Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm bởi USD mạnh lên và những lo ngại ngày càng tăng về số ca mắc COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi lo ngại về tình hình nguồn cung do những lệnh trừng phạt mới mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Đầu phiên giao dịch, giá dầu tăng hơn 2 USD/thùng sau khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn đang thảo luận về việc phối hợp giải phóng dự trữ dầu chứ không phải đã thỏa thuận xong như thông tin mà nhiều nhà giao dịch thông báo. Sau đó. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá đảo chiều giảm khi USD tăng mạnh mẽ và lo ngại về nhu cầu gia tăng sau khi các nhà chức trách ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - Trung Quốc - mở rộng các vùng phong tỏa ở Thượng Hải với diện tích bao trùm toàn bộ 26 triệu dân của trung tâm tài chính.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 89 cent, tương đương 0,8% xuống 106,64 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ (Mỹ) giảm 1,32 USD, tương đương 1,3% xuống 101,96 USD.
Đồng USD đã mạnh lên phiên thứ tư liên tiếp, leo lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 so với một rổ tiền tệ chính khác. Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan tới tình hình ở Ukraine, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than của EU.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết lệnh cấm nhập khẩu than đá sẽ được áp đặt sau lệnh lệnh cấm nhập khẩu dầu, sau đó là khí đốt.
Để hạ nhiệt giá dầu, tuần trước, các nước đồng minh của Mỹ đã đồng ý phối hợp giải phóng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược lần thứ hai trong tháng. Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng kỳ hạn thuộc Mizuho cho biết việc Mỹ lên kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược đã giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá dầu thô kỳ hạn hiện tại và sau này. Yawger lưu ý rằng hợp đồng dầu WTI giao kỳ hạn sẽ giảm dần ít nhất 1 USD/thùng mỗi tháng so với tháng trước đó cho đến tháng 10/2022.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố báo cáo chính thức về dự trữ dầu mỏ hàng tuần của nước này vào lúc 10:30 AM EDT ngày 6/4 (khoảng 21 giờ 30 phút ngày 6/4 theo giờ Việt Nam).
Những lo ngại về nguồn cung tại một số nước trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi OPEC+, trong đó có Iraq và Kazakhstan, cũng hỗ trợ giá dầu.
Sản lượng dầu và khí đốt ngưng tụ hàng ngày của Nga, thành viên OPEC+, vào đầu tháng 4/2022 đã giảm 4% so với tháng 3/2022.
Những lệnh trừng phạt mới đối với Nga gây lo ngại sẽ thiếu cung xăng dầu nghiêm trọng trên thị trường thế giới, đẩy giá xăng tại Mỹ tăng mạnh trwor lại.
Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), mức giá trung bình cho một gallon xăng, tương đương gần 3,8 lít, ở Mỹ ngày 5/4 là 4,17 USD. Các bang có giá xăng cao nhất chủ yếu tập trung ở bờ biển phía Đông và bờ biển phía Tây, trong khi hai bang Alaska và Hawaii cũng xếp gần đầu danh sách. Trong đó, 5 bang hiện có giá xăng trung bình cao nhất cả nước lần lượt là: California là 5,83 USD/ gallon; Hawaii 5,46 USD/gallon; Nevada là 5,17 USD/gallon; Alaska là 4,71 USD; và Washington là 4,70 California. Đáng chú ý, tại khu vực San Bernardino thuộc bang California, giá xăng trung bình hiện lên tới khoảng 5,91 USD/gallon.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc của Chính phủ Mỹ tăng và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, đà giảm giá vàng cũng được hạn chế bởi nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn ở vàng miếng vẫn cao trong bối cảnh phương Tây có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.921,47 USD/ounce; vàng kỳ hạn tương lai giảm 0,3% xuống 1.927,50 USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng sau khi Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết bà kỳ vọng việc tăng lãi suất có phương pháp và giảm nhanh bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương sẽ đưa chính sách tiền tệ của Mỹ về "vị trí trung lập hơn" vào cuối năm nay.
Bà Brainard cho rằng lạm phát tại Mỹ đang quá cao và có thể còn tăng cao hơn nữa, đòi hỏi việc tiếp tục tăng lãi suất và thu hẹp bản cân đối kế toán.
