Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng vượt 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ 2014 do thời tiết ở khắp nước Mỹ chuyển lạnh giá giữa lúc nguồn cung trên thế giới đang eo hẹp.
Kết thúc phiên 3/2, dầu Brent tăng 1,64 USD (1,8%) lên 91,11 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,1 USD (2,3%) lên 90,27 USD/thùng, là lần đầu tiên vượt ngưỡng 90 USD kể từ ngày 6/10/2014.
Giá dầu WTI tăng mạnh về cuối phiên, so với đầu tuần đã tăng khoảng 4% do lo ngại gia tăng về thời tiết lạnh giá kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng khu vực ở Texas, trung tâm sản xuất dầu của Mỹ, làm trầm trọng thêm tình trạng nguồn cung dầu thô vốn đang bị thắt chặt trên toàn cầu.
Giá dầu Brent cũng tăng 17% kể từ đầu năm đến nay và nhiều ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá Brent sẽ đạt 100 USD.
Thời tiết lạnh giá ở Texas bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Hơn 200.000 người dân trên khắp nước Mỹ đã bị mất điện cho đến thời điểm hiện tại do giá lạnh. Bob Yawger, giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của Mizuho, cho biết: “Sự sợ hãi đã nhanh chóng dâng lên tột cùng. Trong những giờ qua, những cuộc nói chuyện về giá dầu tăng đã xảy ra ở khắp nơi”.
Các nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch thúc đẩy sản lượng. Đồng thời, các thương nhân đang theo dõi sát sao tình hình ở Ukraine với tâm trạng lo ngại Nga có kế hoạch xâm lược Ukraina - điều mà Moscow bác bỏ.
OPEC + trong tuần này đã đồng ý duy trì mức tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu lớn muốn gia tăng nguồn cung nhanh hơn.
Một số thành viên OPEC đang chật vật để bơm thêm dầu mặc dù giá đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Iraq đã bơm 4,16 triệu thùng/ngày trong tháng 1, thấp hơn mức giới hạn 4,28 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận OPEC +.
Thị trường cũng đang theo dõi tình hình ở Ukraina, bởi lo ngại rằng nguồn cung năng lượng cho Châu Âu có thể bị gián đoạn nếu xung đột leo thang. Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường của Tradition Energy, cho biết: “Những căng thẳng xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra giữa lúc nhu cầu trên toàn cầu ngày càng tăng mà chúng ta không tăng được nguồn cung đáng kể để đáp ứng”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu thô của nước này trong tuần cuối cùng của tháng 1 đã giảm 1 triệu thùng, trái với kỳ vọng tăng, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm giữa bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo giá dầu có thể sắp quay đầu giảm.
Citigroup Inc. dự báo giá dầu Brent hợp đồng kỳ hạn tháng 12 sẽ giảm do thị trường khi đó sẽ dư thừa. ConocoPhillips cũng cảnh báo rằng các nhà giao dịch nên lo lắng về sự tăng trưởng sản lượng dầu mạnh mẽ ở Mỹ trong năm nay và năm 2023. Giám đốc điều hành của ConocoPhillips, ông Ryan Lance tại một hội nghị đã cho biết sản lượng của Mỹ có thể tăng rất nhanh.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng vững trong bối cảnh USD yếu đi và lợi suất trái phiếu Mỹ mạnh lên.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên 3/2 vững ở 1.806,07 USD/ounce, trước đó lúc đầu phiên giá giảm 1% xuống chỉ 1.787,70 USD khi lợi suất trái phiếu tăng vọt; vàng giao sau giảm nhẹ 0,3% xuống 1.804,10 USD/ounce.
Chỉ số Dollar index giảm 0,7% xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm sau khi triển vọng của Facebook gây làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 1,838%, mức cao nhất trong gần một tuần sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất mạnh mẽ thúc đẩy các nhà đầu tư kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có các động thái tương tự.
Các quan chức Fed đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới để chống lại lạm phát cao.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Vàng một lần nữa bị ảnh hưởng bởi thực tế là các ngân hàng trung ương đang dần đi đến ý tưởng rằng việc thắt chặt tiền tệ sẽ cần thiết để kiểm soát lạm phát”, “Rõ ràng là ngân hàng trung ương Âu đã trở thành ngân hàng trung ương mới nhất thừa nhận đã đánh giá thấp vấn đề lạm phát và thị trường hiện đang dự kiến sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất." Vàng rất nhạy cảm với việc Mỹ tăng lãi suất vì điều đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,9% xuống 22,42 USD/ounce, bạch kim giảm 0,2% xuống 1,031,06 USD và palladium giảm 1,9% xuống 2.325,62 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng ổn định do lượng tồn trữ còn ít và USD yếu đi.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London vững ở mức 9.840 USD/tấn vào cuối phiên, trong phiên có lúc chạm mức thấp 9.720 USD/tấn.
Kỳ nghỉ năm mới của Trung Quốc và Thế vận hội mùa đông có nghĩa là hoạt động sản xuất và nhu cầu ở Trung Quốc đối với kim loại cơ bản sẽ giảm dần, trong khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến nhu cầu của châu Âu giảm."
Lượng đồng lưu kho trên sàn LME hiện ở mức 82.400 tấn, giảm 65% kể từ tháng 8.
Giá nickel phiên này cũng tăng do lượng tồn trữ giảm 65% kể từ tháng 4 năm ngoái, hiện chỉ còn
88.182 tấn. Niken kỳ hạn 3 tháng kết thúc phiên tăng 0,4% lên 22.845 USD/tấn.
Trong số các kim loại khác, nhôm tăng 2% lên 3.047 USD, kẽm giảm nhẹ ở mức 3.607 USD, chì giảm 2% xuống 2.196 USD và thiếc giảm 0,3% xuống 42.915 USD.
Trên thị trường nông sản, giá ngô giảm do lo ngại xuất khẩu sa sút, đậu tương cũng giảm sau một phiên biến động mạnh.
Theo đó, giá ngô giảm từ mức cao nhất trong vòng nhiều tháng do hoạt động bán chốt lời và lo ngai nhu cầu xuất khẩu có thể đi xuống sau khi Trung Quốc hủy đơn mua ngô Mỹ. Trên Sàn giao dịch Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 5-3/4 cent xuống 6,16-3/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân hủy bán 380.000 tấn ngô Mỹ cho Trung Quốc. Việc hủy bỏ theo sau một báo cáo tùy viên được Cơ quan Nông nghiệp nước ngoài của USDA công bố báo cáo dự báo nhập khẩu ngô năm 2021/22 của Trung Quốc ở mức 20 triệu tấn, thấp hơn dự báo chính thức của USDA là 26 triệu tấn.
Các nhà giao dịch tiếp tục công bố dữ liệu hàng tuần cho thấy dự trữ nhiên liệu ethanol làm từ ngô đang tăng của Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thông báo dự trữ ethanol của Mỹ trong tuần gần đây nhất ở mức 25,854 triệu thùng, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Giá lúa mì cũng giảm do dữ liệu xuất khẩu hàng tuần không lạc quan và thiếu thông tin mới hỗ trợ, trong khi giá đậu tương cũng giảm nhẹ sau một phiên giao dịch đầy biến động, với lúa mỳ tháng 3 giảm 3-1/4 cent xuống 7,51-3/4 USD/bushel.
Giá đậu tương giảm do hoạt động bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh trong những ngày qua bởi số liệu xuất khẩu mạnh mẽ và triển vọng sản lượng kém ở Nam Mỹ. Theo đó, đậu tương kỳ hạn tháng 3 giảm 1% xuống 15,44-1/4 USD/bushel, sau khi dao động trong khoảng 15,29 USD đến 15,60 USD.
Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu đậu tương hàng tuần của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27 tháng 1 rất mạnh, đạt 1.977.400 tấn.
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đã giảm xuống mức thấp nhất 3,5 tuần do triển vọng nguồn cung được cải thiện cũng như lo ngại lạm phát gia tăng trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới và làm giảm nhu cầu đường.
Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3 có lúc chạm mức 17,77 US cent/lb, thấp nhất kể từ 10/1, trước khi hồi phục vào cuối phiên và kết thúc ở mức tăng nhẹ 0,06 US cent, tương đương 0,3%, lên 17,99 US cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 3 kết thúc phiên tăng 3,30 USD, hay 0,7%, lên 492,50 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường đang bị ảnh hưởng bởi sản lượng của các nước khác ngoài Brazil diễn biến thuận lợi, mặc dù giá đường khó có thể giảm xuống dưới 17,50 cent trong thời gian tới vì vẫn còn chưa rõ nhà sản xuất hàng đầu Brazil sẽ phục hồi sản lượng được bao nhiêu vụ mùa sắp tới sau giai đoạn thời tiết bất lợi năm ngoái.
Nhà sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, Ấn Độ, đã sản xuất 18,7 triệu tấn chất tạo ngọt trong 4 tháng đầu năm 2021/22, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ cho biết.
Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 5,1 cent, tương đương 2,1%, lên 2,439 USD/lb, là phiên tăng thứ ba liên tiếp, tiến gần hơn tới mức cao nhất 10 năm là 2,50 USD đạt được vào tháng 12 do xuất khẩu từ Brazil – nhà sản xuất arabica hàng đầu thế giới – chậm trong khi lượng cà phê lưu kho trên sàn ICE giảm nhanh.
Các kho dự trữ của ICE giảm tiếp hơn 16.000 bao hôm 3/2, xuống còn 1,13 triệu bao, hướng tới mức thấp nhất trong 20 năm như đã từng xảy ra vào năm 2020.
Cà phê robusta giao tháng 3 cũng tăng 30 USD, tương đương 1,4%, lên 2.234 USD/tấn/tấn, hồi phục mạnh khỏi mức thấp nhất trong ba tháng là 2.161 USD chạm tới hôm thứ Hai (31/1).
Giá cao su tại thị trường Nhật Bản giảm mạnh do các nhà đầu tư bán chốt lời sau đợt tăng liền 4 phiên, trong khi chứng khoán giảm cũng làm xói mòn tâm lý chuộng rủi ro của các nhà đầu tư.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka giảm 6,7 yên, tương đương 2,7%, xuống 241,0 yên (2,1 USD)/kg, là phiên giảm giá mạnh nhất kể từ ngày 20 tháng 12. Hoạt động vẫn thưa thớt vì đang Tết Nguyên đán.
Theo một số thương gia, giá tăng quá nhanh trong những ngày qua đã dẫn đến hoạt động bán chốt lời, và chỉ số chứng khoán Nikkei giảm điểm cũng tác động lên thị trường hàng hóa.
Giá dầu cọ Malaysia giảm song đà giảm được hạn chế bởi quy định mới của Indonesia bắt buộc các nhà sản xuất phải bán 20% sản lượng cho thị trường nội địa.
Theo đó, hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 4 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa, Malaysia, kết thúc phiên giảm 1,23% xuống 5.523 ringgit (1.314,68 USD)/tấn.
Hợp đồng này đã đạt mức cao kỷ lục 5.700 ringgit/tấn vào cuối tháng 1 và dự kiến sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi giá dầu mỏ đang tăng nhanh.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)