Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh, dầu Brent lên sát 80 USD/thùng mặc dù virus biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh. Lý do bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung và ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 34 US cent tương đương 0,4% lên 78,94 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 41 US cent tương đương 0,5% lên 75,98 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều đã giao dịch ở mức cao nhất trong một tháng nhờ đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates LLC tại Galena, Illinois, cho biết thị trường chứng khoán dường như sẽ kết thúc năm ở mức hoặc gần mức cao kỷ lục, và điều này đã giúp đẩy giá trị dầu thô lên cao hơn.
Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết tình trạng gián đoạn sản xuất tại Ecuador, Libya và Nigeria, và dự báo kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ giảm mạnh cũng “tiếp sức” cho thị trường. Ba nhà sản xuất dầu trên đã thông báo hoạt động sản xuất dầu trong tháng này sẽ bị ảnh hưởng do vấn đề bảo trì và đóng cửa mỏ dầu.
Kết quả một cuộc thăm dò sơ bộ của hãng tin Reuters ngày 27/12 cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ có khả năng giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, trong khi lượng dầu trong kho hầu như không thay đổi vào tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đầu tuần này cho biết nước này sẽ không áp đặt bất kỳ biện pháp hạn chế COVID-19 mới nào trước khi kết thúc năm 2021, trong bối cảnh chính phủ đang chờ thêm bằng chứng về việc liệu dịch vụ y tế có thể ứng phó với tỷ lệ ca mắc mới cao hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết giải quyết tình trạng thiếu hụt các xét nghiệm COVID-19 vì biến thể Omicron có nguy cơ gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện và ngăn cản các kế hoạch đi lại.
Tình trạng thiếu hụt nhân viên do biến thể Omicron đã khiến hàng nghìn chuyến bay bị hoãn/hủy trong dịp Lễ Giáng sinh tại Mỹ.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, trong ngày 4/1/2022, để xem liên minh này có quyết định tiếp tục với kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2/2022 hay không.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khỏi mức cao nhất 1 tháng do đồng USD tăng mạnh, bất chấp lo ngại về lạm phát gia tăng đẩy giá vàng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.806,97 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/11/2021 (1.820 USD/ounce); vàng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn New York tăng 0,1% lên 1.810,9 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng 0,1% so với các đồng tiền chủ chốt khác, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2022 để chống lại lạm phát gia tăng. Trong cuộc họp vào đầu tháng 12/2021, Fed đã dự kiến tăng lãi suất chuẩn ba lần trong năm 2022 và ngân hàng trung ương này cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong nỗ lực kiềm chế đà tăng của lạm phát.
Về các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 13,2 US cent (0,57%) lên 23,121 USD/ounce; bạch kim giao tháng 4/2022 tăng 8,8 USD (0,91%) đóng cửa ở mức 979,8 USD/ounce; palladium tăng 1% lên 1.991,18 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (2.019 USD/ounce) lúc đầu phiên giao dịch.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tại Trung Quốc đạt mức cao nhất 1 tháng, được hỗ trợ bởi việc giảm bớt lo ngại về tác động của biến thể Omicron và kỳ vọng sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới. Giá đồng kỳ hạn tháng 2/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 70.450 CNY (11.059,83 USD)/tấn, trong đầu phiên giao dịch giá đồng đạt 70.870 CNY/tấn – cao nhất kể từ ngày 26/11/2021.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc giảm hơn 3%, cùng với đó là giá thép cây và thép cuộn cán nóng cũng giảm, do lo ngại tình trạng dư cung khi các nhà máy thép nối lại hoạt động sản xuất trong những tháng tới. Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 3,4% xuống 674 CNY (105,81 USD)/tấn.
Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 1 USD xuống 126,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 1,5% xuống 4.319 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,8% xuống 4.442 CNY/tấn. Trong khi đó, giá thép không gỉ tăng 0,3% lên 16.905 CNY/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm do hoạt động bán ra chốt lời, bởi sự không chắc chắn về dự báo thời tiết tại khu vực Nam Mỹ, dấy lên mối hoài nghi về nguồn cung toàn cầu.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương giảm 3-1/2 US cent xuống 13,68 USD/bushel, giá ngô giảm 10 US cent xuống 6,04-3/4 USD/bushel và giá lúa mì giảm 20-1/2 US cent xuống 7,83-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,25 US cent tương đương 1,3% xuống 18,96 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 5,1 USD tương đương 1% xuống 498,2 USD/tấn.
Giá cà phê robusta chỉ dưới mức cao nhất 10 năm trong tuần trước đó, do nguồn cung khan hiếm bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn là yếu tố chính hỗ trợ giá. Theo đó, cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 10 USD tương đương 0,4% xuống 2.343 USD/tấn, chỉ dưới mức cao nhất 10 năm (2.381 USD/tấn); cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 1,45 US cent tương đương 0,6% xuống 2,2256 USD/lb.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng hơn 2%, được thúc đẩy bởi số liệu nhà máy tăng mạnh, đồng JPY suy yếu và thị trường Thượng Hải hồi phục sau khi Trung Quốc khẳng định các chính sách linh hoạt trong năm tới, để hỗ trợ tăng trưởng.
Giá cao su kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Osaka tăng 5 JPY tương đương 2,2% lên 234,0 JPY (2 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 385 CNY lên 14.745 CNY (2.314 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg