Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm do những quan ngại về tình hình tại Afghanistan, đồng USD mạnh lên và số ca mắc COVID-19 tăng tại Nhật Bản làm suy yếu thêm triển vọng nhu cầu tại châu Á.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 48 US cent (0,7%) xuống 69,03 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 70 US cent (1%) xuống 66,59 USD/thùng.
Đồng USD đã tăng giá phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 17/8, khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác. Các nguồn tin thị trường cho hay giá dầu đã nới rộng đà giảm sau số liệu từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ giảm, phù hợp với các dự báo trong tuần trước.
Số liệu công bố ngày 16/8 cho thấy hoạt động xử lý dầu thô hàng ngày tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong tháng 7/2021 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Điều này là do các nhà máy sản xuất dầu độc lập cắt giảm sản lượng trong bối cảnh hạn ngạch thắt chặt hơn, lượng hàng dự trữ ở mức cao, còn lợi nhuận suy yếu. Sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7/2021 cũng chậm lại và không đạt kỳ vọng do đợt bùng phát dịch COVID-19 mới và trận lũ lụt lịch sử tại miền trung Trung Quốc đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Về nguồn cung cho thị trường dầu, theo số liệu của Chính phủ Mỹ ngày 16/8, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu để giải quyết tình trạng giá xăng tăng cao. Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dẫn các nguồn tin cho hay OPEC+ cho rằng thị trường không cần nhiều dầu thô hơn mức nhóm này dự định sẽ “bơm vào” trong những tháng tới.
Giá than luyện cốc giao dịch ở Trung Quốc giảm 3% vào đầu phiên giao dịch vừa qua, sau đó hồi phục trở lại vào cuối phiên, trong bối cảnh nguồn cung dự kiến vẫn thiếu hụt, song nhu cầu từ các nhà máy dự báo sẽ hạ nhiệt.
Giá than cốc giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên lúc đầu phiên giảm 3,0% xuống 2.157 CNY (332,93 USD)/tấn, sau đó hồi phục và kết thúc phiên tăng 0,7% lên 2.239 CNY/tấn. Giá than cốc kỳ hạn tương lai trên sàn này cũng tăng 0,7% lên 2.947 CNY/tấn.
Các nhà phân tích tại GF Futures đã viết trong một lưu ý rằng việc tăng cường kiểm soát sản lượng tại các nhà máy luyện cốc ở tây bắc và miền trung Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ than luyện cốc.
Trong khi đó, do Bắc Kinh gần đây đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy cung cấp than và ổn định giá hàng hóa, nguồn cung để trộn than cốc có thể được cải thiện, mặc dù nhập khẩu tổng thể cho nguyên liệu này vẫn bị thắt chặt, GF Futures cho biết.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm do nhà đầu tư chọn đồng đô la thay vì các tài sản khác trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 vì biến thể Delta tăng cao đe dọa cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh tình hình tại Afghanistan càng gây thêm tâm lý bất an.
Chốt phiên 17/8, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.784,02 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 6/8, là 1.795,25 USD; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 0,1% xuống 1.787,80 mỗi ounce.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở nước này trong tháng Bảy tăng 0,9% sau khi được điều chỉnh theo mùa, tăng mạnh hơn dự kiến và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng Ba.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ ở nước này giảm 1,1% trong tháng Bảy, mức giảm mạnh hơn so với dự kiến. Chỉ số thị trường nhà ở của Hiệp hội xây dựng nhà quốc gia và ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) giảm từ 80 (điểm) trong tháng Tám xuống 75 trong tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao thuộc RJO Futures, cho biết đồng đô la mạnh lên gàng gây thêm một số áp lực lên kim loại này. Theo ông Pavilonis: “Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ thấp hỗ trợ một chút cho giấ vàng và chúng tôi cho rằng khả năng lạm phát sẽ tăng nếu không nâng lãi suất”.
Chỉ số đô la Mỹ (dollar index) phiên này tăng 0,5% sau khi dữ liệu bán lẻ của Mỹ gây thất vọng, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới gia tăng và tình hình hỗn loạn ở Afghanistan làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro lớn như cổ phiếu.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng Chín giảm 13,2 xu Mỹ, hay 0,55%, chốt phiên ở mức 23,659 USD/ounce; trong khi giá bạch kim giao tháng 10/2021 giảm 27,3 USD, hay 2,67%, xuống 993,8 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nhôm tăng do lo ngại nguồn cung ở Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm do vấn đề năng lượng, trong bối cảnh thị trường Mỹ thiếu hụt nhôm vì việc vận chuyển bị chậm trễ.
Giá nhôm tại Thượng Hải phiên vừa qua đã chạm mức cao nhất 13 năm, trong khi giá nhôm hợp đồng tham chiếu trên sàn London (LME) cũng có lúc vọt lên mức cao nhất hơn 3 năm, mặc dù sau đó giảm nhẹ sau khi Mỹ công bố doanh số bán lẻ yếu kém.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn LME kết thúc phiên giảm 0,2% xuống 2.597 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.638, gần sát mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2018.
Trong khi đó, giá nhôm kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 1,6% lên 20.575 CNY (3.174,47 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2008.
Mức cộng giá nhôm tại Mỹ (so với giá tham chiếu ở London) đã tăng gấp đôi lên mức cao kỷ lục do tình trạng thiếu cung. Lượng nhôm dự trữ của LME tại Mỹ hiện chỉ có 39.950 tấn, tương đương 3% trong tổng số 1,31 triệu tấn nhôm lưu trữ của sàn LME.
Các kim loại cơ bản khác hầu hết cũng giảm trong phiên này. Theo đó, giá đồng giảm 2,1% xuống 9.245 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất trong tháng, kẽm giảm 0,7% xuống 3.010,50 USD, chì giảm 0,2% xuống 2,307 USD, nickel giảm 1,6% xuống 19,205 USD, riêng thiếc tăng 0,1% tại $ 35,715.
Giá sắt thép tại Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm tháng thứ 2 liên tiếp, theo đó giảm 7,6% trong tháng 7/2021 so với một tháng trước đó xuống 86,79 triệu tấn, do nước này giảm sản xuất kim loại nhằm đạt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon.
Giá quặng sắt kỳ trên sàn Đại Liên phiên vừa qua giảm 1,6% xuống 834 CNY vào lúc đóng cửa, mặc dù giá quặng sắt nhập khẩu hàm lượng 62% sắt giao ngay tại cảng biển không đổi ở mức 162 USD/tấn trong phiên liền trước.
Giá thép thanh vằn trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng giảm 0,8% xuống 5.345 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, giảm 0,1% xuống 5.670 CNY/tấn. Giá thép không gỉ giao sau trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,7% lên 18.380 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm hơn 3% trong phiên vừa qua do hoạt động bán chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất 8,5 năm hồi tuần trước.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago giảm 26 US cent, tương đương 3,4%, xuống 7,34-1/2 USD/bushel. Sự sụt giảm này đánh dấu sự thoái lui hơn nữa từ mức đỉnh cao 8,5 năm đạt được hôm thứ Sáu tuần trước, là 7,74-3/4 USD.
Giá ngô và đậu tương cũng giảm theo xu hướng giá lúa mì, trong đó đậu tương tăng giá lúc đầu phiên nhưng giảm vào cuối phiên, bất chấp doanh số xuất khẩu mới của Mỹ.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 cũng giảm 6-3/4 cent xuống 13,61-1/2 USD/bushel, đầu phiên có lúc đạt 13,79-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 30/7. Giá ngô kỳ hạntháng 12 giảm 5-1/4 cent xuống 5,63-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô vững vào lúc kết thúc phiên vừa qua, ở mức cao nhất 4,5 năm, sau khi một đợt bán chốt lời đã xóa đi mức tăng giá cao trước đó.
Đường thô kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên ở mức 20,02 cent/lb, không thay đổi so với đóng cửa phiên trước đó. Đầu phiên, có lúc giá đạt mức coa nhất 4-1/2 năm, là 20,37 cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 phiên này tăng 5,10 USD, tương đương 1,0%, lên 501,40 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 4,25 cent, tương đương 2,3%, xuống 1,82 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm 8 USD, tương đương 0,4% xuống 1.845 USD/tấn.
Thị trường vẫn lo ngại về ảnh hưởng của đợt băng giá tại Brazil đối với vụ mùa sắp tới, song nguồn cung ngắn hạn nhìn chung vẫn dồi dào.
Lượng cà phê nhân dự trữ tại các cảng của Hoa Kỳ đã tăng gần 300.000 bao vào cuối tháng 7 so với cuối tháng 6, là lần đầu tiên lên vượt mức 6 triệu bao kể từ tháng 10, thông tin từ Hiệp hội Cà phê Xanh của Mỹ (GCA) cho biết.
Giá dầu cọ Malaysia kỳ hạn tương lai kết thúc phiên vừa qua đã đảo ngược xu hướng tăng lúc đầu phiên khi hoạt động bán chốt lời xảy ra sau khi dữ liệu cho thấy xuất khẩu trong tháng 8 giảm mạnh.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa, Malaysia, lúc đóng cửa giảm 84 ringgit, tương đương 1,9%, ở mức 4.363 ringgit (1.029,98 USD)/tấn, sau khi tăng 1,9% trong giao dịch trong ngày. Mức giá này đã lùi khá xa so với mức cao kỷ lục hồi tuần trước.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua sau khi khi nhiều dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động kinh tế ở một số quốc gia hồi phục gần đây, ngay cả khi biến thể Delta lan nhanh khắp thế giới.
ợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Osaka Exchange kết thúc phiên tăng 3,1 yên, tương đương 1,4%, lên 224 yên/kg; cao su giao cùng kỳ hạn trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 1% lên 14,915 CNY/tấn.