Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần do OPEC và IEA cảnh báo khả năng nguồn cung sẽ sớm dư thừa, trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu gây lo ngại ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,36 USD, hay 1,7%, xuống 81,05 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,4 USD, hay 3%, xuống 78,36 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 7/10. Lượng giao dịch trong phiên này không nhiều trong bối cảnh Mỹ yêu cầu các nước tiêu thụ dầu lớn khác, như Trung Quốc và Nhật Bản, xem xét giải phóng 1 lượng dầu dự trữ dầu để hạ nhiệt mặt hàng này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, gần đây cảnh báo rằng nguồn cung có thể sẽ gia tăng trong những tháng tới. OPEC+ đã giữ nguyên thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng để nguồn cung trên thị trường không bị dư thừa.
Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo ngày 16/11 cho biết tổ chức này nhận thấy những dấu hiệu nguồn cung sẽ dư thừa từ tháng tới, và các nước thành viên và đồng minh sẽ phải rất thận trọng với việc này. IEA cũng đã dự đoán rằng nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn trong quý II/2022, và số giàn khoan của nước này cũng đang tăng lên, khi các công ty dầu tư nhân muốn tận dụng giá cao. IEA dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ chiếm khoảng 60% trong mức tăng trưởng nguồn cung ước tính 1,9 triệu thùng/ngày của các nước ngoài OPEC trong năm 2022.
Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở châu Âu đang khiến chính phủ nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó Áo đã ban hành lệnh phong tỏa đổi với những cá nhân chưa tiêm vaccine.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do các nhà đầu tư lo ngại lạm phát tăng cao. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.865,66 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 0,9% lên 1.870,2 USD/ounce. Giá vàng tăng bất chấp đồng USD đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2020 sau khi số liệu bán lẻ của Mỹ tháng 10 cao hơn so với dự kiến.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 22,3 US cent (0,89%) lên 25,167 USD/ounce; bạch kim giảm 5,4 USD (0,5%) xuống 1.069,1 USD/ounce lúc đóng cửa, palladium tăng 1,2% lên 2.184,51 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp do dự kiến lãi suất Mỹ tăng đẩy đồng USD lên mức cao nhất 16 tháng, khiến đồng được định giá bằng đồng bạc xanh đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,6% xuống 9.404 USD/tấn. Giá đồng đạt mức cao kỷ lục (10.747,5 USD/tấn) trong tháng 5/2021, song đã mất đà do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Với các kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 1,7% lên 2.619 USD/tấn nhưng vẫn giảm gần 20% so với mức cao kỷ lục của tháng trước; giá kẽm giảm 0,9% xuống 3.194,50 USD/tấn, nickel giảm 0,2% xuống 19.360 USD, chì giảm 1,9% xuống 2.263 USD, trong khi thiếc tăng 1,1% ở 38.045 USD.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp, do tồn trữ tại các cảng đạt mức cao nhất 31 tháng trong bối cảnh nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu thế giới giảm.
Theo đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 1% xuống 538,5 CNY (84,33 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 88,65 USD/tấn, sau khi tăng 1,2% trong phiên trước đó; quặng sắt 62% Fe giao ngay vào Trung Quốc đạt 91 USD/tấn – gần mức thấp nhất 18 tháng (90 USD/tấn) trong phiên trước đó.
Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc trong tuần trước tăng lên 147,6 triệu tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây tăng 0,6%, thép cuộn cán nóng và thép không gỉ cả hai đều tăng 0,1%. Sản lượng thép thô Trung Quốc trong tháng 10/2021 đạt 71,58 triệu tấn, giảm tháng thứ 5 liên tiếp và giảm 23,3% so với cùng tháng năm ngoái.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng 2,1% lên mức cao nhất gần 7 tuần, được hỗ trợ bởi các hợp đồng xuất khẩu mới và nhu cầu thị trường nội địa tăng mạnh. Tại sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 25-3/4 US cent lên 12,77 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 30/9/2021. Giá khô đậu tương tăng 2% lên mức cao nhát 5 tháng. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 12 US cent lên 8,22-1/4 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 4-1/4 US cent lên 5,75-1/4 USD/bushel.
Các nhà xuất khẩu tư nhân báo cáo đã bán 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc, là ngày thứ 4 liên tiếp có hợp đồng lớn bán cho khách hàng nước ngoài. Trong khi đó, Algeria sẽ mua 700.000 đến 800.000 tấn lúa mì Nga, trong khi Ai Cập và Philippines cũng đã đặt mua lúa mì.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 2,3% lên 20,42 US cent/lb, sau khi đạt mức cao 20,51 US cent/lb – cao nhất hơn 1 tháng; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 2% lên 524,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica tăng hơn 4% lên mức cao nhất gần 1 thập kỷ, được thúc đẩy bởi nguồn cung tại các thị trường tiêu thụ lớn thắt chặt. Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 4,4% lên 2,3475 USD/lb, sau khi đạt mức cao đỉnh điểm 2,358 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 1/2012; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 0,7% lên 2.256 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng khi xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong tháng 10/2021 tăng mạnh bởi kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Nhật sau dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10/2021 tăng 9,4% so với cùng tháng năm ngoái, chỉ thấp hơn so với dự báo tăng 9,9% của các nhà phân tích.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka tăng 2,1 JPY tương đương 0,9% lên 229,4 JPY/kg; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 14.615 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg