Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% do Mỹ Mỹ và NATO cho biết Nga vẫn đang tăng cường quân đội xung quanh Ukraine, mặc dù Moscow khẳng định họ đang rút lui dần.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent tăng 1,52 USD hay 1,6% lên 94,81 USD/thùng; trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,59 USD hay 1,7% lên 93,66 USD/thùng.
Căng thẳng xung quanh vấn đề Nga – Ukraina đã bao trùm thị trường dầu mỏ trong vài tuần qua vì gây lo ngại rằng gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất dầu lớn có thể đẩy giá vượt 100 USD/thùng.
Bộ trưởng Tài chính Nga cho biết nước này sẵn sàng đổi hướng nguồn cung năng lượng sang các thị trường khác nếu các lệnh trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào lĩnh vực năng lượng của nước này.
Trong phiên này, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy cầu nhiên liệu của Mỹ tuần qua tăng lên mức cao kỷ lục, trong khi tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, kho chứa và là điểm phân phối dầu WTI, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2018.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn trữ dầu thô của nước này tăng 1,1 triệu thùng trong tuần trước, nhưng tồn trữ nói chung tại Cushing giảm 1,9 triệu thùng, và các sản phẩm được cung cấp – chỉ báo về nhu cầu - trong 4 tuần qua đạt kỷ lục 22,1 triệu thùng/ngày.
Các nhà sản xuất dầu đã phải chật vật để theo kịp nhu cầu hay mục tiêu sản xuất của chính mình. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol kêu gọi tổ chức OPEC+ thu hẹp khoảng cách giữa mục tiêu sản lượng dầu và sản lượng thực tế.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng cũng do thông tin từ Mỹ cho rằng Nga vẫn đang tăng cường quân đội ở gần biên giới với Ukraina và do thị trường đang chờ biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.869,41 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,8% lên 1.871,5 USD/ounce.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng và khả năng Mỹ tăng lãi suất của đã gây áp lực lên các thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn ở vàng.
Nhà phân tích Edward Moya thuộc công ty dịch vụ môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cho biết: “Vàng đang thu hút nhiều nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo toàn nguồn vốn khi họ nhận ra rằng không có giải pháp nhanh chóng cho căng thẳng Nga-Ukraine.
Theo ông Moya: "Vàng rõ ràng vẫn đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nó sẽ có một số thời điểm mà kim loại này sẽ bị bán tháo do dự đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách một cách mạnh mẽ".
Tuy nhiên, Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ thắt chặt từ tháng 3 tới, và "Một khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, và ... nếu tốc độ tăng nhanh hơn dự kiến, bạn sẽ thấy vàng giảm, nhưng tôi không thấy sự sụp đổ", nhà phân tích Bernard Dahdah của Natixis cho biết, đồng thời dự đoán giá sau đó có thể giảm xuống 1.700 USD.
Giới đầu tư chờ đợi Fed thông báo biên bản cuộc họp chính sách của cuộc họp ngày 25-26/1 để có định hướng rõ ràng hơn về kế hoạch tăng lãi suất của các nhà hoạch định chính sách.
Tăng lãi suất sẽ tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Số liệu ngày 16/2 cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ phục hồi mạnh mẽ trong tháng Một. Tuy nhiên, giá cả tăng cao có thể làm giảm tác động của tăng trưởng kinh tế trong quý này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,9% lên 23,56 USD/ounce; bạch kim tăng 3,3% lên 1.059,60 USD/ounce, trong khi palladium tăng 1,4% lên 2.279,71 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản đồng loạt tăng do căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây về Ukraina dịu đi và tập trung chuyển sang cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các nhà máy luyện kim phải đóng cửa, chủ yếu ở Trung Quốc và Châu Âu.
Theo đó, giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,4% lên 3.253 USD/tấn; đồng tăng 0,3% lên 10.002 USD/tấn, nickel tăng 0,6% lên 23.425 USD/tấn, chì tăng 1,6% lên 2.344,5 USD/tấn, kẽm tăng 0,3% lên 3.493 USD/tấn và thiếc tăng 0,5% lên 43.615 USD/tấn.
Lạm phát giá sản xuất ở Trung Quốc tháng 1 hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, do các biện pháp kiểm soát chi phí nguyên liệu thô đang tăng giá của chính phủ.
Giá thép không gỉ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng, bởi chi phí đầu vào cao và lạc quan về nhu cầu, trong khi quặng sắt vẫn bị áp lực bởi những nỗ lực ngăn chặn bất kỳ sự bất thường nào của thị trường.
Thép không gỉ kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 3,4% lên 19.295 CNY (3.046,21 USD)/tấn, sau khi chạm mức 19.355 CNY, cao nhất kể từ ngày 27/10/2021. Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,9% sau hai ngày sụt giảm, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,5%.
Thép không gỉ tại Thượng Hải tăng gần 12% trong năm nay, vượt trội so với các mặt hàng khác tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu, Trung Quốc, do giá nickel - nguyên liệu chính - tăng bởi lo ngại nguồn cung khan hiếm.
Nhu cầu bổ sung từ các doanh nghiệp Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán được dự kiến sẽ hỗ trợ giá thép không gỉ. Nguồn cung quặng nicken khan hiếm theo mùa từ Philippines, nguồn cung cấp lớn nhất nguyên liệu này cho Trung Quốc cũng hỗ trợ giá nicken.
Trái với thép, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 1,1% xuống 720 CNY/tấn, kéo dài sụt giảm sang ngày thứ 3. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3 tại Singapore tăng 3,1% lên 140,15 USD/tấn; quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% Fe giảm gần 11% trong 3 phiên xuống 136 USD/tấn trong ngày 15/2, theo số liệu của SteelHome.
Cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ gặp gỡ các nhà giao dịch quặng sắt vào ngày 17/2 trong một nỗ lực ổn định thị trường, sau một đợt tăng giá gần đây. Quặng sắt Đại Liên đã giảm 16% kể từ khi đạt mức đỉnh 5,5 tháng vào tuần trước.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương của Mỹ tăng 2,3% kết thúc chuỗi giảm giá hai phiên trước do lo ngại về sản lượng giảm thêm tại Brazil và Argentina khi mưa gần đây ở những nơi này có thể là quá muộn.
Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 tăng 1,34 US cent lên 66,97 US cent/lb. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân đã bán 132.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc trong năm thị trường 2022/23.
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago cũng tăng do săn giá hời sau khi giá giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng vào phiên trước đó. Ngô CBOT kỳ hạn tháng 3 tăng 9 US cent lên 6,47 USD/bushel. Hợp đồng này đã vượt qua mức kháng cự kỹ thuật tại ngưỡng trung bình động 10 ngày trong phiên này.
Giá lúa mì ổn định khi các thương nhân theo dõi căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Xung đột giữa hai nước có thể làm chậm xuất khẩu lúa mì từ khu vực xuất khẩu quan trọng này, với hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 3 đỏ mềm vụ đông đóng cửa tăng nhẹ 3/4 US cent lên 7,8-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa ổn định tại 18,07 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 2,7 USD hay 0,6% lên 482,7 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đang đợi xem công ty dầu nhà nước Brazil, Petrobras có tăng giá xăng tại thị trường trong nước hay không.
Nhiên liệu sinh học ethanol đang vật lộn để cạnh tranh với xăng tại Brazil, nhu cầu trong tháng 1 đã giảm 32% so với cùng tháng năm trước đó. Nhu cầu ethanol yếu khuyến khích các nhà máy sử dụng mía để sản xuất đường hơn là nhiên liệu sinh học.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,95 US cent hay 0,4% lên 2,527 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 0,3% lên 2.272 USD/tấn.
Các đại lý lưu ý dự trữ cà phê arabica của sàn giao dịch ở mức thấp 1,028 triệu bao vào ngày 15/2, giảm từ 1,541 triệu bao vào cuối năm 2021. Sự sụt giảm này có thể tiếp tục trong những tháng tới khi nguồn cung không được chứng nhận và được bán trong một thị trường giao ngay đang khan hiếm.
Khối lượng cà phê nhân tại các cảng của Mỹ giảm 37.851 bao vào cuối tháng 1, xuống 5,79 triệu bao (loại 60kg/bao), giảm tháng thứ 5 liên tiếp và khối lượng thấp nhất kể từ tháng 6/2021.
Giá cao su của Nhật Bản tăng do chứng khoán Châu Á mạnh lên khi lo lắng về Nga tấn công Ukraina dịu đi, trong khi giá nguyên liệu thô cao cũng hỗ trợ giá.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,6 JPY hay 1% lên 256,8 JPY (2,22 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5 tại Thượng Hải giảm 40 CNY xuống 14.285 CNY (2.255,04 USD)/tấn.
Các thương nhân ghi nhận giá mủ cao su tiếp tục mạnh, giá ở Thái Lan tăng hơn 25% từ đầu năm tới nay lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.