Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, sự lây lan virus biến thể Delta ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đang khiến đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Số ca tử vong do Covid-19 đã tăng đột biến ở Mỹ trong tháng qua.
Đồng USD đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt do biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 18/8 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang xem xét giảm bớt các biện pháp kích thích trong năm nay. Đồng đô la mạnh khiến những hàng hóa quy đổi ra USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác.
Thống kê trước đó cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng vào tuần trước. Số liệu này đã giúp củng cố quan điểm gần đây của các quan chức Fed về đà phục hồi của thị trường lao động.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm 6 phiên liên tiếp xuống dưới 66 USD/thùng, mức thấp chưa từng có kể từ tháng 5/2021 do lo ngại nhu cầu chậm lại do virus biến thể Delta làm số ca nhiễm Covivid-19 không ngừng gia tăng, đồng USD mạnh lên và tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 1,78 USD, tương đương 2,6%, xuống 66,45 USD/thùng, trong phiên có lúc giá xuống dưới 65,75 USD, mức thấp nhất kể từ 21/5; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,71 USD hay 2,6%, xuống 63,50 USD, sau khi có lúc xuống chỉ 62,41 USD, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 21/5. Cả 2 loại dầu đều có 6 phiên lao dốc liên tiếp – chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 2/2020. Khối lượng giao dịch dầu Brent lên tới trên 330.000 hợp đồng, trong khi khối lượng giao dịch dầu WTI là hơn 450.000, cao nhất kể từ ngày 20 tháng 7.
Làn sóng lây nhiễm virus Covid-19 gần đây trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch toàn cầu và đe dọa làm trì trệ hoạt động kinh tế, trong khi các nhà sản xuất dầu lớn đang sẵn sàng gia tăng nguồn cung. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay giá dầu đã mất 15%.
Nhà phân tích thuộc công ty Price Futures Group, Phil Flynn, cho biết: “Có vẻ như có rất nhiều người loại dầu ra khỏi các kế hoạch đầu tư dài hạn”.
Một số quốc gia đã áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế di chuyển và giao thông đường không đã giảm nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng chịu nhiều áp lực khác, như xu hướng giảm các khoản kích thích khổng lồ, cuộc tiếp quản hỗn loạn của Taliban ở Afghanistan nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng di cư khác và những lo lắng về sự lây lan liên tục của virus khiến nhà đầu tư lảng tránh tài sản rủi ro và tìm đến với USD...
Lượng xăng trong các kho dự trữ của Mỹ tuần qua đã thêm 696.000 thùng lên 228,2 triệu thùng, trái ngược so với mức dự đoán của các nhà phân tích là giảm 1,7 triệu thùng, và lượng cung cấp xăng cho thị trường - thước đo nhu cầu - là 9,5 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 1% so với mức của năm 2019.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm do USD mạnh lên. Theo đó, vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.778,65 USD/ounce; trong khi vàng giao sau giảm 0,1% xuống 1.783,1 USD/ounce.
Nỗi lo về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta cũng “phủ mây đen” lên các thị trường tài chính và thúc đẩy giới nhà đầu tư hướng tới tài sản an toàn như vàng. Nhà phân tích Craig Erlam của sàn giao dịch OANDA có trụ sở tại Mỹ cho biết vàng đang được hưởng lợi từ vị thế là nơi trú ẩn an toàn.
Chuyên gia này dự báo giá vàng có tăng lên trên 1.800 USD/ounce trong thời gian tới. Tính đến nay, giá vàng tăng khoảng 6% từ mức thấp nhất trong hơn 4 tháng là 1.684,37 USD/ounce hồi tuần trước.
Thị trường đang hướng sự chú ý vào cuộc họp thường niên từ ngày 26-28/8 của Fed tại Jackson Hole, Wyoming.
Về những kim loại khác, giá bạc phiên này giảm 1,4% xuống 23,15 USD/ounce; bạch kim giảm 2,5% xuống 969,88 USD/ounce, trong khi palladium giảm 4,8% xuống 2.311,19 USD/ounce, chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 là 2.299,57 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm xuống mức thấp nhất hơn 4 tháng do một đợt bán tháo mạnh mẽ sau khi các dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương Mỹ tỏ ý sẽ giảm kích thích kinh tế và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 1,6% xuống 8.901 USD/tấn, trong phiên có lúc giá xuống chỉ 8.740 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 1/4.
Nhà phân tích Tom Price của Liberum cho biết: “Chính phủ Trung Quốc quyết tâm làm chậm tốc độ tăng trưởng – tăng trưởng của nước này đã chậm dần lại kể từ tháng 3 – trong khi virus Covid-19 lây lan nhanh chóng và các quan chức Fed xem xét giảm mua trái phiếu. Những điều này đang làm tổn hại đến thị trường hàng hóa”.
