Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do đồng USD tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách giảm chi phí năng lượng trước sự leo thang của lạm phát.
Kết thúc phiên 10/11, giá dầu Brent kỳ hạn tương lai giảm 2,14 USD, tương đương 2,5%, xuống 82,64 USD/thùng, lùi xa khỏi mức cao 85,50 USD ở phiên liền trước; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng giảm 2,81 USD, tương đương 3,3%, xuống 81,34 USD, sau khi có thời điểm đạt mức cao 84,97 USD/thùng - không xa mấy so với mức cao nhất trong 7 năm đã đạt được trong vài tuần qua.
Phiên này, giá dầu đã tăng vào đầu phiên, nhưng quay đầu giảm mạnh vào cuối phiên khi các nhà giao dịch bán tháo các tài sản rủi ro hơn, bao gồm hàng hóa và cổ phiếu do dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ thực hiện các giải pháp để kiềm chế giá tăng.
Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Mỹ công bố hôm thứ Tư (10/11) cho thấy giá tại Mỹ tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, là tốc độ nhanh nhất trong ba thập kỷ và có thể thúc đẩy cả Nhà Trắng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động để ngăn chặn vấn đề này. Điều này đã khiến đồng USD, thường diễn biến ngược chiều với giá dầu, tăng lên.
Tổng thống Biden cho biết đã yêu cầu Hội đồng kinh tế quốc gia tìm phương án để giảm chi phí năng lượng và Ủy ban giao dịch liên bang hạn chế hành vi thao túng thị trường trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 1 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn dự đoán tăng 2,1 triệu thùng.
Nhiều nhà giao dịch dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới, nhưng cũng lưu ý rằng sự khởi sắc hiện tại có thể thúc đẩy sản lượng dầu đá phiến, từ đó lấn át tác động từ nhu cầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng mạnh do tỷ lệ lạm phát của Mỹ tăng cao. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.843,31 USD/ounce, trước đó, trong cùng phiên, có lúc giá vọt lêm mức cao nhất kể từ ngày 15 tháng 6, là 1.868,20 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 kết thúc phiên cũng tăng hơn 1% lên 1.848,3 USD. Đây là phiên giá tăng thứ 5 liên tiếp.
Cùng chung xu hướng với vàng, giá bạc giao ngay kết thúc phiên cũng tăng 1,3% lên 24,59 USD, bạch kim tăng 0,7% lên 1,066,05 USD và palladium tăng 0,4% ở mức 2.028,44 USD.
Giá tiêu dùng ở Mỹ tháng 10 đã tăng rất nhanh khi người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho xăng và thực phẩm. Theo đó, CPI của Mỹ tháng 10 tăng 0,9% so với tháng 9 và 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10. Trước đó, các nhà phân tích dự báo chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10.
David Meger, giám đốc kinh doanh kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: “Một lần nữa chúng ta nhận thông tin về dữ liệu lạm phát nóng”. "Vàng là hàng rào chống lại lạm phát, chúng tôi tin rằng lạm phát – một môi trường tích cực cơ bản - sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vàng trong những tuần và tháng tới."
Giá vàng tăng cũng có một nguyên nhân nữa, đó là lợi suất trái phiếu kho bạc thực tế của Mỹ giảm và chứng khoán Phố Wall lao dốc vì tâm lý lo sợ của nhà đầu tư rằng có thể mất mát lớn khi nắm giữ các tài sản rủi ro ở thời điểm lạm phát cao.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết việc giá vàng vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng là 1.835 USD/ounce là rất quan trọng và việc giá đóng cửa trên mốc 1.851 USD có thể kích thích đà tăng lên tới 1.900 USD. Bà nói: "Vàng có một nền tảng vững chắc để xây dựng đà tăng giá do nhu cầu mạnh mẽ theo mùa từ Ấn Độ".
Sự phục hồi của giá vàng và các kim loại quý khác có vẻ như đã lấn át sức mạnh của đồng đô la Mỹ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch vừa qua (USD tăng mạnh trong phiên vừa qua. Khi USD mạnh thường làm giảm nhu cầu vàng từ những người nắm giữ tiền tệ khác, nhưng trong phiên này cả USD và vàng đều tăng).
Chuyên gia David Meger cho biết: “Môi trường này là một con dao hai lưỡi (đối với vàng) vì khi dữ liệu lạm phát tiếp tục công bố nóng hơn dự kiến, mối quan tâm sẽ là liệu Cục Dự trữ Liên bang có giảm thanh khoản nhanh hơn dự đoán hay không”.
Một số nhà phân tích đang kỳ vọng giá vàng sẽ hồi phục trở lại mức 1.900 USD/ounce trong thời gian tới, bởi vàng có vẻ đang bắt đầu một đợt tăng giá mới khi áp lực lạm phát gia tăng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm trong phiên vừa qua do các dữ liệu cho thấy lạm phát cao ở Trung Quốc và Mỹ làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại và ngân hàng trung ương sẽ sớm thắt chặt tiền tệ.
Kết thúc phiên này, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 9.539 USD/tấn. Mặc dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá đồng đã tăng 23%, sau khi tăng 26% vào năm 2020. Tuy nhiên, giá đồng đã mất đà tăng kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 10.747,50 USD vào tháng Năm.
Dữ liệu cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng 13,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 10,7% ghi nhận trong tháng 9. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu công bố PPI vào giữa thập niên 1990; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 10 cũng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp đôi mức tăng của tháng trước và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2020.
Những yếu tố đó làm tăng khả năng Mỹ sẽ sớm nâng lãi suất và giảm cơ hội Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế.
