tiếp theo đã giảm nhẹ, hỗ trợ vàng trong tuần này. Tuy nhiên, giá hôm nay thấp hơn do lợi suất đang tăng lên".
"Giá sẽ bị giới hạn trong phạm vi hẹp trong thời gian ngắn. Nếu Fed bắt đầu nói rằng chúng ta không cần tăng lãi suất nữa, chúng ta có thể thấy vàng tăng giá hơn nữa."
Peter Fung, người đứng đầu bộ phận giao dịch của Wing Fung Precious Metals cho biết, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Trung Quốc đã được bù đắp bằng hoạt động chốt lời do giá đang tăng.
Kim loại công nghiệp: Giá tăng trong tuần
Giá đồng giảm vào thứ Sáu sau hai ngày tăng mạnh do lo ngại rằng kỳ vọng Mỹ ngừng tăng lãi suất vào lúc này có thể là quá sớm và thiếu các biện pháp kích thích bổ sung ở quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) giảm 0,3% xuống còn 8.672 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất mới trong 3 tuần, là 8.719,50 USD.
Giá đã tăng vọt trong hai phiên trước đó sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ yếu hơn dự kiến vào thứ Tư, khiến thị trường tài chính toàn cầu gia tăng hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm ngừng tăng lãi suất.
Trong các kim loại khác, giá nhôm giảm 0,2% xuống còn 2.273,50 USD/tấn, nhưng tính chung cả tuần tăng 6%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 13 tháng 1. Giá niken tăng 1,7% lên 21.665 USD trong khi thiếc giảm 0,8% xuống 28.590 USD, kẽm giảm 2% xuống 2.429,50 USD và chì giảm 0,1% xuống 2.124,50 USD.
Nitesh Shah, chiến lược gia hàng hóa của WisdomTree cho biết: "Sự phục hồi mà chúng ta có được nhờ vào các dữ liệu CPI có thể hơi sớm. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một chuỗi các dữ liệu CPI yếu đi trước khi chứng kiến một động thái quyết định của Fed".
Các nhà đầu tư đã trông đợi vào các biện pháp kích thích mới ở Trung Quốc sau dữ liệu mờ nhạt về sản xuất của các nhà máy và nhu cầu yếu đang gây áp lực lên thị trường.
“Có rất nhiều kỳ vọng xung quanh việc Trung Quốc tung ra một số biện pháp kích thích có ý nghĩa hơn vào một thời điểm nào đó, nhưng thị trường càng chờ đợi lâu thì khả năng Trung Quốc không thực hiện được càng cao,” Shah nói thêm.
Đồng USD dao động ở mức thấp nhất trong 15 tháng sau khi lao dốc mạnh trong phiên trước đó, do thị trường đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất do lạm phát giảm bớt.
Giá quặng sắt châu Á tăng trong phiên cuối tuần, kéo dài mức tăng sang phiên thứ tư liên tiếp, được củng cố bởi hy vọng gia tăng về các biện pháp kích thích ở Trung Quốc sau số liệu xuất khẩu yếu cũng như lượng hàng tồn kho ở cả nhà máy và cảng đều giảm.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên – hợp đồng được giao dịch nhiều nhất - kết thúc phiên ở mức tăng 2,54% lên 849 nhân dân tệ (119,02 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 17 tháng 3. Quặng sắt kỳ hạn tháng 8 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 3,58% lên 113,85 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 4.
Giá thép chuẩn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải nhìn chung tăng do chi phí nguyên liệu thô cao hơn, mặc dù khả năng tăng giá bị hạn chế do nhu cầu chậm chạp.
Thép cây tăng 1,59%, thép cuộn cán nóng tăng 1,39%, dây thép cuộn tăng 0,75% và thép không gỉ tăng 0,03%.
 Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng vừa qua đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây 3 năm.
Nông sản: Giá biến động
Nhìn chung, giá các mặt hàng nông sản được hỗ trợ vào thứ Sáu bởi sự yếu kém gần đây của đồng USD - giảm trong tuần khi Cục Dự trữ Liên bang gần kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát giảm nhẹ. Hoạt động mua giá hời vào cuối tuần cũng được kỳ vọng đối với lúa mì kỳ hạn, sau khi hợp đồng lúa mì vụ đông đỏ mềm hoạt động mạnh nhất chạm mức thấp nhất trong một tháng vào thứ Năm.
Cụ thể, giá lúa mì Mỹ tăng vào thứ Sáu do tình trạng hạn hán ở Canada và vùng đồng bằng phía Bắc nước Mỹ tiếp tục gây áp lực lên thị trường, cũng như sự không chắc chắn về tương lai của thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc thời chiến của Ukraine - sẽ hết hạn vào thứ Hai.
Giá ngô tăng theo lúa mì do lo ngại về năng suất và giao dịch kỹ thuật. Đậu tương vụ cũ giảm và đậu tương vụ mới tăng, khi các nhà đầu tư tiếp tục nghi ngờ về dự báo sản lượng tăng
Trong báo cáo mới đây nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Trên Sàn Thương mại Chicago, giá lúa mì đã chốt ngày ở mức tăng 21-3/4 US cent lên 6,61-1/2 USD/bushel, đậu tương tăng 1 cent lên 13,70-3/4 USD/bushel, và ngô tăng 13-1/4 cent lên 5,13-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô tăng vào thứ Sáu, được thúc đẩy bởi nguồn cung khan hiếm và lo ngại về thời tiết.
Đường thô giao tháng 10 tăng 0,31 cent, tương đương 1,3%, ở mức 24,32 cent/lb, tính chung cả tuần tăng khoảng 3,4%. Đường trắng kỳ hạn tháng 8, hết hạn vào thứ Sáu, tăng 7,10 USD, tương đương 1,0%, lên 700,70 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn còn lo ngại rằng hiện tượng thời tiết El Nino có thể hạn chế sản xuất ở Ấn Độ và Thái Lan.
Giá cà phê arabica tháng 9 tăng 3,2 cent, tương đương 2,0%, lên 1,608 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 15 USD, tương đương 0,6%, lên 2.540 USD/tấn.
Trên thị trường châu Á, giá cà phê nội địa của Việt Nam hôm thứ Năm không thay đổi nhiều so với một tuần trước, theo xu hướng toàn cầu, trong khi giá tại Indonesia tăng do dự trữ cạn kiệt vào cuối vụ thu hoạch.
Các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta loại 2 ở mức cộng từ 170 USD đến 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 của sàn London.
Trong khi đó, cà phê robusta Sumatra của Indonesia được chào giá cao hơn 550 USD so với hợp đồng tháng 9 của sàn London, tăng từ 400 USD lên 500 USD vào tuần trước, do nguồn cung khan hiếm.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng nhẹ vào thứ Sáu nhưng tính chung cả tuần giảm do nhu cầu mờ nhạt từ Trung Quốc và đồng yên mạnh.
Hợp đồng cao su giao tháng 12 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,2 yên, tương đương 0,1%, lên 205,2 yên (1,49 USD)/kg, nhưng giảm 0,4% trong tuần. Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 70 CNY lên 12.480 CNY (1.749,52 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 131,3 US cent/kg, tăng 0,1%.
"Nhu cầu tổng thể trong ngắn hạn vẫn còn ảm đạm. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất nhà máy và việc đóng cửa do giá thấp dưới giá thành cũng đã lấy đi khá nhiều nguồn cung ra khỏi thị trường", Farah Miller, Giám đốc điều hành của Helixtap Technologies, một công ty cung cấp dữ liệu độc lập, cho biết.
Một số nhà máy ở Indonesia, với công suất ước tính 237.000 tấn, có thể đã ngừng sản xuất, Helixtap cho biết trong một báo cáo phát hành đầu tuần này. Sự gián đoạn chiếm khoảng 8,6% sản lượng cao su tự nhiên hàng năm của Indonesia vào năm 2022.
Xuất khẩu của Trung Quốc tháng trước giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm, do nền kinh tế toàn cầu suy yếu gây áp lực ngày càng lớn lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc về các biện pháp kích thích mới.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá 7/7

Giá 14/7

14/7 so với 13/7

14/7 so với 13/7 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

73,86

75,42

-1,47

-1,91%

Dầu Brent

USD/thùng

78,47

79,87

-1,49

-1,83%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

70.000,00

70.380,00

0,00

0,00%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,58

2,54

-0,01

-0,24%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

258,93

264,37

-3,49

-1,30%

Dầu đốt

US cent/gallon

255,91

259,79

-1,25

-0,48%

Dầu khí

USD/tấn

744,00

756,00

-0,25

-0,03%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.000,00

78.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.932,50

1.964,40

+0,60

+0,03%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.789,00

8.723,00

+41,00

+0,47%

Bạc New York

USD/ounce

23,29

25,19

+0,25

+0,98%

Bạc TOCOM

JPY/g

107,50

110,40

+1,00

+0,91%

Bạch kim

USD/ounce

913,87

976,25

-0,81

-0,08%

Palađi

USD/ounce

1.250,11

1.277,84

-18,02

-1,39%

Đồng New York

US cent/lb

378,20

393,30

-0,70

-0,18%

Đồng LME

USD/tấn

8.370,50

8.673,50

-20,50

-0,24%

Nhôm LME

USD/tấn

2.145,50

2.276,50

-1,50

-0,07%

Kẽm LME

USD/tấn

2.362,00

2.439,00

-40,00

-1,61%

Thiếc LME

USD/tấn

28.342,00

28.543,00

-266,00

-0,92%

Ngô

US cent/bushel

494,50

513,75

+13,25

+2,65%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

649,50

661,50

+21,75

+3,40%

Lúa mạch

US cent/bushel

432,75

419,25

-2,00

-0,47%

Gạo thô

USD/cwt

15,00

15,49

+0,24

+1,57%

Đậu tương

US cent/bushel

1.317,75

1.370,75

+1,00

+0,07%

Khô đậu tương

USD/tấn

386,30

401,00

+1,10

+0,28%

Dầu đậu tương

US cent/lb

58,33

60,76

-0,51

-0,83%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

758,70

820,80

+6,40

+0,79%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.310,00

3.352,00

+85,00

+2,60%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

160,90

160,80

+3,20

+2,03%

Đường thô

US cent/lb

23,53

24,32

+0,31

+1,29%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

271,40

272,50

+1,25

+0,46%

Bông

US cent/lb

81,17

81,22

-0,46

-0,56%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

--

--

--

--

Cao su TOCOM

JPY/kg

130,50

130,90

+0,40

+0,31%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

2,16

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)