Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần ba tuần, cả dầu Brent và dầu Mỹ đều giảm xuống dưới 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối tháng 2, sau khi Nga đề xuất sẽ cho phép khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran trong tương lai, và các nhà giao dịch lo ngại đại dịch đang gia tăng ở Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 6,99 USD, tương đương 6,5% xuống 99,91 USD/thùng; Dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 6,57 USD, tương đương 6,4% xuống 96,44 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent giảm xuống 97,44 USD, còn WTI giá 93,53 đô la, mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 2.
So với thời điểm giá đạt mức cao nhất 14 năm, vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã mất gần 40 USD, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) mất hơn 30 USD. Giao dịch mặt hàng này cực kỳ biến động kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, cách đây hơn 2 tuần.
Trên biểu đồ kỹ thuật, cả hai hợp đồng đều di chuyển đến gần sát vùng bán quá mức nhiều nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trái ngược với vị trí mua quá mức hồi đầu tháng 3 – khi dầu Brent có lúc đạt 139 USD/thùng.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất thế giới. Nhiều người mua đã hạn chế mua dầu từ Nga kể từ căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Vấn đề này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung hàng triệu thùng dầu thô hàng ngày. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối lo ngại có thể đã bị “thổi phồng”.
Ngày 15/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga ủng hộ việc khôi phục sớm nhất có thể thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), và đang chờ đợi các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ. Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia này và cho phép Tehran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thô.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 hàng ngày. điều này có thể làm chậm tốc độ tiêu thụ nhiên liệu khi nước này áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Louise Dickson, chuyên gia phân tích của công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy (Na Uy) ước tính một đợt phong tỏa nghiêm trọng tại Trung Quốc có thể khiến lượng tiêu thụ dầu giảm 0,5 triệu thùng/ngày.
Hôm thứ Ba (15/3), một nhà đàm phán Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn và rút quân Nga khỏi Ukraine đang diễn ra. Thị trường dầu mỏ ngay sau đó đã rơi vào tình trạng bán tháo, đẩy giá giảm mạnh. Nhiều người dự báo những biến động như hiện tại sẽ còn tiếp diễn.
"Trong khi các báo cáo về các cuộc đàm phán đầy hứa hẹn đang được hoan nghênh, thật khó để thấy một trong hai bên sẽ chuẩn bị như thế nào trong giai đoạn này để đưa ra những nhượng bộ để cả hai bên có thể chấp nhận được", hãng Kpler cho biết, và thêm rằng: "Trong tình hình hiện nay, thật khó để thấy giá dầu thô không bị định giá thấp như thế nào".
Dữ liệu sơ bộ từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của quốc gia này đã tăng 3,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/3 trong khi dự trữ xăng giảm 3,8 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 888.000 thùng. Dữ liệu chính thức Chính phủ Mỹ sẽ công bố trong ngày 16/3.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 15/3 cho biết nhu cầu dầu trong năm 2022 phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và lạm phát gia tăng khi giá dầu thô tăng cao, làm tăng khả năng tiêu thụ thực tế sẽ giảm so với những dự báo trước đây. Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, OPEC vẫn giữ quan điểm rằng nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 4,15 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2022 và tăng nâng dự báo nhu cầu toàn cầu đối với dầu thô do tổ chức này sản xuất. Tuy nhiên, điểm khác biệt là, chỉ ách đây một tháng, OPEC đưa ra khả năng nhu cầu sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2022, còn lần này cho biết cuộc chiến ở Ukraine và mối lo về dịch Covid-19 tiếp diễn sẽ có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đến tăng trưởng toàn cầu.
Trong báo cáo của mình, OPEC cho biết: “Nhìn về phía trước, những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu - đặc biệt là tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị đang diễn ra sẽ tác động đến nhu cầu dầu ở nhiều khu vực khác nhau”.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư (16/3) lần đầu tiên trong vòng 4 năm trở lại đây để chống lại lạm phát tăng vọt. Điều này có thể đẩy USD tăng giá mạnh, và kéo theo giảm nhu cầu đối với dầu mỏ và các hàng hóa khác được định giá bằng đồng bạc xanh.
