Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng lúc kết thúc phiên sau những giờ giao dịch đầy biến động.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent tăng 80 US cent, tương đương 1,2%, lên 69,67 USD/thùng, trong phiên có lúc giá chạm mức thấp 65,72 USD, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 93 cent, tương đương 1,4%, lên 66,50 USD, sau khi có lúc giảm xuống mức 62,43 USD. Biên độ dao động giá trong ngày là 5 USD, sau khi OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường khi bám sát kế hoạch tiếp tục tăng dần sản lượng.
Các nhà giao dịch đã tăng cường bán tháo sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt sự kiện khiến giá dầu mất tới 24% trong ba tuần qua.
Mặc dù giá đã lấy lại đà phục hồi vào cuối phiên, song sự thiếu chắc chắn liên quan đến biến thể Omicron, chính sách hạn chế của các chính phủ nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 mới và những dự đoán về tình trạng dư cung vẫn khiến các nhà giao dịch giữ tâm lý thận trọng.
Rebecca Babin, nhà giao dịch tại công ty tư vấn tài chính CIBC Private Wealth US, có trụ sở tại Mỹ, nhận định thị trường đang phải "tiếp nhận nhiều thông tin".
Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng biến thể mới Omicron có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, cơ quan y tế của Liên minh châu Âu dự báo biến thể này có thể là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca mắc COVID-19 tại châu Âu trong vòng vài tháng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 1%, khi các nhà đầu tư chú ý đến những tín hiệu về sự điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Mỹ nhằm kiểm soát lạm phát.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay kết thúc phiên 2/12 giảm 1,1% xuống 1.764,00 USD/ounce, trong phiên có lúc gí chạm mức thấp nhất trong vòng một tháng; vàng kỳ hạn tháng 12 cũng giảm 1,2% xuống 1.762,70 USD.
Các nhà đầu tư nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ chuyển hướng sang thắt chặt với tốc độ nhanh chóng để kiềm chế giá tiêu dùng tăng mạnh kéo dài.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết: “Sự thay đổi chính sách của Fed và ám chỉ rằng những lo ngại về lạm phát giảm dần sẽ cản trở giá vàng tăng”. Ông cho rằng giá dầu thô giảm có thể cũng cho thấy áp lực lạm phát đang dịu lại.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 1/12 cho biết ngân hàng trung ương này cần sẵn sàng ứng phó với khả năng lạm phát có thể không giảm trong nửa cuối năm tới, như dự báo của hầu hết giới quan sát hiện đang. Trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Powell nhắc lại rằng ông và các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét việc đẩy nhanh hơn nữa thu hẹp chương trình mua trái phiếu của Fed tại cuộc họp sắp tới. Đây vốn được coi là một động thái mở đầu cho quá trình tăng lãi suất của Fed.
Nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới CMC Markets (Anh), Michael Hewson, cho biết triển vọng Fed thu hẹp chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến có thể giới hạn đà tăng của vàng và thúc đẩy đà tăng cho đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này ổn định ở mức 22,31 USD/ounce, bạch kim tăng 0,3% lên 936,00 USD, trong khi palladium tăng 1,8% lên 1.778,68 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng biến động liên tục trong bối cảnh virus Omicron lan rộng và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên tăng 0,5% lên 9.490,50 USD/tấn. vào lúc 1705 GMT nhưng giảm khoảng 4% so với một tuần trước. Thị trường đang chịu tác động bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ tăng làm át đi lo ngại về sự lây lan của virus biến thể Omiron - có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Nhà phân tích Nitesh Shah của WisdomTree cho biết giá đồng từ đầu năm đến nay vẫn tăng hơn 20%, và mặc dù chao đảo trong những ngày qua, song vẫn tăng tốt hơn nhiều so với mặt hàng dầu mỏ - giảm khoảng 15% trong tuần qua.
Nhà sản xuất đồng Chile Codelco dự đoán giá sẽ giảm trong năm tới nhưng các nhà phân tích của Commerzbank cho biết giá đồng sẽ đạt trung bình 9.400 USD/tấn vào năm 2022, còn Bank of America cho biết giá trung bình sẽ là 9.813 USD vào năm 2022.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 2,1% xuống 2.607,50 USD/tấn sau khi dữ liệu cho thấy tồn kho nhôm có bảo hành tại các kho đăng ký cho sàn LME tăng 16% lên 677,225 tấn. Giá kẽm giảm 1,2% xuống 3,163 USD/tấn, nickel tăng 0,1% lên 19,960 USD, chì giảm 2% xuống 2,254,50 USD và thiếc giữ nguyên ở mức 39,100 USD.
Giá quặng sắt phiên này giảm. Trên sàn Đại Liên, quặng kỳ hạn tháng 1 giảm 3,5% xuống 601 nhân dân tệ/tấn, trong khi quặng sắt hàm lượng 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc ở mức 105,5 USD/tấn.
Các công ty khai thác quặng của Brazil đã xuất khẩu 28,99 triệu tấn quặng sắt trong tháng 11, giảm so với 29,15 triệu tấn cùng tháng một năm trước đó.
Giá thép tại Trung Quốc tăng mạnh trong phiên vừa qua do nhu cầu dự kiến sẽ hồi phục trở lại sau mùa tiêu thụ chậm.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải phiên này tăng 1,3% lên 4.288 nhân dân tệ (679,53 USD)/tấn, kéo dài chuỗi tăng sang ngày thứ tư liên tiếp. Giá thép cuộn cán nóng cũng tăng phiên thứ ba liên tiếp và kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 4.703 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì kỳ tăng cả trên sàn Mỹ và Châu Âu sau khi có một loạt các cuộc đấu thầu nhập khẩu và lo ngại mưa ở Australia có thể ảnh hưởng đến vụ thu hoạch của nước này, làm át đi những lo ngại về sự lây lan của virux biến thể Omicron – có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.
Kết thúc phiên này, lúa mì Mỹ giao dịch trên sàn Chicago tăng 24-1/2 US cent lên 8,15 USD/bushel.
Thị trường lúa mì toàn cầu đang lo ngại về tình trạng dự trữ lúa mì – loại xay xát – bị thắt chặt, sau khi nhà cung cấp hàng đầu thế giới là Nga xem xét bổ sung các hạn chế dối với xuất khẩu mặt hàng này, và nguồn cung từ Australia – được kỳ vọng sẽ thay thế nguồn cung từ Nga – trở nên không chắc chắn vì bất chợt bị ảnh hưởng bởi lớn.
Giá đậu tương và ngô cũng tăng theo xu hướng lúa mì, với đậu tương tăng 16 cent lên 12,44-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 5-1/4 US cent lên 5,76-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trước khi hồi phục vào cuối phiên trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng virus biến thể mới có thể ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế trên toàn cầu.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên này tăng 0,2% so với cuối phiên trước, lên 18,62 cent/lb, nhưng trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 8, là 18,46 cent; đường trắng giao tháng 3 đóng cửa phiên giao dịch cũng tăng 0,1% lên 484,70 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 2-1/2 tháng, là 482,50 USD.
Các nhà máy đường của Ấn Độ đã sản xuất 4,72 triệu tấn đường trong tháng 10 và tháng 11, tăng gần 10% so với một năm trước. Brazil đã xuất khẩu 2,67 triệu tấn đường trong tháng 11, so với 2,9 triệu tấn cùng tháng năm ngoái.
Gía cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 1,4% ở mức 2,3660 USD/lb. Nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil chỉ xuất khẩu 175.104 tấn cà phê nhân trong tháng 11, so với 275.841 tấn một năm trước đó; cà phê robusta giao tháng 1 tăng 0,9% lên 2.335 USD/tấn.
Tập đoàn cà phê hàng đầu của Brazil Cooxupe cắt giảm ước tính về xuất khẩu từ nước này do tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển.
Giá robusta và arabica vẫn được hỗ trợ tốt bởi tình trạng khan hiếm container và giá cước vận chuyển cao kỷ lục khiến người tiêu dùng đổ xô vào kho để tìm nguồn cung. Trong khi đó, mưa lớn đã gây lũ lụt và sạt lở đất tại nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu Việt Nam. Các thị trấn ven biển Phú Yên, Bình Định và tỉnh trồng cà phê chính của Việt Nam, Đắk Lắk bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Giá cao su châu Á đồng loạt giảm do lo ngại virus biến thể Omicron có thể làm chậm lại đà hồi phục kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu đối với nguyên liệu này.
Kết thúc phiên 2/11, giá cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn Osaka giảm 2,3 yên, tương đương 0,9%, xuống 243,6 yên (2,2 USD)/kg. Trên sàn Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 1 ở mức 173 US cent/kg, giảm 3,3%. Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao cùng kỳ hạn cũng giảm 350 nhân dân tệ xuống 14.745 nhân dân tệ (2.313 USD)/tấn.