Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau thông tin EU có thể sẽ cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Kết thúc phiên này, giấ dầu Brent tăng 2,92 USD, tương đương 2,68%, lên 111,7 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,7 USD tương đương 2,59% lên 106,95 USD/thùng.
Tính chung trong tuần, cả 2 loại dầu đều tăng, là tuần tăng đầu tiên trong tháng 4/2022. Trong vài tuần qua, giá dầu biến động mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Thời báo New York đưa tin Liên minh Châu Âu EU đang xem xét việc áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga theo từng giao đoạn để Đức và các quốc gia khác có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/4 cảnh báo rằng từ tháng 5 trở đi, mỗi ngày có khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga có thể không tiếp cận được thị trường do các lệnh trừng phạt hoặc các khách hàng tự nguyện tránh mua hàng hóa của Nga.
Đồng thời, các nhà giao dịch lớn trên toàn cầu cũng đang có kế hoạch cắt giảm việc mua dầu thô và nhiên liệu từ các công ty dầu mỏ thuộc sở hữu của nhà Nga vào tháng 5/2022.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 13/4 cho biết, bất chấp những tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tiếp tục bị gián đoạn, các kho dự trữ dầu ở Mỹ đã tăng hơn 9 triệu thùng vào tuần trước, một phần là do việc nước này giải phóng kho dự trữ chiến lược của quốc gia. Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức dự đoán, và tồn kho các sản phẩm dầu chưng cất cũng giảm.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, song vàng vẫn hấp dẫn với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và lạm phát cao.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.971,04 USD/ounce, vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,5% xuống 1.974,9 USD/ounce. Mặc dù giảm trong phiên này, song tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,3%, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát tăng. Ngân hàng trung ương Canada đã tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm lên 1% vào ngày 13/4. gân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/4 cho biết ECB dự kiến sẽ kết thúc mua tài sản ròng theo chương trình mua tài sản trong quý tới.
Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua (tính đến ngày 9/4) tăng 18.000 người (hoặc 10,8%) lên 185.000 người. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Ba tăng 0,5% sau khi điều chỉnh mức tăng 0,8% trong tháng trước đó. Chủ tịch Fed chi nhánh New York, John Williams, hôm 14/4 cho hay việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản là một "lựa chọn rất hợp lý" cho tháng Năm. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng Năm.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 33 US cent (1,27%) xuống 25,7 USD/ounce; bạch kim giao tháng 7 tăng 4,6 USD (0,46%), đóng cửa ở mức 994,2 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do kỳ vọng nhu cầu tăng sau Trung Quốc - khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế. Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 10.318 USD/tấn.
Trung Quốc chiếm gần 1/2 lượng đồng tiêu thụ toàn cầu, ước đạt 24 triệu tấn, đang nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát, đe dọa tăng trưởng kinh tế và làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nước này.
Giá kẽm phiên này giảm 0,7% xuống 4.430 USD/tấn do hoạt động bán chốt lời sau khi lo ngại về nguồn cung và tồn kho thấp đã đẩy giá lên mức cao nhất trong hơn một tháng. Giá nhôm phiên này tăng 1,6% lên 3.288 USD/tấn, kẽm giảm 1,1% xuống 4.411 USD, chì tăng 0,1% lên 2.436 USD, thiếc giảm 0,5% ở 43.105 USD và nickel tăng 0,4% lên 33.110 USD.
Giá sắt thép tại Trung Quốc tăng khi các nhà đầu tư chờ đợi các biện pháp kích thích của chính phủ để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên phiên này tăng 0,1% lên 902 CNY/tấn; quặng sắt hàm lượng 62% sắt nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 2 USD xuống 152 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 0,6% lên 5.004 CNY (786 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên 5.160 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 0,8% lên 19.830 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng do nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị thắt chặt và sự không chắc chắn về triển vọng sản lượng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 kết thúc phiên tăng 6-3/4 US cent lên 7,9-1/4 USD/bushel, sau khi có lúc đạt mức cao 7,93 USD/bushel; ậu tương kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 6-1/4 US cent lên 16,82-1/4 USD/bushel; trong khi giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2022 giảm 17 US cent xuống 10,96-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô giảm khỏi mức cao nhất 5 tháng trong phiên trước đó, với hợp đồng hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE kết thúc phiên giảm 0,04 US cent tương đương 0,2% xuống 20,06 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất 5 tháng (20,51 US cent/lb) trong phiên trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London giảm 7,4 USD tương đương 1,3% xuống 568,8 USD/tấn.
Giá cà phê phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn New York phiên này giảm 1,4 US cent tương đương 0,6% xuống 2,2375 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London giảm 6 USD, tương đương 0,3%, xuống 2.099 USD/tấn.
Tại Châu Á, giao dịch cà phê ở Việt Nam trầm lắng trong bối cảnh lượng tồn trữ không còn nhiều. Theo đó, robusta loại 2 xuất khẩu chào giá trừ lùi 250-260 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London, so với mức trừ lùi 240-250 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 chào bán ở mức trừ lùi 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 và không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng một phần nhờ thị trường chứng khoán tăng mạnh và nguồn cung cao su nguyên liệu khan hiếm. Cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Osaka tăng 4,3 JPY tương đương 1,7% lên 264,0 JPY (2,11 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 40 CNY lên 13.460 CNY (2.114,06 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)