David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High cho biết, kỳ vọng Fed sẽ mạnh tay hơn một chút trong việc chống lại áp lực lạm phát đang đè nặng lên vàng, bởi lãi suất của Mỹ tăng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lợi.
Đồng USD tăng giá cũng làm hạn chế sự thèm muốn vàng của người mua ở nước ngoài.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc OANDA cho biết: “Rủi ro địa chính trị có thể sẽ là động lực chính trong ngắn hạn và điều đó sẽ giúp vàng mở rộng phạm vi giao dịch (1.900 - 1.950 USD), bạn có thể thấy giá thậm chí lên tới 1.975 USD”.
Nhưng diễn biến giá cũng có thể bị ảnh hưởng bởi biên bản cuộc họp chính sách của Fed, sẽ được công bố vào thứ Tư, qua đó nhà đầu tư có thể tìm ra manh mối về quỹ đạo của việc tăng lãi suất.
Các chỉ số chứng khoán Phố Wall đã giảm sau những bình luận của bà Brainard, khiến các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng của các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 24,30 USD/ounce, bạch kim giảm 1,9% xuống 968,09 USD và palladium giảm 1,8% xuống 2.234,57 đô la.
Standard Charted đã hạ dự báo giá palladium năm 2022 xuống 2.270 USD/ounce, từ mức 2.763 USD dự báo trước đây.
Trong khi những lo ngại về nguồn cung và sự gián đoạn có thể xảy ra ở Nam Phi dự kiến sẽ giữ cho thị trường palladium tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, nhưng tổn thất về nhu cầu có thể gây áp lực giảm giá lên thị trường vào cuối năm nay, Standard Charted cho biết.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tuần do sản lượng của Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, sụt giảm và áp lực về các lệnh trừng phạt đối với Nga – một nhà sản xuất đồng lớn khác, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung, mặc dù kim loại công nghiệp không nằm trong danh sách trừng phạt mới. Nga đã sản xuất khoảng 3,5% lượng đồng tinh luyện của thế giới vào năm ngoái.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc phiên giảm 0,5% so với phiên trước, xuống 10.414 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 10.580 USD/tấn, không xa mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn vào tháng trước.
Kim loại được sử dụng trong điện và xây dựng này đã tăng khoảng 7% trong năm nay sau khi tăng khoảng 25% trong năm 2020 và 2021.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Sản lượng đồng của Chile đã ở mức thấp đến khó tin trong tháng Hai, song lưu ý sự gia tăng chi phí mà các nhà máy luyện quặng đang tính toán cho thấy nguồn cung vẫn ở mức hợp lý, do đó giá sẽ vẫn ở mức cao hoặc tăng hơn nữa trước khi giảm vào cuối năm.
Chính phủ Chile cho biết sản lượng đồng của nước này giảm 7,5% trong tháng 2 xuống còn 394.700 tấn.
Giá kẽm phiên này giảm 1,8% xuống 4.289 USD/tấn nhưng tăng khoảng 20% trong năm nay sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng Ba.
Lượng kẽm lưu kho của sàn LME giảm xuống còn 64.025 tấn từ mức 130.000 tấn vào giữa tháng 3, làm nổi bật lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung. Một số nhà máy luyện kim ở châu Âu đã phải cắt giảm sản lượng do sức ép giá điện cao.
Về những kim loại công nghiệp khác, giá nhôm trên sàn LME kết thúc phiên tăng 0,2% lên 3,454 USD/tấn, nickel tăng 0,8% lên 33,520 USD, chì tăng 0,5% lên 2,425 USD và thiếc giảm 0,7% ở 43,850 USD.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ tăng do dữ liệu cho thấy tình hình gieo trồng ở Mỹ không khả quan, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng giữa Nga và Ukraine – hai nước xuất khẩu lúa mì chủ chốt. Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng 35 US cent lên 10,45-1/4 USD/bushel.
Giá ngô và đậu tương phiên này cũng tăng do nông dân Mỹ đang cân nhắc về quyết định gieo trồng vụ này, khi mà thời điểm gieo trồng sắp kết thúc. Theo đó, giá ngô tăng 9-1/4 cent lên 7,59-3/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương tăng 28-3/4 cent lên 16,31 USD/bushel.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chỉ 30% vụ lúa mì mùa đông của Mỹ từ tốt đến xuất sắc, thấp hơn 10 điểm so với kỳ vọng của các nhà phân tích, làm nổi bật rủi ro về ảnh hưởng của hạn hán đối với nhiều diện tích trồng lúa mì ở Mỹ.