Trong khi đó, bất chấp việc các nước phương Tây trừng phạt Nga do xung đột với Ukraine, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu thô của Nga. Theo đó, Ấn Độ cho biết có thể chấp nhận đề nghị của Nga để mua dầu thô và các mặt hàng khác với giá chiết khấu, trong một dấu hiệu cho thấy Delhi muốn giữ chân đối tác thương mại quan trọng của mình. Ấn Độ là một quốc gia nhập khẩu 80% nhu cầu dầu, và thường chỉ mua khoảng 2-3% từ Nga. Nhưng với giá dầu tăng 40% từ đầu năm đến nay, Chính phủ nước này đã quyết định xem xét tăng tỷ lệ mua này nếu có thể giúp giảm hóa đơn năng lượng đang ở mức quá cao.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng xuống mức thấp nhất 2 tuần trong lúc diễn ra cuộc đàm phán Nga-Ukraine và do triển vọng Mỹ tăng lãi suất.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.926,11 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 3, là 1.913,10 USD; vàng kỳ hạn tháng 4 cũng giảm 1,6% xuống 1.929,70 USD/ounce.
Triển vọng về đợt tăng lãi suất đầu tiên trong vòng ba năm trở lại đây của Mỹ đã nâng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn10 năm lên mức cao nhất trong nhiều tháng. Lãi suất tăng khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, thảo luận về việc ngừng bắn và rút quân đội Nga khỏi Ukraine đang diễn ra, một trong những nhà đàm phán của Ukraine cho biết.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư (16/3) để chống lạm phát tăng vọt. David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: “Hiện nhu cầu đối với nơi trú ẩn an toàn đã giảm đi bởi đang diễn ra các cuộc đàm phán cho hòa bình ở Ukraine, Fed sắp tăng lãi suất và giá hàng hóa giảm nhanh”.
Ngoài ra, giá vàng còn chịu thêm sức ép khi Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng Hai chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,8% so với tháng trước và 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm khó có thể hạ nhiệt trong mùa Xuân.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng Năm giảm 14 US cent (0,55%) xuống 25,188 USD/ounce, bạch kim giảm 49,8 USD (4,73%) xuống 1.002,5 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,7% lên 2.427,36 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá hầu hết giảm do số ca nhiễm virus biến thể Omicron ở Trung Quốc gia tăng làm giảm triển vọng kinh tế đối với nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc, nhưng những lo ngại về nguồn cung vẫn tiếp tục hỗ trợ giá.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 0,8% xuống 3.292 USD/tấn, sau khi đã giảm 4,7% trong phiên trước đó; giá đồng cũng giảm 0,4% xuống 9,893 USD.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong hai tháng đầu năm 2022, với các chỉ số quan trọng vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron, sự yếu kém về tài sản và những bất ổn toàn cầu gia tăng đã đè nặng lên triển vọng kinh tế nước này.
Sản lượng nhôm hàng ngày của Trung Quốc trong tháng Giêng và tháng Hai đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2021 bất chấp việc hạn chế ô nhiễm trong mùa sưởi ấm và trong Thế vận hội mùa đông, với các trung tâm luyện kim nằm cách xa Bắc Kinh vẫn duy trì hoạt động.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm 0,4% xuống 3.795 USD/tấn, chì giảm 0,1% xuống 2.265 USD và thiếc tăng 1,5% lên 43.230 USD.
Giá quặng sắt Châu Á giảm trong phiên vừa qua do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc – nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, trong bối cảnh các nhà giao dịch lo lắng về nguy cơ xung đột Nga-Ukraine gia tăng.
Giá các sản phẩm thép và các nguyên liệu sản xuất thép khác cũng tiếp tục xu hướng giảm, phản ánh sự lo lắng trên các thị trường tài chính Trung Quốc trước tác động của các biện pháp hạn chế chống Covid-19 và những bất ổn toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, các thương nhân đã cắt giảm lỗ về cuối phiên sau khi công bố các chỉ số kinh tế Trung Quốc tốt hơn mong đợi, bao gồm sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá quặng sắt hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 5, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc giao dịch giảm 4,6% xuống 756 nhân dân tệ (118,48 USD)/tấn, sau khi có lúc chạm mức 742 nhân dân tệ trước đó trong cùng phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 2/3.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng giao tháng 4 giảm 4,1% xuống 141,20 USD/tấn.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc, hàng giao ngay, cũng giảm 12,50 USD xuống 145,50 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 1/3, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Tương tự, giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải phiên này cũng giảm 0,8%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 2,1%, riêng thép không gỉ tăng 1,2% do giá nickel nguyên liệu tăng.
Sản lượng thép thô Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc biến động trái chiều.
Giá lúa mì Mỹ tăng do Nga hạn chế xuất khẩu mặt hàng này, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu, và các thương nhân tranh thủ đợt giảm giá gần đây để mua vào. Theo đó, lúa mì tăng 48-1/4 cent lên 11,44-1/2 USD/bushel, mức tăng 4,27% là mức tăng hàng ngày nhiều nhất kể từ ngày 4 tháng 3.
Giá đậu tương phiên này giảm do các nhà đầu tư lo ngại rằng đợt bùng phát virus Covid-19 ở Trung Quốc có thể làm hạn chế nhu cầu, trong khi ngô tưang ngay cả khi thị trường kỳ vọng các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv có thể tiến tới một lệnh ngừng bắn. Cụ thể, giá giảm 9-3/4 cent xuống 16,60-3/4 USD/bushel; giá ngô tăng 6 US cent lên 7,54-1/4 USD/bushel, trong khi đậu tương giảm 9-3/4 cent xuống 16,60-3/4 USD/bushel.
Thị trường ngô và đậu tương chịu áp lực từ các thị trường khác, nhất là giá dầu thô giảm mạnh, và dịch Covid-19 ở Trung Quốc, dẫn tới khả năng giảm nhu cầu.
Giá đường thô phiên này giảm 0,4%, tương đương 2,1% xuống 18,73 cent/lb, chịu áp lực chủ yếu do giá dầu thô giảm mạnh. Giá đường trắng cũng giảm 7,10 USD hay 1,3% xuống 522,70 USD/tấn.
Giá năng lượng yếu đi làm giảm động cơ sử dụng đường mía để sản xuất etanol nhiên liệu sinh học, điều này có thể dẫn đến tăng sản lượng chất tạo ngọt. Tốc độ xuất khẩu mạnh mẽ từ Ấn Độ cũng góp phần đẩy các nhà đầu tư vào thế phòng thủ.
Xuất khẩu đường của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên 7,5 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, so với 7,1 triệu tấn của niên vụ trước, Abinash Verma, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ cho biết.
Giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng do sự suy yếu tổng thể trên các thị trường hàng hóa nói chung trước khi Mỹ công bố quyết định lãi suất quan trọng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 lúc đóng cửa giảm 7,65 cent, tương đương 3,5%, xuống 2,1115 USD/lb, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 4 tháng là 2,1015 USD; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 1,3% xuống 2.087 USD/tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản kết thúc chuỗi 3 phiên giảm nhờ đồng yen giảm và giá cao su hàng thực tăng mạnh, mặc dù giá cao su ở Thượng Hải giảm và thông tin về đàm phán hòa bình ở Ukraine hạn chế đà tăng.
Hợp đồng cao su giao tháng 8 trên sàn Osaka tăng 4,3 yên, tương đương 1,8%, lên 244,9 yên (2,08 USD)/kg. Nguồn cung nguyên liệu đang eo hẹp giữ cho giá ổn định. Bên cạnh đó, đồng yen yếu đi cũng hỗ trợ giá cao su Tokyo.
Hợp đồng cao su kỳ hạn giao tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 265 nhân dân tệ xuống 13.350 nhân dân tệ (2.093,17 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ ngày 27 tháng 9, là13.310 nhân dân tệ; cao su giao sau 1 tháng trên sàn Singapore giảm 2,5% xuống 170,0 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)