Trên thị trường năng lượng, giá dầu Giá dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng bởi lo ngại diễn biến của dịch COVID-19 tại Trung Quốc làm giảm nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh các nước thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có kế hoạch giải phóng một khối lượng dầu kỷ lục từ kho dự trữ chiến lược.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent giảm 4,3 USD, tương đương 4,2%, xuống 98,48 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,97 USD tương đương 4% xuống 94,29 USD/thùng – thấp nhất kể từ ngày 25/2/2022.
Các nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Eurasia Group, có trụ sở tại Mỹ, nhận định hoạt động tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã đình trệ trước sự bùng phát các ca mắc COVID-19 tại Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Theo công ty này, chính sách phong tỏa tại Thượng Hải có thể làm giảm mức tiêu thụ dầu tổng thể của Trung Quốc lên tới 1,3 triệu thùng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu sức ép trước kế hoạch mở kho dầu dự trữ chiến lược của các nước. Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất kho dự trữ 60 triệu thùng dầu trong vòng sáu tháng tới. Mỹ cũng có kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được công bố trong tháng Ba.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan (Mỹ), việc giải phóng lượng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong sáu tháng tới sẽ đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt 1 triệu thùng/ngày từ Nga.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm do đồng USD tăng phiên thứ 8 liên tiếp so với giỏ các đồng tiền đối tác chủ chốt - khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Trước tình hình trên, Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sỹ) đã hạ dự báo giá dầu Brent trong tháng Sáu xuống 115 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.947,8 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/3/2022 (1.968,91 USD/ounce); vàng kỳ hạn giao sau tăng 0,1% lên 1.948,2 USD/ounce.
Giá palladium vững ở mức cao sau khi tăng mạnh 5%, do lo ngại về nguồn cung sau khi Sàn London tạm ngừng giao dịch kim loại có nguồn cung từ Nga. Theo đó, giá palladium vững ở 2.425,04 USD/ounce, sau khi đạt mức cao đỉnh điểm (2.550,58 USD/ounce) kể từ ngày 24/3/2022 trong đầu phiên giao dịch.
Giới đầu tư tiếp tục điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư của họ trước khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba trong ngày 12/4 và tiếp đó là chỉ số giá sản xuất tháng Ba vào ngày 13/4.
Trong cuộc khảo sát người tiêu dùng tháng Ba về kỳ vọng của người tiêu dùng do chi nhánh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York công bố ngày 11/4, dự báo lạm phát trung bình một năm sẽ tăng từ mức 6% của tháng trước đó lên 6,6%.
Phát biểu với Câu lạc bộ Kinh tế Detroit ngày 11/4, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Chicago, ông Charles Evans cho hay việc lãi suất tăng 50 điểm cơ bản là “rất có thể xảy ra” tại cuộc họp sắp tới của Fed. Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng Fed không nên tăng lãi suất quá nhanh đến mức không có đủ thời gian để đánh giá áp lực lạm phát và điều chỉnh chính sách.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần, do đóng cửa Covid-19 tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu kim loại công nghiệp giảm.
Giá nhôm trên sàn London giảm 4,1% xuống 3.235 USD/tấn, trước đó trong phiên chạm 3.221 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 17/3/2022. Trung Quốc – nước sản xuất nhôm lớn nhất thế giới – chiếm gần 58% nguồn cung toàn cầu, tương đương gần 68 triệu tấn trong năm 2021.
Giá kẽm phiên này tăng 0,6% lên 4.282 USD/tấn, đồng giảm 1,4% xuống 10.177 USD/tấn, chì giảm 0,6% xuống 2.381 USD/tấn và thiếc giảm 0,6% xuống 43.435 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên giảm 4,6% xuống 869 CNY/tấn, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/3/2022; quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 1,5 USD xuống 155,5 USD/tấn.
Giá thép tại Trung Quốc giảm do các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và gia tăng mối lo ngại về sự phục hồi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 giảm 3,1% xuống 4.867 CNY (763,76 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm phiên thứ 4 liên tiếp, giảm 3,1% xuống 5.038 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 4,3% xuống 19.330 CNY/tấn, sau khi giảm mạnh 5,3% trong đầu phiên giao dịch.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ đạt mức cao nhất 2 tuần, do lo ngại xung đột tại Ukraine sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của khu vực Biển Đen.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì lúc đóng cửa tăng 1,6% lên 10,76 USD/bushel, trước đó trong phiên có lúc gí đạt 10,86 - 1/4 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 28/3/2022. Giá đậu tương giảm 0,3% xuống 16,83 USD/bushel, trong khi giá ngô tăng 0,4% lên 7,72-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,6% xuống 20,28 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 20,45 US cent/lb – cao nhất 4,5 tháng; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 0,5% xuống 557,4 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 1,5% lên 2,35 USD/lb, sau khi tăng lên mức cao nhất 1 tháng (2,357 USD/lb); cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London tăng 0,4% lên 2.105 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do đồng yen suy yếu và nguồn cung thắt chặt, làm lu mờ lo ngại về nền kinh tế Nhật Bản.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Osaka tăng 0,2 JPY tương đương 0,1% lên 263,2 JPY (2,1 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 13.540 CNY (2.126,69 USD)/tấn.