Giá dầu cọ Malaysia tăng gần 4%, mức tăng mạnh nhất trong vòng gần 1 tháng, do lo ngại về những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine có thể khiến nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu khan hiếm trở lại.
Theo đó, dầu cọ kỳ hạn tháng 6 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 218 ringgit, tương đương 3,83% lên 5.910 ringgit (1.385,71 USD)/tấn. Giá đậu tương Chicago kỳ hạn cũng tăng do nguồn cung toàn cầu không chắc chắn, sau khi công ty tư vấn Strategie Grains hôm thứ Hai cho biết việc ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu thực vật của Ukraine có thể tiếp tục cho đến tháng Sáu, làm dấy lên hy vọng rằng các quốc gia châu Âu sẽ chuyển sang sử dụng dầu cọ để thay thế cho các loại dầu hướng dương và hạt cải dầu.
Xuất khẩu dầu cọ Malaysia từ ngày 1-5 tháng 4 giảm 45% xuống 107.980 tấn so với cùng tuần trong tháng 3, công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services cho biết.
Giá đường cũng tăng lên mức cao mới, cao nhất trong vòng 1 tháng, do đồng real Brazil tăng lên mức cao nhất 2 năm so với USD cản trở các nhà xuất khẩu của nước này vì khiến hàng xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ hơn. Giá đường thô giao tháng 5 tăng 0,04 cent, tương đương 0,2%, lên 19,65 cent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm mức cao nhất trong 4 tuần là 19,81 cent; đường trắng cũng giao tháng 5 tăng 3,90 USD hay 0,7% lên 544,60 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá dầu thô cao và đồng real tăng giá tiếp tục khiến sản xuất ethanol ở Brazil trở nên cạnh tranh hơn so với đường, cho thấy một tỷ lệ lớn mía sẽ được sử dụng để sản xuất ethanol khi vụ ép 2022/23 được tiến hành.
Tuy nhiên, nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn là Ấn Độ và Thái Lan đang cải thiện từng ngày và dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong mùa vụ tới. Thái Lan dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu tấn đường trong năm sản xuất 2021/22, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, một cơ quan nhà máy đường Thái Lan cho biết.
Giá cà phê arabica phiên này cũng tăng 0,7 cent, tương đương 0,3%, lên 2,313 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong 4 tuần là 2,3225 USD, với hoạt động giao dịch hàng thực mạnh mẽ; cà phê robusta giao tháng 7 giảm 12 USD, tương đương 0,6% xuống 2.110 USD/tấn.
Tuy nhiên, các đại lý lưu ý rằng xuất khẩu hiện tại từ Brazil có vẻ khá thuận lợi do tình trạng tắc nghẽn hậu cần đã giảm bớt, trong khi dự trữ arabica có chứng nhận trên sàn ICE hiện đã ổn định ở mức khoảng 1,1 triệu bao. Hiệp hội các nhà xuất khẩu của Brazil, Cecafe sẽ công bố dữ liệu tháng 3 vào thứ Hai tới.
Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản tăng phiên thứ năm liên tiếp do giá cao su nguyên liệu ổn định và đồng yên yếu đi.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn Osaka tăng 0,6 yên, tương đương 0,2%, lên 270,4 yên (2,20 USD)/kg.
"Giá nguyên liệu tại Thái Lan đang nhích lên ngày càng cao ... đầu ra nguyên liệu không quá tốt vào thời điểm hiện tại", một thương nhân Singapore cho biết, và thêm rằng lũ lụt ở một số tỉnh phía Nam Thái Lan sẽ ảnh hưởng đến sản lượng.
Giá cao su Thái Lan chạm mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 3, là 53,60 baht (1,61 USD)/kg trong phiên vừa qua. Đồng đô la được giao dịch ở mức 122,85 JPY, so với 122,65 yên của ngày hôm trước. Đồng yen yếu đi làm cho các tài sản tính bằng yen có giá phải chăng hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.
Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Singapore phiên này giảm 0,4% xuống 176,3 US cent/kg, giảm 0,4%.