Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 3/5 do những lo ngại về nhu cầu gây ra bởi tình trạng phong tỏa dịch COVID-19 kéo dài của Trung Quốc khiến thị trường bỏ qua quan ngại về nguồn cung khi Châu Âu sắp cấm vận dầu thô Nga.
Kết thúc phiên này, dầu Brent giảm 2,61 USD, tương đương 2,4%, xuống 104,97 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,76 USD, tương đương 2,6%, xuống 102,41 USD/thùng.
Thủ đô Bắc Kinh tiếp tục xét nghiệm hàng loạt người dân nhằm ngăn chặn tình trạng phong tỏa tương tự như ở Thượng Hải trong tháng qua. Các nhà hàng ở thủ đô này đã đóng cửa ngừng phục vụ ăn uống, còn một số khu chung cư bị phong tỏa.
Gary Cunningham, Giám đốc Tradition Energy, cho biết có những lo ngại về việc liệu nhu cầu của Trung Quốc, một yếu tố rất lớn trong nhu cầu toàn cầu, có còn tăng mạnh trong năm 2022 hay không. Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang ở mức cao, trong đó giá dầu Brent đã chạm mức 139 USD/thùng trong tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung, vốn đã thúc đẩy một đợt giá tăng.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, trong đó các quan chức cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến sẽ đưa ra các kế hoạch vào ngày 4/5, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay.
Phil Flynn, một nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết giá dầu có thể sẽ tiếp tục biến động khi các nhà giao dịch cân nhắc tác động của việc Trung Quốc đóng cửa đối với các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây và trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm 3-4/5.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đang để mắt đến báo cáo về hàng tồn kho và cung ứng mới nhất của Mỹ. Chín nhà phân tích được Reuters thăm dò ước tính lượng hàng tồn kho của Mỹ đã giảm trung bình 800.000 thùng trong tuần trước. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu về dự trữ dầu mỏ và xăng dầu hàng tuần vào ngày 4/5.
Trái với dầu mỏ, giá khí đốt Mỹ tăng mạnh, tăng 8% lên mức cao nhất hơn 13 năm do triển vọng nhu cầu đối với xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng và dự báo thời tiết nóng hơn bình thường có thể làm tăng nhu cầu sử dụng điều hòa.
Theo đó, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York kết thúc phiên tăng 47,9 US cent, tương đương 6,4%, lên 7,954 USD/mmBTU, lúc đầu phiên có lúc giá đạt 8,169 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 9/2008. Giá khí tự nhiên đạt 36 USD/mmBTU tại châu Âu và 24 USD/mmBTU tại châu Á.
Kể từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tại Mỹ đã tăng hơn 100% do nhu cầu tăng trê toàn cầu kéo nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ đạt gần mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine hôm 24/2/2022. Nga cung cấp 40% lượng khí đốt và 26% lượng dầu nhập khẩu của EU.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD giảm , trong khi các nhà đầu tư dự đoán một đợt tăng lãi suất tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,4% lên 1.870,56 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.849,9 USD/ounce – thấp nhất kể từ ngày 16/2/2022; vàng giao sau tăng 0,4% lên 1.870,6 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 3%, trong khi chỉ số Dollar index giảm 0,3% khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Những người tham gia thị trường dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào 4/5/2022 để kiềm chế lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, số liệu kinh tế vừa công bố đã hạn chế đà tăng của giá vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc kỳ hạn tháng 7 tăng 8,1 US cent, hay 0,36%, lên 22,665 USD/ounce; bạch kim giao cùng kỳ tăng 25,8 USD, hay 2,77%, lên 958,6 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng và nhôm giảm mạnh do số liệu sản xuất giảm, dịch Covid-19 tại Trung Quốc bùng phát và lãi suất tăng, làm dấy lên mối lo ngại nhu cầu kim loại sẽ giảm.
Trên sàn London, giá đồng giao sau 3 tháng giảm 3,4% xuống 9.435 USD/tấn, trong khhi giá nhôm giảm 4,2% xuống 2.925,5 USD/tấn. Như vậy, giá đồng đã giảm 13% kể từ mức cao kỷ lục (10.845 USD/tấn) và hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021; giá nhôm giảm hơn 25% kể từ mức cao đỉnh điểm 4.073,5 USD/tấn và đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.
Hoạt động đóng cửa bởi Covid-19 đã ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Trong khi, Fitch cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 xuống 4,3% từ mức 4,8%.
Hoạt động sản xuất giảm tại Trung Quốc, tăng chậm nhất hơn 1,5 năm tại Mỹ và đình trệ tại khu vực euro zone trong tháng 4/2022.
Cả hai kim loại đã tăng trong năm 2020 và 2021 và đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022, khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra làm dấy lên mối lo ngại nguồn cung.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá kẽm giảm 4,9% xuống 3.905 USD/tấn, nickel giảm 3,1% xuống 30.795 USD/tấn và chì giảm 0,7% xuống 2.245 USD/tấn, trong khi thiếc tăng 0,3% lên 40.395 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ giảm do không chắc chắn về triển vọng nhu cầu bất chấp thời tiết xấu làm trì hoãn tiến độ gieo trồng tại Mỹ.
Theo đó, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn Chicago giảm 10-1/2 US cent xuống 7,93 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 14-3/4 US cent xuống 16,3-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 10 US cent xuống 10,45-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần do xuất khẩu từ Ấn Độ tăng mạnh và giá dầu thô giảm.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,23 US cent tương đương 1,2% xuống 18,62 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 18,59 US cent/lb – thấp nhất kể từ ngày 18/3/2022. Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 10,4 USD tương đương 2% xuống 519 USD/tấn – thấp nhất 6 tuần.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE tăng 2,05 US cent tương đương 0,9% lên 2,1795 USD/lb, sau khi giảm gần 3% trong phiên trước đó; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London tăng 8 USD tương đương 0,4% lên 2.115 USD/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)