Nhà phân tích Naeem Aslam thuộc Ava Trade cho biết: “Chỉ số đồng đô la tăng khi các nhà giao dịch tin rằng Fed đang tăng lãi suất chậm chạp và họ cần phải làm gì đó để kiểm soát tốc độ lạm phát”. Đồng đô la tăng làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền của Mỹ đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc, sử dụng nhiều kim loại, đang chìm trong khủng hoảng nợ, với nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group phải đối mặt với thời hạn hoàn trả trái phiếu vào thứ Tư (10/11).
Lượng đồng lưu kho của Sàn London hiện tăng lên 46.150 tấn, nhưng giá đồng kỳ hạn giao ngay vẫn đắt hơn kỳ hạn giao sau 3 tháng, cho thấy nguồn cung hiện tại vẫn đang bị thắt chặt.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá nhôm phiên này tăng 1% lên 2,582,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,2% lên 3.289,50 USD, nickel tăng 1,8% lên 19,745 USD, chì tăng 0,2% lên 2,345 USD, nhưng thiếc giảm 0,7% xuống 37,150 USD.
Giá sắt thép giảm do triển vọng nhu cầu của Trung Quốc ảm đạm. Trong đó, giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 năm do lo ngại nhu cầu tiếp tục yếu đi sau khi Trung Quốc tăng cường hạn chế sản xuất thép và cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản ở nước này ngày càng trầm trọng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên vừa qua giảm 4,6% xuống 536,50 CNY (83,85 USD)/tấn, trước đó, trong cùng phiên có lúc giá chạm mức 518,50 CNY, thấp nhất kể từ ngày 9/11/2020.
Trên Sàn giao dịch Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 giảm 4% xuống 87,20 USD/tấn vào cuối phiên, sau khi có thời điểm giảm tới 6,9%. Giá thép cũng tiếp tục giảm trong phiên này. Trên sàn Thượng Hải, thép thanh vằn giảm 1,2%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,7%, riêng thép không gỉ tăng 0,6%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng trong phiên vừa qua, với lúa mì đỏ cứng vụ đông tăng lên mức cao nhất trong vòng 7-1/2 năm do lo ngại về khả năng nguồn cung toàn cầu sẽ bị thắt chặt trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Kết thúc phiên, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago tăng 24-1/2 cent lên 8,03 USD/tấn, lúa mì đỏ cứng vụ đông kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 24 US cent lên 8,17-1/2 USD, có thời điểm đạt 8,19-1/2 USD, mức cao nhất đối với hợp đồng giao sau một tháng kể từ ngày 13 tháng 5 năm 2014.
Giá ngô phiên này cũng tăng, với hợp đồng giao dịch nhiều nhất tăng 2,6%, là mức tăng hàng ngày lớn nhất trong vòng 4 tháng. Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 phiên này tăng 4-3/4 cent lên 12,16-3/4 USD/tấn. Giá đậu tương kỳ hạn tăng ngày thứ hai liên tiếp sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ cắt giảm dự đoán về triển vọng sản lượng đậu tương của nước này, với giá ngô giao tháng 12 tăng 13-1/2 cent lên 5,69-1/4 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 1,1% xuống 19,60 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 1% xuống 507,20 USD/tấn; giá đường trắng phiên này giảm 1% xuống 507,20 USD/tấn.
Các nhà máy ở Trung Nam Brazil đã sản xuất 858.000 tấn đường trong nửa cuối tháng 10, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khối lượng vẫn cao hơn thị trường mong đợi.
Một cuộc khảo sát của hãng cung cấp thông tin tài chính S&P Global Platts cho biết các nhà phân tích đang kỳ vọng sản lượng đường của Brazil đạt 711.200 tấn.
Giá robusta kỳ hạn tháng 1 giảm giảm 11 USD xuống 2.215 USD/tấn, đảo chiều sau tăng 2,8% ở phiên liền trước; cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 phiên này cũng giảm 1,95% xuống 2,0670 USD/lb, sau khi tăng 3,1% ở phiên liền trước.
Xuất khẩu cà phê của nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới - Việt Nam - trong tháng 10 giảm 1,1% so với tháng 9, đưa xuất khẩu trong 10 tháng giảm 4,2% so với cùng kỳ.
Ngân hàng Rabobank của Hà Lan dự báo xuất khẩu cà phê của Brazil - nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, dự báo sẽ đạt 63,5 triệu (1 bao = 60 kg) trong năm 2022, nhiều hơn 12% so với năm 2021, nhưng kém xa so với sản lượng kỷ lục 72 triệu bao của năm 2020.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua do doanh số bán ô tô ở Trung Quốc – nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới – yếu làm dấy lên lo ngại nhu cầu cao su sẽ chậm lại, trong khi đồng yên ổn định so với đô la Mỹ thúc đẩy nhà đầu tư bán cao su ra.
Kết thúc phiên 10/11, cao su kỳ hạn tháng 4 trên sàn Osaka giảm 1,3 yên, tương đương 0,6%, xuống 220,2 yên (2,0 USD)/kg. Doanh số bán xe sụt giảm ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước này đang chậm lại. Theo đó, doanh số bán xe ô tô ở Trung Quốc tháng 10 giảm tháng thứ 6 liên tiếp, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước do tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Tuy nhiên, giá cao su trên cả hai sàn Thượng Hải và Singapore phiên này đều tăng, với giá ở Thượng Hải tăng 110 CNY lên 14.080 CNY (2.203 USD)/tấn, ở Singapore tăng 0,2% lên 169,4 US cent/kg.