Trên thị trường năng lượng, giá dầu hồi phục mạnh mẽ khi các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào báo cáo của IEA về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong những tuần tới do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Giá dầu thô Brent lúc đóng cửa tăng 8,62 USD, tương đương 8,79%, lên 106,64 USD/thùng, mức tăng tính theo tỷ lệ phần trăm lớn nhất kể từ giữa năm 2020; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 7,94 USD, tương đương 8,35% lên 102,98 USD/thùng, sau khi có lúc tăng hơn 9% lên trên 104 USD/thùng, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang hướng tới tuần giảm thứ 2 liên tiếp, hiện thấp hơn khoảng 20% so với mức cao kỷ lục, là 130,5 USD đạt được vào ngày 7/3, trong bối cảnh tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt, một số dấu hiệu tiến triển trong đàm phán hòa bình Nga-Ukraine và lo ngại về việc nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại do chính sách phong tỏa chống Covid-19.
Theo nhận định của các nhà giao dịch, chủ ngân hàng và các nhà phân tích, biên độ giao động giá dầu trong 8 phiên giao dịch gần đây lên tới 40 USD, với mức giá giao dịch cao nhất là 139 USD và thấp nhất là 98 USD - chênh lệch hơn 40 USD. Điều đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán kiếm lời, tạo điều kiện cho sự biến động giá mạnh hơn trong những tuần tới.
John Kilduff, người đồng sáng lập của Again Capital LLC, cho biết: “Thị trường đang xuất hiện những lo lắng mới về việc chúng tá có thể mất thêm một số dầu của Nga”. Nhiều quốc gia đã dừng mua dầu của Nga, quốc gia xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu lớn nhất thế giới. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nguồn cung năng lượng từ Nga sẽ vẫn ổn định bất chấp những gì ông mô tả là tình hình địa chính trị căng thẳng, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính kể từ tháng Tư các thị trường có thể mất 3 triệu thùng/ngày đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Trong một báo cáo, IEA lưu ý tình trạng sụt giảm nguồn cung sẽ lớn hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu dự kiến 1 triệu thùng/ngày do giá nhiên liệu cao hơn.
Ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý III/2022 thêm 20 USD lên 120 USD/thùng, với dự đoán sản lượng dầu của Nga giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng Tư.
Tuy nhiên, đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi lo lắng về nhu cầu sau khi số ca nhiễm virus Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc. Các nhà chức trách Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Covid Zero để hạn chế sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, với việc hạn chế các hoạt động di chuyển được áp dụng ở ngày càng nhiều nơi trên khắp đất nước.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng mạnh do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và các nhà đầu tư thận trọng theo dõi diễn biến trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,8% lên 1.943,30 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4 tăng 1,8% lên 1.943,20 USD/ounce.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt - đã giảm 0,5% vào lúc kết thúc ngày 17/3 theo giờ Việt Nam, xuống 97,980, là mức thấp nhất trong một tuần.
Miguel Perez-Santalla, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và tiếp thị của Heraeus Metals Management ở New York, cho biết với đồng đô la yếu đi và tình hình Ukraine vẫn còn diễn biến phức tạp, mọi người đã bắt đầu đổ vào vàng.
Căng thẳng địa chính trị ở Ukraine tác động tích cực đến giá vàng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cho rằng quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là trở ngại đối với vàng trong ngắn hạn, khi lạm phát tại châu Âu và Mỹ tăng tiếp tục hỗ trợ nhu cầu với kim loại quý này.
Kết thúc cuộc họp vào ngày 16/3, Fed thông báo sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 0,25-0,5% và cũng công bố kế hoạch về các lần tăng lãi suất sắp tới.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 5 tăng 90,6 US cent, hay 3,67%, lên 25,616 USD/ounce; bạch kim giao tháng 4 tăng 23,2 USD, hay 2,3%, lên 1.031,3 USD/ounce; palladium tăng 4,1% lên 2.507,42 USD/ounce, mặc dù giảm gần 1.000 USD so với mức cao nhất trong tháng 3.
Edward Meir, nhà phân tích của ED&F Man Capital Markets cho biết, với việc các nhà sản xuất không gặp vấn đề gì trong việc vận chuyển kim loại, dường như nguồn cung không thiếu hụt nhiều như lo ngại trước đây.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và nhôm tăng, trong khi nickel tiếp tục giao dịch trong sự hỗn loạn.
Giá nhôm và đồng tăng do thị trường kỳ vọng về những chính sách kích thích kinh tế ở Trung Quốc – nước tiêu dùng hàng đầu thế giới, và do thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.
Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn LME tăng 3,8% lên 3.381 USD/tấn. Kim loại này đã tăng giá đáng kể từ khi xảy ra căng thẳng giữa Ukraine và Nga, ngày 24 tháng 2, bởi Nga sản xuất 6% nguồn cung toàn cầu. Hôm 7/3, giá nhôm đạt 4.073,50 USD, nhưng giảm xuống chỉ 3.219,50 USD hôm 15/3. Giá đồng phiên này cũng tăng 2,3% lên 10.280 USD/tấn.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang giảm tốc và điều đó có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu tổng thể. Tuy nhiên, nhu cầu đối với cả nhôm và đồng có thể sẽ được thúc đẩy khi quá trình chuyển đổi năng lượng đi vào trọng tâm hơn, đặc biệt là ở châu Âu.
Sàn giao dịch kim loại London đã nối lại giao dịch nickel, nhưng hoạt động giao dịch kim loại này vẫn hỗn loạn. Giá nickel lúc mở cửa giảm kịch trần – giảm 8% xuống còn 41,945 USD/tấn - với chỉ 8 hợp đồng được giao dịch. Về các kim loại khác, giá kẽm tăng 0,5% lên 3.826,50 USD, chì giữ nguyên ở mức 2.252,50 USD và thiếc giảm 1,8% ở mức 41.500 USD.
Kỳ vọng Trung Quốc kích thích kinh tế cũng đẩy giá sắt thép phiên này tăng mạnh.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 2 liên tiếp, với hợp đồng giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 4,7% lên 810 nhân dân tệ (127,61 USD)/tấn, sau khi có lúc tăng 5,9% trong phiên. Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất – kỳ hạn tháng 4 - giảm 1,1% xuống mức 147,65 USD/tấn. Quặng sắt giao ngay tại cảng biển Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong tuần, giao dịch ở mức 146,50 USD/tấn. Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng - trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 1,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,3%, nhưng thép không gỉ giảm 1,5% do giá nickel hạ nhiệt.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì, đậu tương và ngô Mỹ đồng loạt tăng trở lại. Các thị trường đang theo dõi sát các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng Điện Kremlin cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào.
Phiên 17/3, giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tháng 5 đã tăng 28-3/4 cent lên 10,98 USD/bushel khi các thương nhân tiếp tục chật vật vì sự gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột Nga – Ukraine. Trung tâm Dự báo Khí hậu Mỹ dự báo tình trạng hạn hán sẽ kéo dài trên nhiều vùng Đồng bằng đến tháng 6, đe dọa triển vọng sản xuất lúa mì vụ đông. Giá ngô phiên này cũng tăng 24-1/2 cent lên 7,54-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương tăng 19-1/4 cent lên 16,68-1/2 USD/bushel.
Công ty Strategie Grains của Pháp cho biết cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể khiến khoảng 11 triệu tấn lúa mì xuất khẩu ở Biển Đen và khoảng 12 triệu tấn ngô xuất khẩu biến mát khỏi thị trường thế giới trong năm 2021/22.
Tại Châu Âu, giá lúa mì trên sàn Euronext cũng tăng trở lại trong bối cảnh các nhà đầu tư thận trọng hơn về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga và các nhà phân tích tiếp tục dự báo rằng cuộc chiến của các nước sẽ gây gián đoạn lớn nguồn xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Giá lúa mì giao tháng 5 trên sàn Euronext tăng 4,25 euro, tương đương 1,2%, lên 367,75 euro (408,90 USD)/tấn.
Giá đường thô trên sàn ICE tăng sau khi giá dầu tăng do lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Giá năng lượng tăng luôn có xu hướng thúc đẩy các nhà máy mía đường ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil chuyển hướng chế biến mía từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học dựa trên nguyên liệu mía đường. Theo đó, giá đường thô tăng 0,13 cent, tương đương 0,7%, lên 18,69 cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 5 cũng tăng 3,40 USD hay 0,7% lên 526,00 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường có xu hướng tăng giá, với cuộc chiến ở Ukraine chưa kết thúc và giá đường giảm dự kiến sẽ thúc đẩy các nhà máy mía đường của Brazil chuyển hướng sản xuất sang ethanol.
Một nhà môi giới Mỹ cho biết ethanol ở Brazil hiện đang được bán với giá đường tương đương 19,40 US cent/lb, cao hơn giá hiện tại của New York.
Một số tàu chở đường thô đang hướng đến Nga, bất chấp những lo ngại về an ninh ở khu vực Biển Đen và những nghi ngờ về việc thanh toán các giao dịch trong bối cảnh các lệnh trừng phạt.
Giá cà phê phiên này giảm do dự báo sản lượng tăng. Cà phê arabica giao tháng 5 giảm 0,6% xuống 2,1610 USD/lb; cà phê robusta giao cùng kỳ hạn giảm 9 USD, tương đương 0,4% xuống 2.139 USD/tấn.
Công ty tư vấn Safras & Mercado dự báo vụ cà phê mới của Brazil cho năm 2022/23 sẽ đạt 61,1 triệu bao loại 60 kg, gần mức cao nhất của mức ước tính cho đến nay. Con số đó cao hơn 8% so với sản lượng vụ trước, mặc dù thấp hơn 12% so với vụ 2020/21.
Giá cà phê robusta giao tháng 5 giảm 9 USD, tương đương 0,4% xuống 2.139 USD/tấn.Nguồn cung cà phê robusta vẫn hạn chế ở nhà sản xuất chủ chốt Indonesia trước khi thu hoạch với khối lượng không nhiều vào tháng 4.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng do đồng yên yếu đi và chỉ số chứng khoán Nikkei tăng điểm, trong khi xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch bất ổn khi giá ở Thượng Hải giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka kết thúc phiên tăng 0,5 yên, tương đương 0,2%, lên 245,2 yên (2,06 USD)/kg. Đồng đô la giao dịch ở mức 118,73 yên, tăng so với so với 118,19 yên của phiên liền trước tại Châu Á. Đồng yên yếu đi làm cho tài sản bằng đồng yên có giá cả phải chăng hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác. Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 15 nhân dân tệ xuống còn 13.290 nhân dân tệ (2.093,54 USD)/tấn. Giá cao su kỳ tháng 4 trên sàn Singapore giảm 0,7% xuống 169,8 US cent/kg.