Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 2% do lo ngại nguồn cung có thể trở nên khan hiếm nêu xảy ra xung đột giữa Ukraina – Nga, trong bối cảnh thiếu thốn về cơ sở hạ tầng khiến OPEC+ chật vật để đạt được mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày như thỏa thuận.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 1,93 USD hay 2,2% lên 88,2 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 2,29 USD hay 2,8% lên 85,6 USD/thùng.
Giá dầu tăng bất chấp sự sụt giảm trên các thị trường chứng khoán và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra trong hai ngày 25-26/1.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới ngoại hối OANDA (Mỹ) cho biết những rủi ro địa chính trị khiến giá dầu thô tăng cao hơn, khi thị trường dầu eo hẹp, vốn đang phải đối mặt với tình trạng dự trữ dầu thấp, có thể dễ bị thiếu hụt trong vài tháng tới.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang đàm phán với các nước và công ty sản xuất năng lượng lớn trên thế giới về khả năng chuyển hướng cung cấp sang châu Âu nếu Nga tấn công Ukraine. Nga cho biết nước này đang theo dõi một cách hết sức quan ngại sau khi Mỹ đưa 8.500 binh sĩ vào tình trạng báo động để sẵn sàng triển khai tới châu Âu trong trường hợp cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.
Trong khi đó, tại Iran, Ngoại trưởng Anh Liz Truss ngày 25/1 cho biết các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc phương Tây đang đi vào bế tắc. Nếu cuộc đàm phán này thành công, các lệnh trừng phạt đối với Iran sẽ được dỡ bỏ và lượng dầu mà Iran cung cấp cho thị trường thế giới sẽ gia tăng.
Lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ ở mức thấp cũng đang hỗ trợ thị trường, trong đó lượng dầu tại kho dự trữ chiến lược Cushing tại Oklahoma, ở mức thấp nhất trong năm kể từ năm 2012.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo lượng hàng tồn kho từ Viện Xăng Dầu Mỹ (API) trong ngày 25/1 và từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày 26/1. Các nhà phân tích dự báo lượng dầu tại các kho dự trữ của Mỹ sẽ giảm 700.000 thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đạt mức cao nhất trong vòng hơn hai tháng do lo ngại căng thẳng địa chính trị về Ukraina và trước cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể đưa ra những manh mối về kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của họ.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.852,03 USD/ounce, sau khi đạt 1.852,65 USD mức cao nhất kể từ ngày 19/11/2021; vàng giao sau tăng 0,6% lên 1.852,5 USD/ounce.
Thị trường vàng dường như không quan tâm tới áp lực từ USD khi đồng tiền này chạm mức đỉnh 2 tuần. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 7 trong 8 phiên vừa qua. Những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine cũng hỗ trợ giá vàng..
Giá kim loại quý này nhận được sự hỗ trợ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vào ngày 25/1, hạ dự báo tăng trưởng năm nay. Các giao dịch vàng trong phiên này tập trung vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với một thông báo và một cuộc họp báo sẽ sau khi thị trường chốt phiên 26/1.
Khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận Conference Board công bố ngày 25/1 cho thấy chỉ số lòng tin tiêu dùng giảm từ 115,2 trong tháng 12/2021 xuống 113,8 trong tháng 1/2022. Mức giảm nhẹ hơn so với dự báo khiến giá vàng chịu sức ép.
Về những kim loại quý khác, giá bạc tăng 9,6 US cent, hay 0,4%, lên 23,896 USD/ounce; trong khi bạch kim tăng 5,2 USD, hay 0,51%, lên 1.025,5 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, hầu hết các kim loại cơ bản tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó. Các thị trường tài chính toàn cầu lo lắng về căng thẳng ngày càng tăng ở Ukraina và trước cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Cổ phiếu toàn cầu có thể có tháng giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch tác động tới thị trường trong tháng 3/2020.
Giá đồng phiên này tăng 0,7% lên 9.796,5 USD/tấn, nhưng kẽm giảm 0,6% xuống 3.575,5 USD/tấn, chì giảm 1% xuống 2.335 USD/tấn và thiếc giảm 2,3% xuống 41.580 USD/tấn.
Giá nickel trên sàn London phiên này giảm 0,3% xuống 22.335 USD/tấn, sau khi giảm 6,8% trong phiên liền trước. Tại Trung Quốc, giá nickel kỳ hạn tháng 3 cũng giảm 8% xuống 163.460 nhân dân tệ (25.823,88 USD)/tấn.
Thị trường nhôm không bị ảnh hưởng bởi tâm lý u ám đè nặng lên thị trường tài chính nên giá tăng do lo lắng về nguồn cung từ Nga vì khủng hoảng Ukraina.
Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,9% lên 3.086 USD/tấn, trái ngược với các kim loại khác đang giảm giá.
Công ty Rusal của Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới và giá đã tăng vọt trong năm 2018 lên mức cao nhất trong 7 năm khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với công ty này.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore tăng sau khi công ty khai thác mỏ Fortescue Metals Group đưa ra lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động tại Australia vì hạn chế do Covid-19 có thể cản trở sản lượng và vận chuyển quặng sắt này.
Các đối thủ lớn hơn là BHP Group và Rio Tinto cũng cảnh báo gián đoạn từ tình trạng thiếu lao động khi Australia đối mặt với sự gia tăng của các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,4% lên 766,6 CNY (121,14 USD)/tấn. Tại Singapore hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 tăng 2,5% lên 136,2 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,2% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6%. Thép không gỉ giảm 6,2% theo xu hướng của nickel, thành phần quan trọng để sản xuất thép này.
Fortescuy, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ 4 thế giới đã công bố lượng hàng xuất trong quý 2 tăng 2%, nhưng chịu áp lực từ nhu cầu cầu lao động và nguồn tài nguyên lớn cũng như những hạn chế trong chuỗi cung ứng vì đại dịch.
Các nhà phân tích cho biết những lo ngại về nguồn cung có thể hỗ trợ quặng sắt phục hồi trong tháng này, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các nỗ lực nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Nhưng hiện tại, lạc quan của các nhà đầu tư có thể bị giảm trước đợt nghỉ Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc từ 31/1 tới 6/2, và hoạt động tại các nhà máy thép dự kiến vẫn bị hạn chế đến hết tháng 2 để cải thiện chất lượng không khí.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Chicago gần mức đỉnh hai tháng do lo sợ Nga tấn công Ukraina khiến các thương nhân lo lắng về khả năng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu này.
Sự gián đoạn dòng ngũ cốc từ khu vực Biển Đen có thể khiến các nhà nhập khẩu tranh giành các lựa chọn thay thế nhu lúa mì của EU và Mỹ đồng thời tiếp tục khiến lạm phát lương thực.
Lúa mì CBOT đóng của tăng 17-1/2 US cent lên 8,18 USD/bushel và trong phiên đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 29/11 là 8,31-1/2 USD; giá ngô giảm 1 US cent xuống 6,2 USD/bushel sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 là 6,31 USD; trong khi giá đậu tương tăng 4-1/4 US cent lên 14,07-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,03 US cent hay 0,2% xuống 18,78 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,5 USD hay 0,1% xuống 504 USD/tấn. Các đại lý cho biết USD mạnh hơn tạo ra một số áp lực giảm giá.
Xuất khẩu đường của Brazil có diễn biến xấu trong tháng 1, với số liệu sơ bộ từ Bộ Thương mại cho thấy khối lượng giảm 31% tính tới tuần thứ 3 của tháng này.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 4,95 US cent hay 2,1% lên 2,379 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 40 USD hay 1,8% lên 2.237 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường này có một số hỗ trợ sau khi giảm mạnh gần đây khi bị bán tháo tổng thể với các mặt hàng nông sản khác do khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các đại lý cũng lưu ý rằng nhu cầu cà phê nhìn chung có khả năng phục hồi và có thể tốt hơn một số mặt hàng khác nếu triển vọng kinh tế trở nên giảm sút hơn. Họ lưu ý rằng triển vọng giá cà phê có thể phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng bất lợi của băng giá và hạn hán năm ngoái đối với vụ mùa sắp tới tại Brazil.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 4 tuần do các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn của Cục dự trữ liên bang, điều này có thể làm chậm kinh tế toàn cầu. Cũng gây áp lực lên tâm lý là chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do lo lắng về tình trạng tại Ukraina, nguy cơ lạm phát và tốc độ tăng lãi suất của Mỹ nhanh hơn dự kiến.
Cụ thể, hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 5 JPY hay 2,1% xuống 233,2JPY (2,1 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/12/2021 tại 233 JPY trong đầu phiên giao dịch này. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 165 CNY hay 1,1% xuống 14.310 CNY (2.261 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch giá đã giảm xuống 14.235 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 27/12/2021.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)