Biến thể lần đầu tiên được phát hiện vào tháng trước cho đến nay đã được báo cáo xuất hiện ở ít nhất 89 quốc gia, mặc dù mức độ nghiêm trọng của bệnh tật mà chủng này gây ra vẫn chưa rõ ràng. Hà Lan đã áp đặt các hạn chế để làm chậm sự lây lan của loại virus này, Đức cũng đang xem xét các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus, gây lo ngại rằng các quốc gia khác sẽ làm theo và kìm hãm hoạt động kinh tế.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh khi số ca nhiễm virus biến thể Omcron ở Châu Âu và Mỹ tăng nhanh gây lo ngại rằng những hạn chế bổ sung để chống lại làn sóng lây lan này có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Kết thúc phiên, dầu Brent giảm 2 USD, tương đương 2,7% xuống 71,52 USD/thùng, trong phiên có lúc giá giảm xuống chỉ 69,28 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đóng cửa phiên cũng giảm 2,63 USD, tương đương 3,7% xuống 68,23 USD/thùng, trong phiên có lúc chỉ 66,04 USD/thùng, đều là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12.
Andrew Lipow của Lipow Oil Associates ở Houston cho biết: “Đây là một phản ứng liên hoàn khi số ca nhiễm virus gia tăng và nỗi lo sợ về những đợt phong tỏa có thể diễn ra khắp nơi khi dịch bệnh bùng phát trở lại”.
Hà Lan đã ngừng hoạt mọi động vào Chủ nhật (20/12) và có khả năng một số quốc gia Châu Âu sẽ áp thêm các hạn chế mới chống COVID-19 trước kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới.
Các quan chức y tế Mỹ hôm Chủ nhật cũng kêu gọi người Mỹ đi tiêm mũi tăng cường chống phòng tăng cường COVID-19, đeo khẩu trang và cẩn thận nếu đi du lịch trong kỳ nghỉ đông, trong hoàn cảnh biến thể Omicron đang hoành hành trên toàn thế giới và trở thành chủng vi khuẩn thống trị ở Mỹ.
Giá dầu giảm bất chấp việc hãng dược phẩm Moderna Inc thông báo hôm thứ Hai rằng một liều vắc-xin COVID-19 tăng cường của hãng có khả năng bảo vệ chống lại Omicron trong thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+ tuân thủ cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 117% trong tháng 11/2021, tăng 1 điểm phần trăm so với tháng trước đó do sản lượng tiếp tục giảm so với các mục tiêu đã thống nhất.
Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ hai liên tiếp. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (Mỹ) ngày 17/12 cho biết số lượng giàn khoan dầu và khí đốt, một chỉ dấu về sản lượng dầu trong tương lai, đã tăng khoảng 3 giàn lên 579 giàn trong tuần kết thúc ngày 17/12, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng giảm khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá tác động của tình trạng số ca nhiễm virus Omicron tăng cao và mức độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với lạm phát – hiện đang tăng vọt.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0, 2% xuống 1.793,33 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2/2022 giảm 0,6% xuống 1.794,60 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán toàn cầu thoái lui do lo lắng về tác động của việc thắt chặt những hạn chế chống COVID-19, nhưng dòng tiền chảy vào tài sản trú ẩn an toàn là vàng dường như đã trở nên đình trệ. Giá vàng không được hỗ trợ đáng kể mặc dù đồng USD yếu đi trong phiên này.
Điều này trái ngược với ngày thứ Sáu (17/12), khi những lo lắng do Omicron dẫn đầu đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/11.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA cho biết: “Vàng đã có một đợt phục hồi nhẹ và bây giờ chúng ta đang bước vào giai đoạn nghỉ lễ khi không còn sự tham gia đầy đủ của các nhà giao dịch nữa và bạn có thể sẽ thấy sự thèm muốn tài sản rủi ro giảm đi - ít có ích cho vàng”.
Theo ông Moya, tình trạng hiện tại có thể sẽ kéo dài đến cuối năm trước khi giá hồi phục về mức quan trọng 1.800 USD vào tháng tới, hoặc lâu hơn nữa khi chủ đề virus Omicron lại chiếm sóng thị trường.
Trong thời gian tới, giá vàng sẽ gặp nhiều bất lợi khi ngân hàng trung ương nhiều nước bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Dù vàng được xem là một biện pháp phòng trừ rủi ro trước lạm phát gia tăng và những thời kỳ bất ổn, nhưng việc nâng lãi suất sẽ làm tăng cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế do Omicron có thể dẫn đến việc ngân hàng trung ương sẽ có thái độ ôn hòa hơn vào năm 2022, giúp ích cho vàng.
Công ty TD Securities cho biết: “Chúng tôi vẫn có thể thấy mức tăng khiêm tốn đối với kim loại quý khi bảng định vị cho thấy kim loại này có thể phản ứng nhanh hơn với bất kỳ nghi ngờ nào bắt đầu nảy sinh xung quanh khả năng Fed đưa ra lập trường quan điểm ‘diều hâu’”.
Những lo lắng về tác động kinh tế của việc hạn chế COVID-19 dường như cũng ảnh hưởng đến các các kim loại khác. Theo đó, giá Palladium giảm 2% xuống 1.746,85 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,1% lên 930,50 USD/ounce và bạc giảm 0,3% xuống 22,28 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản hầu hết giảm do lo ngại virus biến thể Omicron có thể cản trở đà hồi phục kinh tế toàn cầu.
Daria Efanova, nhà phân tích nghiên cứu thuộc Sucden Financial cho biết: “Tâm lý đầu tư ngày càng yếu đi, chủ yếu do sự lan rộng của Omicron”. Trong khi đó, Nhà phân tích Wenyu Yao của ING cho biết việc phong tỏa thêm nữa có thể làm tổn hại đến nhu cầu kim loại.
Kết thúc phiên này, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 2% xuống còn 2.670 USD với thanh khoản giảm dần khi cuối năm đến gần.
Sản lượng nhôm sơ cấp trên toàn cầu trong tháng 11 giảm 0,22% so với cùng kỳ xuống còn 5,497 triệu tấn, dữ liệu từ Viện Nhôm Quốc tế cho biết.
Nhập khẩu nhôm của Trung Quốc năm nay đạt mức cao kỷ lục do những hạn chế trong việc cung ứng điện tai các nhà máy luyện nhôm trong nước khiến lượng nhập khẩu gia tăng.
Giá đồng phiên này tăng nhẹ 0,2% lên 9.460 USD/tấn. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường đồng thiếu hụt 161.000 tấn, giảm so với mức thiếu hụt 239.000 tấn cùng kỳ năm trước.
Về các kim loại cơ bản khác, giá kẽm phiên này giảm 1,2% xuống 3,347 USD, chì giảm 0,2% xuống 2,303 USD, thiếc giảm 0,6% xuống 38,195 USD, trong khi nickel giảm 1,5% xuống 19,350 USD.
Giá quặng sắt trên cả sàn Đại Liên (Trung Quốc) và Singapore đều tăng phiên thứ 3 liên tiếp do tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu nguyên liệu thép sau khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới – Trung Quốc – trở lại tăng sản lượng trong tháng này.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn Singapore phiên này tăng 6,7% lên 127,95 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 12/10; quặng sắt kỳ hạn tháng 5 Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên trong phiên có lúc cũng tăng 0,7% lên 687,50 CNY (107,80 USD)/tấn, nhưng quay đầu giảm về cuối phiên.
Giá thép phiên này cũng tăng. Trên sàn Thượng Hải, thép thanh vằn tăng 0,6%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4% và thép không gỉ tăng 0,3%.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc giảm do các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sự bùng phát trở lại số ca nhiễm virus Omircon.
Giá lúa mì Mỹ và lúa mì Châu Âu đều mất giá khoảng 1,5%, theo đó lúa mì Mỹ giao dịch trên sàn Chicago phiên này giảm 1,5% xuống 7,63-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì Châu Âu giao dịch trên sàn Euronext (kỳ hạn tháng 3) giảm 1,4% xuống 274,50 euro (309,39 USD)/tấn.
Giá ngô và đậu tương phiên này cũng giảm khỏi mức cao nhất nhiều tháng đạt được trong phiên liền trước, mặc dù mức độ giảm được hạn chế bởi nguy cơ thời tiết ở Nam Mỹ chuyển xấu.
Giá ngô trên sàn Chicago giảm 0,6% xuống 5,89-1/2 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất 5-1/2 tháng vào thứ Sáu (17/12). Giá đậu tương cũng giảm 0,2% xuống 12,83-1/4 USD/bushel, sau khi đạt mức cao nhất ba tháng trong phiên trước đó.
Giá đường phiên này cũng giảm, với thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,52 cent, tương đương 2,7%, xuống 18,59 cent/lb vào lúc đóng cửa phiên giao dịch, sau khi có thời điểm giảm xuống 18,52 cent - mức thấp nhất kể từ ngày 2/12; đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 10,20 USD, tương đương 2,0% xuống 487,80 USD/tấn.
Tuy nhiên, đà giảm của giá đường được hạn chế bởi giá hiện tại không khuyến khích xuất khẩu đường từ Ấn Độ nhưng lại khích lệ Trung Quốc nhập khẩu vào. Trung Quốc nhập khẩu 630.000 tấn đường trong tháng 11, giảm 11,2% so với cùng tháng năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Giá cà phê cũng giảm. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 10,65 US cent, tương đương 4,5% xuống 2,241 USD/lb khi thị trường tiếp tục thoái lui từ mức cao kỷ lục 10 năm đạt được hôm 7/12 (2,5235 USD); cà phê robusta phiên này cũng giảm 25 USD, tương đương 1,1% xuống 2.308 USD/tấn.
Các quỹ đã thu hẹp các vị thế mua vào trong mấy ngày qua do nhu cầu đối với tài sản rủi ro giảm vì lo ngại gia tăng về virus Omicron. Một số nhà phân tích cho biết dường như mọi người đang chốt lời mọi thứ.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm khi số ca nhiễm virus Omicron tăng mạnh buộc Châu Âu phải gia tăng các biện pháp kiểm soát sự lây lan và làm tăng thêm lo ngại về sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Sản lượng ô tô chậm lại trong bối cảnh dây chuyền cung ứng bị thắt chặt càng gây thêm áp lực giảm giá.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Osaka giảm 6,9 yên, tương đương 3,0%, xuống 226,7 yên (2,0 USD)/kg. Cao su kỳ hạn tháng 5 trên Sàn Thượng Hải cũng giảm 550 CNY xuống 14.210 CNY (2.229 USD)/tấn. Cao su kỳ hạn giao sau 1 tháng trên sàn Singapore cũng giảm 2% xuống 16,7 US cent/kg.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg