Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do các nhà giao dịch không biết chắc liệu khu vực đồng euro có thể trừng phạt một cách hiệu quả hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga hay không. Tính từ đầu tuần đến thời điểm hiện tại, giá giảm bởi các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ phối hợp giải phóng một lượng dầu lớn từ kho dự trữ dầu mỏ.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 7/4 giảm 49 cent, tương đương 0,5%, xuống 100,58 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 20 cent, tương đương 0,6%, xuống 96,03 USD/thùng. Phiên trước đó, cả hai loại đã giảm hơn 5% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3.
Giá dầu cũng bị áp lực bởi lo ngại rằng việc phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi nhu cầu dầu.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, nói tại cuộc họp NATO rằng các biện pháp mới của EU, bao gồm lệnh cấm đối với than của Nga, có thể được thông qua vào thứ Năm hoặc thứ Sáu và khối sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu mỏ tiếp theo. Tuy nhiên, lệnh cấm than sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ giữa tháng 8, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, nhiều đợt bùng phát dịch virus đã khiến diện tích phong tỏa ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất, ngày càng mở rộng.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Tình hình nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc không thực sự tốt, đặc biệt là khi chúng tôi có quá nhiều nguồn cung mới trên thị trường”.
Hôm 6/4, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhất trí giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ để giúp giảm giá nhiên liệu. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật đưa tin, nước này cũng sẽ giải phóng 15 triệu thùng dầu từ các nguồn dự trữ của nhà nước và tư nhân, phối hợp với IEA.
"Mặc dù đây là đợt xuất kho dự trữ lớn nhất kể từ đợt xuất gần đây vào năm 1980, nhưng cuối cùng điều đó sẽ không thể thay đổi các nguyên tắc cơ bản trong thị trường dầu", ngân hàng ANZ cho biết. Theo ANZ, việc xuất kho dự trữ có thể sẽ làm trì hoãn việc tăng sản lượng hơn nữa từ các nhà sản xuất và có thể giúp OPEC + ‘dễ thở’ trước khi cần tăng sản lượng hơn nữa".
Ngân hàng Commerzbank cho biết: “Với số lượng này, những lo ngại trước đây về nguồn cung thắt chặt không còn hợp lý nữa, điều đó cũng có thể được nhận thấy khi nhìn vào xu hướng giá”, đồng thời lưu ý rằng giá dầu Brent đã giảm khoảng 12 USD/thùng kể từ khi Mỹ công bố thông tin đầu tiên vào tuần trước.
Giá khí đốt Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu trên toàn cầu cao kỷ lục đối với xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Các nhà giao dịch cũng lưu ý rằng lượng hàng xuất ra từ các kho dự trữ lớn hơn dự kiến, trong khi số liệu sơ bộ cho thấy sản lượng sụt giảm, và dự báo về nhu cầu nhiều ở Mỹ trong hai tuần tới sẽ cao hơn so với những dự đoán trước đây.
Hợp đồng khí đốt Mỹ giao tháng 5 phiên vừa qua tăng 33,0 cent, tương đương 5,5%, lên mức 6,359 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12 năm 2008.
Giá than kỳ hạn tương lai tại châu Âu đang không ngừng tăng, vượt 300 USD/tấn sau khi Ủy ban châu Âu thông báo lệnh cấm nhập khẩu than của Nga. Theo đó, giá than API2 tại Rotterdam – tham chiếu cho thị trường than châu Âu – tăng 4,5% trong ngày thứ Tư (6/4) so với phiên liền trước, lên 303 USD/tấn, sau khi đã tăng vọt 12,5% trong ngày 5/4. Giá than kỳ hạn tháng 5 và 6/2022 lần lượt đạt 325 USD/tấn và 323 USD/tấn.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng khi lo ngại về chi phí gia tăng củng cố sức hấp dẫn của kim loại quý này như một “hàng rào” phòng ngừa lạm phát và một kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, lập trường chính sách tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạn chế đà tăng của giá vàng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,5% lên 1.934,69 USD/ounce; vàng giao tháng 6 tăng 0,8% lên 1.937,80 USD.
Cũng trong phiên 7/4, Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - trượt khỏi mức cao nhất gần hai năm chạm được hồi đầu phiên. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ duy trì gần mức cao nhất trong nhiều năm đạt được hôm 6/4.
Ông Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao của chuyên trang về thị trường kim loại quý Kitco Metals, nhận định giá vàng sẽ hưởng lợi khá lớn một khi nỗi lo về lạm phát bắt đầu “nóng” trở lại, ngay cả khi kim loại quý này đối mặt với xu hướng “mạnh tay” thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.
Biên bản cuộc họp tháng Ba của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách có mối quan ngại ngày một sâu sắc hơn rằng lạm phát đã mở rộng khắp nền kinh tế. Điều đó khiến nhiều quan chức Fed đồng ý chuẩn bị cho việc điều chỉnh lãi suất với mức tăng 50 điểm cơ bản trong vài cuộc họp tới, sau khi đã tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Ba vừa qua.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,6% lên 24,58 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,9% lên 961,53 USD/ounce; palladium tăng 3,7% lên khoảng 2.278 USD.
Miguel Perez-Santalla, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và tiếp thị của Heraeus Metals Management ở New York, cho biết: “Palladium đã biến động rất mạnh”. Nga sản xuất 25% -30% nguồn cung cấp palladium trên thế giới, một kim loại được các nhà sản xuất ô tô sử dụng trong khí thải động cơ để giảm lượng khí thải.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại cơ bản đồng loạt giảm do lo ngại rằng việc phong tỏa rộng và kéo dài ở Trung Quốc và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu kim loại.
Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần ba tuần. Cụ thể, nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London đã giảm 1,4% xuống còn 3.393 USD lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/3.
Chuyên gia tư vấn độc lập Robin Bhar cho biết: "Có rất nhiều khó khăn đối với thị trường kim loại. Các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đang gây rắc rối và biên bản của Fed cho thấy họ khá quyết liệt trong việc siết chặt tiền tệ, và đồng USD đã phản ứng với điều đó".
"Xung đột ở Ukraine sẽ có một số tác động đến nhu cầu và cũng tác động đến tăng trưởng toàn cầu", ông nói.
Trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc gần như chìm trong im lặng sau khi thành phố áp đặt các hạn chế đi lại khắc nghiệt để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Hợp đồng nhôm giao tháng 5 giao dịch trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 3,5% xuống 21.815 nhân dân tệ (3.429,98 USD)/tấn.
Dự trữ nhôm tại Trung Quốc, kim loại được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, vận tải và hàng tiêu dùng, đã tăng 47% kể từ cuối tháng 1 lên 1,05 triệu tấn.
Xuất khẩu thiếc tinh luyện của Indonesia trong tháng 3 ở mức 6.674,91 tấn, tăng 10,45% so với một năm trước đó, dữ liệu của Bộ Thương mại nước này cho thấy.
Về các kim loại khác, giá nickel tăng 1,1% lên 33.820 USD/tấn, nhưng đồng giảm 0,2% xuống 10.282,50 USD, kẽm giảm 2,4% xuống 4.170 USD, chì giảm 1,6% xuống 2.374 USD và thiếc giảm 0,8% xuống 43.520 USD.
Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm do nhu cầu ở hạ nguồn vẫn chậm chạp trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới diễn biến phức tạp và giá quặng sắt giảm.
Tiêu thụ thép trong tháng 3 và tháng 4, mùa cao điểm truyền thống ở Trung Quốc, năm nay chậm do đại dịch làm gián đoạn các hoạt động công nghiệp.
Nhu cầu 5 sản phẩm thép chính, bao gồm thép cây, thép cuộn, thép cuộn cán nóng và các loại khác, đã giảm 3% trong tuần này so với tuần trước đó, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu sản xuất và tồn kho do công ty tư vấn Mysteel công bố.
Giá thép thanh vằn, được sử dụng làm vật liệu xây dựng, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 10 giảm 1,2% xuống 5.070 nhân dân tệ (797,16 USD)/tấn vào lúc đóng cửa.
Thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong ô tô và thiết bị gia dụng, giảm 1% xuống 5.228 nhân dân tệ/tấn. Hiệp hội công nghiệp ô tô của nước này dự kiến doanh số bán ô tô của Trung Quốc sẽ giảm 11% trong tháng 3 hàng năm.
Giá thép không gỉ giao tháng 5 cũng giảm 0,8% xuống 20.365 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép giảm cũng do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên.
Giá quặng sắt kỳ hạn giao tháng 9 có lúc giảm tới 3,9% xuống 892 nhân dân tệ/tấn, đảo ngược xu hướng tăng hơn 4% ở phiên liền trước phiên trước. Kết thúc phiên, giá quặng sắt vẫn giảm 3% xuống 900 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng do sản lượng đậu tương ở khu vực Nam Mỹ bị ảnh hưởng, trong khi doanh số xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ không ổn định.
Giá lúa mì và ngô dao động trong phiên này trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra báo cáo về cung - cầu toàn cầu hàng tháng, vào thứ Sáu (8/4), dự kiến sẽ phản ánh tác động tiềm tàng của cuộc chiến ở Ukraine và xu hướng trồng trọt ở Mỹ.
Hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất đã tăng giá thêm 26 US cent lên 16,45-1/2 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 5 tăng thêm 1-1/4 US cent lên 7,57-3/4 USD/bushel, trong khi ngô vụ mới (giao tháng 12) tăng 4-1/4 US cent lên 7,09 USD. Giá lúa mì phiên này giảm 15-1/2 cent xuống 10,25-1/4 USD/bushel.
Sản lượng đậu tương của Nam Mỹ tiếp tục bị suy giảm sau khi khu vực này bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thời tiết lúc đầu mùa trồng trọt. CONAB của Brazil đã hạ mức ước tính sản lượng đậu tương của mình xuống còn 122,431 triệu tấn so với dự báo trước đó là 125,471 triệu tấn, cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương từ 80,1 triệu xuống 77 triệu tấn.
Các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán 1,099 triệu tấn đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 31 tháng 3, phù hợp với ước tính của các nhà kinh doanh và giảm gần 40% so với tuần trước đó và cùng tuần năm ngoái.
Giá đường thô kỳ hạn tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng rưỡi do ảnh hưởng từ xu hướng chung của thị trường năng lượng và vụ thu hoạch ở Brazil diễn ra chậm chạp.
Giá đường thô trên sàn New York tăng 0,25%, tương đương 1,3%, lên 19,84 cent/lb vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trong phiên có lúc leo lên mức cao 20,04 cent; đường trắng giao tháng 5 phiên này cũng tăng 3,10 USD, hay 0,6%, lên 548,70 USD/tấn.
Các đại lý cho biết giá năng lượng tăng là yếu tố chính hỗ trợ giá đường, bởi việc giá ethanol ở Brazil cao như hiện nay có thể dẫn đến việc các nhà máy sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất nhiên liệu sinh học, và hạn chế sản lượng đường.
Giá cà phê robusta giao tháng 7 giảm 24 USD, tương đương 1,1%, xuống 2.066 USD/tấn, mức thấp nhất trong ba tuần; cà phê arabica giao tháng 5 giảm 1,45%, tương đương 0,6%, ở mức 2,2615 USD/lb. 
Việt Nam đã xuất khẩu 581.693 tấn cà phê trong quý I, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Cà phê arabica giao tháng 5 giảm 1,45%, tương đương 0,6%, ở mức 2,2615 USD/lb.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá ở Thượng Hải, giữa bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm nay sẽ tăng trưởng chậm lại.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 6,3 yên, tương đương 2,4%, xuống 260,6 yên (2,11 USD)/kg, mức giảm hàng ngày nhiều nhất kể từ ngày 8 tháng 3.
Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng cao su giao tháng 9 giảm 340 nhân dân tệ xuống 13.555 nhân dân tệ (2.131,46 USD)/tấn lúc đóng cửa. Đầu phiên, hợp đồng này thậm chí giảm 2,7%, đánh dấu mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ ngày 22 tháng 10.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)