Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 2% khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran bước vào giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên, xu hướng giảm được hạn chế bởi căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukrana.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 1,84 USD hay 1,9% xuống 92,97 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 1,9 USD hay 2% xuống 91,76 USD/thùng. Đầu tuần, cả 2 loại dầu đã đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2014 và đều tiếp tục đối mặt với tình trạng bù hoãn bán (backwardation). Đây là tình trạng thị trường khi giá của một hợp đồng kỳ hạn hay một hợp đồng tương lai được giao dịch thấp hơn giá giao ngay được dự kiến khi hợp đồng đáo hạn, giữa bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt.
Nhà phân tích Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết, thị trường dầu mỏ đang bị “mắc kẹt” trong cuộc chiến giằng co giữa lệnh trừng phạt Iran liên quan đến vấn đề hạt nhân và căng thẳng Nga - Ukraine.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại OANDA cho biết: “Giá dầu có thể đã ở mức ba con số nếu không có các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran”. Ông Erlam lưu ý rằng một thỏa thuận giữa hai bên có thể dẫn tới việc "tái gia nhập" thị trường của khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày từ Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết, Mỹ đang trong "giai đoạn cuối cùng" của các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran, nhằm cứu vãn thỏa thuận năm 2015 và hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran.
Hàn Quốc hôm 16/2 cho biết họ đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc nối lại nhập khẩu dầu thô của Iran và giải phóng các quỹ của Iran. Hàn Quốc trước đây là một trong những khách hàng mua dầu hàng đầu của Iran ở châu Á.
Tuy nhiên, căng thẳng về khả năng Nga thực hiện hành động quân sự liên quan tới Ukraine tiếp tục hỗ trợ các thị trường dầu mỏ do nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/2 cho biết có mọi dấu hiệu cho thấy Nga có kế hoạch tấn công Ukrana trong vài ngày tới và đang chuẩn bị một cớ để biện minh cho việc này, sau khi lực lượng của Ukraina và phiến quân ủng hộ Moscow nổ súng ở miền đông Ukraina. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần phủ nhận kế hoạch xâm lược nước láng giềng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng vượt 1.900 USD lần đầu tiên kể từ tháng 6/2021 khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn của vàng sau khi Tổng thống Mỹ có biết mọi dấu hiệu cho thấy Nga đang có kế hoạch tấn công Ukraina.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.899,84 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 11/6 là 1.900,99 USD/ounce; vàng giao sau tăng 1,6% lên 1.902 USD/ounce. Chứng khoán Mỹ giảm hơn 1% khi căng thẳng về Ukraina tăng cao.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất cho thấy trong khi các nhà hoạch định chính sách nhất trí rằng họ sẽ sớm tăng lãi suất qua đêm từ mức gần bằng không hiện tại, nhưng họ sẽ đánh giá lại mốc thời gian tăng lãi suất ở mỗi cuộc họp.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: “Khi thời điểm tăng lãi suất trở nên không chắc chắn và sự lo lắng đang tăng cao, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn”.
Trong khi đó, Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ Bartle Gorman, cảnh báo về phản ứng của Mỹ trong bối cảnh gia tăng lo ngại về căng thẳng Nga – Ukraine gia tăng.
Về những kim loại quý khác, giá palladium lúc đóng cửa tăng 3,4% lên 2.358,19 USD, sau khi có lúc chạm mức cao nhất hai tuần. Các nhà phân tích cho biết Nga là một trong những quốc gia sản xuất palladium lớn nhất thế giới và xung đột với Ukraine có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Giá bạc phiên này tăng 1,4% lên 23,87 USD, trong khi bạch kim tăng 2,3% lên 1.085,83 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm giữa bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng khi các báo cáo về vụ nổ súng ở miền đông Ukraina làm gia tăng lo ngại về xung đột giữa Nga và Ukraina.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,7% xuống 9.927,5 USD/tấn, trước đó đã giảm khoảng 1,7%. Nhu cầu tại Trung Quốc giảm trong đợt nghỉ Tết Nguyên Đán và Olympic, khi một số sản xuất công nghiệp bị hạn chế.
Giá đồng đã đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi tháng 5/2021 nhưng kể từ đó đã giảm trong khoảng 9.000 USD – 10.000 USD do nền kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại. Một nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết giá vẫn ở mức quá cao và sẽ có thể giảm trong những tuần tới hay tháng tới khi nguồn cung đồng tăng lên, bổ sung rằng sự sụt giảm sẽ sớm đảo chiều, triển vọng nhu cầu là tốt trong dài hạn.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm tăng 0,2% lên 3.261,50 USD/tấn, kẽm tăng 0,7% lên 3.609 USD/tấnm, nickel tăng 2,1% lên 23.885 USD/tấn, chì tăng 0,5% lên 2.350,50 USD/tấn và thiếc tăng 0,5% lên 43.900 USD/tấn.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt của Trung Quốc giảm phiên thứ 4 liên tiếp, giảm hơn 5% và giá thép giảm do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc can thiệp của chính phủ vào thị trường này.
Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm khoảng 5,2% xuống 675 CNY (106,62 USD)/tấn. Đóng cửa giá giảm 3,8% xuống 685 CNY/tấn. Các sản phẩm thép tại Thượng Hải cũng giảm bởi giá nguyên liệu thô giảm, trong đó thép thanh vằn giảm 2% xuống 4.686 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,5% xuống 4.823 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 2,1% xuống 18.720 CNY/tấn.
Cơ quan hoạch định nhà nước của Trung Quốc đã kêu gọi một số nhà kinh doanh quặng sắt giải phóng hàng tồn kho và khôi phục dự trữ về mức hợp lý, họ cho biết sau cuộc điều tra chung với cơ quan quản lý thị trường ở Thanh Đảo. SteelHome cho biết tồn kho đã nhập khẩu ở cảng của Trung Quốc đứng ở mức 156,35 triệu tấn tính đến ngày 11/2, quanh mức cao nhất 3 năm.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tăng do căng thẳng giữa Nga và Ukraina gia tăng, trong khi ngô và đậu tương giảm.
Theo đó, lúa mì đỏ mềm vụ đông tăng 12-3/4 US cent lên 7,93-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 3 giảm 2-1/2 cent xuống 15,85 USD/bushel.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,21 US cent hay 1,2% lên 18,28 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 4,1 USD hay 0,8% lên 486,8 USD/tấn.
Các đại lý trích dẫn tin tức về tình trạng sản xuất đường xấu đi tại Trung Quốc có thể khiến quốc gia này tăng cường nhập khẩu. Trong khi đó, lượng mưa ở Brazil gần đây thấp hơn mức trung bình khi cây trồng miền trung nam kết thúc giai đoạn phát triển cuối cùng trước khi vụ thu hoạch vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 2,05 US cent hay 0,8% xuống 2,5065 USD/lb sau khi tăng lên đỉnh 10 năm tại 2,6045 USD trong tuần trước; cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 0,1% xuống 2.274 USD/tấn.
Lượng cà phê lưu trữ tại các kho của ICE đã giảm xuống 1,01 triệu bao tính tới ngày 17/2, thấp hơn khoảng 1/3 so với mức 1,541 triệu bao cuối năm 2021, mặc dù đã có một số dấu hiệu thấy lượng lưu kho đang ổn định trở lại.
Giá cà phê Việt Nam tăng trong tuần này theo giá London trong khi giao dịch ở Indonesia trầm lắng do sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 và tâm lý sau kỳ nghỉ lễ.
Người trồng cà phê tại Tây Nguyên bán cà phê nhân xô ở mức giá 40.500 – 42.000 (1,78 – 1,84 USD) đồng/kg, tăng từ mức 39.900 – 40.600 đồng/kg. Thương nhân tại Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 360 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7, mức trừ lùi một tuần trước là 250 – 300 USD/tấn.
Việt Nam đã xuất khẩu 163.324 tấn cà phê trong tháng 1, giảm 3,6% so với tháng 12/2021.
Theo thăm dò của Reuters, sản lượng tại Việt Nam ở mức 31 triệu bao trong niên vụ 2021/22, tăng từ 29 triệu bao trong niên vụ trước đó.
Trong khi đó cà phê robusta Sumatran của Indonesia ở mức trừ lùi 130 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4 và tháng 5 tại London, không đổi so với một tuần trước.
Giá cao su Nhật Bản giảm theo giá Thượng Hải trong bối cảnh nhu cầu đối với các tài sản rủi ro sụt giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka lúc đóng cửa giảm 4,3 JPY hay 1,7% xuống 252,5 JPY (2,19 USD)/kg. Cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải kỳ hạn tháng 5 giảm 255 CNY xuống 14.050 CNY (2.217,8 USD)/tấn. Trước đó giá đã chạm 13.975 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 28/1.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)