Các kim loại cơ bản khác cũng giảm trong phiên này. Theo đó, giá chì giảm 1,3% xuống 2.259 USD/tấn; thiếc giảm 7,1% xuống 32.855 USD/tấn; nhôm giảm 0,5% xuống 2,543 USD, kẽm giảm 1,2% xuống 2,949 USD và nickel giảm 2,8% xuống 18,360 USD/tấn.
Giá sắt thép giảm mạnh trong phiên vừa qua do Trung Quốc mạnh tay siết chặt sản xuất và xuất khẩu thép, tiêu thụ mặt hàng này cũng chậm lại trong khi rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khả năng Mỹ sắp cắt giảm kích thích kinh tế.
Giá quặng sắt tham chiếu (kỳ hạn tháng 1/2022) trên sàn Đại Liên trong phiên vừa qua có lúc mất 8% so với phiên liền trước, kết thúc phiên vẫn giảm 7,2% xuống 763 CNY (117,44 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 5/2/2021, do nhu cầu ảm đạm và dự báo nguồn cung quặng sắt sẽ tăng lên. Như vậy, chỉ trong một phiên, giá quặng sắt đã mất ½ thành quả tăng của cả năm nay.
Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 3,5% xuống 158,5 USD/tấn.
Giá quặng sắt giảm lan sang thị trường thép. Theo đó, giá thép thanh vằn dùng trong xây dựng phiên 19/8 giảm 3,9% xuống 5.017 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 23/6; thép cuộn cán nóng dùng trong lĩnh vực sản xuất giảm 2,9% xuống 5.389 CNY /tấn; thép không gỉ cũng giảm 3,6% xuống 17.625 CNY /tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ giảm khoảng 2,5% trong phiên vừa qua do ảnh hưởng từ sự giảm giá của các mặt hàng dầu thô và kim loại bởi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.
Áp lực giảm giá ngũ cốc cũng xuất phát từ các dự báo về mưa ở các khu vực phía tây bắc của vùng Trung Tây nước Mỹ, có thể giúp cải thiện triển vọng sản lượng, đặc biệt là đối với đậu tương.
Lúa mì cũng giảm theo giá ngô và đậu tương, lùi xa khỏi mức giá tăng cao hồi tuần trước.
Đồng mạnh lên càng gây áp lực giảm giá các nông sản này, bởi làm cho ngũ cốc Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 14-1/4 cent xuống 5,50-3/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 33-1/4 cent xuống 13,20 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 12 giảm 8-1/2 cent xuống 7,42-3/4 USD/bushel.
Giá đường giảm trong phiên vừa qua do nhà đầu tư bán tháo hàng hóa trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu yếu kém và gia tăng lo ngại về số ca nhiễm Covid-19.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,38%, tương đương 1,9%, xuống 19,79 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 10 USD, tương đương 2,0%, xuống 494,50 USD/tấn.
Giá dầu giảm mạnh là một yếu tố quan trọng tác động giảm giá đường, bởi mía ngoài việc được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất đường còn dùng sản xuất ethanol – nhiên liệu sinh học.
Giá cà phê giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu chậm lại. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 trên sàn New York phiên này giảm 1,55%, tương đương 0,8%, xuống 1,813 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 11 trên sàn London cũng giảm 11 USD, tương đương 0,7%, xuống 1.863 USD/tấn.
"Môi trường vĩ mô là một luồng gió ngược tác động tiêu cực tới các hợp đồng cà phê kỳ hạn tương lai, trong bối cảnh biên bản cuộc họp của Fed vừa công bố cho thấy thái độ “diều hâu” rằng 'có thể sắp đến thời điểm thích hợp để bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản trong năm nay'", Peak Research cho biết.
Thị trường cà phê Châu Á đang trong không khí giao dịch trầm lắng do thị trường cà phêViệt Nam bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung, trong khi cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Indonesia cản trở hoạt động giao dịch ở nước này.
Giá cà phê nhân xô Việt Nam được chào bán ở mức 36.500-38.000 đồng (1,60- 1,67 đô la)/kg, so với mức 37.000-39.000 đồng cách đây một tuần. Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá trừ lùi 160 USD/tấn so với giá tham chiếu ở London, so với mức trừ lùi 150 - 160 USD cách đây một tuần. Cà phê robusta Sumatra của Indonesia giá trừ lùi USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 ở London.
Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản giảm sau khi hãng sản xuất ô tô Toyota thông báo kế hoạch giảm sản lượng ở các cơ sở trên toàn cầu do sự thiếu hụt chip nghiêm trọng.
Kết thúc phiên, cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Osaka giảm 3,5 yên xuống 224,8 yên/kg.
Toyota cho biết sẽ giảm sản lượng trên phạm vi toàn cầu trong tháng 9 tới, với mức giảm 40% so với kế hoạch trước đó.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1 giảm 2,7% xuống 14.490 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg