Chỉ số đồng USD giảm 0,4% sau khi đạt mức cao nhất hơn 9 tháng trong phiên trước đó. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng sau khi có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2021 trong tuần trước đó.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 23/8, sau khi giảm đáng kể trong 7 phiên trước đó do những lo ngại về nhu cầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2021 tăng 3,5 USD, hay 5,6%, lên 65,64 USD/thùng; dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 3,57 USD, hay 5,5%, lên 68,75 USD/thùng. Đây là phiên tăng đầu tiên sau 7 phiên liên tiếp giảm. Tuần trước, cả hai loại dầu đều có tuần giảm mạnh nhất hơn 9 tháng, với dầu Brent giảm 8% và dầu WTI giảm 9%.
Theo nhà phân tích về năng lượng tại Commerzbank Research, Carsten Fritsch, dầu Brent và WTI bước vào tuần giao dịch mới với mức tăng đáng kể, sau khi giảm tương ứng 7,7% và 8,9% trong tuần trước, các mức giảm theo tuần mạnh nhất trong gần 10 tháng.
Ông Fritsch cho rằng giá dầu giảm quá mạnh như vậy chủ yếu là do yếu tố tâm lý của các nhà giao dịch hơn là vì các số liệu cơ bản xấu đi.
Nhà phân tích này nhận định những tuần sắp tới sẽ cho thấy liệu các biện pháp hạn chế đi lại mà một số nước châu Á-Thái Bình Dương thực hiện có thực sự tác động đến nhu cầu như những gì diễn ra trong tuần trước hay không.

Giá than phiên này cũng tăng mạnh. Theo đó, giá than cốc và than luyện cốc tại Trung Quốc tăng 8% lên mức cao kỷ lục, khi thị trường đồn đoán về việc ngừng nhập khẩu than đá của Mông Cổ vì Covid-19, làm dấy lên mối lo ngại nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép thắt chặt. Trên sàn Đại Liên, giá than luyện cốc và than cốc kỳ hạn tháng 1/2022 tăng lên 2.421 CNY (373,01 USD)/tấn và 3.053,5 CNY/tấn theo thứ tự lần lượt.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce do đồng USD yếu khiến giới đầu tư chuyển hướng sang vàng, giữa bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.803,29 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 5/8 là 1.806,23 USD/ounce; vàng giao sau tăng 1,3% lên 1.806,30 USD/ounce.
Chiến lược gia cấp cao chuyên nghiên cứu về thị trường của tổ chức môi giới RJO Futures (Mỹ), Bob Haberkorn, cho rằng cổ phiếu tăng, đồng USD yếu đi và tất cả được thúc đẩy vào thời điểm hiện nay trước khả năng Fed có thể hoãn rút lại các biện pháp giảm bớt hỗ trợ nền kinh tế do biến thể Delta lây lan mạnh.
Số ca lây nhiễm COVID-19 tăng đột biến khiến Fed phải lên kế hoạch cho hội nghị chuyên đề thường niên vào ngày 27/8 tới tại Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ) theo hình thức trực tuyến. Giới đầu tư tập trung vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell để có manh mối về lịch trình giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế Mỹ.
Chuyên gia Haberkorn cho rằng các nhà giao dịch cân nhắc kỳ vọng Fed không thể sớm rút lại các chính sách hỗ trợ kinh tế, và “điều này dẫn đến xu hướng tăng giá đối với vàng và bạc”.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 2,5% lên 23,59 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 2,4% lên 1.019,44 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và nền kinh tế toàn cầu ít cacbon đã thúc đẩy nhu cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,7% lên 9.278 USD/tấn, sau khi tăng 1,6% trong phiên trước đó. Giá đồng đã tăng lên hơn gấp đôi kể từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2021 và đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, lo ngại chính sách Mỹ thắt chặt và các trường hợp nhiễm virus corona tăng do biến thể Delta có khả năng lây truyền cao, đã ảnh hưởng đến kim loại cơ bản trong đó đồng chạm mức thấp nhất hơn 4 tháng trong tuần trước.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 1,1% xuống 757 CNY/tấn – thấp nhất 7,5 tháng, do việc kiểm soát sản lượng thép Trung Quốc và các hạn chế Covid-19 gây áp lực thị trường; quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Singapore giảm 1,5% xuống 136,6 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 1,6%, thép cuộn cán nóng tăng 1,4% và thép không gỉ tăng 0,7%.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng từ mức thấp nhất 2 tháng trong tuần trước, do thị trường dầu thô hồi phục và giá dầu đậu tương tăng hơn 3%.
Tại sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 1-1/2 US cent xuống 5,35-1/2 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất 6 tuần trong phiên. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 2 US cent lên 12,92-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 5-1/2 US cent lên 7,19-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn ICE duy trì ổn định ở mức 19,58 US cent/lb, trong khi tuần trước giá đường thô kỳ hạn tháng 9/2021 tăng lên 20,37 US cent – cao nhất kể từ tháng 2/2017; đường trắng kỳ hạn tháng 10/2021 trên sàn London giảm 4,4 USD tương đương 0,9% xuống 479,1 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE tăng 0,35 US cent tương đương 0,2% lên 1,8185 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London tăng 30 USD tương đương 1,6% lên 1.912 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, do các nhà đầu tư mua vào kiếm lời sau khi giá giảm mạnh, song mối lo ngại về nhu cầu tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – chậm lại đã hạn chế đà tăng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Osaka tăng 0,6 JPY tương đương 0,3% lên 216,1 JPY (2 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/7/2021 (211,4 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch.
Trong tuần trước, giá cao su giảm 3,2% - tuần giảm đầu tiên trong 4 tuần.
Số liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng chậm lại trong mấy tháng gần đây, do dịch Covid-19 mới bùng phát và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm 80 CNY tương đương 0,6% xuống 14.265 CNY (2.198 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
gia hang hoa the gioi

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg