Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ do OPEC + đang thảo luận về việc tăng dần sản lượng dầu từ tháng 8, dù chưa có quyết định về khối lượng chính xác.
Kết thúc phiên, dầu Brent biển Bắc giảm 9 US cent xuống 74,81 USD/thùng sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất trong phiên là 75,3 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2019.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 60 US cent (0,8%) xuống 73,06 USD/thùng.
OPEC+ đang đưa 2,1 triệu thùng dầu trở lại thị trường mỗi ngày từ tháng Năm đến tháng 7/2021, đây là một phần trong kế hoạch rút dần thỏa thuận cắt giảm sản lượng của năm ngoái do đại dịch COVID-19 đã tác động đến sự phục hồi nhu cầu.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 1/7 tới. Giá hai loại dầu chủ chốt trên đã tăng trong bốn tuần qua nhờ tiến triển chương trình tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới và dự báo hoạt động đi lại trong mùa Hè tăng lên.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar hôm 22/6, BofA Global Research đã nâng dự báo giá dầu Brent trong năm 2021 và 2022, nói rằng nguồn cung dầu thắt chặt hơn và nhu cầu phục hồi có thể đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng vào năm 2022. Mặc dù giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng, song tình trạng giá cả biến động cũng gia tăng do quá chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo và đầu tư sụt giảm.
Khảo sát của Reuters ngày 21/6 cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ dự kiến giảm trong tuần thứ năm liên tiếp trong tuần trước, còn dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều tăng.
Than đá tại Trung Quốc nằm trong số ít những mặt hàng tăng giá trong phiên vừa qua do lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát thương mại và giám sát an toàn khai thác sẽ khiến thị trường than trở nên khan hiếm.
Kết thúc phiên, giá than luyện cốc tại Đại Liên tăng 0,4% lên 1.969 nhân dân tệ/tấn; than cốc cũng tăng 0,4% lên 2.682 nhân dân tệ/tấn.
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã cho ngừng toàn bộ hoạt động khai thác than từ ngày 15/6-5/7 sau khi vụ nổ đường ống dẫn khí ngày 13/6 tại đây đã khiến 25 người thiệt mạng.
Giới chức Trung Quốc đã đóng cửa nhiều mỏ than đá hơn trước những lo ngại ngày càng gia tăng về các vụ tai nạn trong quá trình khai thác, giữa lúc giá loại nhiên liệu này, vốn đang chiếm một nửa nguồn cung năng lượng của Trung Quốc, đang tiếp tục tăng lên.
 Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.777,91 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,3% xuống 1.777,4 USD/ounce.
Ông Powell đã điều trần trước Hạ viện Mỹ vào chiều 22/6 về phản ứng của Fed trước các ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế Mỹ. Chủ tịch Fed nói rằng nền kinh tế đang cải thiện, những vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro từ đại dịch.
Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục gần 0%, trong khi dự kiến lãi suất sẽ được nâng lên vào cuối năm 2023. Lạm phát của Mỹ được dự báo ở mức trung bình là 3,4% vào cuối năm nay, tăng 1 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng Ba.
Trong khi đó, theo kết quả cuộc thăm dò Harvard CAPS/Harris mới được công bố ngày 22/6, phần lớn người Mỹ lo ngại về lạm phát và không tin tưởng vào khả năng của chính phủ trong việc xử lý vấn đề này. Cuộc thăm dò trên cho thấy, 85% số người được hỏi nói rằng "ít nhất" có phần nào lo ngại về tình trạng lạm phát, bao gồm 45% nói rằng họ “rất lo ngại”. Những lo lắng gia tăng xuất hiện sau tin tức rằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,6% trong tháng trước khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Còn theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại OANDA, các hoạt động giao dịch trên thị trường vàng đang diễn ra cầm chừng vì không có sự rõ ràng về triển vọng lạm phát trong khi lãi suất có khả năng giảm.
Về những kim loại quý khác, giá palladium giảm 1,1% xuống 2.558,12 USD, bạch kim tăng 2,2% lên 1.076,75 USD. Trong khi bạc giảm 0,5% xuống 25,8 USD/ounce.
Citi Research nhận định giá palladium sẽ phục hồi lên 3.000 USD khi cán cân thị trường thắt chặt trong ba tháng tới.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng hồi phục trở lại từ mức thấp nhất trong vòng 10 tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư cũng chờ đợi xem ông Powell có đưa ra manh mối nào thêm về tốc độ thắt chặt tiền tệ của Mỹ hay không. Tuần trước, việc Fed phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất sớm đã khiến những tài sản rủi ro cao, bao gồm cổ phiếu và kim loại, giảm.
Kết thúc phiên 22/6, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1% lên 9.275,5 USD/tấn. Giá đồng đã từng đạt kỷ lục cao 10.747,50 USD/tấn hồi tháng 5, nhưng tuần trước giảm 8,6% xuống chỉ 9.011 USD/tấn.
Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến giá đang điều chỉnh. Xu hướng tăng có được khi mức giá hỗ trợ kỹ thuật ở khoảng 7.800 USD/tấn”, và "các nguyên tắc cơ bản cơ bản vẫn cho thấy giá sẽ tăng thêm nữa".
Các kim loại cơ bản khác kết thúc phiên này cũng đồng loạt tăng lên. Theo đó, giá nhôm tăng 0,9% lên 2.424,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,8% lên 2,859,50 USD, nickel tăng 1,7% lên 17,745 USD, chì tăng 0,7% lên 2,172 USD và thiếc tăng 0,8% lên 30.330 USD/tấn.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 2 liên tiếp, làm giảm mức tăng giá từ đầu năm đến nay còn 31%, từ mức hơn 50% trước đó, do Bắc Kinh có kế hoạch tăng cường kiểm tra thị trường hàng hóa để ngăn ngừa hoạt động đầu cơ tích trữ.
Phiên 22/6, có thời điểm giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên giảm 5,2% xuống 1.110 CNY (171,75 USD)/tấn, là mức thấp nhất trong vòng hai tuần. Kết thúc phiên, hợp đồng này hồi phục nhẹ, nhưng vẫn giảm 2,7% so với đóng cửa phiên trước, chốt ở mức 1.139 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tại cảng biển trung Quốc phiên liền trước (21/6) cũng giảm 7 USD xuống 210,5 USD/tấn.
Giá các sản phẩm thép trong phiên này đồng loạt giả. Theo đó, thép cây kỳ hạn tháng 10 giảm 2,1% xuống 4.885 nhân dân tệ/tấn, là mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 27/5; thép cuộn cán nóng giảm 2,4% xuống 5.153 nhân dân tệ/tấn; riêng thép không gỉ giao tháng 7 tăng 2,1% lên 16.435 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ qua giảm do dự báo khu vực Trung Tây nước Mỹ sắp có mưa.
Cụ thể, ngô vụ mới – kỳ hạn tháng 12 (sẽ được thu hoạch vào mùa Thu) giá giảm mạnh nhất, với mức giảm 18 US cent (3,2%) xuống 5,39 USD/bushel. Hầu hết các hợp đồng ngô kỳ hạn khác cũng giảm, riêng kỳ hạn tháng 7 ăng ½ US cent lên 6,59-3/4 USD do nguồn cung hiện tại vẫn thắt chặt. Đậu tương kỳ hạn tháng 11 cũng giảm giảm 17 US cent xuống 13,02-1/4 USD/bushel.
Dự báo sắp có một cơn bão, sẽ mang mưa đến cho những vùng đất trồng trọt ở vùng Trung Tây nước Mỹ đã bị khô hạn từ khá lâu.
Đối với lúa mì, lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 9 trong phiên vừa qua tăng 15-1/4 cent lên 7,82-3/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 8/6; trái lại, lúa mì đỏ mềm vụ Đông kỳ hạn tháng 9 giảm 10 US cent xuống 6,55 USD/bushel, sau khi trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/6.
Giá đường thô giảm về mức thấp nhất 2 tháng do các quỹ thu hẹp vị thế mua đối với các hợp đồng kỳ hạn xa. Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,35%, tương đương 2,1%, xuống 16,43 cent/lb. Phiên liền trước, hợp đồng này đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng, là 16,19 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 cũng giảm 7 USD (1,6%) xuống 418,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 kết thúc phiên giảm 1,95%, tương đương 1,3%, xuống 1,521 USD/lb, không xa mức thấp nhất 1 tháng là 1,4905 USD chạm tới trong phiên liền trước, thứ Hai ngày 21/6; robusta kỳ hạn tháng 9 phiên này cũng giảm 20 USD, tương đương 1,2%, xuống 1.597 USD/tấn.
Triển vọng vụ mùa cà phê của Brazil năm tới dự báo sẽ được cải thiện sau khi đã có mưa trong thời gian gần đây.
Giá cao su tại Osaka và Thượng Hải đều giảm trong phiên vừa qua. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 11 trên sàn Osaka giảm 0,7 yên, tương đương 0,3%, xuống 231,7 yên/kg; cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải cũng giảm 0,6% xuống 12.670 nhân dân tệ/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 23/6/2021
gia hang hoa the gioi ngay 22/6

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg