Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh sau vụ cháy đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ, làm gia tăng lo ngại về triển vọng nguồn cung trong ngắn hạn trong bối cảnh thị trường vốn đã mất cân đối cung – cầu.
Kết thúc phiên 19/1, dầu thô Brent tăng 93 US cent tương đương 1,1% lên 88,44 USD/thùng, trong phiên có lúc giá đạt 89,13 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 13/10/2014. Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này cũng tăng 1,53 USD lên 86,96 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 9/10/2014.
Đường ống Kirkuk-Ceyhan chở dầu thô từ miền Bắc Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ xuất khẩu đã vận hành trở lại. Trước đó, đã xảy ra vụ nổ gây ra đám cháy trên đường ống ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ là do sự cố từ cột điện, không phải một vụ tấn công. Vụ việc diễn ra giữa bối cảnh các quan ngại về nguồn cung đã gia tăng trong tuần này, sau khi lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen thông báo đã tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các sân bay và nhà máy lọc dầu ở và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.
Bên cạnh đó, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine trong thời gian gần đây cũng khiến giới quan sát lo ngại về triển vọng nguồn cung năng lượng.
Một loạt sự kiện bất lợi liên quan đến nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn đang làm tăng triển vọng nguồn cung nhiên liệu bị gián đoạn, vào thời điểm OPEC và các nước liên minh (còn gọi là OPEC+) đang chật vật để đáp ứng mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày của họ.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết mặc dù ngưỡng 90 USD/thùng có thể kích hoạt một số hoạt động chốt lời và giảm giá nhẹ, nhưng điều này cũng cho thấy giá dầu thực tế có thể sớm chạm ngưỡng 100 USD/thùng.
Các quan chức OPEC và các nhà phân tích nói rằng đợt phục hồi của giá dầu có thể tiếp tục trong vài tháng tới. Khi đó, giá có thể lên tới 100 USD/thùng do nhu cầu tăng bất chấp sự lan rộng của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào tình trạng dư cung trong quý đầu tiên của năm nay, do một số nhà sản xuất dự kiến bơm bằng hoặc vượt mức cao nhất từ trước tới nay của họ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1%, do đồng USD giảm và căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine, khiến vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay tăng 1,5% lên 1.840,91 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2/2022 tăng 1,7% lên 1.843,2 USD/ounce.
Đồng USD giảm khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao nhất 2 năm cũng thúc đẩy nhu cầu mua vàng.
Ngoài ra, giá vàng còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị xung quanh Ukraine và Trung Đông.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Ed Moya của công ty môi giới OANDA cho biết lợi suất giảm dẫn đến sự bứt phá về kỹ thuật đối với vàng, nhưng kim loại quý này vẫn có thể giao dịch trong biên độ từ 1.800-1.840 USD/ounce cho đến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm nhất vào tháng Ba đã ảnh hưởng xấu đến vàng miếng trong năm nay vì lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Về những kim loại quý khác, giá bạc kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên tăng 73,9 US cent (3,15%) lên 24,231 USD/ounce; bạch kim giao tháng 4/2022 tăng 48,9 USD (4,99%) lên 1.028,4 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá nickel tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 do thiếu hụt nguồn cung.
Theo đó, giá nickel trên sàn London tăng 5% lên 23.170 USD/tấn, sau khi đạt 23.220 USD/tấn trong phiên. Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021. Tính từ đầu năm đến nay, giá nickel tăng 11% sau khi tăng 25% trong năm 2021 và 18% năm 2020.
Lượng nickel lưu kho ở London giảm xuống 94.830 tấn từ mức hơn 260.000 tấn trong tháng 4/2021. Đồng thời, tồn trữ nickel tại Thượng Hải chạm 4.711 tấn – gần mức thấp kỷ lục.
Giá nhôm trên sàn London tăng 0,7% lên 3.046,5 USD/tấn, sau khi đạt 3.053 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 21/10/2021. Tính từ đầu năm đến nay, giá nhôm tăng 8% sau khi tăng 42% năm 2021.
Giá thiếc trên sàn London tăng 1,5% lên 42.925 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 43.000 USD/tấn. Tính từ đầu năm đến nay, giá thiếc tăng 10% sau khi tăng 92% năm 2021.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt tại Đại Liên tăng hơn 4% sau 3 phiên giảm liên tiếp, sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra các chính sách kích thích bổ sung để ổn định nền kinh tế. Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Đại Liên tăng 4,3% lên 735 CNY (115,79 USD)/tấn, trước đó trong phiên đạt 741,5 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 13/1/2022; quặng sắt kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Singapore tăng 2,6% lên 130,3 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 3%, thép cuộn cán nóng tăng 2,9%, trong đầu phiên giao dịch tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2021. Giá thép không gỉ giảm 0,6% sau 2 phiên tăng liên tiếp.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Chicago tăng 3,6% lên mức cao nhất hơn 3 tuần, khi các thương nhân chuyển tập trung sang thời tiết khô hạn và lạnh tại các khu vực sản xuất trọng điểm của Trung Tây và nam Plains. Tại sàn Chicago, giá lúa mì đỏ, mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 27-1/2 US cent lên 7,96-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 28/12/2021; ngô kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 11 US cent lên 6,1-1/2 USD/bushel; trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 30 US cent lên 13,91-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô tăng hơn 2% lên mức cao nhất 2,5 tuần, do giá dầu thô tăng bởi sự cố đường ống dẫn dầu từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ và căng thẳng địa chính trị tại Nga và UAE. Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,41 US cent tương đương 2,2% lên 19,07 US cent/lb, trước đó trong phiên đạt 19,15 US cent/lb – cao nhất kể từ cuối tháng 12/2021.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London phiên này cũng tăng 1 USD tương đương 0,2% lên 510,1 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 4,85 US cent tương đương 2% lên 2,4445 USD/lb, trước đó trong phiên đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/12/2021 (2,45 USD/lb); cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London tăng 30 USD tương đương 1,4% lên 2.225 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất gần 2 tháng, do dự kiến giá dầu tăng có thể thúc đẩy nhu cầu cao su tự nhiên tăng cao, cùng với đó là thị trường cao su Thượng Hải tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Osaka tăng 7,8 JPY tương đương 1,4% lên 250 JPY (2,19 USD)/kg. Trong đầu phiên giao dịch, giá cao su đạt 253,1 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 26/11/2021; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 30 CNY tương đương 0,2% lên 14.900 CNY (2.346,6 USD)/tấn.