Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 4% xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần do lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu do tình trạng phong tỏa kéo dài tại Thượng Hải và khả năng lãi suất tăng tại Mỹ.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 4,33 USD, hay 4,1%, xuống 102,32 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,53 USD, hay 3,5%, xuống 98,54 USD/thùng.
Đây đều là các mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 11/4, sau khi giá dầu giảm gần 5% trong tuần trước. Kể từ khi tăng lên mức cao nhất từ năm 2008 vào đầu tháng Ba, giá dầu đã giảm khoảng 25%.
Tình trạng phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải đã kéo dài sang tuần thứ 4, với các yêu cầu kiểm tra hàng loạt ở quận lớn nhất của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại rằng thủ đô của Trung Quốc có thể cũng sẽ bị bùng phát dịch tương tự như Thượng Hải. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Một yếu tố nữa góp phần gây áp lực lên giá dầu mỏ là đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm so với rổ các đồng tiền chủ chốt bởi khả năng tăng lãi suất của Mỹ. USD mạnh kiến dầu mỏ đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay giảm 1,7% xuống 1.897,01 USD/ounce, trong khi vàng giao sau giảm gần 2% xuống 1.896 USD/ounce.
Giới phân tích nhận định sự hấp dẫn của các loại tài sản an toàn khác khiến vàng giảm giá trong thời gian gần đây, bởi vàng là loại tài sản không sinh lời. Trong khi đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, trong đó USD đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Thị trường nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Năm và tháng Sáu được củng cố, thậm chí có thể vẫn tăng lãi suất vào tháng Bảy, để kiềm chế lạm phát. Điều này hỗ trợ cho đồng USD mạnh lên.
Về những kim loại quý khác, giá palladium kết thúc phiên giảm 9,6% xuống 2.146,2 USD/ounce, sau khi có lúc giảm gần 13% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/3, là 2.068,82 USD/ounce, do việc phong tỏa Covid-19 của Trung Quốc làm giảm triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu này.
Giá palladium – kim loại được sử dụng để hạn chế khí thải trong chế tạo ô tô, đã giảm gần 40% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục trong đầu tháng 3 do lo ngại về xung đột tại Ukraine có thể làm giảm nguồn cung từ Nga, nhà sản xuất chủ chốt.
Giá bạc phiên này giảm 58,9 US cent (2,43%) xuống mức 23,67 USD/ounce; bạch kim giảm 22,4 USD (2,42%) xuống 905 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản hầu hết giảm do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, và dự đoán Mỹ tăng lãi suất tích cực khiến USD tăng.
Trên sàn giao dịch kim loại London, giá nhôm giảm xuống 3.061 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 4/2, trong khi đồng giảm xuống 9.756,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Giá đồng phiên này cũng giảm 3,3% xuống 9.775 USD/tấn, nhôm giảm 4,8% xuống 3.088 USD/tấn, kẽm giảm 5,7% xuống 4.181 USD/tấn, chì giảm 2,8% xuống 2.322 USD/tấn, thiếc giảm 5,6% xuống 39.810 USD/tấn và nickel giảm 1,5% xuống 32.625 USD/tấn.
Sản lượng công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định ở Trung Quốc yếu hơn so với hai tháng đầu năm nay đã dấy lên lo ngại về nhu cầu kim loại tại quốc gia này. Các khảo sát trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tuần này dự kiến cho thấy hoạt động sụt giảm trong tháng 4.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt Trung Quốc giảm gần 11% xuống mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng do thị trường toàn cầu sụt giảm và lo ngại về nhu cầu thép tại Trung Quốc. Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc cho biết tiêu thụ thép trong quý 1 giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhu cầu dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm.
Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên lúc đóng cửa giảm 10,7% xuống 795 CNY (121,36 USD)/tấn, mức đóng cửa thấp nhất kể từ 23/3; quặng sắt hàm lượng 62% sắt nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 8 USD xuống 143 USD/tấn. Giá thép thanh kỳ hạn tháng 10 tại Thượng Hải giảm 4,7% xuống 4.778 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 4,5% xuống 4.889 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương và dầu đậu tương đều giảm do lo ngại việc Trung Quốc phong tỏa làm giảm nhu cầu từ nước nhập đậu tương hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đậu tương Mỹ kỳ hạn tháng 7 giảm 12-3/4 US cent xuống 16,75-1/4 USD/bushel, thấp hơn mức trung bình 10 ngày; giá dầu đậu tương cũng giảm 0,43 US cent xuống 80,08 US cent/lb.
Triển vọng nhu cầu yếu gây áp lực lên giá lúa mì mềm đỏ vụ đông, nhưng lo ngại thời tiết khô hạn tại đồng bằng miền nam nước Mỹ đang gây thiệt hại cho sự phát triển của cây trồng hỗ trợ lúa mì đỏ cứng vụ đông. Cụ thể, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông lúc đóng cửa giảm 2-3/4 US cent xuống 10,72-1/2 USD/bushel; lúa mì đỏ cứng vụ đông kỳ hạn tháng 7 tăng 5 US cent lên 11,54-1/2 USD/bushel.
Giá ngô phiên này tăng do nhu cầu xuất khẩu mạnh và lo ngại việc trì hoãn gieo trồng tại Midwest của Mỹ. Theo đó, ngô kỳ hạn tháng 7 tăng 9 US cent lên 7,98 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,29 US cent hay 1,5% xuống 18,95 US cent/lb sau khi xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 tại 18,87 US cent; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 9,4 USD hay 1,8% xuống 521,1 USD/tấn.
Đồng real của Brazil suy yếu và giá dầu thô giảm nghĩa là tỷ lệ phân chia giữa đường và ethanol tại Brazil khó có thể thay đổi nhiều so với niên vụ trước, giúp đảm bảo đủ nguồn cung đường. Đà giảm của đường bị hạn chế khi nhà sản xuất nước giải khát Coca-Cola, một nhà tiêu thụ đường lớn, đạt được doanh thu hàng quý nhờ tăng giá và nhu cầu phục hồi.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 lúc đóng cửa giảm 6,45 US cent hay 2,8% xuống 2,207 USD/lb; cà phê robusta cùng kỳ hạn giảm 50 USD hay 2,4% xuống 2.066 USD/tấn, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/3 tại 2.056 USD/tấn.
Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 tuần theo xu hướng chứng khoán Tokyo giảm và thị trường Thượng Hải suy yếu. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 1,9%, giảm mạnh nhất trong hơn 6 tuần.
Cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka lúc đóng cửa giảm 6 JPY xuống 250,3 JPY (1,95 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/3 tại 250 JPY/tấn trong phiên này; cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải giảm 440 CNY xuống 12.665 CNY (1.933,41 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 1/7/2021 tại 12.665 CNY cũng trong phiên này.
Giá hàng hóa thế giới
 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)